Vạ miệng

Vạ miệng
TP - Từ lâu, khách du lịch trong và ngoài nước đến Hà Nội kêu trời vì kiểu phục vụ “bố đời”, thiếu chuyên nghiệp. Hiếm nơi nào khách hàng thực sự được coi là thượng đế.
Vạ miệng ảnh 1
An toàn vệ sinh thực phẩm ở các quán ăn vẫn luôn là điều đáng lo ngại  Ảnh: Hồng Vĩnh

Không ít người một đi không trở lại. Khách du lịch đã vậy, chứ cớ tại sao những công dân Hà Nội biết tỏng từng nhà hàng mà vẫn chịu đựng? 

Tôi từng là khách ruột của nhà hàng bún bò Hàng Điếu. Dẫn không biết bao nhiêu khách nước ngoài qua thưởng thức, để rồi nghe “Tây” xanh rờn: Việt Nam còn phải học nhiều về văn hóa phục vụ. Tức cảnh không dưới một lần, tôi từng thề không trở lại nữa. Vậy mà!

Một buổi trưa cuối thu. Vừa hết bão Xangsane, cả lũ ở văn phòng tha nhau đi ăn. Mấy cô thèm bún bò Hàng Điếu, tôi không khoái lắm. Chủ hàng lúc nào cũng mệt.

Nhân viên chạy như cờ lông công mà vẫn bị chửi, khách mà không bị thế là may rồi. Bữa trưa thường đông nghịt. Gửi xe rắc rối kể từ khi phường cấm sử dụng vỉa hè. Nhà hàng thuê một căn nhà mặt phố sâu hoăm hoắm gần đó để trông xe.

Một vé cho 4 xe, nhân viên dắt vào. Rồi lúc đi ra, đứng ỳ một đống. Mấy tay nhăn nhó, mồ hôi ướt đẫm đó lại tìm chiếc xe ra và trả về chính chủ. Xước xát một tí cũng phải chịu. Đông thế mà. Đây còn hơn cháo chửi Lý Quốc Sư, phở chửi Nam Ngư…

Đòi hỏi lắm thì bà chủ phở sẽ lầu bầu “Hành đâu mà lắm thế, ăn phở chứ ăn hành à”, “Thịt gà nâu ư? Đây chỉ có dân da trắng” hay “Gà có mười đùi hay sao mà đòi gà đùi”... 

Cái ăn rồi vụt qua, chẳng ai quan tâm vệ sinh. Sự ẩm ướt. Cầu thang nhớt nhát. Phố cổ. Sành điệu. Ăn ngon phải chịu khổ là đúng. Không bị chửi là may. Tôi trộm nghĩ, biết đâu lần này mọi sự sẽ êm ả.

Một thói hư tật xấu của Người Việt Nam là lãng phí và vô kỷ luật.

Cháu là Hồ Minh Thắng 10 tuổi. Cháu xin kể chuyện này, chuyện rất buồn. Năm ngoái cháu được là học sinh giỏi. Mẹ cháu thưởng cho cháu một chuyến du lịch Singapore.

Cháu sang Singapore 6 ngày, thấy đất nước bạn rất đẹp và văn minh. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh. Có một lần cháu ăn tối ở một nhà hàng lớn, tại chỗ ăn tự chọn rất đông người Việt Nam.

Cháu thấy một hàng chữ tiếng Việt trên tường: “Nếu lấy dư đồ ăn sẽ bị phạt”. Đọc hàng chữ này cháu xấu hổ lắm, vì đến miếng ăn mà cũng bị cảnh báo, dọa nạt... Cháu nghĩ vì người Việt mình ăn tự chọn rất thiếu ý thức, ăn không nổi cứ lấy thức ăn cho thật nhiều rồi bỏ phí.

Cháu vẫn nghe bà ngoại nói “no miệng đói con mắt”. Sau khi ăn xong cháu đi vệ sinh, trong nhà vệ sinh cũng có một dòng chữ tiếng Việt “Nếu hút thuốc sẽ bị phạt”. Thà họ ghi tiếng Anh thì mình không tự ái.

Nhưng họ chỉ ghi tiếng Việt, chứng tỏ chỉ có người Việt là thiếu ý thức thôi. Những dòng chữ cảnh báo bằng tiếng Việt tại Singapore đã làm cháu suy nghĩ mãi.

