Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt:

Từ trẻ gom phế liệu trở thành nhà nhiếp ảnh quốc tế

Từ trẻ gom phế liệu trở thành nhà nhiếp ảnh quốc tế
TP - Bên ly cà phê nhỏ giọt một buổi sáng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt (Bình Định), tâm sự về chuyến đi Pháp triển lãm mới đây, về nghề nhiếp ảnh mà anh đến như một sự xô đẩy số phận.

Chỉ nhận mình là tay “nhiếp ảnh nghiệp dư”, đến với nghệ thuật do sự xô đẩy của số phận, nhưng sau 11 năm cầm máy, Đào Tiến Đạt trở thành một tay máy tầm cỡ thế giới, đạt 35 giải trong nước và 141 giải quốc tế tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ (chỉ tính riêng từ đầu năm 2009 đến nay, Đào Tiến Đạt đoạt tới 24 giải quốc tế).

Trong bộ sưu tập giải thưởng đó có 15 huy chương vàng (HCV), đáng kể là HCV xuất sắc nhất châu Á (Gold Medal Best of Asia) tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Venice International Photo Contest 2006 - Italia dành cho hai tác phẩm Đồ nhoTrở về cát bụi;  4 HCV PSA - Cúp vàng“Nhà Nhiếp ảnh của năm 2005” tại Italia; Cúp xuất sắc nhất Hồng Kông tại cuộc thi ảnh lần thứ 31 Chinese YMCA Hồng Kông năm 2006 (cho 4 tác phẩm ảnh màu: Bước ngoặt  số 1 và số 3, Đi theo chiều thẳng đứng, Trở về cát bụi).

Hồi nhỏ, tôi phải làm nghề thu gom phế liệu, hằng ngày gần gũi với những người đào bới ve chai. Bản thân tôi chìm nổi lúc lắm tiền, khi sa cơ lỡ vận không một xu dính túi, có khi tưởng cuộc đời khép lại...

Giải thưởng lớn cho tác phẩm Thời gian tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế VIPC 2005 - Italia. Top Nhiếp ảnh gia xuất sắc thế giới thể loại ảnh trắng đen từ 2004 đến 2007 do Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) bầu chọn hằng năm, riêng năm 2006 được xếp vào Top Ten.

Vừa trở về từ Pháp sau chuyến giao lưu và triển lãm ảnh nghệ thuật, nghệ sĩ Đào Tiến Đạt lại ấp ủ những dự định mới.

Cảm nhận riêng của anh về các nền nghệ thuật nhiếp ảnh rút ra sau chuyến đi?

Tại Sénas - miền nam nước Pháp- tụi tôi triển lãm 50 tác phẩm về đất nước con người Việt nam của 4 tác giả với 4 chủ đề khác nhau (NSNA Lê Hồng Linh với  “Đời thường”, NSNA Hoàng Trung Thủy với “Biển và đá”, NSNA Lý Hoàng Long -  với ảnh “Ý tưởng”), còn tôi với 15 tác phẩm về đề tài Chân dung con người, chủ yếu là ảnh trắng đen.

Tôi mong muốn giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật Pháp một vài chân dung con người Việt Nam: đó là tình yêu (Nương tựa), tình bạn (Bạn), suy ngẫm (Đồ nho), phận người (Thời gian, Giấc mơ đời người), môi trường (Thời trang Elnino)...mang tính nhân văn và ý thức trách nhiệm cộng đồng.

Tụi tôi có một hành trình dài trên 3.000 km đi từ miền đông qua miền tây rồi đến miền nam nước Pháp và những ngày cuối cùng lưu lại Paris cổ kính. Tình cảm và lòng hiếu khách của vợ chồng bà Marie-France DELATTRE, chủ tịch Hội hình ảnh không biên giới (Image Sans Frontière – ISF) và những nơi đến để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt (tên thật là Đào Ngọc Xứng), sinh ngày 2/10/1956 tại thôn Hiệp An, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đến với nhiếp ảnh từ năm 1998. Năm 1999 được kết nạp Hội VHNT Bình Định; năm 2001, trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Năm 2004, nghệ sĩ Đào Tiến Đạt được Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) phong tước hiệu One Star (PSA*) dành cho ảnh màu. Năm 2007, Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế phong tước hiệu AFIAP. Năm 2008, Hội Hình ảnh Không biên giới (ISF) phong tước hiệu RISF2. Năm 2009, Hội Nhiếp ảnh Delaware (Mỹ) phong tước hiệu AWIEP. Được nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bình Định, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Bộ VH-TT&DL...

