Trước một kỳ quan thế giới

Trước một kỳ quan thế giới
TPCN - Hồi còn học phổ thông, tôi đã nghe nói đến Angkor Wat - một trong bảy kỳ quan thế giới. Tôi những mong kỳ quan thế giới đầu tiên mà tôi được đến thăm chính là đền Angkor.
Trước một kỳ quan thế giới ảnh 1
Angkor Wat

Nhưng, kỳ quan đầu tiên tôi đến là tượng thần Tự Do ở New York (Mỹ), rồi đến Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), tháp ép - phen ở Paris (Pháp)…

Còn Angkor Wat, mãi tới mùa hè 2005 tôi mới được đến thăm, dầu đó là kỳ quan gần đất nước mình nhất!

Theo một tài liệu mà tôi có trong tay do các bạn Campuchia tặng, thì Angkor Wat được xây dựng vào khoảng năm thứ 5 trước Công nguyên.

Công trình do vua Suryawarman II xây dựng trong 30 năm ròng trong một khu rừng rậm ở phía Bắc Campuchia.

Trong phạm vi 600km2 ở tỉnh Siêm Reap, có 100 ngôi đền cổ được phát hiện, trong đó tuyệt diệu nhất là Angkor Wat. Công trình kiến trúc Angkor Wat gồm các khối đá xếp vào nhau, tương tự việc xây dựng kim tự tháp Ai Cập.

Theo tín ngưỡng của người Khơ me, chỉ có Chúa mới tồn tại dưới dạng tượng đá. Trong trường hợp đền Angkor Wat, tượng đá lưu giữ linh hồn các vị chúa tể của thần linh.

Choáng ngợp trước sự hùng vĩ và tráng lệ của Angkor Wat, tôi cứ đứng sững người. Sự hoàn hảo về cấu trúc, sự cân đối, hài hòa về tỷ lệ của công trình cũng như các bức điêu khắc của Angkor Wat làm cho công trình này được coi là một trong những đền đài tinh xảo nhất thế giới.

“Wat” theo tiếng Thái có nghĩa là đền thờ. Từ “Wat” ở đây có lẽ chỉ là một từ đệm đứng sau từ “Angkor” của Phật giáo. Bằng chứng về việc  Angkor Wat là đền Phật giáo, là năm 1432 thủ đô của Campuchia dời về Phnom Penh thì Angkor Wat được các nhà sư trông coi.

Thuở nhỏ, ông nội tôi gọi Angkor Thom và Angkor Wat là “Đế thiên, đế thích” (đền thờ trời, đền thờ Phật). Bây giờ, tôi cũng tin là như vậy. Và, nếu đấy là đền thờ Phật, thì điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên chính là những bức điêu khắc đá ở Angkor Wat.

Một nhà thơ Khơ me tên Pang hồi thế kỷ thứ 17 mô tả vẻ đẹp lý tưởng hoàn mỹ của người phụ nữ Khơ me trong vũ điệu Apsara như sau: “Hàng triệu động tác duyên dáng làm rung động lòng người, khiến những con mắt người xem không bao giờ biết mỏi, khiến cho tâm hồn bay bổng, con tim thổn thức.

Trước một kỳ quan thế giới ảnh 2
Vũ nữ apsara

Những bức tạc các vũ công Apsara đó không phải được làm từ bàn tay con người mà bằng ý chí của Chúa, bằng tình yêu và hơi thở của người phụ nữ”.

Bắt chước tiền nhân, tôi cũng chỉ biết mô tả những bức tạc các vũ công Apsara trên đá ở đền Angkor bằng bài thơ Apsara, xin trích hai khổ:

Từ đá bước ra

Em múa cùng ta

Em hát cùng ta

Apsara

Apsara

Ngực em căng tròn

Môi em chín mọng

áo xiêm lơi lỏng

rốn tròn bây bi…

Cứ hình dung một nghìn năm trước, những bàn tay kỳ diệu của con người đã tạc lên đá hình hài tuyệt mỹ và sống động của người thiếu nữ, hiện đại hơn cả cái mà ta cho hiện đại ngày nay.

Phải chăng hơi thở cuộc sống, của tình yêu, của sự đam mê trần thế đã phả vào cả những chốn đền đài được coi là linh thiêng nhất! Hay chính người nghệ sĩ của nghìn năm trước đã tạc vào thời gian ý nguyện muôn đời: Tình yêu và cái đẹp.

