Tuổi trẻ trôi dạt

Tuổi trẻ trôi dạt
TP - Trên phố bây giờ thấy nhiều nơi xuất hiện những quán cafe đầy bóng tối. Ban đêm cũng như ban ngày. Không phải dạng cafe đèn mờ thủa nào dành cho yêu đương, ngoại tình. Mà phần lớn là những chiếc bóng thu lu. Một mình. “Mốt” cafe mới đang thu hút người trẻ…

Quán cafe Le Condé ở một góc phố Paris. Khách năng lui tới chủ yếu tuổi 19-25. Những “bohème” hiện đại. Những người có cuộc sống lưu đãng, không phép tắc, và cũng không đoái hoài tới ngày mai. Louki, chỉ là cái tên khách trong quán đặt cho, một thiếu nữ thường xuyên “ẩn náu tại đây, như thể muốn chạy trốn điều gì”. Như chờ một cái hẹn vu vơ của ai đó mà mình không có địa chỉ, điện thoại.

Dưới ngòi bút của Patrick Modiano trong tiểu thuyết “Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối” (Pháp, giải Nobel văn chương năm 2014), Le Condé là nơi những người trẻ trôi dạt đến. Như một chốn “nằm ở tận cùng thế giới”. Khi ngoài đời, “trong dòng chảy miên viễn những phụ nữ, đàn ông, trẻ con, và chó, tất tật diễu qua rồi rốt cuộc tan biến dọc các phố, ta những muốn lưu giữ một khuôn mặt, đôi khi”. Những con người chạm mặt nhau ở một nơi nào đó, rồi trôi qua. Chỉ cố định nhau được trong vài giây. Không tuổi tên, không ký ức, không cả một cái tên thật.

Cuối cùng, vào một tối mùa đông tháng Mười Một, Louki đã bước ra ban công thả mình vào khoảng không, hình như với câu nói cuối cùng không để ai nghe thấy: “Xong rồi. Để mặc đi”. Hệt như Sonia trong phim “Phố đèn đỏ ở Berlin” (Mỹ-Đức sản xuất 2016). Cô sinh viên ngành Toán làm thêm nghề mại dâm không hẳn để mưu sinh, mà “cứ để bản thân bị trôi dạt thôi”.

Đang ồn ào với “Lạc trôi” của một ca sĩ trẻ đang hot vốn nhiều tai tiếng về đạo nhạc gần đây. “Ngăn giọt lệ ngừng khiến khoé mi sầu bi... Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/ Ta lạc trôi giữa đời”. “Hương lạc” của Lê Cát Trọng Lý day dứt, chơi vơi đến lạnh điếng. “Em sinh ra lạc thời/ Em đi hoang lạc đàn/ Em giam thân lạc bầy/… Em buông hơi lạc nhịp/ Em giăng thơ lạc vận/ Em yêu anh lạc lòng/ Em thương em lạc mệnh”. Và “Chuyến xe đi rất lâu/Thấy em buông tay đứng xem/ Biết em thôi những giấc mơ ngày xưa, ngày nay, ngày mai, ngày sau/ Có khi là em chết hơn trăm lần” (Chuyến xe).

Đó là câu chuyện của thế hệ đang lớn lên giữa thời đại nhiều náo động, nhiều lúc tự để mình dạt trôi.

Nhớ, Lưu Quang Vũ trước thời của những vở kịch tràn đầy tính chiến đấu và trách nhiệm công dân, cũng từng chôn nhiều ngày tháng của tuổi trẻ trong “Quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa/ Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ/ Ngón tay dài trong bóng tối run run”. 

Cuộc đời luôn có những nhịp điệu riêng, quan trọng là mỗi người cần chọn lựa, điều chỉnh để trở lại chính mình.

Cũng lại nhớ Lưu Quang Vũ, với quán cafe ngoại ô “Căn nhà gỗ bộ ghế bàn thấp nhỏ/Mười bảy tuổi chúng ta thường tới đó/Nói rất nhiều về những cửa biển xa”…

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.