Tú Xương với tài dịch thơ chữ Hán

Tú Xương với tài dịch thơ chữ Hán
TP - Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong bài “Thơ Tú Xương” in trên tạp chí Văn nghệ tháng 1 năm 1963 đã suy tôn nhà thơ non Côi Sông Vị là bậc “Thần thơ thánh chữ”.
Tú Xương với tài dịch thơ chữ Hán ảnh 1
Ngôi nhà số 280 phố Hàng Nâu (Minh Khai)- Nhà thơ Tú Xương đã ở  Ảnh: P.V

Xưa nay, trên văn đàn, sự trọng thị, liên tài là cách ứng xử của những người có nhân cách lớn, có biệt nhỡn và cả tài năng trác việt. Tú Xương “trong con mắt xanh thời gian”, việc nhìn nhận đánh giá những cống hiến của ông cho Văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn cộng hưởng thêm từ các tuyển tập, các công trình nghiên cứu của các soạn giả trong Nam, ngoài Bắc nhiều thập kỷ qua.

Đặc biệt, lời biểu dương Tú Xương của Nhà văn Nguyễn Tuân trong bài “Thời và thơ Tú Xương” ngay từ những năm sáu mươi thế kỷ trước đã được nhiều người tán thưởng: “Tú Xương, một người thơ, một nhà thơ vốn có nhiều công đức trong trường kỳ xây dựng lâu đài ngôn ngữ Việt Nam” (Tạp chí Văn nghệ, tháng 5/1961).

Còn Giáo sư người Anh Albert Smith đã đánh giá: “Tú Xương xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ trào phúng lớn của thế giới”. (1)

Sinh thời, ông Tú Vị Xuyên trong việc “tự phê bình” chuyện học hành thi cử đã viết rằng mình “Rõ thực Nôm hay mà chữ dốt”, “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”...

Điều gì đã khiến Tú Xương, một người thông minh, mẫn tiệp thành người “lạc đệ” trong buổi Nho học suy tàn, “nhà nước bảo hộ” bắt đầu áp đặt cách thức “tuyển trạch nhân tài” phục vụ cho bộ máy thống trị hà khắc kiểu “thực dân - nửa phong kiến” trên toàn cõi Việt Nam kể từ sau Hiệp ước Patenôtre 1884, ký với triều Nguyễn?

Giáo sư Nguyễn Đình Chú trong tiểu luận “Tú Xương, nhà thơ lớn của dân tộc” cho rằng: “Tú Xương hỏng thi… chính là do sự vênh nhau giữa con người nghệ sĩ phóng khoáng, hồn nhiên với cái chế độ thi cử vốn có phép, có tắc của nó, dĩ nhiên là thứ phép tắc gò bó, thủ tiêu cá tính tài năng con người trong xã hội cũ.

Việc hỏng thi đã thành vấn đề đối với cuộc đời Tú Xương”. (Tú Xương - tác phẩm Giai thoại, Hội VHNT Hà Nam Ninh, 1986).

…“Một việc văn chương thôi cũng nhảm/Trăm năm thân thế có ra gì…”. (Buồn hỏng thi - Tú Xương)

Có người lại cho rằng việc “hỏng thi” của ông Tú lại là cái “được” của văn học. Mất một “ông Cử” đội mũ cánh chuồn cung phụng Nam triều những được một nhà thơ lớn:

“Ông Nghè, ông Thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một Tú tài”.
(Đọc thơ Tú Xương –Xuân Diệu)

“Đọc thơ Xương, ăn chuối Ngự”, ai cũng biết câu phương ngôn của người Nam Định yêu quý những đặc sản vật chất, tinh thần vùng đất đã sinh ra cùng với giai thoại từ thuở cậu bé Trần Duy Uyên ngồi trước thềm hoa năm sắc “Đình tiền ngũ sắc hoa” nhập tâm chữ nghĩa thánh hiền…

Năm 1962, tại phòng đọc Thư viện Nam Định, tôi đã chép bản dịch thơ Đỗ Phủ của nhà thơ Trần Tế Xương trong cuốn “Tú Xương, con người và nhà thơ” (NXB Văn hóa, 1961) của Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ. Sách không in bản phiên âm nguyên tác chữ Hán “Xuân dạ hỉ vũ” của Đỗ Phủ. Chỉ có bản dịch của Tú Xương:

Mừng mưa đêm xuân

Khen thay con tạo khéo chia mùa
Hoa sớm mưa xuân những hẹn hò
Đưa nhẹ một cơn bừng giấc thắm
Rơi ra từng sợi thấm cành khô
Đồng không lối tắt mây nghi ngút
Sông vắng thuyền ai lửa thập thò
Phơi phới thành xuân ban sáng tạo
Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa.

