NSND Trà Giang :

"Vai diễn mơ ước nhất chưa đến với tôi"

"Vai diễn mơ ước nhất chưa đến với tôi"
TP - Giải Vinh danh thành tựu trọn đời mà Hội Điện ảnh VN trao cho NSND Trà Giang tại lễ trao giải Cánh diều năm 2007 là sự ghi nhận những cống hiến tuyệt vời của một người diễn viên tài sắc vẹn toàn.

Chính NSND Trà Giang cũng bất ngờ khi ở độ tuổi 48- 49 đã dừng đóng phim. Dầu vậy, nhìn lại hơn nửa thế kỷ điện ảnh Việt, hiếm có người phụ nữ nào hành trang thành tích lại dày hơn, nhiều dấu ấn hơn “chị Tư Hậu”.

Rất nhiều vai diễn của cô Trà Giang đổ bóng lớn xuống các thế hệ diễn viên sau này. Nhưng trong căn phòng chứa đầy tranh và màu vẽ lốm đốm những vệt sáng vàng non tươi len vào từ khung cửa chung cư cổ, Trà Giang - nhân vật nữ chính của điện ảnh VN suốt nửa thế kỷ qua lại dè dặt: “Vai diễn mơ ước nhất, tâm đắc nhất chưa đến với tôi”.

"Vai diễn mơ ước nhất chưa đến với tôi" ảnh 1

Giải thưởng vừa quan trọng vừa… viển vông!

Đối với cô, giải Vinh danh thành tựu trọn đời vừa nhận được có phải là giải thưởng quan trọng nhất trong sự nghiệp nhiều giải thưởng của mình?

Mỗi giải thưởng đánh dấu sự trưởng thành trong nghề nghiệp và rất quan trọng xét ở góc độ nghề nghiệp. Còn trong thực tế cuộc sống, nhìn lại mọi giải thưởng tôi thấy cũng… viển vông lắm, được thì vui vui vậy thôi! Không có giải thưởng mình vẫn làm việc và vẫn được mọi người yêu mến cơ mà.

Nhưng cô là nghệ sĩ đầu tiên được nhận giải này khi còn sống, điều này có sự khác biệt chứ?

Mỗi mùa giải Cánh diều thì Hội Điện ảnh VN đều suy tôn một nghệ sĩ có đóng góp cho điện ảnh như nghệ sĩ Phi Nga, Hồng Sến, Phạm Kỳ Nam… Toàn những người đã qua đời rồi. Tôi là người đầu tiên còn sống được nhận giải này nên nói vui với bạn bè rằng chắc mình… sắp ngoẻo rồi! (cười).

Nhiều diễn viên khi về tuổi xế chiều vẫn tích cực đóng phim như nghệ sĩ Thu An, Trần Hạnh… Nhưng cô thì chỉ chăm chú với những bức tranh. Chẳng lẽ sự nghiệp diễn viên của cô đã chấm dứt hẳn rồi?

Quãng thời gian chồng tôi vừa mất là lúc thích hợp nhất để tôi quay lại với điện ảnh, vì lúc ấy buồn lắm. Cũng có một vài người gửi kịch bản nhưng là những nhân vật mình không yêu thích, không mang lại cảm xúc cho mình nên tôi không nhận lời. Dù không nhận lời đóng phim nhưng tôi vẫn nghĩ nếu có cơ hội đến với một vai diễn hay dành cho mình đúng thời điểm này thì tôi sẽ đi tiếp.

Ở tuổi 48 - 49 mà dừng đóng phim đối với bản thân tôi cũng là bất ngờ. Đúng là cuộc sống không tính trước được, tôi vẫn nghĩ mình sẽ đóng phim suốt đời.

Đến với hội họa cũng là bước đi bất ngờ, cuộc sống đưa đẩy mình như vậy đấy, may là mình có quyết định đúng. Điều quan trọng là tạo cho mình cuộc sống có sự đam mê.

Cô có thường xuyên theo dõi điện ảnh VN những năm gần đây không?