Khát vọng sống, khát vọng tình yêu, vẻ đẹp phồn thực in dấu ấn trên những vũ công Apsara. Tôi đặt tay lên bờ vai thon nhỏ của những hình hài tuyệt mỹ bằng đá mà thấy như chạm phải thịt da mềm mại, nồng ấm…

“Giá trị nhất và cũng là điều vĩ đại nhất trong Angkor Wat là những bức điêu khắc đá trên bức tường dài khoảng 2km. Những bức điêu khắc này mô tả dáng điệu khác nhau của các vũ công Apsara…” đó là lời bình trong băng hình giới thiệu Angkor Wat cho du khách đến thăm.

Tôi leo lên tháp trung tâm Angkor Wat cao 213 m được tạo bởi ba khối hình chữ nhật là bề mặt của 3 độ thu nhỏ dần phía trên. Choáng ngợp. Mặc dầu đang giữa mùa hè, dưới kia nóng vã mồ hôi nhưng ở đây tôi thấy lạnh.

Nghe nói, độ cao của tháp này cao hơn bất cứ tháp chuông nhà thờ nào ở châu Âu được xây dựng cùng thời. Mỗi cấp độ của tháp lại có những cột đá chạm khắc để xác định sự khác biệt giữa độ cao cấp 1 và cấp 2.

Trên độ cao cấp 3, có 5 ngọn tháp, trong đó có một ngọn chính giữa, 4 ngọn ở 4 góc tạo nên một dáng kiến trúc độc đáo có một không hai của Angkor Wat. Càng lên cao, tháp càng thu nhỏ lại giống như nụ sen.

Kiểu kiến trúc kỳ diệu này làm cho du khách đến thăm đứng bất cứ chỗ nào cũng có thể ngắm được cả 5 ngọn tháp.

Angkor Wat là bản sao bằng đá vũ trụ thu nhỏ. Năm ngọn tháp tượng trưng cho 5 đỉnh núi Meru (núi thần Meru là nơi ở của thần Vishnu trong truyền thuyết Hindu giáo ấn Độ).

Bức tường bao quanh Angkor Wat tượng trưng cho cạnh ngoài thế giới. Con kênh bao quanh tượng trưng cho đại dương. Từ trên cao, đang đứng, tôi có cảm giác siêu thoát, linh thiêng, như đang bay bổng về chốn thiên đường.

Tôi bỗng nhớ hôm đến thăm chùa Vàng, chùa Bạc ở thủ đô Phnom Penh, những đường cong trên mái chùa uốn lượn giống như điệu múa của các thiên thần. 

Ở chùa Vàng, có một bức tượng bằng vàng mười, nặng trên một tạ. Còn chùa Bạc, nền được lát 5 ngàn viên gạch bằng bạc trắng nguyên chất, mỗi viên nặng 1,36kg.

Sự tinh xảo và tráng lệ hình như là nét đặc sắc của các công trình văn hóa của Campuchia, dù làm bằng đá, hay bằng vàng, bằng bạc.

Angkor Wat được các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha phát hiện hồi thế kỷ thứ 16. Đến năm 1860 mới được nhà sưu tầm thực vật người Pháp là Henri Mouhut tìm thấy và ghi chép cẩn thận.

Cuối thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Pháp mới đến Angkor Wat, phát quang khu rừng để làm rõ đền. Năm 1907, người Thái lần đầu tiên tổ chức du lịch đến thăm Angkor Wat.

Gần một ngàn năm ngủ quên trong khu rừng rậm và gần một trăm năm con người được đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của đền Angkor. Nhưng sức sống mãnh liệt của con người, những ý nguyện, những khát khao, sự phồn thực ngay cả trong đời sống tâm linh phải chăng đã làm nên sự trường tồn của Angkor, của những kỳ quan thế giới.

Đứng trước Angkor, là ta đang đứng trước mùa Xuân vĩnh cửu…

Dương Kỳ Anh
Phnom Penh mùa hạ 2005

MỚI - NÓNG
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
TPO - Ngày 4/5, tại Hà Nội, Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội công bố Nghị quyết và trao Quyết định của Ban Giám hiệu nhà trường bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, từ ngày 1/5/2024, thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực.