Từ rượu Hiếu đến... cơm Hiếu 2000

Từ rượu Hiếu đến... cơm Hiếu 2000
TP - Đã tháng rưỡi nay, quán cơm Hiếu, giờ đây đã nổi danh là quán cơm 2.000 (đồng) phục vụ người nghèo, vẫn đều đặn mở cửa ba buổi trong tuần đón khách.
Từ rượu Hiếu đến... cơm Hiếu 2000 ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hiếu

Người ta khen ngợi tấm lòng của bà chủ, nhưng ít ai biết bà Nguyễn Thị Hiếu vốn là một người tâm giao với giới văn nghệ, nhất là các nhà thơ, và không phải giờ đây bà mới làm từ thiện.

Người chị nghĩa tình của các nhà thơ

Nhà thơ Vĩnh Nguyên điện cho tôi: “Đến lò rượu Hiếu, có chuyện vui lắm, vui lắm”. Tôi bị huyết áp cao, đã “thề” bỏ rượu, nhưng nghe nói đến lò rượu Hiếu là đồng ý ngay. Đến không phải để uống rượu, mà để thăm chị Hiếu, một người chị tình nghĩa với anh em nhà văn Huế từ 25 năm trước.

Dạo đó, ngày nào tôi, Hoàng Vũ Thuật, Mai Văn Hoan, Nguyễn Trọng Tạo, Hải Kỳ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Vĩnh Nguyên…cũng rủ nhau đến lò rượu Hiếu. Phùng Quán vô thăm quê cũng nhập cuộc, mặc áo Mán đi dép lốp đến  lò Hiếu ngồi mọc rễ hàng  buổi. Vì rượu chị Hiếu ngon, thơm mà lành.

Ở xứ Phủ Cam này có hai mặt hàng đã trở thành nét văn hóa là nón lá và rượu, trong đó rượu Hiếu là một thương hiệu nổi tiếng, đã vào thơ ca mấy chục năm nay.

Nhà thơ Nguyễn Duy cũng từng lui cui cuốc bộ đi tìm rượu Hiếu: Ai đi ngược dốc Phú Cam một mình. Nguyễn Trọng Tạo thì Gặp nhau là nhớ mùi rượu Hiếu/Mưa nắng sá gì dốc Phủ Cam. Rồi Rượu chị Hiếu  khuyên đôi chén tỉnh (NM) Nhà thơ Hải Kỳ, thời sinh viên ở Huế, ngày nào cũng có mặt ở lò Hiếu để dạy các cô cháu nhỏ của chị học.

Cảm cô bé bán rượu xinh đẹp, nhà thơ đã viết và dán vào cột nhà chị Hiếu bài thơ Tập qua hàng rất hay: Rượu nồng thế  mà thơ như phấn / Trên bảng đen tôi tập viết qua hàng...

Còn nhà thơ Mai Văn Hoan mỗi lần nhận được thư của  cô nàng Quy Nhơn bé nhỏ là đến lò Hiếu gọi xị rượu “làm mồi” để viết những bài thơ “Hồi âm” trả lời. Nhà thơ  thú nhận một nửa số bài trong tập thơ “Hồi âm” mình viết ở nhà chị Hiếu !

Dạo ấy chị Hiếu ở ngôi nhà  cấp bốn ngay cạnh nhà thờ Phủ Cam. Chị theo đạo Thiên chúa. Chị nấu rượu, bán  sỉ men rượu và nuôi heo. Phía sau nhà là một dãy chuồng lợn dài, lúc nào cũng có ba bốn con lợn thịt to tướng. Đêm nào chúng tôi cũng uống rượu, đọc thơ, rồi cao đàm khoái luận chuyện trên trời dưới đất. Chị nghe thơ đến thuộc.

