Tư duy công và tư

Tư duy công và tư
TP - Chẳng biết từ bao giờ, người Việt ta có lối tư duy tách bạch công và tư. Bất cứ việc gì hay vấn đề gì nảy sinh trong cuộc sống, khi xem xét trước tiên truy nguồn gốc nó là của công hay của tư, sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân, nó thuộc quyền quản lý của nhà nước hay của cá nhân.

Và cũng chẳng biết từ bao giờ thành nếp trong tư duy, cho rằng công thì tốt hơn tư dù thực tiễn đã có nhiều trường hợp chứng minh ngược lại và không ít khi lối  tư duy công tốt hơn tư đã phải trả giá đắt.

Trong buôn bán, một thời lên án “tư thương” mà lời lẽ bây giờ nhắc lại có thể còn làm không ít người phát ngượng. Mỗi lần giá nông sản lên xuống là tư thương bị đưa ra làm bung xung cho một cuộc “đấu tố” không hồi kết, nào là “tư thương ép giá”, “tư thương trục lợi”, thậm chí “tư thương vì quyền lợi ích kỷ bất chấp đạo lý”.

Thị trường mở mang thì rõ ra, tư thương chỉ là chân rết gom hàng cho các “đại gia”, hoàn toàn không có đủ năng lực thao túng giá cả. Đặc biệt, thị trường những mặt hàng trọng yếu chẳng mấy tư thương chen nổi chân vào nhưng giá luôn biến động chóng mặt và “chỉ có lên không xuống”.

Trong sản xuất, một thời đặt quốc doanh ở vị trí quá cao mà coi thường tư doanh đã gây nên thảm cảnh cái gì cũng thiếu, cũng xấu. Trong dịch vụ, hiện nay đang có cuộc tranh luận gay gắt ở hai lĩnh vực giáo dục và chữa bệnh mà rất nhiều ý kiến vẫn xoay quanh tư duy: Công và tư.

Cứ khẳng định “bệnh viện công mới tốt” dù vào bệnh viện công ở nhiều nơi người bệnh bị rẻ rúng, hai ba người bệnh phải nằm chung một giường trong lúc vào bệnh viện tư (mới có rất ít) thì khác hẳn.

Một thời ăn “phở quốc doanh” phát sợ đến bây giờ nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn đổ tiền cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh ăn uống, dưới hình thức “dự án phát triển du lịch” hoặc nhà khách, nhà nghỉ.

Có lẽ đã đến lúc phải thay lối tư duy truy nguồn gốc công và tư bằng lối tư duy đề cao hiệu quả. Không kể nguồn tiền từ tập thể hay cá nhân, từ trong nước hay ngoài nước, nếu đạt hiệu quả cao về kinh tế lẫn xã hội thì được khuyến khích.

Không kể nguồn gốc đồng tiền, hình thức hay cách thức thực hiện, đó chỉ là phương tiện, nếu đạt mục đích tốt đẹp là làm lợi cho con người, cho xã hội thì thảy được tôn trọng, tôn vinh. Như thế mới gọi là phát huy các nguồn lực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

MỚI - NÓNG