Tù mọt gông vẫn là nhà văn vĩ đại

Tù mọt gông vẫn là nhà văn vĩ đại
Là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, cuộc đời của cố nhà văn Edward Bunker thật vất vả. Ông đã nhiều lần vào tù ra tội trong suốt hơn 70 năm sống và viết.
Tù mọt gông vẫn là nhà văn vĩ đại ảnh 1

Từ nửa tháng nay, các phương tiện truyền thông đại chúng hầu khắp hành tinh nói nhiều một cách trân trọng đến một con người đặc biệt.

Nào là “Bunker, từ nhà tù đến tiểu thuyết hình sự”, “Chắn song sắt và tường buồng giam”, “Edward Bunker, cựu tù nhân và tác giả tiểu thuyết vụ án”; nào là “Edward Bunker, văn chương như sự chuộc tội”, “Edward Bunker, diễn viên, cố vấn nghệ thuật, nhà đồng sản xuất, nhà viết kịch bản, nhà văn Hoa Kỳ”; nào là “Edward Bunker, nhà văn Mỹ”, “Không có tình yêu, không có đường trở lại”, hay “Bunker, cái chết của một Chủ tịch đoàn luật sư”…

Edward Bunker vừa trút hơi thở cuối cùng ngày 19/7 ở một bệnh viện Burbank, bang California, sau một cuộc phẫu thuật nhằm giúp cho máu lưu thông bình thường ở hai cẳng chân.

Ông sinh ngày 31/12/1934 tại Hollywood. Cha là một thợ máy kiêm chuẩn bị cảnh trí ở kinh đô điện ảnh thế giới. Mẹ là diễn viên múa trong các vở hài kịch ca nhạc.

Khi ông chưa được năm tuổi thì cha mẹ ly dị. Mẹ ông “lặn mất tăm” suốt từ bấy. Cha nghiện ngập, không chăm sóc nổi con, ông bắt đầu đi làm con nuôi. Nhưng ông quá nghịch ngợm, hiếu động, không nhà nào chịu đựng ông được lâu.

Năm 1942, người ta phải đưa ông vào nội trú trong các trường quân sự, để rèn luyện “thằng bé bất trị”. Thế nhưng, ông thường lẻn ra ngoài đi chơi, và dĩ nhiên phải chịu kỷ luật đôi khi rất nặng.

Để phản đối, ông bắt đầu phá phách và ăn cắp vặt. Thế là ông bị tống vào các trường giáo dục cải tạo. Ngầm coi đấy là một sự xúc phạm, ông càng ăn cắp dữ, món to hẳn hoi, phá phách cũng “người lớn” hơn, nên mới 10 tuổi, ông đã phải vào nhà tù vị thành niên.

Năm 13 tuổi, bị đưa vào nhà trừng giới. Cần nói ngay là mỗi lần được tha, ông vẫn ngựa quen đường cũ, hoặc quấy rối trật tự công cộng, hoặc “chôm chỉa” để độ thân, hoặc bị lôi kéo và ép buộc lao sâu vào con đường trộm cướp, làm và tiêu thụ của gian, kể cả séc giả…, nên lại vào tù.

Từ 13 tuổi, ông đã bị giam với tù nhân người lớn, phải luôn luôn phòng thân, phải luôn luôn cảnh giác, lỡ mồm lỡ miệng hay sơ xuất chút đỉnh là có thể mất mạng. Ông tồn tại được giữa thế giới tội phạm đủ loại mà sự sống “ngàn cân treo sợi tóc” là nhờ áp dụng tốt hai nguyên tắc mà ông học được từ các phạm nhân lớn tuổi: không tin bất kỳ ai và nếu buộc phải dùng quả đấm, thì ra đòn trước và chuồn ngay tức thì.

Năm 1951, ông không kiềm chế được trong một cơn tức giận vì bị sỉ nhục, đâm chết một giám thị và bị nhốt vào nhà tù khét tiếng Saint – Quentin bang California. Sau đó, ông còn bị đưa đến nhà tù đáng sợ hơn ở bang Illinois, nhà ngục Marion.

Bấy giờ, ông là tù nhân trẻ tuổi nhất ở nơi cầm chắc chỉ còn một đường ra là cái chết. Rà soát lại hồ sơ của ông, người ta liệt ông vào danh sách 10 người bị FBI săn đuổi nhất trong những năm 1960.

