Trung Quốc: Hiện đại hóa văn học kinh điển bằng truyện tranh

Trung Quốc: Hiện đại hóa văn học kinh điển bằng truyện tranh
Các NXB Trung Quốc vừa chuyển thể 4 tác phẩm Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử và Tây Du Ký thành truyện tranh có “kết hợp sáng tạo cho phù hợp với cuộc sống hiện đại”.

Những câu chữ thâm thuý trong các tác phẩm kinh điển giờ đây sẽ được thể hiện qua các hình vẽ sống động mang hơi thở thế kỷ 21, đồng thời các nhân vật cũng khoác một tấm áo mới gần gũi hơn với giới trẻ thời @.

Trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, nhân vật nữ chính được khắc hoạ với hình ảnh yểu điệu, nhu mì  suốt ngày chìm đắm trong tình cảm sướt mướt. Trong truyện tranh cô sẽ làm độc giả giật mình kinh ngạc với trang phục cực kỳ sành điệu và mái tóc nhuộm màu ánh tím (hiện đang rất mốt tại Trung Quốc). Còn trong Tam Quốc, các nhân vật Lưu Bị và Tào Tháo sẽ làm việc cho cơ quan công quyền Trung Quốc hiện đại, thậm chí họ còn tham gia đàm phán các hợp đồng kinh tế và vấn đề tiền lương.

Các NXB tin rằng đây là nỗ lực tiên phong trong việc thu hút sự quan tâm của độc giả trẻ tuổi đối với văn học kinh điển. Họ lập luận rằng trẻ em thời nay tiếp xúc với quá nhiều văn hoá phương Tây thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và ít nhiều muốn bắt chước. Do đó, các cuốn tiểu thuyết kinh điển sẽ không có cơ hội tiếp cận độc giả trẻ nếu không cải tiến.

Châu Dũng, một học sinh 13 tuổi tại Trường thực nghiệm Thẩm Quyến háo hức: “Cháu rất thích loạt truyện tranh này, vì qua đó tụi cháu dễ hiểu cốt truyện hơn. Phần lời thoại có những câu tiếng lóng rất giống những gì tụi cháu nói với nhau hàng ngày...” Cậu bạn cùng lớp Trần Đông chêm vào: “Thật thú vị khi các cụ thời xưa ăn mặc sành điệu và còn biết nói cả tiếng lóng của chúng cháu”.

Là một trong những người khởi xướng, hoạ sĩ nổi tiếng chuyên vẽ truyện tranh Miêu ấm Đường khẳng định đây là bước ngoặt quan trọng trong ngành xuất bản truyện tranh: “Thị trường hiện nay đang tràn ngập truyện tranh của Nhật Bản và Hàn Quốc. Loạt truyện mới này như một tuyên ngôn về phong cách mới. Nếu biết khéo léo thổi hơi thở hiện đại vào các nhân vật, tôi tin truyện tranh Trung Quốc sẽ không thua kém các ấn phẩm nước ngoài”.

Tuy nhiên không phải ai cũng ủng hộ hướng đi mới này. Lục Tiểu Linh Đồng, diễn viên đóng Tôn Ngộ Không trong bộ phim Tây Du Ký,  cho rằng việc làm này đang xuyên tạc và bóp méo văn hoá truyền thống: “Sức hấp dẫn của các nhân vật không còn nữa. Các hoạ sĩ không thể chuyển tải được ý nghĩa cũng như những bài học của các tác phẩm kinh điển”.

Các bậc phụ huynh thì phân vân. Trương Hữu Linh, mẹ một học sinh 8 tuổi, băn khoăn: “Nếu qua đó các cháu có thể hiểu thêm về văn học truyền thống thì đúng là những tập truyện tranh này rất có ích. Tuy nhiên, tôi đã đọc và thấy có nhiều nhân vật bị xuyên tạc quá mức, dẫn đến có thể sẽ làm sai lệch định hướng thẩm mỹ của các cháu”.

MỚI - NÓNG