Tuổi thơ ngắn ngủi của Lê Vân

Tuổi thơ ngắn ngủi của Lê Vân
“Tôi có nhu cầu phải kể hết đời mình, không giấu giếm bất cứ điều gì, ngay cả những điều mà người ta có quyền giữ im lặng, với một người nào đó” - Lê Vân, ngôi sao sáng một thời của điện ảnh VN, đã viết như vậy ngay từ những dòng đầu tiên trong tự truyện của mình.
Tuổi thơ ngắn ngủi của Lê Vân ảnh 1
Ảnh tư liệu

Lê Vân từng tạo nên tên tuổi của mình qua những bộ phim "Chị Dậu", "Thằng Bờm", "Bao giờ cho đến tháng mười", "Thương nhớ đồng quê", "Lời thề"... Trong tự truyện chị kể về một cuộc đời đa đoan và nhiều hờn tủi...

Có cha mẹ là Trần Tiến - Lê Mai, có hai em gái là Lê Khanh - Lê Vy, cô con gái lớn trong một gia đình nghệ sĩ danh tiếng vừa quyết định mở cánh cửa lòng mình qua những hồi ức...

Mẹ của riêng tôi

Khi tôi mới được vài tuổi, không biết vì bố mẹ khó khăn hay vì sớm lục đục mà tôi được gửi về Hải Phòng cho bà ngoại trông nom. Mẹ có hai em trai mà tôi rất hay nhầm tên là cậu Chúc và cậu Chức.

Để khỏi gọi sai, tôi bèn nghĩ cách đặt biệt danh cho các cậu là cậu To và cậu Bé. Tôi không bao giờ quên khoảng thời gian vui vẻ ngắn ngủi được sống gần bà ngoại.

Chỉ có chừng ấy thời gian thế thôi, vậy mà cũng đủ để bà xót xa cho tôi, dõi theo từng bước cuộc đời tôi.

Bằng bản năng ruột thịt, bà có linh cảm đời tôi đang gặp bất hạnh (ấy là thời gian tôi rơi vào cuộc tình éo le thứ nhất). Mỗi khi có dịp về Hải Phòng biểu diễn, tôi thường chạy về số nhà 64B phố Cầu Đất thăm bà. Tôi biết bà muốn hỏi tôi nhiều thứ nhưng rồi lại im lặng, chỉ dịu dàng nắm lấy hai bàn tay gầy guộc của tôi vuốt ve, chia sẻ.

Từ nhà hộ sinh A, Hà Nội, tôi được đưa về ngôi nhà đầu tiên, nhà của ông bà nội ở số 136 phố Quán Thánh, một con phố cổ bắt đầu từ vườn hoa Hàng Đậu, nơi có tàu điện chạy qua. Cửa nhà tôi nhìn ra là bến tránh tàu. Tôi thường đứng đó chờ mẹ đi làm về.

Rồi đến một ngày, không biết vì lý do gì, mẹ bế tôi ra khỏi căn nhà của ông bà nội, xa bố, xa tất cả họ hàng bên nội. Mẹ mang tôi đến rạp Kim Môn, nơi mẹ làm việc.

Khi mọi người đã ra về, hai mẹ con ngủ trên mặt bàn, giữa phòng tập. Cái khoảnh khắc nằm trên bàn trơ trọi mênh mông ấy cứ tự nhiên găm vào trí nhớ non nớt. Không biết mẹ và tôi đã qua bao nhiêu đêm trên cái mặt bàn ấy...

Bên ngoại đã thật là xa, bên nội cũng xa nốt, tôi chỉ có nơi duy nhất bấu víu là mẹ. Tận trong sâu thẳm, tôi yêu mẹ, cần có mẹ và chỉ muốn mẹ là của riêng tôi.

Những dịp được mẹ cho lên Bờ Hồ chơi, tôi đã rất khó chịu khi thấy bất kỳ ai ngồi cạnh mẹ trên tàu điện. Tôi không muốn họ chạm vào mẹ của mình nên cố đẩy họ ra bằng được.

Ích kỷ và bất lịch sự một cách hồn nhiên, cô bé con 3 tuổi cứ loay hoay bên nọ bên kia để giữ mẹ cho riêng mình.

Không thể cứ cắp tôi vạ vật theo đoàn mãi được, mẹ gửi tôi vào một nhà trẻ ở ngoại thành Hà Nội. Đó là những ngày dài tăm tối tuyệt vọng trong nỗi nhớ mẹ vô cùng, là thời gian mà trái tim non nớt của tôi cảm nhận được sự cô đơn trống vắng không bao giờ quên.