Năm 1975, ông được trả tự do nhờ cải tạo tốt và chủ yếu là nhờ thành công văn học. Do thực tài và tính tình dễ mến, ông kết bạn với một số diễn viên nổi tiếng như Jeff Bridges, Jon Voight, Al Pacino, Quentin Tarentino.

Từ khi ra tù, ông sống bằng ngòi bút và nghề diễn. Đến 1979, “con thú” gặp “mỹ nhân”, ông yêu và kết hôn với một nữ luật sư trẻ làm công tác trợ giúp xã hội tên là Jennifer. Con trai một Brendan của ông bà mãi năm 1994 mới ra đời.

Gia đình đầm ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả dần lên, vì sách của ông bán rất chạy không chỉ ở Hoa kỳ mà khắp thế giới. Giờ đây, công chúng càng hiểu hơn những tâm sự thầm kín của ông. Ví dụ, “Bunker” là đọc chệch từ Pháp “boncoeur”, nghĩa là “nhân hậu” hay “thực lòng” (Tổ tiên ông là người Pháp).

Hay một lần ông thốt lên: “Tất cả đến với tôi quá muộn”. Lúc này, người ta không khỏi chạnh lòng nhớ đến nhận định đúng đắn của Francois Guerif, người xuất bản tất cả các tác phẩm của ông bằng tiếng Pháp: “Sách của ông đều như những bản chụp X quang, chuẩn xác vô cùng. Không có nhà văn hiện đại nào sánh được với ông trong việc mổ xẻ tư duy và tâm lý tội phạm”. Edward Bunker thích đọc sách từ nhỏ. Những lần bị giam giữ, ông đọc ngấu nghiến bất cứ thứ gì lọt đến tay.

Ông mê nhất Theodore Dreiser, Colin Wilson, Faulkner, Hemingway, Dostoievski, Camus, Sartre. Những lúc ấy, ông chưa nghĩ mình sẽ làm nhà văn. Định hướng này đến với ông như một sự tình cờ.

Khi giết viên giám ngục như nói trên, ông bị tù, nhưng tránh được hình phạt cao nhất là xử tử, vì chưa đủ 18 tuổi. Do một nhầm lẫn về thủ tục hành chính, người ta đưa ông đến khu dành cho các phạm nhân bị tử hình chờ ngày hành quyết.

Tại khu này, ông ở gần một tử tù tên là Caryl Chessman. Trước khi bị loại khỏi xã hội vì tội hiếp dâm, ông này đã kịp viết xong và nhờ cậy xuất bản được bộ sách nổi tiếng: Xà lim 2455, hành lang của cái chết. Chính người tử tù với nỗi oan có thể và nhiều tâm sự khác chưa kịp thổ lộ, đã thức tỉnh lương tâm Edward Bunker và khiến ông nhất quyết viết văn.

Ông vừa đọc vừa tập viết rất nhiều. Quyết định ấy còn bắt nguồn hay được hậu thuẫn từ một may mắn đến trước đó, năm 1950. Ông gặp được bà Louise Wallis, vợ một nhà sản xuất phim lớn ở Hollywood. Bà rất quý ông, nên trong thời gian ông bị giam, bà cho mang vào trại cho ông một chiếc máy chữ, giấy đánh máy, phụ trương tuần báo New York Time.

Hiển nhiên, bà còn phải khôn khéo “làm việc” với giám đốc nhà tù và các cai ngục. Phần Bunker, ông cũng phải nhún nhường và tế nhị lắm mới hoàn thành được sáu tiểu thuyết trong gần 20 năm tù túng trong bốn bức tường.

Cả sáu cuốn này, không nhà xuất bản nào in. Năm 1972, hai bậc lão làng của văn học trinh thám Hoa kỳ, William Styron và James Ellroy, đứng ra bảo lãnh, viết lời tựa và lời bạt, cuốn Không con thú nào hung ác đến vậy của ông mới được công bố và mau chóng được dịch sang nhiều ngôn ngữ ở nhiều nước ngoài Hoa Kỳ.

Từ khi được trả tự do, ông chuyên viết về thế giới tù ngục, dựa vào sự từng trải của bản thân hay của các bạn tù đủ kiểu. Tuy số đầu sách không nhiều, chỉ năm bộ, ông vẫn được đánh giá là một nhà văn bậc thầy, bởi lẽ ông không đi theo con đường mòn là tập trung vào các thám tử mà vào các tù nhân, qua đó ông lên án hệ thống luật pháp còn nhiều kẽ hở và hệ thống nhà tù (không diệt được cái ác mà là nơi gieo mầm của chính nó) của đất nước tự xưng là vì quyền con người nhất hành tinh.

