TT Bản quyền âm nhạc VN: Làm ơn nên oán chăng?

TT Bản quyền âm nhạc VN: Làm ơn nên oán chăng?
TPCN - Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giams đốc Trung tâm (TT) Bản quyền âm nhạc Việt Nam quanh vấn để thu tiền bản quyền.
TT Bản quyền âm nhạc VN: Làm ơn nên oán chăng? ảnh 1
Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Thưa Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Trung tâm Bản quyền Âm nhạc Việt Nam ra đời và hoạt động được 4 năm, một quãng thời gian không dài nhưng cũng không phải là quá ngắn để đi vào ổn định. Mặc dầu vậy, trong thời gian gần đây, TT có nhiều vướng mắc trong phương cách thực hiện tác quyền, ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân của vấn đề này?

Thực ra, TT của chúng tôi vẫn hoạt động bình thường và mang lại nhiều lợi ích cho các nhạc sỹ (NS). Chỉ có thời gian qua, nhạc sỹ Từ Huy viết thư ngỏ trên các báo với nội dung là TT hạ giá tác phẩm, không ủy thác cũng thu và chi trả thiếu khoa học.

Nhưng bản thân NS Từ Huy đã từng nhận bản quyền trong giai đoạn NS Nguyễn Văn Hiên làm Giám đốc TT chi nhánh phía Nam, sau đó, khi NS Nguyễn Trung Cẩn làm Giám đốc, NS Từ Huy cũng đã đến nhận bản quyền với TT với số tiền là 4.275.000 đồng.

Sau đó nhiều lần NS Từ Huy đề nghị với TT và tự cho rằng mình là NS nổi tiếng của VN cùng với NS Trịnh Công Sơn và Văn Cao nên đòi tiền cao hơn các NS khác.

TT đã nhiều lần giải thích với NS Từ Huy rằng: Vấn đề nhạc sỹ nổi tiếng là của xã hội người ta có yêu thích bài hát đó hay không? TT đàm phán cho mặt bằng chung, nếu NS nào có nhiều bài hát nổi tiếng được sử dụng nhiều nơi thì số tiền được hưởng sẽ là nhiều hơn.Vì NS Từ Huy đòi tiền quá cao TT không thể đáp ứng được.

Vậy còn vấn đề NS không ủy quyền mà TT vẫn thu?

Trước hết, chúng tôi nhận thấy tác giả không ủy quyền mà TT vẫn thu là không đúng. Nhưng cần phải đặt dấu hỏi, tại sao NS Từ Huy không ủy quyền nhưng vẫn đến TT nhận tiền?

Trong khi đó hàng trăm NS chưa ủy quyền nhưng khi TT thu hộ và thông báo đến nhận tiền các tác giả đều vui vẻ nhận tiền cảm ơn TT và ký ủy quyền cho TT sau khi nhận tiền.

Chúng tôi sẵn sàng thu hộ mà không nhận một đồng phần trăm nào cả nếu như NS đó chưa ký ủy quyền cho TT. Có một thực tế là nhờ có TT mà nhiều NS đã nhận được tiền bản quyền của mình.

NS Trần Tiến đã đến vui vẻ nhận tiền (Với số tiền 15.364.932 đồng, chưa nhận 6.019.712 đ) và phát biểu: “nhờ có TT mà tớ nhận được khoản tiền như từ trên trời rơi xuống”.

NS Thanh Tùng ủy quyền cho TT và nhận được số tiền là 18.728.355 đồng, NS Phan Huỳnh Điểu nhận được số tiền bản quyền là 20.594.113 đồng...

Trong thư ngỏ của NS Từ Huy còn có vấn đề của cố NS Trịnh Công Sơn?

Như chúng ta biết, NS Trịnh Công Sơn không vợ, con, theo luật, các hàng thừa kế tiếp theo là các anh chị em trong gia đình. Chúng tôi đã liên hệ nhưng hiện nay các anh chị đều định cư ở nước ngoài, nên TT vẫn giữ nguyên số tiền bản quyền của NS Trịnh Công Sơn.