Tôi chỉ xem đầy đủ nhất khi làm giám khảo các kỳ LHP hoặc giải Cánh diều thôi.

Điện ảnh hiện nay và có thể nhiều năm sau này nữa chắc sẽ  khó tìm ra được một diễn viên tài sắc vẹn toàn như cô!

Sao lại khó?! Có một lần tôi tham gia tuyển chọn diễn viên cho trường ĐA. Có một cô bé diễn tiểu phẩm theo giọng điệu lồng tiếng phim Hồng Kông, tôi hỏi sao lại diễn như thế, cô nói vì xem phim Hồng Kông nhiều nên bắt chước. Tôi yêu cầu cô hãy kể về cuộc sống gia đình mình thì cô diễn một cách rất chân thực và bật khóc.

Các em bây giờ không phải không có tài năng. Người mẫu phải có tài mới lên được sân khấu diễn chứ, vấn đề là thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp và sự nhạy cảm, chân thực khi diễn xuất trong điện ảnh ra sao. Cái gì phô trương đều không thọ được với điện ảnh.

Khó khăn của diễn viên ngày nay gặp phải một phần vì các đạo diễn hoặc tay nghề chưa cao hoặc không đòi hỏi cao. Nếu đạo diễn đòi hỏi cao thì diễn viên không nghiêm túc họ đã loại ra rồi.

Trước đây để đóng Vĩ tuyến 17 ngày và đêm - câu chuyện miền Nam trong khi mình sống ở Bắc thì làm sao hiểu hết gian khổ của người phụ nữ hoạt động cách mạng lúc đó. Vậy thì ngoài kịch bản, phải đọc sách, đi thực tế… Bây giờ nhiều đạo diễn dễ dàng quá và khâu sản xuất cũng vậy nên diễn viên thấy nghề này dễ quá chăng.

"Vai diễn mơ ước nhất chưa đến với tôi" ảnh 2

Không dám nhận là mình đẹp

Dù thế nào người ta vẫn ca tụng cô là một vẻ đẹp xuyên thế kỷ?

Tôi không dám nhận mình là người đẹp, nhưng tôi ăn ảnh. Thời ấy thiết bị làm phim còn thô sơ lắm, đèn chiếu rọi vào mặt nóng rát, làm gì có kem bôi dưỡng da như các diễn viên trẻ bây giờ. Đóng mỗi bộ phim về tôi trông như già đi 5- 6 tuổi so với các bạn cùng lứa.

Cô cũng từng đóng phim với nhiều nhan sắc của điện ảnh Việt như Thẩm Thúy Hằng, Diễm My, Thanh Loan…

Trong bộ phim Cho cả ngày mai của đạo diễn Long Vân, tôi đóng cùng Thẩm Thúy Hằng. Lúc ấy mình là diễn viên được đào tạo ở miền Bắc, làm gì cũng tự lực cánh sinh, nhưng Thẩm Thúy Hằng thì thường có người giúp việc đi theo. Thẩm Thúy Hằng cũng là người thạo nghề.

Tôi vào vai một nữ tù, sau giải phóng miền Nam thì ở lại đảo để xây dựng cuộc sống mới còn Hằng vào vai vợ chúa đảo, sau này vượt biên để lại đứa con cho nhân vật của tôi nuôi.

Phim đó ít người được xem lắm, gần đây có chiếu lại. Còn phim tôi đóng chung với Thanh Loan là Người chưa biết nói. Phim này hầu như người ta cũng không nhắc nhiều. Bản thân diễn viên muốn làm nhiều, đóng được nhiều kiểu vai nhưng không phải vai nào cũng thành công.

Bộ phim điện ảnh cuối cùng của cô (tính đến nay) là phim nào ạ?

Đó là Dòng sông hoa trắng của đạo diễn Trần Phương, tôi đóng cùng Diễm My, Lê Khanh đấy.

Nhắc đến đạo diễn, NSND Trần Phương, người từng là chồng của cô trên màn ảnh. Thời đó có bao nhiêu nam diễn viên nổi tiếng nhất thì đều trở thành chồng hoặc người yêu của cô trên phim.