Ông cũng đòi hỏi một quyền con người mới là “quyền tù nhân”. Trong thế giới nhà tù mà dường như pháp luật đứng ngoài, mà mọi luật rừng tha hồ làm mưa làm gió, vẫn còn tình nhân loại, ví như các giám thị, phần đông cố gắng giúp đỡ tù nhân.

Tiểu thuyết cuối cùng, Việc trau dồi học vấn của một kẻ bất lương (2001) là tự thuật hoàn toàn. Nó gây một tiếng vang xúc động. Một mặt, ông tặng bộ sách cho con trai Brendan, để con trai sớm mở mắt và vững vàng chống chọi với đời.

Theo ông, đời mỗi người giống như một con sò, nếu một hạt cát hay một  vật thể khác lọt vào, trong thân sò sẽ hình thành một viên ngọc. Bộ sách này sẽ là hạt cát ấy vậy.

Mặt khác, bộ sách được coi như một công trình nghiên cứu về nước Mỹ từ cuối những năm 1940 đến giữa những năm 1960. Trang nào cũng xác đáng. Song những trang liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc là quý báu nhất.

Chẳng hạn, năm 1963, khi John Kennedy bị ám sát, các tù nhân đang ăn trưa ở sân nhà tù đều không cầm được lệ rơi. 5 năm sau, Bobby Kennedy chịu chung số phận với anh, các tù nhân da đen đồng loạt thét lên: “Đáng đời!”. Ấy là do tệ phân biệt sắc tộc không những không được dẹp bỏ mà lại bị thổi bùng lên trong các nhà tù Mỹ…

Ông vẫn trong tù khi tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản bên ngoài. Nhà biên kịch Alvin Sargent đã vào nơi ông bị giam giữ, đề nghị ông chuyển thể tiểu thuyết ấy, Không con thú nào hung ác đến vậy, thành kịch bản phim. Ông chuyển thể thành công, bộ phim rất được yêu thích.

Về sau, ông được các hãng phim mời chào nhiều với tư cách nhà biên kịch và diễn viên. (Nghề diễn đến với ông từ khi ông đóng rất đạt vai một tù nhân già tìm mọi cách cứu một tù nhân trẻ trong phim Reservoir dogs (1992) của Tarantino).

Ông viết được nhiều kịch bản hay, có những bản đã trở thành huyền thoại như Tầu hoả chạy quá tốc độ (1985) của đạo diễn Nga Andrei Konchalovski. Còn đóng phim chỉ là để xả hơi hay lấp chỗ trống, lúc viết văn quá căng thẳng.

Các tác phẩm văn chương của ông đã và đang được đưa lên màn ảnh. Bộ phim (2000) cùng tên với tiểu thuyết Xưởng thú vật (1977) do diễn viên Steve Buscemi dàn dựng được thừa nhận là một kiệt tác điện ảnh. Nhà tù trong phim là một cỗ máy phá huỷ tính người đáng kinh ngạc, vì nó làm sống lại hay trội hẳn lên những bản năng sơ đẳng nhất.

Nhân vật chính là một tù nhân trẻ, tương tự hồi tác giả mới vào tù. Đời y ở đây là cuộc vật lộn hàng ngày để sống sót. Y trở thành một con vật bị ám ảnh và điều khiển bởi bản năng sinh tồn.

Song le, con vật ấy phải sống theo bầy đàn, vì con người là một sinh vật xã hội: các tù nhân nhóm họp thành từng bè đảng có thứ bậc rõ ràng để tiêu diệt hay bảo vệ nhau…

Đương nhiên, trong vũ trụ thú tính ấy vẫn còn những cơ chế cho tính người, ví như các hoạt động thể thao, âm nhạc, đặc biệt là dân ca da đen buồn thảm, rồi lao động.

Đồng cảm với Edward Bunker, đạo diễn Buscemi đã làm toát lên được tầm quan trọng của tư tưởng tức của Lý trí. Đồng cảm với nhà triết học Tzvetan Todorov (vận dụng lý trí là cách đối phó với đàn áp hiệu quả nhất), Steve Buscemi ca ngợi Lý trí, ca ngợi sức mạnh của tư tưởng con người – tuy sức mạnh này khá mỏng manh – mà không lao tù nào giam giữ được…

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.