Thử hình dung ông Tú trong màn mưa bụi Thành Nam đêm xuân, quay về phía dãy hàng hiên có bóng đèn lồng và đôi câu đối đỏ:

“Môn ngoại vãng lai xa mã khách/ Đình tiền xuất nhập quế khôi nhi” (2)

Ngôi nhà mái ngói số 247 Hàng Nâu, khu Định Hữu, Vị Xuyên hãy còn hé cửa. Bên tràng kỷ, trên án thư người nhà đã bày sẵn nghiên sứ, thỏi mực đen ánh và cây bút Tảo Thiên Quân cùng “ánh đèn xanh” với “những quyển vàng”.

Ông dịch thơ Đỗ Phủ, thần hứng lâng lâng, tấm áo bông treo mắc áo hãy còn đính những hạt mưa xuân bé tí lấp lánh. Một đêm xuân bao nhiêu tình tứ:

“Ai ơi còn nhớ ai không
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu
Nào ai có tiếc ai đâu
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình”…

(Áo bông che đầu – Tú Xương)

Bài thơ “Xuân dạ hỉ vũ” của thi hào Đỗ Phủ tả một đêm mưa xuân có thể là ở đất Kinh Triệu, gần Kinh đô Tràng An nhà Đường, nơi ông được làm một chức quan nhỏ coi kho vũ khí trước ngày xảy ra loạn An Lộc Sơn.

Đỗ Phủ (712-770) sao có thể biết sau hơn một nghìn năm ở phương Nam xa xôi này có một nhà thơ trẻ yêu quý ông, có thể gọi dậy sức sống tinh khôi ở một bài thơ cổ.

Ở đây, đồng đất ngoại thành Nam Định cũng vừa bừng thức sau làn mưa xuân dìu dịu mùi hương cỏ nõn. Sông Vị Hoàng êm lắng, đầu mom cối bãi lơ mơ sương khói, thuyền ai thắp lên ánh lửa sáng vào trang thơ:

Đồng không lối tắt mây nghi ngút/ Sông vắng thuyền ai lửa thập thò…

Không biết đây là thành xuân phương Bắc xa lắc xa lơ hay là Thành Nam với những xóm Phù Hoa, Vị Khê… lối cửa Đông, cửa Nam sớm mai như vẽ:

Phơi phới thành xuân ban sáng dạo/ Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa…

Đưa bản dịch “Xuân dạ hỉ vũ” của Tú Xương vào tiểu luận “Đọc thơ Tú Xương” trong “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” tập II (NXB Văn học 1987, trang 184), nhà thơ Xuân Diệu viết: “Trước hết là khâm phục Đỗ Phủ, tiếp liền sau là khen Tú Xương, ngôn từ nhanh nhẹn, lời văn rất mới; mới đây không phải ngông nghênh, tân thời “mô đéc” thì gọi là mới; mới đây nghĩa là trẻ, trẻ thì nhất định luôn luôn mới, trẻ là tồn tại muôn đời, mở ra lúc nào mới lúc ấy!

Chao ôi, không biết khen ai, khen cả hai tác giả! Mưa xuân ban đêm hẹn với nhau nảy sớm mùa; cái mưa xuân ấy đưa nhẹ một cơn, thì hoa bừng giấc thắm, tỉnh dậy và nở thắm; cái mưa xuân ấy rơi ra từng sợi thấm cành khô, cha chả là hay! Hai câu đối nhau, đọc liền một lúc mới thấy lộ hết cái hay”.

Tú Xương còn bao nhiêu bài dịch nữa? Khó có thể liệt kê đầy đủ bởi vì ngay những sáng tác của ông lúc sinh thời còn được bạn đọc hôm nay tìm đến chủ yếu do những người quý trọng tài năng thi ca xuất chúng nơi ông mà nhập tâm, ghi chép lại. Thơ ông ở trong trí nhớ, trong tâm thức người Nam Định, trong các bản chép tay tủ sách của các gia đình.

Nhà thơ Trần Lê Văn trong “Tú Xương, khi cười, khi khóc, khi than thở” (NXB Lao động, 2002, tr84) cho biết “Năm 1930, Trần Duy Lãng, một trong những người con của ông Tú, bị Tây bắt vì bị tình nghi hoạt động cách mạng, gia đình sợ đem đốt hết cả tập thơ. Đốt tại số nhà 280 phố Hàng Nâu, Nam Định”.

Giáo sư Nguyễn Lộc trong “Lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX” (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1987, trang 323) cho biết: “Ở Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội) có một cuốn sách ký hiệu AB 194 ghi là của Trần Tế Xương, nội dung có phần Nam giao cổ kim lý hạng ca dao chú giải chép ca dao nước ta có chú thích bằng chữ Hán, ngoài ra có phụ một số câu đố.

Cũng trong cuốn sách này có một phần tên là Đường thi ngũ ngôn giải âm dịch 83 bài thơ trong bộ Đường thi hợp tuyển cũng ghi là của Trần Tế Xương”.

Mặc dù không khẳng định tư liệu thành văn này của Tú Xương, Giáo sư Nguyễn Lộc vẫn quả quyết: “Nhưng một điều dứt khoát có thể khẳng định được là Tú Xương rất am hiểu ca dao” (Sđd).

