“Tư tưởng biên chế”

“Tư tưởng biên chế”
TP - Thời bao cấp, sự phân biệt về quyền lợi giữa “người nhà nước” và “người ngoài” tạo ra cuộc chạy đua, coi việc được vào biên chế nhà nước là mục đích tối thượng, là “đảm bảo bằng vàng”.

Đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới trên 20 năm nhưng tư tưởng bao cấp,  chạy đua vào “biên chế nhà nước” vẫn chưa “chết” mà đang sống dai dẳng, có khi quyết liệt ở một bộ phận không nhỏ cư dân. Thử điểm lại những ai có “tư tưởng biên chế” nặng nề nhất ?

1/ Những người năng lực bình thường, nếu không muốn nói là kém, nhưng có ô dù: Họ không thể cạnh tranh được trên thương trường, ngoài xã hội nhưng vào cơ quan nhà nước được bố trí những vị trí béo bở, màu mỡ, có kẻ nâng người đỡ nên tiến thân bằng con đường “biên chế” là ngắn nhất, an toàn, thuận lợi nhất. Trong thực tế nhiều nơi đã hình thành cơ chế “mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một lần”.

2/ Những người có tài “buôn”, họ vào cơ quan nhà nước không phải nhằm mục đích kiếm đồng lương còm mà để kinh doanh quyền lực, lợi dụng các thế lực, nguồn lực của nhà nước để làm giàu. Đối với những người này không kinh doanh gì siêu lợi nhuận bằng “kinh doanh quyền lực”.

3/ Những người thích tìm “hệ số an toàn cao”: Vào cơ quan nhà nước  không sợ đói, không sợ thất nghiệp, làm việc nhì nhằng cũng không bị sa thải, không có tài năng thì hai hay ba năm cũng lên một bậc lương, khi về già có lương hưu… Đa số những người này không giàu, sống bằng đồng lương lương thiện và hài lòng với cuộc sống của mình.

4/ Ngoài ra, phải kể đến những người tìm cách trú chân, làm vỏ bọc cho con đường làm ăn ngoài nhà nước, số này thường được gọi là “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Vì thế, một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức tuy vẫn ăn lương nhà nước nhưng không toàn tâm toàn ý phụng sự đất nước, đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh, thích làm cán bộ nhưng không nhiệt tình với công việc, mang tư tưởng an phận thủ thường, cơm vua ngày trời, nước chảy bèo trôi.

Vì sao có hiện tượng trên ? Vì “đầu vào” không dựa trên một tiêu chuẩn thống nhất, bị chi phối bởi nhiều yếu tố tiêu cực, quá trình vận hành trong “hộp đen” bị đối xử thiếu công bằng, bình đẳng, thật giả, tốt xấu lẫn lộn, sự phấn đấu bị “cơ cấu” lấn át, đè bẹp…

Chuyển sang cơ chế thị trường, cơ hội chia đều cho mọi người; mở ra nhiều con đường lập thân, lập nghiệp. Không biên chế, người ta có thể lập doanh nghiệp tư nhân, Cty trách nhiệm hữu hạn, Cty cổ phần, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế gia đình hoặc tự tạo công ăn việc làm để tồn tại và phát triển.

Thế hệ 8X, 9X không bị chi phối, ảnh hưởng của tư tưởng bao cấp nên rất năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, quyết chí làm giàu bằng tài năng và nghị lực của mình... Nhiều thanh niên thuộc hàng “con ông cháu cha” nhưng không ỷ thế, núp bóng tiền nhân mà tự tìm đường riêng.

Nhiều bạn trẻ tự vượt lên trên hoàn cảnh, số phận, không chấp nhận nghèo nàn, lạc hậu, không để những bóng mây tiêu cực làm nhụt chí hướng phấn đấu, tin tưởng vào tương lai. Đó chính là động lực của sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều bạn trẻ mặc dù không bị ảnh hưởng của tư tưởng bao cấp nhưng lại chưa vượt qua được sự bảo kê, che chở của người lớn. Họ chấp nhận hy sinh lý tưởng, hoài bão cá nhân để chiều theo sự sắp đặt của cha mẹ, bằng lòng làm một công việc trái chuyên môn, trái sở trường nhưng màu mỡ, nhiều bổng lộc.

Xin các bậc cha mẹ hãy từ bỏ cơ chế bao cấp trong việc sắp đặt tương lai của con cái, mong các bạn trẻ suy nghĩ và trao đổi thẳng thắn xem thế hệ trẻ chúng ta nên sống bằng nghị lực của mình hay chỉ làm “cây tầm gửi”...

MỚI - NÓNG