Có một hình ảnh của chính mình, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn muốn ứa nước mắt bởi thương cảm cho tâm hồn yếu ớt của đứa trẻ là tôi lúc đó.

Cứ chiều thứ bảy, chúng tôi lại được bố mẹ đón về. Ai mà chả háo hức những chiều thứ bảy. Sau một tuần dài dằng dặc, tôi thèm được ở bên mẹ biết bao.

Vườn trẻ có một ô cửa sổ nhìn ra con ngõ nhỏ, nơi mẹ đi đến đón tôi. Tôi thường bấu chặt vào song cửa sổ hóng mẹ. Lần ấy, loáng cái, các bạn đều được đón về hết.

Trời tối đen lúc nào không biết. Chỉ còn mình tôi. Thời gian sao mà dài như vô tận. Tôi bám cửa sổ đến mỏi chân. Mãi không thấy mẹ đâu.

Các cô giáo an ủi: “Con ơi, xuống đi, muộn lắm rồi. Chắc mẹ Mai còn bận đi diễn, không vào đón con được đâu. Đêm nay ở lại đây vậy”.

Lời cô giáo khoét sâu vào nỗi tuyệt vọng của đứa bé mới 3 tuổi. Cổ họng nó tắc nghẹn. Trái tim đau đớn chỉ chực bật thành tiếng khóc, nhưng nó gan lì không khóc.

Nó từ chối cả cánh tay cô giáo đưa ra đỡ xuống. Hai cánh tay bé bỏng nắm chặt song sắt gỉ lạnh, đôi mắt thơ dại khô khốc hi vọng nhìn vào đêm đen.

Thế rồi sự kiên nhẫn của nó đã được đền đáp, trong đêm khuya thanh vắng bỗng vọng vào tiếng người đi xe đạp lọc cọc trên con đường đầy đá sỏi. Âm thanh ấy càng lúc càng rõ rệt hơn.

Tôi chồm tới gào lên: “Mẹ Mai ơi, đón con!”. Thì ra đêm đó mẹ phải diễn đột xuất, nhưng biết là tôi sẽ chờ bằng được nên mẹ vẫn một mình đường xa vắng vẻ vào đón tôi về.

Tại sao tôi lại nhớ lâu, nhớ mãi khoảnh khắc này? Bởi tôi yêu mẹ và cần có mẹ biết bao. Đã 45 năm trôi qua rồi mà tôi vẫn nhớ như in cái đêm đó.

Bây giờ, trái tim tôi mềm yếu hơn nhiều. Tôi dễ xúc động, dễ rơi nước mắt hơn. Tôi không can đảm bằng tôi lúc mới lên ba.

Tuổi thơ ngắn ngủi của Lê Vân ảnh 2

Lê Vân bên mẹ Lê Mai - Ảnh tư liệu

Ba chị em

Chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” giăng ở khắp nơi. Không ai nghĩ cho riêng mình. Càng không ai nghĩ đến lợi riêng khi mà “Tổ quốc lâm nguy”.

Miền Bắc bị máy bay Mỹ bắn phá ngày đêm. Người già và trẻ em phải đi sơ tán, người còn sức lực phải ở lại Hà Nội bám trụ sản xuất.

Một lần nữa, tôi lại phải xa mẹ, xa gia đình. Lần này tôi không đi một mình mà đi cùng cô em gái mới hai tuổi.

Hai chị em tôi đi theo một trại trẻ do đoàn kịch lập ra cùng rất nhiều trẻ con cũng xa bố mẹ như chúng tôi.

Trại trẻ cách Hà Nội vài chục cây số. Tất cả các ông bố bà mẹ đều gửi gắm con cái mình cho các cô nuôi trẻ. Tôi bước vào lớp vỡ lòng, tập nguệch ngoạc vẽ những nét chữ A, B, C đầu tiên cùng trọng trách của một người chị thay mẹ trông em.

Nhìn bọn trẻ con ở quê cầm củ khoai lang nóng hôi hổi hay bọn bạn xung quanh ăn bánh bít-cốt bố mẹ chúng tiếp tế, tôi thèm rỏ rãi. Hòm gỗ của chị em tôi thường trống rỗng.

Một lần, tôi đã cả gan cạy nắp hòm của một đứa, nhưng rồi cũng chỉ dám nhìn cái gói bánh bít-cốt vàng óng bên trong giống như ngắm nhìn cả một trời mơ ước, khát khao...