Hồ Minh Thắng (Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh)

Mấy năm trước, cứ đến đây ăn là có chuyện. Gửi xe bị làm đổ, gãy cả tay phanh. Nhân viên “khéo” lấy keo con voi dán tạm. Đi chừng 100m mới phanh. Tối chẳng biết gì, sáng sau mới tỏ. Làm gì chứ.

Nhiều những chuyện nhỏ, lặt vặt sau đó. Tôi tự kỷ ám thị cho là mình khó tính. Một năm sau, rau có “con sâu” cuộn tròn dễ thương. Hỏi cô nhân viên. “Rau sạch. Có sâu là tốt rồi”. Bắt.

Vứt toẹt vào góc nhà. Không một câu bình luận. Mấy khách hàng xung quanh nhìn tôi như muốn nói: “Cha này rắc rối, vứt đi chứ sao. Rõ thằng nhà quê”. Mấy cái lườm nặng chịch. Tôi len lén gọi cậu bạn nước ngoài. Trả tiền. Chuồn thẳng. Thề là không trở lại nơi này nữa để bị chửi. Quyết không “chết” vì cái miệng.

2 năm rồi mới trở lại. 10 phút. 15 phút. Chẳng thấy 4 chiếc xe đâu. Hỏi. “Nói lắm thế,đợi đi. Ai cướp mất mà sợ”. Những ánh mắt bực dọc ra vào. 5 phút nữa. Lại hỏi. Đôi bên to tiếng.

“Hàng đông quá, phải đưa xe cả các bãi khác. Đứng đợi tí thì chết hay sao? Công an bắt mất mấy xe”. Hoảng thực sự. Bị bắt xe? Phạt? Ra phường? Đưa về bãi? Thậm chí mất xe?

Tay nhân viên “xanh lét”: “Ông chủ ở chỗ công an. Đang giải quyết. Ra đấy lấy, 2 xe của các anh đang ở phường Cửa Đông”. Thế là chúng tôi “bách bộ” trong bực tức ra công an.

Ông chủ ngả ngốn trên ghế ở đồn Cửa Đông, chờ phiếu phạt. Mấy đồng chí công an phường rất thông cảm với khách hàng. Mắng ông chủ. Không được để khách mất công chờ đợi, lỡ để bị thu xe thì cũng phải nói thật với khách hàng, đừng thiếu trách nhiệm như vậy...

Ông chủ vẫn đầy tự đắc kiểu như: “Hàng nhà tao ngon, đông. Mày thích chê gì thì khách vẫn đổ đến. Hà Nội vài triệu dân, mấy trăm ngàn khách du lịch. Mày một đi không trở lại, tao cũng chẳng cần. Ngu”.

Tôi tạm dịch ra cái giọng “vô cảm” của ông chủ này thế, anh ta nói nhiều thứ chẳng liên quan đến việc xin lỗi khách hàng hay mong nhận được sự thông cảm. Còn than thở đầy ai oán: “Phạt 80.000 đồng/xe. 2.000 đồng lãi/bát. Thế là đi đứt 80 bát.

Còn bực tức cái nỗi gì chứ”. Cũng đúng. Cái loại khách như chúng tôi- không sành điệu. Ăn ít. Nói nhiều. Đòi hỏi lắm. Đối xử thế là may, mấy hàng khác còn bị chửi. 

Chợt nghĩ đến quán lẩu ở phố Cao Bá Quát. Ngồi ăn bên bờ đường. Hà Nội gọi là “Lẩu cát”. Ăn xong đứng dậy, cậu nhân viên trả xe nở nụ cười tươi: “Cám ơn các anh chị đến nhà hàng chúng em. Lần sau anh chị ủng hộ nữa ạ”. Tôi choáng, thằng này hâm sao.

Nếu ngày ngày quen tiếp xúc với Cháo chửi Lý Quốc Sư, Phở chửi Nam Ngư và hàng ngàn nhà hàng khác như Bún bò Hàng Điếu, bạn cũng sẽ choáng như tôi, tưởng người tốt, người “bình thường”  là… điên. 

Nguyễn Phúc Vân
Bộ Giáo dục và đào tạo

MỚI - NÓNG