Từ Van Gogh đến Picasso - Bí ẩn hút hồn của nghệ thuật

Từ Van Gogh đến Picasso - Bí ẩn hút hồn của nghệ thuật
TPCN - Tối 3/5 vừa qua là ngày diễn ra phiên bán đấu giá bức tranh đắt thứ 2 thế giới vừa diễn ra ở New York của Hãng Sotheby’s tại New York, Hoa Kỳ.
Từ Van Gogh đến Picasso - Bí ẩn hút hồn của nghệ thuật ảnh 1
Bức tranh "Dora Maar với con mèo"

Căn phòng rộng ở đại lộ York chật cứng người với nhiều máy chụp ảnh quay phim và khá đông nhà báo. Tất cả háo hức chờ đợi số phận lô hàng số 14 được bàn tán rất nhiều ngày trước đó.

Vị khách bí ẩn

Nhiều dự đoán khác nhau được đưa ra, song tựu chung, giới chuyên môn thống nhất rằng hai tác phẩm sẽ đạt kỷ lục trong mùa đấu giá năm nay là Người đàn bà ở Arles, Bà Ginoux của Van Gogh (1853 - 1890) và Dora Maar với con mèo (Dora Maar au chat) của Picasso (1881 - 1973) - mang số 14 nói trên.

Ngày 2/5, đúng như dự đoán, Bà Ginoux đã được mua với giá 40,33 triệu USD, còn Dora Maar với con mèo thì sao?

Lường trước bất ngờ về giá của bức tranh này, nhà tổ chức bán đấu giá không dám ghi giá chào vào bảng danh mục giới thiệu. Đến số 14, trong hai phút đầu, năm người mua đẩy giá lên 50 triệu USD.

Sau đó, hai người đưa lên 70 triệu rồi ba người đội lên 85 triệu. Tất cả đều trả giá qua điện thoại. Rồi cứ mỗi lần “đấu”, “giá” tăng thêm 500.000 USD. Cuối cùng từ cuối phòng, một người bịt mặt vụng về giơ lên tấm biển ghi số người mua 1340 của mình và nói to 95 triệu.

Cộng các chi phí giao dịch, bức tranh Dora Maar với con mèo đã được trả tới 95,2 triệu. Lập tức, người mua bịt mặt vội vã đem bức tranh cùng đoàn tùy tùng rút khỏi hội trường, tránh các “phó nháy” tìm cách ghi hình họ.

Thời gian đấu giá số 14 vậy là chưa đến 15 phút. Đây là kỷ lục của 23 năm. Cho đến nay, tung tích của vị khách đặc biệt ấy vẫn chưa ai biết. Đại khái, ông ta mặc áo vét xanh lơ, sơ mi mầu trắng kem, hình như nói tiếng Nga hay một thứ tiếng Đông Âu nào đó.

Chắp nối chi tiết trong phiên đấu giá, người ta phát hiện ra rằng vị khách bí hiểm còn trả 5 triệu USD (giá chào là 3 triệu) để có được bức Gần Monte - Carlo của Monet (vẽ năm 1883), và 2,5 triệu (giá chào 1,5 triệu) để mua bức Thiên đường của Chagall. Ông đã chi tổng cộng 102,7 triệu USD, gần một nửa số tiền mà Sotheby’s thu được lần này là 207,56 triệu, doanh thu cao nhất kể từ 1990.

Tình yêu nghệ thuật?

Chừng hai mươi năm trở lại đây, mua tranh không còn là công sở, doanh nghiệp hay công ty mà chủ yếu là đối tượng tư nhân, gồm các trùm tài chính phần lớn đến từ Nhật, Nga, Trung Quốc, những người mới giầu lên nhờ Internet, những kẻ coi tiền như rác.

Chính họ làm sôi động thị trường nghệ thuật khắp hành tinh. Song le, do đâu họ dám ném ra những món tiền khổng lồ như vậy? Có phải chỉ vì tình yêu nghệ thuật không? Câu trả lời khẳng định là đúng đối với trường hợp Van Gogh.

Từ tình yêu tranh khắc cổ Nhật Bản, danh họa Hà Lan yêu cả đất nước mặt trời mọc. Ông không đến được Nhật Bản, nên xuống miền Nam Pháp đầy nắng, coi như đã ở xứ sở hoa anh đào.

Tại đây, ông vẽ những bức hoa hướng dương nổi tiếng, bộc lộ thật đúng - ngoài ý muốn của ông - quốc hồn Nhật Bản. Sự cất cánh phi thường của khoa học kỹ thuật và công nghệ Nhật Bản sau Đại chiến II khiến người Nhật xiết đỗi tự hào.

Và một doanh nghiệp đất nước mặt trời mọc đã tìm mọi cách mua bằng được một bức tranh hoa hướng dương của Van Gogh về đặt ở trụ sở. ấy là vào năm 1987.

Chưa hết, ngày 2/5/1990, tại một cuộc bán đấu giá ở Hoa Kỳ, một công dân Nhật mãi gần đây mới để lộ danh tính - vua giấy Ryoei Saito - đã bỏ 82,5 triệu USD để độc chiếm Chân dung bác sỹ Gachet (Le portrait du Dr. Gachet) của danh họa cơ cực nhất lịch sử.

