Tự ti vĩ đại

Tự ti vĩ đại
TPCN - Một anh hàng xóm của tôi, nghèo rớt mồng tơi, sáng ngồi quán cà phê khoe sắp được bảo lãnh xuất ngoại, mặt anh vênh lên như giàu có đến nơi. Nhưng mấy năm anh vẫn ở nhà, vẫn nghèo.

Cũng hàng xóm của tôi, có ông khoe có bà con là Việt kiều ở nước nọ nước kia, có ông khoe có con gái sắp làm dâu gia đình Việt kiều.

Lại có người có “bà con làm quan” hoặc được chụp ảnh đang đứng gần vị lãnh đạo nào đó là đem khoe khắp nơi. Mặt rạng rỡ, miệng tươi cười cứ như họ cũng sắp được làm quan hay là “quan phẩy”.

Tôi từng chứng kiến một người bảo cái người có tấm ảnh chụp với lãnh đạo là cất đi, khoe thế đủ rồi thì người có ảnh sửng cồ lên và họ cãi nhau. Không ra làm sao cả!

Chẳng riêng dân nghèo. Thỉnh thoảng tôi nghe vài người khá giả khoe dòng họ, quê hương có bao nhiều người làm cán bộ ở tỉnh, ở Trung ương. Sau kỳ Đại hội Đảng là vồn vã bắt tay “chúc mừng quê anh có nhiều người vào Trung ương”.

Có lần tôi nói thẳng: Tuy cùng quê nhưng tôi chưa bao giờ được gặp các ông “đồng hương” quan to ấy. Người ta cứ bắt tay tôi chúc mừng và người ta cũng mừng vui với tôi như thể vì thế mà chúng tôi vinh dự hơn hay sao ấy?

Một hôm tôi được mời đến một phường chứng kiến “sự kiện đặc biệt”. Đến nơi thấy có mấy cán bộ hưu trí ngồi quanh một cái bàn nhỏ phủ vải đỏ, trên đặt bộ ấm chén sứt mẻ.

Một cán bộ hưu trí đứng lên long trọng giới thiệu: Bộ ấm chén từng được một vị lãnh đạo hoạt động bí mật hồi kháng chiến sử dụng. Tôi hỏi làm sao biết được?

Cán bộ hưu trí khuyên tôi bình tĩnh để nghe kể tiếp: Họ đã tìm được căn hầm bí mật mà một lần đi công tác qua đây, vị lãnh đạo nghỉ đêm và sử dụng cái ấm sứt này. Nhưng nơi làm căn hầm bí mật nay là vườn cây của một gia đình và cần tiền mua lại xây dựng nên một “địa chỉ đỏ”, họ nhờ tôi viết bài tác động để xin kinh phí.

Tôi thật khó xử, mấy chục năm kháng chiến, những nơi các vị tiền bối dừng chân đếm làm sao hết, ấm chén bát đũa các vị dùng chắc cũng rất nhiều? Trong lúc đó các cán bộ nghỉ hưu sôi nổi bàn tán với niềm tự hào chân thành là phường của họ có thêm địa chỉ đỏ, hơn hẳn phường bên cạnh.

Cuộc sống nghèo khổ, lạc hậu kéo dài làm cho con người Việt Nam có khát khao cháy bỏng về sự giàu sang, vượt thoát lên cho “bằng chị bằng em”, bằng thiên hạ.

Nhưng hoàn cảnh “phép vua thua lệ làng” ràng buộc, người Việt Nam ta sinh ra hay tìm lối thoát bằng cách dựa dẫm, không dựa được cụ thể thì “dựa hơi” và lấy đó để tự an ủi. Một người tự an ủi, nhiều người cùng tự an ủi, có khi cả dòng họ, cả xã, cả huyện cùng tự an ủi bởi một điều không đâu. Thật là một tính cách “tự ti vĩ đại”.

MỚI - NÓNG