Từ tay lên vai

Từ tay lên vai
TPCN - Kẽo kẹt, kẽo kẹt… tôi gánh su. Tránh ra! Tránh ra! Hơ… hơ… Cứ thế, cứ thế, tôi chạy từ núi xuống, hậm hà hậm hực. Tôi là Khang, tôi gánh năm mươi ký lô.

Mỗi buổi chạy năm cây rồi quay lại chạy một lần nữa. Mỗi ngày chừng hai chục cây, mười cây xuống, mười cây lên. Người tôi ướt đầm mồ hôi, mặt bỏng rát vì nắng.

Thấy tôi làm việc như thế, Hữu bảo:

- Sao mày ngu vậy? Không kiếm được chuyện khác làm à?

Tôi lắc đầu, hắn cười tinh quái rồi vỗ vai tôi bảo:

- Mày theo tao làm dịch vụ. Ngon, khỏe! Ô kê!

- Làm gì?

Hắn nói:

- Làm cho tao ở nhà trọ.

- Nhà trọ của chú mày chớ bộ.

- Của chú tao nhưng do tao quản lý, điều hành, khác gì của tao.

Tôi chưa trả lời hắn.

Ba năm trước, mười lăm tuổi, tốt nghiệp lớp chín nhưng không đủ điểm vào trường công, tôi nghỉ học. Chán nản, thất vọng. Mẹ tôi buồn buồn nhìn tôi, bà rầu rĩ nói:

- Thôi con, vậy rồi, đành phải vậy, chớ biết làm sao. Để mẹ sang hỏi bà Tư Dừa coi có việc gì làm không.

Hôm sau tôi đi gánh su, bắt đầu cuộc đời gió bụi như bà Tư Dừa nói. Ngày đầu tôi chỉ gánh được một chuyến, được bảy ngàn rưỡi. Tối về mẹ tôi nấu nước ấm chườm đôi vai bỏng rát bầm tím của tôi. Tôi cảm nhận từng giọt nước mắt của mẹ tôi rớt trên lưng nóng hổi, đau ở vai chuyển vào lồng ngực, nghèn nghẹn.

Tôi kể với May về lời đề nghị của Hữu, May giãy nảy:

- Anh đừng đến đó, đừng theo Hữu. Em biết nó không tốt đâu.

Nhưng rồi tôi vẫn theo Hữu đến khu nhà trọ. Hắn bảo tôi ngồi xuống ghế rồi nói:

- Muốn có tiền, đừng sĩ diện, nhớ chưa.

Tôi gật đầu. Hữu hỏi:

- Chú mày có thích đàn bà con gái không?

Tôi nghĩ đến mẹ, đến May, tôi gật đầu. Hữu cười:

- Khá lắm! Vậy mày phục vụ mấy nàng ở trọ đây nếu họ có nhu cầu.

Tôi hỏi:

- Phục vụ ra sao?

Hắn cười hì hì:

- Thì đấm bóp, giải  cảm cho mấy bả, rồi… hì… hì…!

Hữu vỗ ngực bảo:

- Tao đây này, đại học Luật năm thứ hai nhưng tao chán, đánh nhau chơi rồi bỏ về đây làm nhà trọ. Mày biết không, tao đã nếm nhiều loại đàn bà rồi, cả đàn bà Tây nữa, mày tin không ? Gái Tây cực kỳ dữ dội nhưng mùi hoi hoi, chẳng thơm tho như các nàng nhà ta đâu.

Hắn cười nhăn nhở, tôi bỏ ra mỏm đá ngồi. Tôi nhớ May, em thường rót nước cho tôi khi nghỉ mệt ở quán. Đôi mắt May sáng lên sung sướng mỗi khi tôi đến hay rưng rưng buồn khi tôi không nghe lời.

Người thành phố lũ lượt kéo về vùng núi quê tôi, nhiều nhất là vào ngày lễ. Học sinh cấp hai, mươi mười mấy đứa thuê xe lôi thùng có đầu Honda kéo, xe chạy đến đâu hò reo huyên náo đến đó.