Chúng tôi chưa được tiếp cận tư liệu quí giá này. Nếu quả thật đây đúng là di cảo của nhà thơ Tú Xương thì “thật là hay”! Chúng ta đều biết, Tú Xương là nhà thơ sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ… vào các sáng tác văn học đến mức thần tình.

Ông xứng là bậc thầy trong lao động sáng tạo ngôn ngữ thi ca tiếng Việt, một “bút lực đại gia” trong việc sử dụng và biên dịch tác phẩm chữ Hán qua các văn bản hiện hữu.

Trong “Thơ Đường tập 1” (NXB Văn học 1987, tr.137) có in bài thơ “Thập thất dạ đối nguyệt” của Đỗ Phủ, bản dịch thơ của Tú Xương.

Nguyên tác của Đỗ Phủ:

THẬP THẤT DẠ ĐỐI NGUYỆT

Thu nguyệt nhưng viên dạ
Giang thôn độc lão thân
Quyển liêm hoàn chiếu khách
Ỷ trượng cách tùy nhân
Quang xạ tiềm cầu động
Minh phiên túc điểu tần
Mao trai y quất dữu
Thanh thiết lộ hoa tân

Dịch nghĩa:

NGẮM TRĂNG ĐÊM MƯỜI BẢY

Trăng thu đêm nay vẫn tròn
Thân già côi quạnh ở xóm bên sông
Cuốn rèm, trăng còn ngó khách
Chống gậy, trăng vẫn theo mình
Ánh rọi xuống, làm con cầu long đã lặn phải cựa quậy
Bóng sáng soi vào, khiến con chim ngủ xoay mình luôn
Lều tranh dựa bên cây quýt, cây bưởi
Đêm lạnh hạt móc mới đọng như hoa.

Dịch thơ:

NGẮM TRĂNG ĐÊM MƯỜI BẢY

Vành vạnh trăng thu chút chửa sai
Xóm sông lụ khụ một mình ai
Cuốn rèm trông thấy như chào lão
Chống gậy ra chơi lại đón người
Soi suốt rồng nằm dòng nước chảy
Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi
Nhà tranh ngồi tựa bên chồi quýt
Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời.

Trần Tế Xương

Bài thơ thể ngũ ngôn được “dịch” sang thể thơ thất ngôn thêm “đất dụng võ” cho dịch giả. Đỗ Phủ “Ngắm trăng đêm mười bảy” một mình từ túp lều tranh quạnh quẽ bên dòng sông trăng thu đầy ắp.

Hình như Đỗ Phủ khi ấy đang ở rất gần con sông thơ “Khúc Giang” nổi tiếng “Triều hồi nhật nhật điểm xuân y” (Khỏi bệ vua ra cố áo hoài – Tản Đà dịch), trong cảnh ngộ “thân già cô quạnh ở xóm bên sông” xa lánh hẳn cái thuở làm chức gián quan tháp tùng vua Đường chạy loạn An Lộc Sơn.

Những năm cuối đời, nhà thơ lâm vào cảnh khốn khó, gia đình ly tán. Đỗ Phủ phải vất vả mưu sinh, nếm đủ cơ cực, thiếu đói, bệnh tật hành hạ, nhưng phẩm cách của bậc “Thi Thánh”, tư tưởng nhân văn lại càng tỏa sáng. Thơ ông vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật thơ Đường.

Tú Xương dịch bài thơ “Thập thất dạ đối nguyệt” của Đỗ Phủ có thể cũng vào một đêm thật trăng sau những đêm “Nhạt nhèo quang cảnh ánh trăng suông”. “Trời không chớp bể với mưa nguồn”... là cái đêm bình yên trở lại sau “Đêm rằm tháng tám chúng vây ai?” rậm rịch bước chân đám lính “khố đỏ, khố xanh” lùng sục các phố xá Thành Nam, vây ráp như “Đèn kéo quân” tìm bắt cả những người bị tình nghi có hành vi chống đối Nhà nước bảo hộ.

Cái đêm chừng như vầng trăng trong thơ Đường về tròn gương bên bến nước sau nhà, trăng dạt dào tiếng sóng vỗ mom sông. Bản dịch của Tú Xương sáng đẹp lạ thường trong lời thơ Việt có cả những làn sóng ánh sáng:

Soi suốt rồng nằm dòng nước chảy/ Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi

Và ở câu kết “Đêm lạnh hạt móc mới đọng như hoa” Tú Xương dịch thành “Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời” khiến cho sự sáng trong lòng ta ngời lên như những hạt ngọc!

Tài năng xuất chúng của Trần Tế Xương không chỉ ở những thơ, phú, câu đối… mà còn ở những bài dịch thơ chữ Hán trác tuyệt của ông.

-------------------------

Chú giải: (1) Dẫn theo Nguyễn Thị Hòa Bình (trong luận văn “Con đường từ Nguyễn Khuyến đến Trần Tế Xương của văn học trào phúng” - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội 1999).

(2) Câu đối trong bức tranh “Đối Pháo” của họa sĩ Nguyệt Hồ (1905 - 1992).

Thành phố Nam Định, tháng 10 năm 2007

MỚI - NÓNG