Tự phát, lỏng lẻo trong xúc tiến du lịch

Cần thay đổi xúc tiến để khách cũ muốn quay lại, khách mới muốn đến du lịch Việt Nam. Ảnh: Nguyên Khánh.
Cần thay đổi xúc tiến để khách cũ muốn quay lại, khách mới muốn đến du lịch Việt Nam. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Điểm yếu của xúc tiến du lịch một lần nữa được đem ra mổ xẻ nhân Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) 2018, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đón ít nhất 16 triệu khách quốc tế trong năm.

NÓI NHIỀU LÀM ÍT

“Hạn chế của công tác xúc tiến du lịch hiện nay là nói rất đúng nhưng làm chưa bao nhiêu”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch thừa nhận “mỗi người một phách” khi xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng các tỉnh nhiều khi xúc tiến theo cảm hứng “thích lên đường đi xúc tiến kiểu tự phát cho nên không biết đâu là trọng tâm”.Trong khi địa phương thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm nên khó chọn đúng và trúng hình ảnh đặc sắc để quảng bá. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Golden Tours đánh giá công tác xúc tiến của Tổng cục Du lịch ngày càng chuyên nghiệp, tuy nhiên các tỉnh lại lãng phí bởi mời hàng trăm khách và người mua nhưng bên bán chưa đến chục người.

Chỉ ra sự lỏng lẻo trong liên kết xúc tiến du lịch, ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc LeBros lấy ví dụ bốn tỉnh Nam Lào rủ nhau đi xúc tiến, riêng năm tỉnh Tây Nguyên của ta không có liên kết. Tham gia VITM 2018 cũng vậy, mỗi tỉnh một phách. Quảng Ninh đề ra 22 điểm đặc trưng của tỉnh khó cho người ta nhớ, ông Vinh cho rằng phải chọn ra được điểm khác biệt lớn nhất. “Tổng cục Du lịch là cơ quan xúc tiến cấp quốc gia có trách nhiệm quảng bá cho quốc gia; địa phương quảng bá cho địa phương nên các kế hoạch này cần song hành và mỗi địa phương là điểm nhỏ trong chiến lược quốc gia, quan trọng là chiến lược makerting”, ông Vinh nói.

 LỰA CHỌN THÔNG MINH

Đại diện Tổng cục Du lịch thừa nhận tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam quá thấp khiến chi phí tiếp thị quá đắt đỏ. “Chi phí giữ chân một khách cũ chỉ bằng 1/5 chi phí thu hút khách mới, cần tính chuyện làm sao để khách quay lại nhiều mới hiệu quả”, ông Lê Quốc Vinh phân tích. Đại diện một doanh nghiệp kể khi quản lý khu nghỉ dưỡng The Nam Hải (Hội An), ông nhận được phàn nàn rằng dịch vụ ở bên ngoài rất tệ trong khi ở các khu resort đẳng cấp thì khách rất hài lòng. “Một nhà quản lý du lịch Singapore nói với tôi, sẽ không quay lại Việt Nam vì đi taxi từ Bờ Hồ đến Nhà hát Lớn - phải trả 700 nghìn đồng thay vì 50 nghìn”- vị này nói.

“Làm xúc tiến trước hết phải làm sản phẩm, ngoài ra trong vòng 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới có thể giữ được khách cũ, hút khách mới. Singapore 5 năm qua tạo ra resort Sentoza, Marina Bay Sands rồi sáu trung tâm du lịch cùng với sản phẩm mới và sáng tạo để tiếp tục thu hút khách cũ, tăng khách mới, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội nói. Ông cũng cho rằng hai năm qua các dự án sang trọng mới ở Việt Nam mọc lên nhiều cũng khiến lượng khách quốc tế tăng đáng kể. Ngoài cách quảng bá truyền thống, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đề xuất tận dụng công nghệ để quảng bá, chẳng hạn các trang như Tripadvisor có 60 triệu thành viên hiện bị bỏ quên.

“Một trong những khúc mắc lớn nhất là kinh phí quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam vẫn ở cảnh con nhà khó, quanh mức 2 triệu USD. Nguồn tiền ít cộng với việc phụ thuộc từ kế hoạch tới nguồn tài chính khiến doanh nghiệp cũng bị động”, ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, ĐH Mở Hà Nội khẳng định. Một trong những kỳ vọng lớn của các nhà làm du lịch là Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sớm được vận hành. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chỉ ra bất cập: ngoài việc phụ thuộc kế hoạch, chi phí sau khi được duyệt có khi chỉ chưa bằng một nửa kinh phí cần có. Tổng cục đang nghiên cứu phát triển Quỹ xúc tiến quốc gia dựa trên vận dụng Luật Du lịch mới có hiệu lực.

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2018 khép lại ngày 1/4 sau bốn ngày diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị với 502 gian hàng của 675 doanh nghiệp, trong đó 112 gian của doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh thu ước đạt 245 tỷ đồng. Thống kê của 21 công ty lữ hành: khoảng gần 30 nghìn khách đăng ký tour nội địa và quốc tế, trong tổng số khoảng 60 nghìn lượt khách tham quan.

MỚI - NÓNG