Học sinh cấp ba tám người mười đứa một tốp cưỡi xe máy lao lên núi. Tôi biết vì nhìn bảng tên trên ngực chúng. Những người chậm chạp thường ngáng đầu tôi là các ông bà già. Các cụ vừa đi vừa: “A Di Đà Phật, khỏe quá!”. Mắt họ chốc chốc lại ngước lên chùa trên núi.

Trong dòng người thăm núi có đôi ba người Tây mặc quần cụt, lưng đeo ba lô, miệng xì xồ xì xào. Lần ấy có một gã to béo mặt đỏ lựng cầm máy lên chụp tôi đứng nghỉ.

Tôi cầm đòn gánh lên dứ dứ cho như đánh võ cho oách, thằng Tây vứt máy bỏ chạy, miệng kêu thất thanh : “Pôlisơ! Pôlisơ!”. Hữu bảo chữ đó có nghĩa là: “Chúa ơi, Chúa ơi!” rồi cười.

Lời đề nghị của Hữu làm tôi phân vân suy nghĩ. Tôi chưa quyết định, gánh su trên vai tôi đã nặng hơn mọi ngày, đôi chân tôi mỏi mệt hơn mọi ngày. Tôi lại đến với May, trước mặt chúng tôi là tủ thuốc lá và một ít trái cây. May nói :

- Hay là anh đến bán với em, ta mua thêm vài món nữa để bán, ngày cũng kiếm được vài chục. Đến đây với em nghe anh, chứ anh đừng theo Hữu. Em năn nỉ đó, có thương em thì đừng làm cho Hữu.

Tôi buồn quá,  lại bỏ ra mỏm đá ngồi. Tôi nghĩ về mẹ. Từ ngày ba tôi mất, bà sống trầm lặng, buồn bã. Mẹ tôi đau luôn, mỗi tuần phải mua một thang thuốc Bắc. Tiền gánh su của tôi ít ỏi quá!

Phía trên đầu tôi là một bụi tre dày và xung quanh nhiều cây to. Mặt trời chui xuống sau núi, khoảng không trước mặt tôi thẫm đen lại. Lũ khỉ từ đâu kéo về khều móc nhau chí chóe trên cây.

Tôi ngồi dựa lưng vào mỏm đá, cố nén nỗi tủi hờn chực trào dâng trong lòng. Lũ khỉ không trông thấy tôi, tiếp tục kêu ré lên. Tôi bỗng thích nghe âm thanh hoang sơ ấy. Tôi khẽ ngước lên, trong tùm lá, một đôi khỉ đang ôm nhau rên lên khe khẽ.

Tôi nhớ lời Hữu nói về đàn bà, nhớ lời cô giáo nói trong giờ lịch sử : “Để được như ngày nay, loài người đã trải qua một quá trình rất dài, rất dài trong sự nỗ lực không ngừng”. Tôi vùng đứng dậy, lũ khỉ nghe động bỏ chạy táo tác. Gã khỉ đực đang tâm tình bỏ bạn phóng vút lên một cành khác chuồn thẳng.

Tôi vẫn đi gánh su. Chạy trên núi xuống, thình thịch nện chân lên từng bậc đá. Các cô gái tránh đường ngúng nguẩy nép vào bạn trai. Những chị sồn sồn  lật đật tạt sang một bên, có chị văng tục.

Những bà già dắt nhau đi, cuống quýt né, chắp tay trước ngực cầu nguyện. Tôi thấy Hữu đang ngồi tán gẫu với mấy cô mắt xanh mỏ đỏ mới di cư tới. Hữu nói, tay vung vẩy, đầu lắc lư, có khi trợn mắt vẻ dữ tợn khiến các cô cười ré lên. Hữu ngoắt tôi lại hỏi :

- Sao, suy nghĩ kỹ chưa chú em?

Tôi lắc đầu, hắn cười :

- Thôi, nghĩ gì nữa cha! Đời mà gặp chuyện gì cũng nghĩ thì làm sao mà sống? Vô tư đi!

Hắn rủ rê:

- Đến nhà tao, bữa nay có món này hay lắm.

