Trung Quốc: Giới kinh doanh đã hại văn học trẻ

Trung Quốc: Giới kinh doanh đã hại văn học trẻ
Chủ nhiệm NXB Nhân Dân Thượng Hải nhận định: “Do các NXB và giới kinh doanh sách “ép lúa non”. Những nhà văn thế hệ 8X sau này, nói thẳng ra, đều là lao động thể lực, chỉ làm công việc là điền vào những tình tiết có sẵn"...

Trung Quốc báo động về tỉ lệ xuất bản sách văn học trẻ thuộc thế hệ 8X đang xuống thấp một cách bất ngờ. Và đằng sau những con số, đã nhìn thấy một thực trạng đáng lo ngại.

Theo thống kê, sách văn học trẻ xếp hạng trong mảng sách văn học Trung Quốc hằng năm như sau: trước năm 2004, cứ 15 đầu sách chiếm 9; năm 2005 thì 20 đầu sách chiếm 8, đến giữa năm 2006, trong số 10 đầu sách chỉ chiếm có 2.

Một bảng điều tra khác cho biết năm 2004 là thời kỳ đỉnh cao của văn học trẻ, những tác giả thế hệ 8X chiếm gần 300-400 người, nhưng đến năm 2006 con số những nhà văn thuộc thế hệ 8X chỉ còn 30-40 người, giảm đến 90%.

Trước hiện tượng này, giới xuất bản đưa ra một nhận định đáng kinh ngạc: văn học trẻ thành danh nhờ giới kinh doanh sách, bại cũng vì giới kinh doanh sách.

Trong 20 người nhận giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học ý tưởng mới thì Hàn Hàn đã chuyển sang đua xe, rồi ra đĩa nhạc; Triệu Đình Đình chuyển sang kinh doanh phần mềm, hiện giờ phụ trách một tờ báo mạng; Trần Giai Dũng thì chuyển sang phụ trách tiết mục của kênh truyền hình Đông Phương; Hứa Nhân Kiệt sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa đã theo đuổi nghề luật sư...

Ông Tang Vĩnh Thanh, phó chủ nhiệm Nhà xuất bản (NXB) Trung Tín, cho rằng:

“Chính NXB và giới kinh doanh sách đã hại những nhà văn thế hệ 8X, tính thương mại quá độ đã bao bọc và bóp chết khả năng hiểu biết của một bộ phận những nhà văn trẻ.

Tuy NXB và giới kinh doanh sách khai thác họ nhưng lại phạm phải căn bệnh thành tích. Những nhà văn thế hệ 8X khi mới bắt đầu sáng tác thì vô cùng hồn nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân khiến họ nhận được sự ủng hộ của những người đồng lứa.

Tuy nhiên, dưới sức “cám dỗ” của NXB và giới kinh doanh sách, để có tiền và nổi tiếng, một bộ phận trong số họ dần dần rời xa sự thuần túy, bắt đầu tìm kiếm khẩu vị khác. Theo dòng chảy sáng tác mang tính thương mại ấy họ chỉ có thể cho ra những sản phẩm giống nhau, hoàn toàn đánh mất cá tính của mình. Sách không có cá tính, ai sẽ mua?”.

Trước hiện tượng này, chủ nhiệm NXB Nhân Dân Thượng Hải đưa ra một nhận định khác: “Do các NXB và giới kinh doanh sách “ép lúa non”. Những nhà văn thế hệ 8X sau này nói thẳng ra đều là lao động thể lực, chỉ làm công việc là điền vào những tình tiết có sẵn. Nhà văn thế hệ 8X tiên phong thì cứ mãi luẩn quẩn trên con đường thành công trước đây của mình nên mất đi tính sáng tạo”.

Tổng biên tập một tờ báo tổng kết: “Nguyên nhân văn học trẻ thịnh kỳ thực không phải vì họ viết tốt ra sao, mà là họ mang lại một cảm giác mới cho mọi người. Nhưng văn tự cần sự tích lũy, cần sự trải nghiệm, trừ thiên tài ra không ai có thể phá vỡ qui luật này. Tình trạng xuất bản văn học trẻ trong nước hiện nay chắc chắn là không thể lạc quan, nếu muốn thịnh trở lại như mấy năm trước e rằng không thể”.

Cam Thế Giai - một trong những nhà văn thuộc thế hệ 8X vẫn còn trụ lại trên văn đàn, từng nhận giải thưởng sáng tác văn học ý tưởng mới lần thứ ba - nói về hiện trạng này:

“Nhìn từ góc độ kinh tế, sự phồn vinh của văn học trẻ đã tan thành bọt. Năm 2004, chỉ cần là người thế hệ 8X thì viết gì ra cũng có thể bán được. Đỉnh cao đấy thật ra chính là cái móc giả dối, đằng sau đỉnh cao đấy là những bọt bèo cần phá tan, tiếp theo đấy là quá trình sửa chữa. Tuy cần khoảng thời gian mấy năm nhưng tôi cho rằng đáng phải như thế”.

Theo Lan Nhã
Tuổi Trẻ/China.com

MỚI - NÓNG