Hồi đó nghèo. Có tiền làm xị rượu suông đã sướng rồi, lấy đâu ra đồ nhấm như bây giờ. Sang lắm thì có nắm lạc rang. Thương chúng tôi, thỉnh thoảng chị lại gắp cho đĩa dưa cải chua, đĩa chột nưa, hay đĩa cá cấn mại kho khế. Những bữa có mồi như thế chúng tôi uống đến tận khuya. Thiếu tiền rượu chị Hiếu cho nợ, khi mô trả cũng được…

Thời gian gần đây, tôi đi bệnh viện nên không biết. Đến nơi tôi thấy nhà chị  (22 - Đoàn Hữu Trưng) treo biển: Cơm 2.000 đồng - Phục vụ sinh viên nghèo - người nghèo vào thứ ba, năm, bảy hàng tuần”.

Ôi, từ rượu Hiếu đến quán cơm Hiếu từ thiện, thật bất ngờ, xúc động! Tôi lặng người ngắm tấm biển  rồi nghĩ: Thời buổi gạo châu củi quế này, suất cơm bán 2.000 tiền mô mà bù?

Một bắp ngô luộc đã ngàn rưỡi, cơm bụi sinh viên chợ Bến Ngự một suất  10 ngàn đồng, làm sao nấu được suất cơm giá 2.000? Chị Hiếu nghèo, với nghề nấu rượu nuôi heo quanh năm, lấy đâu ra tiền  cho mọi người ăn cơm rẻ như cho thế này?.v.v..

Gặp lại chúng tôi, chị Hiếu mừng lắm. Chị rối rít hỏi thăm anh Hoàng Phủ Ngọc Tường sức khỏe ra răng? Rồi Nguyễn Trọng Tạo ở Hà Nội có hay vào thăm vợ con không? Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật ở Đồng Hới đã có cháu nội chưa? Ngô Minh hai con trai, có đứa mô cưới vợ chưa? Hôm nọ cuối năm âm lịch, giỗ anh Phùng Quán ở nhà Ngô Minh có đông anh em tham dự không, chị có gửi chai rượu cúng anh Quán…

Chị thuộc lòng hoàn cảnh từng nhà thơ. Chị vẫn  dịu dàng, hiền hậu, hay cười như  xưa. Năm nay đã 68 rồi, nghe chị bị chứng bệnh đại tràng kinh niên và túi mật đang bị viêm sỏi, cần phải phẫu thuật, nhưng tôi thấy nét mặt chị vẫn phúc hậu, sáng ngời niềm vui.

Liếc ra bếp, thấy nồi rượu vẫn đang đỏ lửa. Một nong cơm đang chờ ủ men. Căn nhà chị Hiếu  bây giờ được xây dựng khang trang hai tầng. Chị Hiếu rối rít đi vào buồng trong xách ra một can rượu nấu bằng gạo nếp, bảo: Mấy nhà thơ phải uống rượu đặc biệt này mới đủ đô! Rồi rót ra mấy chén. Chị tưởng chúng tôi đến để uống rượu như hồi nào.

Tôi bảo: Chị Hiếu ơi, không phải bọn em đến để uống rượu mô mà đến để chúc mừng chị mở được quán cơm từ thiện 2.000 đồng”. Chị cười: Có chi to tát mô…

Hãy nhớ tới những người khó khăn hơn

Trên tường của quán có câu rất hay dán trên vải  xanh đập vào mắt: Chúng tôi phục vụ các bạn, khi các bạn thành công, hãy nhớ tới những người khó khăn hơn. Chị Hiếu cười: Câu nớ lấy từ Kinh Thánh đó, mình phải mượn lời của Chúa để gởi gắm những hy vọng của mình”.

Sắp đến giờ khách đến ăn, chị Hiếu dẫn chúng tôi ra xem. Bốn người nấu cơm, chia cơm đang làm việc khẩn trương. Cơm được chia vào các khay bằng nhựa xanh có nắp đậy lịch sự. Khay có 4 ô: ô cơm, ô canh rau muống, ô món kho mặn là 3 lát chả quế kho.