Hữu đưa tôi đến khu nhà trọ. Dẫn tôi vào bếp, hắn bảo:

- Chú em ăn thịt khỉ! Tao vừa kiếm được trên núi

- ủa, anh không sợ kiểm lâm à?

Hữu cười:

- Tao chỉ sợ không bắn được khỉ thôi.

Ăn vài miếng, thấy tanh bợn, tôi thôi. Hữu phán:

- ở đây có hai thứ thịt vừa ngon vừa bổ: Thịt chó và thịt khỉ. Thịt đàn bà ngon nhưng hại sức nên cần chó và khỉ bù vào, hiểu không?

Tôi đi ăn mì rồi về lại nhà trọ tắm rửa. Hữu bảo:

- Khuôn mặt mày đẹp nhưng thân hình ốm yếu quá, cần chó và khỉ nhiều nhiều.

Tôi nói:

- Gầy ốm thật nhưng đánh nhau với anh thì không biết ai thua.

Hữu cười:

- Thời buổi này ai dại mới đánh bằng tay chân, bậc đại nhân dùng tiền để đánh người. Vào phòng 07, người ta sai gì làm nấy. Mỗi đêm hai trăm ngàn. Làm ba bữa bằng gánh su một tháng, ô kê!

Tôi rụt rè mở cửa. Trước mặt tôi là một người đàn bà mập ụ nằm trên giường, mắt lim dim. Bà ta vẫy tôi lại bảo:

- Mát xa cho chị nhé, cưng!

Bà ta vuốt đầu tôi:

- Ôi cún con dễ thương ghê!

Tôi im lặng làm theo chỉ dẫn của bà. Tôi nghèn nghẹn trong cổ. Tự dưng tôi nhớ May kinh khủng. May chờn vờn trước mặt tôi vẻ như cười như khóc.

Được một lúc, bà ta ôm ghì lấy tôi, thở hào hển…

Tôi đã là một người đàn ông nằm nghe một người đàn bà xa lạ nói:

- Hồi trước còn con gái, chị ở quê, sau lên thành phố kiếm việc làm. Mất việc, chị cặp với thằng người Hàn Quốc. Hắn bỏ chị lâu rồi, chị già rồi, hết xài rồi. Nhưng chị có tiền, nhiều tiền.

Bà ta thở dài rồi lại ôm lấy tôi, chằm chằm nhìn vào mắt tôi:

- Đàn ông các người là đồ khỉ đực!

Tôi đẩy bà ta ra, bà chửi:

- Đồ oắt con, tính quỵt à? Năm trăm ngàn mua mày được có một đêm đó. Hồi trước bằng tuổi mày, tao chỉ được năm đồng thôi.

Tôi lao ra ngoài, chạy thẳng lên mỏm đá ngồi. Đồng hồ nhà ai đó gõ ba tiếng. Tôi ngồi, mặc cho muỗi bâu vào mình, vào mặt. Tôi mệt mỏi, buồn bã và cô đơn khủng khiếp. Nước mắt tôi chảy đầm mặt. Năm ấy tôi mười tám tuổi.

Tôi về nhà, mẹ tôi ngồi bên cửa, khuôn mặt bà tê dại và già sọm đi đáng sợ. Thấy tôi, bà không nói gì, chỉ lẳng lặng vào nhà cầm con dao đưa cho tôi:

- Mày giết tao đi!

Bà gào lên:

- Giết tao rồi đi đâu thì đi! Mày làm nhục vong linh ba mày, làm nhục tao! Bà sụp xuống, rũ rượi. Tôi quỳ xuống bên mẹ, tôi khóc. Tôi khóc cho chuỗi ngày buồn bã đã qua, khóc cho những ngày tới vất vả đầy âu lo bất trắc, khóc cho tuổi mười tám đắng cay. Tôi vò đầu gào lên điên loạn.

Tôi như bị rút hết hồn vía, bỏ đi lang thang khắp núi. Tôi gặp bao nhiêu người, đàn bà, đàn ông, trẻ em, ai cũng cuống quýt, hối hả. Tôi lên núi, vào chùa thắp nhang, lạy Phật.