Saito yêu bức tranh đến nỗi yêu cầu chôn nó theo mình. Dĩ nhiên, điều đó đã không xảy ra. Có điều, Chân dung bác sỹ Gachet gốc vẫn là sở hữu riêng của người Nhật.

Kỷ lục hội họa ấy tưởng vĩnh viễn an bài. Tháng năm 2004, nó đã bị vượt qua bởi một kiệt tác của Picasso, Chàng trai với cái tẩu (Le garcon à la pipe) với giá mua là 104,168.000 USD.

Được vẽ năm 1905 lúc Picasso mới 24 tuổi, bức tranh thể hiện một trẻ vị thành niên có vẻ uể oải thẫn thờ trên nền hoa, tôn cậu lên, phản ánh khá ấn tượng tâm trạng của cả một thế hệ đầu thế kỷ trước.

Năm 1950, nó được cựu đại sứ Mỹ tại Anh John Haywhitney mua với giá 30.000 USD. Năm 2004, nó được Quỹ Greentree do bà Betsey Hay Whitney (mất 1998) thành lập 1982 đem bán để tăng cường hoạt động cho Quỹ...

Tâm sự ngàn đời

Bằng kỷ lục Chàng trai với cái tẩu, Picasso, nghệ sỹ vĩ đại nhất và được công chúng hâm mộ nhất thế kỷ XX, khiến không chỉ giới chuyên môn ngạc nhiên khâm phục.

Giờ đây, sau sự hâm mộ khá ly kỳ đối với Dora Maar với con mèo, các học giả đã có thể khẳng định Picasso là một giá trị chắc chắn trên thị trường nghệ thuật.

Giá trị ấy là tính hiện đại mà công chúng càng ngày càng quan tâm. Số phận bức tranh này còn ly kỳ hơn cả Chàng trai với cái tẩu. Dora Maar… được vẽ năm 1941 từ nguyên mẫu là người tình và là nàng thơ đằm thắm nhất của Picasso trong gần 10 năm (1935 - 1945) Dora Maar (1907 - 1997).

Với bộ mặt như bị chẻ đôi, móng tay như vuốt hổ, trang phục nhiều mầu nghịch ngợm, Dora Maar giống một nữ thần đầy quyền uy ngự trên ngai vàng, chi phối các sự kiện, thống lĩnh cõi thế. Con mèo nhỏ phía sau là một biểu tượng của dục tình.

Hai phẩm chất ấy hẳn là quan trọng nhất đối với con người hiện đại? Sau Dora Maar với con mèo một thời gian, Picasso thể hiện nàng thơ vốn thay đổi cảm quan nghệ thuật của ông - từ không quan tâm tới chính trị đến “nhập cuộc” hoàn toàn - trong hình tượng người đàn bà khóc, cũng được giới hội họa và công chúng ngợi ca.

Loạt tranh “khóc” này dự báo kịp thời một bi kịch đang diễn ra, khi mà cái phi lý càng khó biện giải. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang biến tướng, chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành, sự trỗi dậy của cái mọi rợ thời Trung cổ, chủ nghĩa phát xít vẫn muốn ngóc đầu dậy..., nhân loại đành bất lực chăng?...

Góp phần vào vinh quang hôm nay của Dora Maar với con mèo là cuộc triển lãm về quan hệ của Picasso và Dora Maar đang thu hút rất đông người xem ở Paris.

Thực ra, năm 1963, vợ chồng một nhà sưu tập Hoa Kỳ - tên là Gydevitz - đã mua được bức tranh ấy. Từ đó, nó “lặn mất tăm” suốt hơn 40 năm cho đến giờ.

Tháng tư, khi mùa đấu giá xuân rục rịch, nó mới được nói đến. Hiện nó là bức tranh cao giá thứ hai thế giới sau Chàng trai với cái tẩu như nói trên. Thật ngạc nhiên khi trong 14 bức tranh đắt nhất thế giới, Picasso góp đến 7 bức (hai bức về Dora Maar).

Mười bốn bức đó là Chàng trai với cái tẩu của Picasso, 104,2 triệu USD, 2004; Dora Maar với con mèo, Picasso, 95,2 triệu, 2006; Chân dung bác sỹ Gachet, Van Gogh, 82,5 triệu, 1990; Ở vũ trường bình dân (Au moulin de la Gallete), Renoir, 78,9 triệu, 1990; Tàn sát những người vô tội, Rubens, 76,7 triệu 2002; Chân dung không râu tự họa, Van Gogh, 71,5 triệu, 1998; Tấm màn, chiếc bình và mâm bồng, Cezanne, 60,5 triệu, 1999; Người phụ nữ khoanh tay, Picasso, 55 triệu, 2000; Hoa diên vĩ, Van Gogh, 53,9 triệu, 1987; Người phụ nữ ngồi trong vườn, Picasso, 49 triệu, 1999; Đám cưới Pierrette, Picasso, 49,2 triệu, 1989; Ước mơ, Picasso, 48,4 triệu, 1997; Yo Picasso, 47,8 triệu, 1989; Người đàn bà ở Arles, Bà Ginoux, Van Gogh, 2006...

Đinh Thủy Hương
Theo Le soir en ligne, Lalibre, Art.cover,  Lycos.iQ

MỚI - NÓNG