Trung Hiếu bình yên trong mắt bão

Trung Hiếu bình yên trong mắt bão
Nếu phải dùng một từ chính xác nhất để mô tả về Trung Hiếu, có lẽ đó sẽ là ""ông cụ non”. Bề ngoài, Hiếu trẻ hơn tuổi 35 của mình, nhưng từ cách nói chuyện, cách nghĩ và cả những sở thích thì lại “già đau già đớn”.
Trung Hiếu bình yên trong mắt bão ảnh 1
Nghệ sĩ Trung Hiếu

Giống như một cái giếng nước trong xanh, người ta có thể vừa nhìn thấy cái bóng của mình ở trong đó. Rất gần. Nhưng cũng có thể nhìn thấy cả con trăng tròn vành vạnh nơi đáy giếng. Đôi khi người ta tưởng như có thể chạm vào được ánh trăng nơi đáy giếng nhưng khi thử dùng một chiếc gàu để múc gọn con trăng đó, người ta sẽ chẳng bao giờ chạm đáy.

Khối rubic đa chiều

Cuộc đời nghệ thuật của Hiếu giống như một hành trình thẳng băng tít tắp. Nó không có sự gập ghềnh của con đường núi, cũng không có những ổ gà xóc tung óc người ngồi trên xe. Nhưng trên con đường đó vẫn có những trạm dừng, có cái cổ kính, có cái hiện đại và cũng có những cái phá cách để cho người ta phải nhớ. Hiếu là người may mắn khi tham gia vào hành trình ấy.

Học chuyên toán, Hiếu thi đại học và đỗ vào cả ba trường: Luật, Kinh tế và Bách khoa. Trường thứ 4 (Sân khấu - Diện ảnh) chỉ “thi cho vui” trong khi chờ kết quả 3 trường kia, Hiếu đỗ nốt. Thời gian đi học “năng khiếu” trong trường Hiếu cũng thấy vui. Bạn bè của bố mẹ khuyên: “Nhà có ba thằng con trai, thằng học Bách khoa, thằng học Hàng hải rồi, thôi thằng út làm nghệ sĩ theo nghề bố mẹ”. Hiếu gật đầu cái rụp và trở thành sinh viên của lớp diễn viên.

Đang học năm thứ hai, đạo diễn Bạch Diệp làm phim Hoa ban đỏ và vào các trường nghệ thuật chọn diễn viên, Hiếu được chọn vào vai nhân vật Bảy, một thanh niên cùng độ tuổi với Hiếu lúc bấy giờ. Vai diễn đầu đời bao giờ cũng để lại nhiều kỷ niệm đối với một diễn viên. Cảnh của Hiếu lại là cảnh khai máy cho Hoa ban đỏ. Lần đầu tiên đứng trước ống kính với êkip hàng trăm người đứng bao quanh khiến đôi chân Hiếu tưởng chừng không vững.

Nhưng rồi những tiếng nổ của bom đạn, khói lửa, tiếng người la hét giống như liều thuốc kích thích giúp Hiếu chiến thắng nỗi sợ và quên đi tất cả mọi thứ để diễn. Số tiền cat-sê 5 triệu đồng vào thời điểm năm 1993 là cả gia tài đối với một cậu sinh viên.

Vai diễn đầu đời lại là vai diễn điện ảnh hoành tráng trong một bộ phim hoành tráng (với số tiền đầu tư mà ngay cả các hãng phim tư nhân của Việt Nam hiện nay cũng phải mơ ước) đã mở ra con đường thênh thang cho Hiếu đến với điện ảnh.

Từ đó tới nay gia tài của Hiếu có đến mấy chục phim truyền hình, hơn chục bộ phim điện ảnh và đều đặn như vắt chanh, mỗi năm từ 2 - 3 vở kịch. Ở mỗi “trạm dừng” trên con đường ấy, Hiếu đều để lại những dấu ấn nhất định của mình.

Khán giả nhớ đến một Trung Hiếu hiền lành, thật thà chất phác trong những bộ phim nói về thanh niên nông thôn như Lập nghiệp, Đồng quê xào xạc và hàng loạt bộ phim rải thảm trên truyền hình lúc bấy giờ khiến Hiếu bị đóng đinh vào những nhân vật ấy. Diễn nhiều đến nỗi lần nào lên nhà bạn ở Lạng Sơn chơi, ra chợ Đông Kinh, Hiếu cũng bị bà con... xoa đầu và được bán rẻ hàng điện tử Trung Quốc.

Quay ngoắt 180 độ, Hiếu vào vai Khang trong bộ phim truyền hình Đường đời - nhân vật sau đó được báo giới bầu chọn là “đáng ghét” nhất trong năm. Trong vai diễn này Hiếu hoàn toàn thay đổi hình ảnh của mình. Những người đã quen với hình ảnh Trung Hiếu ngoài đời và trong các bộ phim trước đó đều choáng váng trước sự đê tiện, bỉ ổi, xảo trá, tráo trở của nhân vật Khang.

Diễn đạt đến mức những bà con trước kia từng xoa đầu Hiếu trên chợ Đông Kinh “từ mặt” và thề không bán hàng cho thằng Khang “mất dạy”. Có lần Hiếu đi uống bia với bạn bè, có một khán giả đến mời bia và đề nghị cho “đấm một phát” để đỡ ức.