Như tham dự Lễ hội Nhiếp ảnh La Gacilly năm 2009 chủ đề “Con người và thiên nhiên”, ảnh được phóng to từ 1 đến 5 m theo từng chủ đề được sắp đặt nghệ thuật trên đường phố, con suối, khu vườn...  gây ấn tượng mạnh cho ta cảm giác như lạc vào “thế giới ảnh”. Lễ hội tổ chức hằng năm từ tháng 6 đến tháng 9 thu hút khoảng 200 ngàn du khách.

Qua những cuộc giao lưu và tác nghiệp, tôi nhận thấy tính chuyên nghiệp trong sáng tác và hoàn thiện tác phẩm của bạn hơn hẳn chúng ta.

Các bạn Pháp định hướng và sáng tác ảnh theo từng chủ đề xuyên suốt, còn phần technique (kỹ thuật) thì hết chỗ chê, nhất là ảnh màu. Sắc độ hài hòa, no màu, chăm chút từng mảng khối, nhất là vùng ánh sáng âm chi tiết rất tốt. Nhưng ảnh trắng đen lại là thế mạnh của nhiếp ảnh Việt Nam mà các bạn Pháp phải “gờm”.

Điều đó từng chứng minh nhiều nhà nhiếp ảnh Việt Nam đứng vào Top thế giới thể loại ảnh trắng đen những năm gần đây.

Có phải những thăng trầm của đời sống đã khiến anh suy tư nhiều về con người?

Trước đây 11 năm tôi khó hình dung cuộc đời rồi sẽ ra sao. Như là định mệnh, tình cờ tôi đến với nghệ thuật nhiếp ảnh và ngày càng vỡ ra rằng nhiếp ảnh không đơn thuần là “vẽ bằng ánh sáng” mà đó còn là ngôn ngữ để chia sẻ, tự vấn và đối thoại với đời.

Có thể sự cơ cực, bươn chải thời niên thiếu ảnh hưởng đến cách nhìn cuộc sống của tôi chăng. Tôi con nhà nghèo, sinh ra ở vùng quê Mỹ Chánh (Phù Mỹ, Bình Định) khắc nghiệt hoang tàn sau chiến tranh. Phải sớm vào đời, lúc nhỏ vừa học vừa chăn bò, lớn lên tôi vào Quy nhơn làm nhiều nghề để kiếm sống.

Với nghề thu gom phế liệu, hằng ngày gần gũi với những người đào bới ve chai, cuộc đời họ hằn vào lòng mình. Bản thân tôi chìm nổi lúc lắm tiền, khi sa cơ lỡ vận không một xu dính túi, có khi tưởng cuộc đời khép lại. Nhưng đến khi mẹ rồi sau đó một năm cha qua đời đều vì bệnh ung thư đã tác động dữ dội vào tôi, để chợt ngộ ra đời chỉ là cõi tạm.

Khi đã qua tuổi bốn mươi, năm 1998, tình cờ đọc trên báo bài viết về những tấm ảnh của Lewis W. Hine, tôi thấy nhiếp ảnh sao mà tuyệt thế - những bức ảnh của ông ta thay đổi cuộc đời nhiều trẻ em Mỹ, tác động sâu sắc đến xã hội lúc bấy giờ.

Sau khi được anh Phạm Văn Chai, một nhiếp ảnh gia tại Bình Định chọn mua giúp chiếc máy ảnh Nikon FG, tôi bắt đầu thực hiện chuyến đi sáng tác đầu tiên mãi tận Kon Tum. Khi ấy mua cuộn phim mà cứ loay hoay không biết lắp thế nào. Và rồi cuộc sống đã cuốn hút tôi, mãnh liệt nhất là những cận cảnh về Con Người.

Anh có bí quyết gì mỗi khi nâng ống kính?

Tôi không có “vũ khí bí mật” nào cả ngoài lòng đam mê và học hỏi không ngừng. Càng đi sâu càng nghiện nặng, nhiếp ảnh trở thành nhu cầu tự thân đến từ khi nào không biết, dù rất nhiều khi tôi phải đối diện bức bách về kinh tế.

Cảm ơn anh.

Một số tác phẩm của nghệ sĩ Đào Tiến Đạt:

Từ trẻ gom phế liệu trở thành nhà nhiếp ảnh quốc tế ảnh 1
Bước ngoặt
Từ trẻ gom phế liệu trở thành nhà nhiếp ảnh quốc tế ảnh 2
Khát
Từ trẻ gom phế liệu trở thành nhà nhiếp ảnh quốc tế ảnh 3
Cô liêu
Từ trẻ gom phế liệu trở thành nhà nhiếp ảnh quốc tế ảnh 4
Cầu phước
Từ trẻ gom phế liệu trở thành nhà nhiếp ảnh quốc tế ảnh 5
Đơn chiếc
Từ trẻ gom phế liệu trở thành nhà nhiếp ảnh quốc tế ảnh 6
Thời gian

Nguyễn Huy
Thực hiện

MỚI - NÓNG