Từ chối dẫn độ, Ba Lan khép lại vụ Polanski

Roman Polanski nhận giải César cho đạo diễn xuất sắc phim “Người chấp bút” tại Paris năm 2011.
Roman Polanski nhận giải César cho đạo diễn xuất sắc phim “Người chấp bút” tại Paris năm 2011.
TP - Quyết định của Tòa án Tối cao Ba Lan hôm 6/12 từ chối đề nghị dẫn độ đạo diễn nổi tiếng Roman Polanski về Mỹ đã chấm dứt tiến trình đòi dẫn độ ông từ năm 2014.

Tòa án Tối cao của Ba Lan từ chối mở lại hồ sơ dẫn độ Polanski về Mỹ. Ông từng bị kết tội tại Mỹ vì ấu dâm với bé gái 13 tuổi năm 1977. Quyết định này bác lại đơn kháng án của Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro từ tháng 5/2016.

Trong đơn kháng cáo, ông Zbigniew Ziobro nói không nên ưu ái Roman Polanski chỉ vì sự nghiệp nghệ thuật. “Luật pháp là duy nhất cho tất cả mọi người”, ông nói. Ông cũng chỉ trích Tòa án Cracovie bỏ qua một vài tình huống pháp lý nhất định có hiệu lực ở Mỹ. Tòa án này trước đó cũng từ chối yêu cầu dẫn độ Polanski về Mỹ. Ông Ziobro trách cả truyền thông và giới nghệ thuật quá nương nhẹ đạo diễn Ba Lan này.

“Cuối cùng tôi có thể cảm thấy an toàn tại đất nước mình.Tôi có thể bình thản tới Salwator-khu phố đặt trụ sở tòa án Cracovie- để thăm mộ bố tôi, và thăm mộ bạn tôi- đạo diễn Andrzej Wajda. Điều tôi vui mừng nhất là vụ việc được khép lại vĩnh viễn, dù hơi tiếc là tôi phải chờ đợi khá lâu”, Polanski nói sau khi có quyết định từ Tòa án Tối cao. Năm nay Polanski 83 tuổi, sống tại Pháp.

Vụ việc kéo dài từ 1977. Khi ấy ông 43 tuổi, bị cáo buộc cưỡng bức bé gái 13 tuổi Samantha Gailey (nay là Geimer). Sau 42 ngày ngồi tù, Polanski được bảo lãnh, bị kết tội “quan hệ tình dục bất hợp pháp”, tuy nhiên ông rời nước Mỹ trước khi bản án được công bố vì lo sợ mức án nặng nề.

Các luật sư bào chữa cho ông ở Ba Lan vừa qua nhấn mạnh yêu cầu dẫn độ là không có căn cứ, họ nhắc đến những ngày ông ngồi tù ở Mỹ, bị giám sát tại Thụy Sĩ năm 2009-2010. Chính phủ Thụy Sĩ khi ấy cũng từ chối yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Samantha Geimer nhiều lần nói từ bỏ vĩnh viễn các thủ tục tố tụng. Cô khẳng định trong nhật ký là đã tha thứ cho Polanski. “Tôi không tha thứ vì ông ấy, mà vì tôi”, cô viết. Trong tự truyện, Roman Polanski lại có ý nói Samantha Geimer khá táo bạo, khêu gợi, có hành vi khiêu khích. Ông chi trả 225 nghìn USD cho cô gái trẻ. Khi sự việc xảy ra, cuộc sống của Samantha bị đảo lộn do sức ép của truyền thông, cảnh sát và luật pháp.

Sinh tại Pháp, bố mẹ người Ba Lan, Polanski là một trong những đạo diễn gạo cội với các phim như Chinatown, nhận giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2003 với phim Nghệ sỹ dương cầm. Ông kết hôn với diễn viên Emmanuelle Seigner, sinh sống tại Pháp nhưng thường xuyên về Ba Lan. Dù vướng scandal lớn nhưng Roman Polanski luôn nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông lẫn nghệ thuật. Eva Green, nữ diễn viên Pháp từng đóng một vai trong Nghệ sỹ dương cầm cũng nói: “Tôi chỉ đơn giản xem ông là nghệ sỹ lớn. Tôi không muốn mạo hiểm về chủ đề con người, tôi không biết rõ lắm. Tôi chỉ đơn giản làm việc với một nghệ sỹ tuyệt vời”.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.