Trong văn bản TT gửi cho gia đình NS Trịnh Công Sơn, TT đã chính thức xin lỗi vì chưa được ủy quyền nhưng TT vẫn thu tiền bản quyền.

Theo như những gì NS vừa cho biết, thì vấn đề ở đây là hoạt động của TT chưa dựa trên những nguyên tắc của luật pháp mà nó có vẻ thiên về tình cảm giữa các NS với nhau?

Trước khi TT Bản quyền Âm nhạc VN được thành lập (2002), chúng tôi đã có một ban vận động, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của 7 cơ quan trong đó Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Nội vụ, Hội Âm nhạc VN, Liên hiệp các Hội VHNT VN.

Các chuyên gia pháp luật đã nêu ra tôn chỉ mục đích và cơ sở pháp lý của TT. Chúng tôi dựa trên các nguyên tắc của luật pháp cũng như những quy định của TT để hoạt động.

Việc để cho các nhạc sỹ thắc mắc quá nhiều là do việc thông tin giải thích của chúng tôi quá yếu, chưa chặt chẽ, xuề xòa. Chẳng hạn, đáng lẽ TT phía Nam phải hỏi NS Từ Huy có ký ủy thác cho TT thực hiện tác quyền hay không ngay từ lần nhận tiền đầu tiên thì đâu có việc đến nay NS Từ Huy gửi thư ngỏ đi các nơi?

Một phần khác, các NS cũng chưa đọc kỹ điều lệ, các hợp đồng ủy thác khi đến với TT.

TT ra đời và đi vào hoạt động 4 năm qua với đầy đủ tư cách pháp nhân cũng chỉ với mục đích là bảo vệ quyền lợi cho các NS, mặt khác là đưa các nhạc phẩm đến với xã hội đúng luật định.

Ông có nói đến việc TT giữ lại phần trăm tiền bản quyền, phải chăng đây là mấu chốt những thắc mắc của các NS?

Các tổ chức quốc tế tổng kết rằng, ở bất cứ một quốc gia nào, các tổ chức thời gian đầu đi vào hoạt động cũng rất khó khăn, các chi phí đều cao, nên trong 3 năm đầu các TT của họ được giữ lại 30% số tiền thu được để hoạt động.

Thế nhưng, chúng tôi nghĩ các NS nước ta đã nghèo rồi, nên mặc dù công đi đòi, đi “mặc cả” cho các NS rất khó khăn, nhưng chúng tôi  thu theo mức thấp hơn.

Cụ thể mức thu cao nhất  ở lĩnh vực truyền hình là 25%, nhưng phải trích lại 5% để họ làm nhiệm vụ cung cấp danh mục, biểu mẫu. 5% - 10% trong các lĩnh vực xuất bản, in ấn... Bình quân chúng tôi giữ lại 11,4%.

Thưa NS Phó Đức Phương, ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng, Giám đốc TT bảo vệ Bản quyền Âm nhạc VN không nhất thiết phải là một NS mà chỉ cần là một người am hiểu về luật pháp?

Nhiều năm trước, tôi đã được Nhà nước cho đi học về luật bản quyền. Nếu không phải là một NS, không có sự bức xúc của người trong cuộc, sẵn sàng hy sinh những lợi ích của mình và vô tư hết lòng vì công việc thì TT không thể được như ngày nay.

Có những lúc tôi phải đứng ra bảo đảm bằng uy tín của mình, như khi ký kết hợp đồng bản quyền với các tổ chức, vay nợ quốc tế cho Trung tâm có tiền hoạt động...

Tôi nghĩ, phải sau khi công việc đi vào nền nếp, như một cỗ máy ấy, thì bất cứ ai, một luật sư, một nhà kinh tế, một nhà khoa học...chứ không riêng gì nhạc sỹ, mới đứng ra làm quản lý được.

 Xin cảm ơn Nhạc sỹ!

Trần Hoàng Thiên Kim
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.