Có lúc, bắt gặp em gái đứng ngẩn mặt đầy thèm muốn nhìn bọn trẻ khác ăn quà, tôi uất ức tủi thân lôi em ra góc khuất đầu hồi, củng vào đầu em một cái rõ đau, rồi cả hai chị em cùng òa lên nức nở.

Dường như không chịu nổi cảnh xa con, mẹ lại đón chúng tôi về Hà Nội. Đoàn kịch diễn ở đâu, mẹ tha lôi chúng tôi theo đó. Hai chị em vạ vật bên cánh gà sân khấu lưu động.

Không biết bao nhiêu vở kịch đã găm vào đầu tôi từ thuở ấy. Tôi thích nhất hình ảnh mẹ trong vai cô Diễm trong vở Cái máy chém. Bởi trong vai đó, mẹ luôn mặc tấm áo dài trắng, mái tóc phidê thả dài, trông mẹ thật đẹp, một nét đẹp mảnh mai trẻ trung.

Sau đó, đời diễn kịch của mẹ chỉ toàn đóng vai các bà già. Mẹ đóng vai già khi mẹ còn rất trẻ, chưa đầy ba mươi...

Khi cuộc chiến bị đẩy lên tới đỉnh điểm ác liệt, Chính phủ huy động toàn quân toàn dân đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến. Tất cả lao vào chiến trường, trong đó có các đoàn nghệ thuật. Bố cũng ở trong số những nghệ sĩ đi B thời kỳ đó.

Vào thời điểm bố đi chiến trường, em út chưa tròn tuổi tôi. Nhớ lần thấy mẹ nước mắt ngắn dài về nhà, túi xách nhỏ khoác vai, tay cầm một bơ gạo. Vì sao mẹ khóc?

Tôi nghe lỏm bố gắt mẹ: “Có thế thôi mà cũng khóc. Quay lại bệnh viện đi”. Thì ra bố bắt mẹ phải tự đi phá bỏ cái mầm thai đã ba tháng tuổi. Mẹ bảo đã ba lần mẹ đi bộ đến bệnh viện rồi nhưng cả ba lần đều không đủ can đảm. Cứ lên bàn nằm lại rên rỉ với bác sĩ... “hay là chị cho em về”.

Bơ gạo cầm theo là để đóng cho bệnh viện nếu sau đó phải nằm lại. Bà bác sĩ thương tình khuyên: “Chắc chồng em sợ sinh con gái nữa phải không?

Âu đó cũng là cái điềm. Số nó được làm người. Về đi em, về đi. Nếu sau này sinh được con trai, nhớ quay lại đây cho chị ăn mừng”.

Thế rồi lại con gái.

Từ khi có thêm em bé, tôi lại càng bị đẩy lùi xa mẹ thêm chút nữa. Chỗ của tôi bên cạnh mẹ nay phải nhường em. Tôi ấm ức tranh giành vú mẹ với em gái thứ hai.

Đêm nào cũng diễn ra cuộc ẩu đả trên ngực mẹ. Mà mẹ thì quá mệt vì những áp lực có tên và không tên của cuộc sống rồi. Mẹ chỉ muốn được nghỉ ngơi, vậy mà cũng không được yên.

Thế là mẹ rít lên: “Giời ơi, tao chỉ muốn giết bớt chúng mày đi. Thế này thì làm sao tao sống nổi”.

Cuộc chiến ngưng lặng. Lời mẹ làm tôi sợ hãi vô cùng. Tôi đinh ninh mẹ nói thật. Nghĩ rằng một lúc nào đó mẹ sẽ giết chết hết chúng tôi đi cho khỏi bị quấy rầy, tôi mếu máo van nài mẹ: “Mẹ ơi, nếu có giết thì mẹ giết em Khanh. Con lớn rồi, con còn trông em cho mẹ đi làm”.

Ôi, sao tôi có thể ngố tầu đến thế? Sao tôi có thể tin rằng mẹ muốn giết chúng tôi thật? Gần mười tuổi mà tôi vẫn thật ngây thơ khi tin vào tất cả những điều người lớn nói, kể cả những điều phi lý...

Sau khi bố đi B một thời gian, đến lượt mẹ cũng đi vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Tôi và Khanh được mẹ mang đến phố Sinh Từ gửi bác Đoàn trông nom. Vy bị gửi vào vườn trẻ, tuần bác Đoàn đón về một lần.

Tự truyện của Lê Vân
Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG