Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ

Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
TP - Điều mỉa mai lớn nhất: Người Mỹ thả đồ tiếp tế

> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
> Làm theo lời Bác 'Dĩ công vi thượng'

Năm 1941, được vũ trang bằng chiến thuật du kích, cùng với một nhóm người, ông Giáp trở lại Việt Nam, đến Pắc Bó gần biên giới Trung Quốc để thực hiện chỉ thị của Cụ Hồ về một cuộc tiến công chính trị chống lại Pháp. Ông liên kết với Chu Văn Tấn, một lãnh tụ người thiểu số, sau đó là Bộ trưởng ở Hà Nội. Họ cùng nhau xây dựng các lực lượng du kích địa phương sử dụng biện pháp gây sức ép kết hợp với biện pháp thuyết phục.

Đến cuối năm 1941, ông Giáp mới chỉ có 100 binh sĩ dưới quyền chỉ huy nhưng vào khoảng giữa năm 1945, ông đã có tới mấy nghìn.

Cụ Hồ khi thì sử dụng hoạt động quân sự, khi thì sử dụng công tác tuyên truyền vận động, nhưng cuối cùng cuộc tiến công chính trị tỏ ra quan trọng hơn.

Nhiều nhóm quốc gia giành nhau chính quyền, nhưng tổ chức nhanh chóng của ông Giáp là có hiệu lực hơn cả. Ông không dựa hoàn toàn vào bạo lực, mặc dù kẻ thù và những tên do thám đã bị bắt và đôi khi bị giết.

Trong cuốn sách “Một con rồng sẵn sàng chiến đấu” của mình, Joseph Buttinger viết: “Họ đã thành công với một chiến lược trong đó hành động bạo lực giữ vai trò thứ yếu. Những sự hy sinh mà Việt minh có thể khai thác trong nhân dân trong cuộc chiến tranh Đông Dương nêu bật chân lý chính trị tối quan trọng đó”.

Cụ Hồ Chí Minh tin rằng việc giải phóng Paris có thể sẽ khiến người Nhật trở nên thù địch với người Pháp, tạo ra một chỗ trống cho lực lượng riêng của Cụ, lúc đó là Việt Nam.

Cụ chỉ thị cho ông Giáp thành lập bộ chỉ huy thống nhất, đơn vị quân đội giải phóng đầu tiên - Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - ra đời năm 1944.

Từ đó, cơ cấu lực lượng của ông Giáp không thay đổi. Trên hết là bộ đội chính quy mà đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đơn vị đầu tiên. Sau đó là lực lượng địa phương - lực lượng du kích - cuối cùng là dân quân tự vệ - những người vẫn sống ở làng mạc nhưng được vũ trang và sẵn sàng hỗ trợ trong bất cứ cơ hội nào.

Đó là cơ cấu tổ chức khá giống ở Trung Quốc, trong đó du kích cung cấp cơ sở cần thiết, quân dự bị, hậu cần và tổ chức kinh tế, còn dân quân tự vệ lo liệu việc sản xuất, sửa đường, tiếp tế thóc gạo và ngày nay (tức thời điểm đầu những năm 70 - TP) đôi lúc hạ máy bay Mỹ bằng súng AK-47.

Du kích tiến công các đồn bốt ngoại vi của Pháp và thương lượng với người Nhật.

Nhưng điều mỉa mai nhất lại là người Mỹ, dưới danh nghĩa cơ quan nghiên cứu chiến lược (OSS), tiền thân của CIA, lại ném vũ khí và đồ tiếp tế cho Việt minh trước năm 1945.

Lập trường “chống đế quốc” của Roosevelt chẳng qua chỉ là lập trường chống Pháp (?) và chống Nhật.

Lập trường này chủ trương cho những người Trung Hoa quốc gia chiếm đóng Đông Dương và biến đất nước này thành một nước thân Mỹ sau chiến tranh.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn gần đây (thời điểm 1972 - TP), Jean Sainteny, người Pháp nổi tiếng nhất ở Đông Dương hồi đó, Cao ủy Đông Dương - ông thương lượng ký hiệp ước với Cụ Hồ Chí Minh năm 1946 - nói với tôi: “Chính là người Mỹ đã đưa Cụ Hồ Chí Minh cũng như ông Giáp lên cầm quyền. Roosevelt đã hứa cho Tưởng Giới Thạch chiếm Bắc Việt Nam. Họ đã đẩy chúng ta - nước Pháp đế quốc suy yếu - sang một bên. Họ không hiểu rằng chỗ trống chỉ có thể bù lấp bằng chủ nghĩa cộng sản” vì chính là người Pháp đã tìm cách đào lỗ hổng đó một cách tuyệt vọng, và cuối cùng bị thất bại ở Điện Biên Phủ”.

Đối với Việt Minh - vấn đề vũ khí là một vấn đề quan trọng của họ - tổ chức OSS là của trời cho.

Để đánh dấu việc thành lập đội tuyên truyền 34 người của mình, ông Giáp tiến công hai đồn của Pháp vào ngày Nô-en 1944, và tiêu diệt các binh lính đóng ở đó.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, chiếm Hà Nội, tước vũ khí quân Pháp, Việt minh giành được nhiều đất đai. Sáu tỉnh từ biên giới Trung Quốc đến Hà Nội rơi vào tay Việt minh và ông Giáp tiến sát Hà Nội 60 dặm.

Tình hình biến chuyển nhanh. Quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima chấm dứt quyền kiểm soát của Nhật Bản ở Hà Nội. Trong khi đó ông Giáp và Cụ Hồ Chí Minh đã giành được sự ủng hộ của các chính đảng đối lập bằng cách khéo léo ngụy trang Đảng Cộng sản thành một đoàn thể giải phóng dân tộc có cơ sở rộng rãi và tuyên bố họ đại diện cho tất cả mọi người.

Vì vậy năm 1945, khi ông Giáp vào Hà Nội cùng với quân đội của ông- theo bước rút lui của người Nhật- Cụ Hồ đã có thể nắm quyền kiểm soát chính phủ. Đây là một hành động không ngờ được. Trong lúc hầu hết các nhóm chống đối khác - sợ Pháp đàn áp - ngồi chờ đợi ngày chiến thắng ở Trung Quốc, Cụ Hồ đã tính toán rằng số ít ngày từ lúc quân Nhật rút và quân Đồng Minh tới sẽ là những ngày quyết định. Cụ đã tính đúng.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG