Tưởng thông minh hóa ra tinh vặt

Tưởng thông minh hóa ra tinh vặt
TP - Người Việt từ xưa thường phải đối chọi với thiên nhiên, với bao khó khăn chồng chất trong cuộc sống, với chiến tranh kéo dài, nên mặc dầu có trí thông minh, có óc sáng tạo nhưng chưa hội đủ điều kiện hoặc tư chất để phát huy. “Cái khó bó cái khôn” là vậy…
Tưởng thông minh hóa ra tinh vặt ảnh 1

Nếu ý tưởng đầy tính thông minh hoặc tư duy sáng tạo của cá nhân có mục đích chính đáng, đem lại lợi ích cho chính mình và người khác thì cần khuyến khích.

Đằng này một số người tưởng thông minh, nhưng khi kiểm chứng lại hoặc với thời gian, sẽ nhận ra đó là sự tinh vặt, ranh ma mưu chước.

Lúc trước Lương Đức Thiệp đã viết trong Việt Nam tiến hóa sử vào năm 1944: “Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam phần nhiều là thông minh, song những người có trí tuệ lỗi lạc thì xưa nay vẫn hiếm. Nhiều khi trí thông minh không có chỗ dùng thuận tiện thường lại biến ra não tinh vặt.

Trí nhớ người Việt Nam rất nảy nở đến não tưởng tượng thì hoàn toàn bị não thực tiễn làm tê liệt”… Cho nên với nhiều người Việt Nam hiếu học không phải vì khát hiểu biết mà vì chỉ mong một địa vị ưu thắng trong xã hội.

Thời buổi kinh tế khó khăn, thói tinh ranh của một số người đã khiến thiệt hại cho bao người. Ở lĩnh vực buôn bán ta hãy thử xem đến nạn hàng nhái, hàng giả được đội lốt dưới nhiều hình thức. Rồi lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng bị bao kẻ trục lợi. Nhiều người lợi dụng ngỡ thông minh trí thức, nhưng đó chỉ là cái vỏ để “vinh thân phì gia”.

Có một dạo nhiều tác phẩm âm nhạc được các bạn trẻ ái mộ, tạo nên danh tiếng cho nhạc sĩ. Sau này báo chí phát hiện là sao chép từ nhạc nước ngoài, nhạc sĩ “đạo” bào chữa nhưng chứng cớ rành rành.

May chưa bị kiện ra tổ chức quốc tế về vi phạm tác quyền. Sang đến văn học, biết bao tác phẩm hoặc dịch phẩm bị sao chép trắng trợn, gọi là nạn “đạo văn”. Trầm trọng hơn là trong giáo dục, rất nhiều bằng cấp, cử nhân, phó tiến sĩ… mà phần luận án tốt nghiệp được sao chép từ khuôn mẫu người khác ở mức độ tinh vi…

Nhiều loại “cò” ra đời để môi giới soạn ra các luận án tốt nghiệp đại học theo đặt hàng của các sĩ tử… Như thế tưởng các sinh viên có tài trí thông minh chứ nào ngờ do tinh ranh mà thành đạt.

Đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhiều người có sáng kiến này nọ… nhưng thật ra là biết bắt chước cái khôn của người đi trước chứ bản thân chẳng có nỗ lực gì đáng kể. Kho tàng tri thức của nhân loại bao la nên những kẻ đội lốt thông minh vẫn dễ có kẽ hở để luồn lách, gọi là “đục nước béo cò”.

Nhưng sự đời chẳng dễ dàng, cho nên kẻ cơ hội chưa chắc đã là khôn ngoan “Khôn thì trong trí lượng ra/ dại thì học lỏm người ta bề ngoài”. Thử nghĩ mà xem, nếu ai cũng “tinh vặt” thì làm sao có thể tiến triển được? Đất nước cần những người hiểu biết rộng rãi, có kiến thức, có học vấn để đem tài năng ra giúp người, giúp đời.

Vương Hữu Thái
(60/30 Lê Lợi, Thanh Hương 2, Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng)

MỚI - NÓNG