Tôi không trông thấy Phật, chỉ trông thấy bức tượng đồng ám khói. Mọi người lầm rầm khấn vái, họ cầu những gì? Chuyện nhà cửa, chuyện cưới xin, chồng con, chuyện yêu đương, thi cử…

Thật buồn, tôi không có đức tin, tôi nghĩ: Nhiều người cầu nguyện, nhiều lời cầu nguyện, Phật biết nghe ai?

Tôi chui khỏi màn sương khói và tiếng lầm rầm bước đi vô định. Mặt trời đã chui xuống bên kia núi, bóng tối bò ra sau những lùm cây. Tôi lại ngồi dựa lưng vào mỏm đá, cố suy nghĩ: Mày nghèo! Khang ạ! Nghèo lại không có học thức, gánh su là vừa.

Đừng mơ tưởng, đừng phát bĩnh lên như một thằng khùng… Không, tôi cũng là con người, tôi cần sống như những người đến chơi đây: Nhiều tiền, vui vẻ, sung sướng.

Tôi mệt, lịm đi, mặc cho đàn muỗi vo ve quanh mình. Tôi mơ giấc mơ đẹp. Tôi cùng May dạo chơi trên đồng, tiếng May cười rất trong. Gió lành lạnh, May nép vào tôi… và tôi đã làm cái việc như ở nhà trọ, nhưng ngược lại, sung sướng, hả hê.

Gà gáy, tôi thấy lạnh, giấc mơ đẹp tan tành. Tôi ngứa ngáy, ran rát khắp tay chân mặt mũi.

Dường như có tiếng ai đó, tôi chú ý lắng nghe. Tiếng rên thê thiết, gợi nỗi cô đơn rát lòng. Hay là có ma? Lão Thuyết đã từng kể về một con ma thất tình ở núi này, nó thường hành hạ đến chết những người đàn ông không chung thủy.

Tiếng rên rỉ lại cất lên trong đêm. Tôi đi quanh tìm. Một người phụ nữ nằm co quắp, chị thều thào kêu cứu. Sau phút ngỡ ngàng, tôi bế thốc chị ta dậy chạy về nhà. Mẹ tôi đang ngồi đợi. Bà vội vàng lấy quần áo mặc cho chị rồi sai tôi hái lá thuốc đắp lên những vết thâm tím.

Chị tên Tâm, người Long An. Chồng say xỉn suốt ngày lại hay đánh vợ, đánh con, chị chịu không thấu đành gửi con lên đây kiếm việc làm. Không có việc tử tế thì đi đêm, không may gặp tụi du côn, chúng thay nhau hành hạ chị suýt chết.

Chị Tâm tỏ ra rất ngoan ngoãn, mẹ tôi bảo sao cũng một điều dạ hai điều vâng. Hôm thứ ba ở nhà tôi, chị quỳ trước mẹ tôi tạ ơn, mẹ tôi đưa chị ít tiền, nói:

- Không nói chuyện ơn nghĩa gì hết trơn! Về với chồng với con đi. Khi nào chồng đánh thì trốn, rồi lại về, như vậy thì mới yên ấm gia đình được.

Chị lủi thủi đi, tôi theo ra đầu ngõ. Chị dừng lại nói:

- Khang ơi, ơn nghĩa nhà em lớn lắm, suốt đời chị không trả được. Chị về lạy Trời Phật cho mẹ con em được sung sướng.

Nói rồi chị ôm lấy tôi khóc, tôi ứa nước mắt.

Tôi đến với May, cô nàng quay đi không thèm nói. Được một lúc lại nói bâng quơ:

- Tưởng người ta làm nhà trọ có “ghệ” mới rồi chớ! Thấy dẫn người ta về nhà mờ, còn đến đây làm chi?

Đã vãn mùa su, tôi chuyển sang đập đá. Những vết chai trên vai chuyển xuống đôi bàn tay. Tôi lầm lũi làm việc, miệng khô đắng, thỉnh thoảng lại như có cục lửa bùng cháy trong người khi tôi nghĩ về bạn bè đang đi học, về những người sang trọng từ thành phố tới hay về ông Trương giám đốc công ty khai thác đá.

