Từ nhiều âm tiết - nên thận trọng

Từ nhiều âm tiết - nên thận trọng
TP - Nhiều người viết có được giọng văn thú vị nhờ sử dụng từ láy, từ điệp, từ lặp. Một từ có hai âm tiết trở lên. Nhưng loại từ này có khi dùng không đúng chỗ thì lại thành ra vụng:

- Ông ấy làm kinh ngạc vì sự ngu xuẩn lớn lao của mình (tiểu thuyết Moon Palace, tr. 286). 

 

Trước hết phải thấy rằng câu Tây An Nam này có thể chuyển thành một cấu trúc khác: ông ấy làm kinh ngạc vì quá ngu xuẩn, ông ấy quá ngu xuẩn khiến người ta kinh ngạc, người ta kinh ngạc vì ông ấy quá ngu. 

Sau nữa là việc dùng từ láy từ điệp. Lớn lao, xuất phát từ chữ lớn. Ngu xuẩn, xuất phát từ chữ ngu. Lạm dụng loại từ hai âm tiết này rất nhiều khi làm cho việc diễn đạt trở nên trịnh trọng, cứng (nhắc), vụng (về). Nhiều người viết văn nghiện dùng loại từ này. Nhiều người biết cách tránh, ngôn ngữ của họ linh hoạt hơn, uyển chuyển hơn, chính xác và gọn hơn. Cũng gây ấn tượng hơn.

Như chữ lớn lao ở trên. Lớn lao được dùng nhiều cho sắc độ khẳng định, xưng tụng, khen. Nói về sự ngu xuẩn hoặc mưu sâu kế độc mà dùng từ lớn lao, e rằng muốn giễu cợt. Mà câu trên lại trong một văn cảnh không giễu cợt, không hài hước. 

- Chốc chốc lại thấy những chiếc xe chở rất nặng nề đi qua, trẻ con tránh rất khéo léo.

Nặng và nặng nề. Khéo và khéo léo. Ở câu trên, không dùng từ hai âm tiết thì hơn. Chiếc xe chở nặng. Trẻ con tránh rất khéo. Chính xác và thông tin truyền đến thật gọn, thật trực tiếp. Chữ nặng nề hoặc khéo léo có thể dùng vào trường hợp khác. Ví dụ: Tâm trạng bà đang rất nặng nề. Cô ấy là người khéo léo.

- Lẽ ra tôi đã bán chiếc đàn rồi nếu như việc xa nó không làm cho tôi buồn bã quá.

- Tôi nghe nói con đường này đầy những bụi cây gai góc.

Buồn và buồn bã. Gai và gai góc. Hai câu trên nếu không dùng từ hai âm tiết thì vẫn hay hơn, cả về độ chính xác, gọn gàng, cả về âm điệu câu văn. Việc xa nó không làm cho tôi buồn quá. Con đường này đầy những bụi gai. 

Từ láy dùng vào hai câu như thế này, hợp hơn: tôi buồn bã nhìn theo chiếc đàn bị đưa đi xa dần. Đấy là một vấn đề gai góc. 

Còn ở câu sau, những từ kép và láy làm cho câu văn trở nên trịnh trọng một cách không cần thiết: 

Người phụ nữ ấy đã nhìn thấy khuôn mặt của tôi. Thế là tôi hoàn toàn bị lộ.

Chỉ cần chữ Mặt là đủ, không cần viết Khuôn mặt. Chữ Người phụ nữ ấy cũng quá trịnh trọng trong một văn cảnh như vậy. Không cần sở hữu từ Của. Chữ Hoàn toàn khô cứng có thể thay bằng một chữ ngắn gọn, uyển chuyển hơn:

Bà ấy đã nhìn thấy mặt tôi. Thế là lộ hết.

Cuốn sách nọ có hai bản dịch khác nhau. Cùng một câu, một bạn trẻ dịch:

Ý kiến của tôi đã được cô giáo chấp nhận, thật tuyệt vời.

Một nhà văn rất thạo về ngôn ngữ thì dịch:

Ý tôi đã được cô giáo chấp nhận, sướng quá.

Rõ ràng là câu sau sinh động hơn, đời hơn, văn hơn.

Có khi từ láy, từ điệp, từ lặp có nhiều hơn hai âm tiết:

Thùng gạo trong nhà đã sạch sành sanh. 

Đôi khi lại có cách dùng khác, một cách tạo văn: nhà đã sạch sành sanh gạo. 

Vở kịch ấy hay ơi là hay.

Cũng có cách tạo văn khác: hay ơi là hay cái vở kịch mới của nhà hát Tuổi Trẻ.

Nhưng nhìn chung, biết dùng thì đạt hiệu quả, không biết dùng thì nên thận trọng với những từ láy từ điệp nhiều âm tiết. 

Xin nhắc lại, khéo dùng thì từ chỉ một âm tiết thôi đã đủ gây ấn tượng.

MỚI - NÓNG