Sau đó, Hiếu nhận được nhiều vai phản diện cả trong phim lẫn kịch. Còn những nhân vật kiểu cũ, tuyệt nhiên không thấy đạo diễn nào tìm đến Hiếu. Thành công xuất sắc với Khang trong Đường đời, tướng cướp Bạch Đàn trong phim Lời sám hối muộn màng nhưng phải đến vở kịch Đứa con bị đánh cắp của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Hiếu mới thể hiện sự đa chiều trong diễn xuất của mình.

Trong cùng một vở diễn, Hiếu vào vai hai anh em sinh đôi: Một hiền lành, tử tế; một bát nháo, xấc xược và vai nào cũng “ngọt” như nhau. Vở diễn được công chúng đánh giá cao và khán giả đến xem kín rạp khi công diễn ở TPHCM.

Hiếu là người lồng tiếng trong tất cả các bộ phim mình tham gia. Nhưng ít người biết Hiếu còn tham gia lồng tiếng đến 2/3 các bộ phim truyền hình ở miền Bắc.

Khán giả khó mà quên được chất giọng lè nhè, nhừa nhựa của nhân vật Chu Văn Quyềnh trong phim Đất và người. Câu “thường thôi” nhão nhớt rất đặc trưng của nhân vật này sau đó trở thành câu nói cửa miệng xuất hiện với tần suất dày đặc trong các... quán nhậu.

Bình yên nơi mắt bão

35 tuổi, Hiếu có một “gia tài” khổng lồ các vai diễn, trong số đó có không ít vai diễn để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Hiếu cũng mới được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn kịch 1 của Nhà hát Kịch Hà Nội. Là nghệ sĩ nhưng cuộc sống cá nhân của Hiếu lại bình yên hơn cả một công chức. Hiếu là con út trong một gia đình hạnh phúc viên mãn. Con đường sự nghiệp thẳng băng, không chông gai, không sóng gió.

Một cuộc sống quá suôn sẻ như thế hoặc sẽ khiến con người ta trở nên nhạt nhẽo, hoặc sẽ có những con sóng ngầm ẩn nấp đằng sau sự bình yên ấy. Những con sóng ngầm khiến người ta suy nghĩ, trăn trở rất nhiều nhưng lại không thể chia sẻ cùng ai và lúc nào anh ta cũng phải tìm kiếm chính mình.

Người ngoài sẽ băn khoăn: Anh đã có tất cả rồi, vậy anh còn tìm kiếm cái gì nữa? Một cuộc sống ổn định chẳng thể đảm bảo một sự tĩnh lặng của tâm hồn, đặc biệt đối với những người nghệ sĩ. Với Hiếu, sự trăn trở đó là cần thiết, nó giúp ích cho Hiếu nhiều hơn khi sống với những vai diễn đa chiều của mình.

Hiếu có nhiều bạn bè cả trong và ngoài giới nghệ sĩ nhưng ít khi chia sẻ cùng ai những chuyện riêng tư. Hiếu thích giữ những cảm giác cho riêng mình và sống chung với nó. Không chia sẻ cùng ai, người ta sẽ rất dễ rơi vào tâm trạng cô đơn ngay cả giữa chốn đông người. Để vượt qua những khoảnh khắc cô đơn ấy, Hiếu tìm đến thư pháp để tự cân bằng bản thân mình. Những con chữ có thể giải tỏa được tất cả những tâm trạng ấy.

Trước đây, Hiếu tham gia Câu lạc bộ thư pháp Hà Nội và cũng từng là một ông đồ có tiếng viết chữ đẹp trong giới chơi thư pháp, nhưng thời gian này Hiếu thường tự viết chữ một mình ở nhà trong những lúc tĩnh tâm.

Nhiều người thờ chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn. Còn Hiếu thích chữ Du trong từ “lãng du” bởi Hiếu quan niệm rằng cuộc đời là một cuộc dạo chơi, một cuộc lãng du.

Với Hiếu, điện ảnh, sân khấu cũng thế. Lúc nào Hiếu cũng nghĩ mình là một kẻ lãng du rong chơi trong thế giới ấy, nhưng “nghề chơi cũng lắm công phu” và không có nghĩa rằng mình không hết lòng, tận dạ với nó.

Trong cuộc dạo chơi ấy, Hiếu còn có những sở thích khác nữa. Đó là thói quen mượn ống kính của bố mẹ, xách máy đi ngao du và chụp ảnh phong cảnh, vẽ chân dung sơn dầu. Tất cả những thứ đó Hiếu giữ cho riêng mình, không làm màu, không khoa trương.

Thời gian tới Hiếu sẽ lại xuất hiện nhiều trong các bộ phim truyền hình. Tết này, Trung Hiếu vào vai anh Chí và “cặp” với Thị Nở Thúy Nga trong bộ phim Giấc mơ của Chí Phèo của đạo diễn Đông Hồng.

Mải mê với những cuộc rong chơi của mình cho tới tận giờ này, kẻ lãng du tham lam ấy vẫn còn đang một mình và toét miệng cười trừ mỗi khi bố mẹ và bạn bè “nhắc nhở” cưới vợ. Đằng sau nụ cười vô ưu ấy, có thể là mắt bão...

Theo Tuấn Ngọc
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.