Nhưng dần dà tôi kìm nén được. Cục lửa tàn dần thành đám tro cam chịu buồn bã.

Một lần tôi đang lúi húi làm, Hữu tới cười nhạo:

- Khang ơi là Khang! Mụ già đêm đó chê mày quá trời. Mụ nói mày là bê non vừa ngọt vừa đã. Bữa nay có mấy thằng xóm bển sang xin tao làm, chúng nó ô kê hơn mày nhiều.

Hữu tiếp:

- Bây giờ tiền là trên hết, sướng là trên hết. Kiểu của mày xưa rồi. Mày biết con May bán thuốc không? Con bé đó ngon lắm. Tao mới với nó hồi hôm, nhỏ nhỏ mà thơm như thịt chó nướng!

Máu nóng rần rần khắp người, tôi gầm lên, vung búa bổ vào Hữu, hắn tránh được, sợ quá cút thẳng.

Tối đó tôi đến với May, tôi hầm hầm không nói gì. May hỏi:

- Thằng Hữu nói gì với anh phải không? Nó đểu lắm, hôm qua nó tán tỉnh, gạ gẫm, em cho nó một cái tát. Nó nói xấu anh, em không tin. Tôi nhẹ cả người. Gió thoảng hương đêm, trăng ngời sáng khắp núi, ngời sáng trong đôi mắt May nhìn tôi.

Từ hôm đó, ngày đi đập đá, tối nào tôi cũng đến với May. Mẹ tôi nói:

- Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một. Con là một. Con May khôn ngoan, nó có hiếu với cha nó, nhưng coi chừng nó dắt mũi mày.

***

Một hôm, ông Mười Hon Da hớt hải chạy khắp nơi tìm Hữu. Ông vừa chửi vừa nói như hét:

- Thằng Hữu bỏ bê nhà trọ hai ba bữa nay rồi, mày có biết đâu không? Nó đú đởn với con nào không biết?

May bảo tôi đi tìm, tôi cũng đi nhưng không biết tìm đâu nên ra mỏm đá ngồi dưới lùm cây nơi lũ khỉ thường lui tới. Tôi nghĩ và tự hỏi:

- Tại sao lại muốn tôi đi tìm Hữu? Một tiếng nói len lỏi trong lòng tôi: “Khang ngốc à, mày bị xỏ mũi mà không biết. Ê… ê… thằng cù lần”. Tự dưng tôi thấy buồn kinh khủng.

Lũ khỉ hôm ấy không chí chóe trên cành mà ở một lùm bụi gần chỗ tôi ngồi. Lạ quá, tôi bước lại xem. Lũ khỉ mải mê với vậi gì đó, tôi đến gần, chúng mới nhận ra, vội phóng vút lên cây chạy tán loạn.

Thật khủng khiếp, dưới lùm cây gai, một xác người nằm sấp, áo quần rách tơi tả. Tôi sợ quá chạy về, miệng la hét. Mọi người chạy lại phía mỏm đá, đứng cách một quãng tò mò nhìn.

Vài giờ sau, tin về người chết được truyền đi: Nạn nhân tên là Hữu, cháu ông Mười Hon Da!

Tối ấy, May hỏi:

- Anh tin là Hữu chết vì tai nạn à?

Tôi gật đầu. May bảo:

- Hữu chết vì lý do khác. Em bán đây, chuyện gì mà em không biết.

- Nhưng Hữu chết vì lăn trên núi xuống gãy xương mà.

- Nó bị AIDS, nó tuyệt vọng mà lao xuống núi đó. Nghĩ cũng tội, vậy là xong một đời

Cuối năm ấy tôi và May cưới nhau. Đám cưới có bà Tư Dừa, ba người bán thuốc lá thường ngày vẫn kèn cựa với May và vài thằng bạn của tôi đến dự.

Đến mùa su, vết chai ở tay lại chuyển lên vai. Gánh su trên vai tôi nặng hơn năm chục ký. Tôi chẳng bao giờ ra mỏm đá ngồi vẩn vơ nữa. Tôi cần phải gắng để nuôi mẹ già con dại.

Đặng Minh Sáng
(Đảng ủy khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh Kon Tum)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.