Tuổi trẻ của chúng tôi - Liên bang Xô viết

Tuổi trẻ của chúng tôi - Liên bang Xô viết
TP - Hôm nay là buổi tối đặc biệt, một nhóm khoảng 30 người đặt chỗ để tổ chức gặp mặt kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Tuổi trẻ của chúng tôi - Liên bang Xô viết ảnh 1
Các thành viên có mặt trong đêm kỷ niệm. Ảnh: Xuân Hoàng

Phần lớn số họ từng học ở Liên bang Xô viết, nhưng cũng có một vài người chưa đến hoặc chỉ đi qua nước Nga, nhưng tình yêu với đất nước ấy, con người ấy, văn hóa ấy thì không kém bất cứ ai.

Và những cuộc tụ họp thế này, nhân Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 và Ngày Cách mạng Tháng Mười 7/11 đã trở thành truyền thống.

Bàn được bày dưới tán cây bưởi, bên trên là những món ăn, với những người từng sống ở Nga thì mới nghe đã thấy ứa nước miếng: mỡ muối, cọng tỏi, bánh mì đen, xúp củ cải đỏ, thịt cừu nướng, cá chích muối, khoai tây luộc... rượu thì có Vodka ớt, Vodka tuyết tùng...

Đặc biệt, còn có mấy bình nước màu vàng, mới nhìn tưởng là nước cam, nhưng thật ra đấy là nước Kvas. Những thứ “bình dân” ấy của nước Nga kiếm được ở Hà Nội không phải dễ!

Tiếng ác-coóc-đê-ông dìu dặt Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào... Thực khách là những người từng học ở Mátxcơva, Leningrad, Kradsnada, Ulianovsk, Kharcov, Novosibirsk... Hôm nay, nhiều người trong số họ là những người thành đạt, đang làm việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, ngân hàng, giáo dục, báo chí, quân đội...

Những mái đầu xanh đã chớm bạc, lại sôi nổi đồng ca bài hát thuở thanh niên: lòng ta hằng mong muốn và ước mơ, bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ...

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, như thường lệ, vẫn dễ thương với sự “lắm lời” của mình. Anh đọc thơ Pushkin bằng tiếng Nga, nghe thật say đắm: “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu/ Trước mắt anh em bỗng hiện lên...” rồi “Tôi yêu em đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai...” (Thúy Toàn dịch).

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, tiết lộ một kỷ niệm về nàng thơ, mà tên của nàng đã làm thành bút danh Hồng Thanh Quang. Thuở ấy, anh và Nguyễn Hồng Quang là những sinh viên quân sự nghèo ở Ulianovsk cùng nhau đi lao động cả tháng trời để kiếm vài trăm rúp. Có tiền rồi, anh lại lẽo đẽo tháp tùng Quang xuống tận Kiev để chàng thăm nàng thơ đang học dự bị ở đây.

(Tôi có biết cô gái ấy. Cô là một nữ sinh nổi tiếng tài sắc của trường Lý Thường Kiệt cuối những năm 70 của thế kỷ trước và cũng là một trong những nữ sinh viên Việt Nam đẹp nhất tại Liên bang Xô viết. Sau này cô xây dựng gia đình với một người bạn tôi và không may mất sớm vì bệnh hiểm nghèo).

Quanh bàn tiệc, mọi người đều cố gắng nói bằng tiếng Nga. Tuy có chút ngọng nghịu, có nhớ, có quên nhưng dường như một thời tuổi trẻ, thời sinh viên sôi nổi đang ùa về khiến “cả hồn anh bỗng bừng bừng tỉnh giấc.../vì trái tim sống lại đủ điều” (Gửi... - Pushkin, Thúy Toàn dịch).

Người gần đây nhất được thăm lại nước Nga là anh Lê Xuân Sơn - Phó tổng biên tập báo Tiền phong. Anh đã về thành phố Kraxnôđa, về lại ngôi trường và gặp lại một trong những cô giáo của mình cách đây hơn 20 năm.

Bà giáo đã ôm lấy anh, nói rằng bà vô cùng hạnh phúc và khen rối rít vì thấy sau 20 năm anh vẫn còn nói được tiếng Nga. Anh trả lời, đó là công của bà, của những thầy cô giáo đã dạy tốt đến nỗi 20 năm sau người học trò vẫn nhớ những gì được dạy.

Thời chúng tôi đi học, các cô giáo thân thiết như người chị, người mẹ; các thầy giáo ấm áp như người anh, người cha. Nước Nga với chúng tôi thời ấy là thiên đường theo đúng nghĩa của từ này. Có người đặt giả thiết: Nếu ngày ấy, chúng tôi không du học ở Liên Xô, mà đến một nước nào đó tiên tiến hơn, thì sẽ sao nhỉ?

Đành rằng chữ “nếu” chẳng bao giờ xảy ra khi nói về quá khứ, nhưng chúng tôi vẫn trả lời rằng: Có thể cuộc đời chúng tôi sẽ khác, tốt hơn hoặc tệ hơn- chưa biết, nhưng chính những năm tháng được nước Nga dạy dỗ và nuôi dưỡng đã giúp chúng tôi trở thành chính mình, trở thành chúng tôi ngày hôm nay. Chúng tôi tri ơn và tự hào về điều đó.

Nước Nga đang đổi thay và chúng ta đang đổi thay. Nhưng tình cảm và dấu ấn về một thời hào hùng và bi tráng của hai dân tộc sẽ còn lại mãi trong tâm khảm của những người đương thời.

Cách đây không lâu, báo Tiền phong được đón các cựu chiến binh Nga, những chuyên gia về tên lửa đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam bảo vệ bầu trời miền Bắc. Nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập báo - trước kia học sĩ quan điều khiển tên lửa tại Bacu (thủ đô nước Cộng hòa Azerbaidan), và đã có nhiều năm gắn bó với nước Nga.

Ông xúc động nói: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để các bạn trẻ ngày nay thêm hiểu, thêm quý trọng quá khứ hào hùng của cha ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như biết trân trọng những người bạn đã giúp đỡ chúng ta vô tư, hiệu quả trong suốt thời kỳ ác liệt của chiến tranh”. 

Những người bạn chiến đấu Việt - Nga đã ôm chầm lấy nhau sau 42 năm xa cách, mắt rớm lệ như gặp lại những người ruột thịt.

Nhiều người trong chúng tôi thổ lộ, dù đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng họ chỉ có một ước ao duy nhất là một dịp nào đó được quay lại nước Nga, về lại thành phố mình từng ở, lần theo con đường mình hàng ngày đi học như tìm về tuổi trẻ, về một thời mãi tươi rói trong họ đến tận hôm nay. Chúng ta không thể sống mãi quá khứ, nhưng nếu không có quá khứ, thì làm sao có hiện tại và tương lai?

Rượu Vodka được rót ra và uống “đa căn sa” (trăm phần trăm) theo phong tục Nga, nhưng không ai say cả. Chúng tôi tiếp tục hát “Chiều hải cảng”, “Cuộc sống ơi ta mến yêu người”, “Cachiusa”, “Địa chỉ của chúng tôi - Liên bang Xô viết”...  những bài hát mà có lẽ thanh niên Nga bây giờ không mấy ai hát nữa, nhưng nó mãi mãi là bài hát của thế hệ chúng tôi, là tuổi trẻ của chúng tôi - Liên bang Xô viết.

6/11/2007  

MỚI - NÓNG