Các chị làm bếp cho biết, món ăn thay đổi từng ngày nhưng đều đủ 3 món... Đáng chú ý nhất là trong khay ăn như khay Tàu ấy, ô nhỏ nhất để một chiếc kẹo để tráng miệng. Trời đất ơi, ăn cơm 2.000 đồng mà còn có món tráng miệng thì sang trọng quá, văn hóa quá! Em nào đói còn được thêm cơm.

Đến quán không cần xưng tên hay bất cứ giấy tờ gì đều được vào ăn. Chỉ cần đưa 2.000 là được phát một cái tích kê màu đỏ để nhận phần ăn. Chị Hiếu  đi các bàn ngồi xuống bên các em để hỏi xem ăn có  hợp khẩu vị không. Hôm nay quán chuẩn bị 400 suất mà hết sạch…

Tôi hỏi thăm, mới biết các em  đang ăn cơm ở đây là sinh viên các trường đại học ở Huế như ĐH Phú Xuân, ĐH Khoa học, Mỹ thuật, Sư phạm, Ngoại ngữ, CĐ Công nghiệp. v.v.. và người đủ các miền quê Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Chị bảo lúc đầu  định mở một quán cơm miễn phí cho người nghèo. Ngày xưa chị nghèo, chị hiểu nỗi khổ của người nghèo. Lúc nào cũng mong ai đó cho vài đồng. Nhưng nghĩ lại người ta ai cũng có lòng tự trọng, không phải ai cũng muốn ăn của bố thí. Thế là tính sang chuyện cơm giá rẻ. Tính nát óc từng bữa đi chợ mới mua được các thứ cho bữa ăn.

Giá bán 2.000 đồng, nhưng tính đủ hết mỗi suất cơm giá thành 6.000 đồng. Đó là chưa nói tới công phục vụ của ba bốn người trong gia đình. Chị Hiếu bảo: Cái giá 2.000 đồng thì chưa đủ tiền nấu canh Ngô Minh ạ! 

Tôi băn khoăn: Suất cơm bù lỗ 4.000 ngàn, 400 trăm suất hụt mất 1,6 triệu đồng ngày, ai bù cho? Chị trầm ngâm: Thì tiền nấu rượu, buôn men, nuôi lợn mấy chục năm nay chắt bóp dành dụm, gửi lấy lãi. Bây giờ  mình già rồi, nhà cửa cũng đã nhờ con cháu lo xong.

Từ rượu Hiếu đến... cơm Hiếu 2000 ảnh 2
Quán cơm 2.000đ ở 22 Đoàn Hữu Trưng

Rồi chị đột ngột  hỏi tôi: Ngô Minh có nhớ năm đứa trẻ cách đây  hơn hai chục năm nhỏ tíu xíu mà Hải Kỳ đến uống rượu thường bày cho  học không? Ba đứa là cháu con mấy đứa em gái nghèo ở trong Sài Gòn. Một trong ba đứa cháu gái được nuôi nấng lớn lên ở đây  bây giờ thành doanh nhân khấm khá.

Cháu tên là Khánh Mỹ. Cháu có mở một “quán cơm 2.000” ở Sài Gòn phục vụ người nghèo mấy năm nay nhiều người biết tiếng. Cháu ra Huế, động viên mình mở quán cơm phục vụ sinh viên nghèo. Cháu bảo: “Cô cứ làm, cháu sẽ hỗ trợ một phần”. Chính  450 bộ khay ăn ấy là nó mua từ Sài Gòn gửi ra. Đấy nguồn là đấy, chứ đâu.

Bàn bạc nhất trí trong gia đình rồi, chị Hiếu tìm người cấp dưỡng tại quán  trả lương 50.000 đồng /ngày, nên họ làm nhiệt tình lắm. Chính quyền phường Phước Vĩnh, Cha xứ Phủ Cam cũng ủng hộ nhiệt tình, ngành thuế thì miễn thuế.

Đã một tháng rưỡi rồi, quán vẫn  đều đặn  mở cửa 3 buổi trưa trong tuần. Bây giờ thì phải nấu 400, 450 suất. Xem ra chị Hiếu đã tính toán cặn kẽ chi phí để  duy trì quán cơm lâu dài. Có người lo lắng: Một số người do “tò mò” mà vô ăn thử, có người đi xe máy cũng vào quán ăn vô tư nhiều bữa…

Có biện pháp gì hữu hiệu để quán phục vụ đúng người nghèo? Chị Hiếu cho rằng: Hãy  tin vào con người. Họ có lòng tự trọng. Chỉ cần mình có câu: Hãy thương những người nghèo thực sự... thì người không nghèo mà vào ăn cũng ngượng chứ… 

Những nghĩa cử ấm áp đó là nguồn động viên để chị Hiếu thêm niềm tin. Cũng từ  đó, chị Hiếu đã nghĩ đến kế hoạch thuê các bạn sinh viên làm thêm ở quán. “Mình thuê các em vừa để các em có bữa ăn miễn phí vừa giúp các em có thêm thu nhập”.

Cả đời làm việc thiện

Tôi biết không phải bây giờ chị Hiếu mới làm “từ thiện”. Tuổi  trẻ chị suốt ngày làm lụng nuôi dưỡng bố mẹ già, nuôi em, nuôi cháu. Đến tuổi “băm” tuy có duyên, hiền hậu  nhưng chị không lấy chồng mà quyết ở vậy chăm mẹ, chỉ đi xin đứa con để sau này về già có mẹ có con.

Cô bé Hương từ khi sinh ra ốm đau quanh năm. Bây giờ bé đang hàng ngày thu tiền cơm ở quán 2.000 đồng. Từ hai mươi năm trước chị đã nuôi 3 đứa cháu như trên đã kể, rồi một đứa con nuôi.

Thằng Hải là đứa trẻ thất lạc, mới 3 tháng tuổi, chị xin ẵm về nuôi. Lúc đầu thấy nó rất bụ bẫm, sáng sủa, không hiểu sao lớn lên lại bị câm, chân bị tật, không làm gì được. Bây giờ nó đã gần 40 tuổi rồi. 

Ngay cạnh nhà chị có người tên Dã, năm nay 46 tuổi. Bố mẹ Dã mất sớm, ở với bà cô. Thời chúng tôi hay ghé lò rượu Hiếu, thỉnh thoảng lại nghe Dã  la hét như người điên. Đến khi bà cô mất, Dã không có nơi nương tựa. Chị Hiếu nhận chăm sóc nuôi nấng  hơn 15 năm nay.

Dã bị bệnh nằm liệt giường, chị Hiếu phải chăm như chăm đứa trẻ. May có Ban Văn hóa xã hội của Giáo xứ Phủ Cam thấy hoàn cảnh chị, cử  một người giúp chị lo việc cơm nước, vệ sinh cho Dã. Trong nhà chị Hiếu gần hai chục năm nay, lúc nào cũng có cũng có hai sinh viên nghèo được ở miễn phí.

Cô cháu gái  con một người bạn cũ ở Sài Gòn, nghe tin chị mở quán cơm từ thiện đã gửi 2 triệu đồng “góp sức”. Anh Tân ở Hà Nội gửi 500 ngàn đồng “góp  cho bữa ăn người nghèo”. Anh cán bộ ở Đồng Nai xin được giấu tên đã 2 lần gửi, mỗi lần 500 ngàn đồng “trích từ tiền thưởng” của mình “hỗ trợ người nghèo 250 suất cơm”.

Có người bác sĩ Việt kiều ở Pháp nghe tin chị Hiếu bị sỏi mật, gửi thư sang sẵn sàng hỗ trợ thuốc khi chị đi mổ sỏi mật…

Cảm động nhất là có một sinh viên Huế đề tên là MM gửi đến  phong bì 200 ngàn đồng  với dòng chữ: Cháu xin đóng góp với cô phần nhỏ để giúp bạn sinh viên nghèo… Nhiều bạn sinh viên nghèo đã tình nguyện đến tham gia công việc phục vụ ở quán.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.