(cười) Hồi học ở trường ĐA tôi chưa phải là nữ sinh cao nhất nhưng với chiều cao 1,62m lúc bấy giờ cũng đã là cao rồi. Ba tôi - đạo diễn NSƯT Nguyễn Văn Khánh cứ lo “Khéo con bé Giang không có kép nào đóng cùng!”. May quá phim đầu tiên của tôi là Một ngày đầu thu đoàn phim lại chọn được anh Hoàng Uẩn (diễn viên Đoàn kịch T.Ư). Anh Hoàng Uẩn cũng là người chồng đầu tiên của tôi trên màn ảnh, anh ấy cao khoảng 1,7m. Người chồng trên phim thứ hai mới là anh Trần Phương.

Chú Trần Phương có phải là kép đóng hợp nhất với cô không?

Nhìn chung các diễn viên nam đóng với tôi dạo ấy đều hợp cả. Khi làm phim Chị Tư Hậu thì anh Trần Phương  lúc đó đã là A Phủ rồi, oai lắm! Bây giờ xem phim truyền hình thấy diễn viên diễn rất kịch.

Thời ấy diễn viên đóng cùng tôi cũng chủ yếu chuyển từ kịch sang nhưng các đạo diễn như anh Hải Ninh, anh Huy Thành làm việc kỹ càng và tinh lắm, hạn chế mọi sự khoa trương của kịch khi chuyển sang phim. Cho nên các anh Thế Anh, Đoàn Dũng từ kịch sang nhưng đều trở thành những diễn viên điện ảnh nổi tiếng, phong cách đóng rất tự nhiên, gần gũi.

Cho đến nay, nam diễn viên nào đóng vai chồng của cô nhiều nhất?

Đó là anh Hà Trọng, 3 lần làm chồng của tôi trong các phim Người chưa biết nói, Em bé Hà Nội, Trừng phạt. Tôi cũng trở thành người yêu của anh Lâm Tới trong phim Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn nhưng bất ngờ nhất là lần vào vai vợ của anh Trịnh Thịnh.

Lúc ấy anh Trịnh Thịnh chuyên đóng vai hài, vậy mà trong phim Lửa rừng đóng với anh lại rất tốt. May mắn cho tôi là những người đóng cặp với mình đều là người hiểu nghề.

"Vai diễn mơ ước nhất chưa đến với tôi" ảnh 3
NSND Trà Giang và đạo diễn Bạch Diệp

Không phải lòng bạn diễn, chỉ mê nhạc cổ điển

Một chút băn khoăn là sao hồi đó cô lại không thực sự phải lòng một bạn diễn nào?

Các anh ấy lúc đó đều có vợ con hết cả rồi (cười). Cũng là duyên số cả, có khi đóng phim cùng nhau biết mọi nhược điểm lại không yêu được. Tôi thì không phải vì biết nhược điểm nên không yêu mà chủ yếu vì tôi mê âm nhạc. Tôi mê âm nhạc cổ điển từ những buổi tập thể dục trong trường Điện ảnh, nghe nhạc qua loa.

Sau này cùng Chị Tư Hậu sang Liên Xô dự LHP quốc tế Moskva năm 1963, lúc ấy người ta thường mua quạt tai voi mang về còn mình lại dành tiền mua máy nghe nhạc và đĩa. Suốt ngày tôi nghe nhạc từ cái máy đó. Dạo cưới anh Ngọc (giáo sư âm nhạc Bích Ngọc - NV) thì chiếc máy bị mất.

Hình như khán giả chỉ quen nhìn cô trên phim là những phụ nữ đã có chồng, thuần hậu và kiên gan trong kháng chiến. Khi đóng vai cô gái, tức là trở về đúng tuổi của cô lại không được khen nhiều?

Hai phim đầu tiên của tôi đều là những vai đã có chồng con, đến phim thứ 3 - Làng nổi vào vai cô gái lanh chanh, nghịch ngợm, đúng với độ tuổi của mình thì người ta lại chê đóng không tốt. Nhưng tôi thấy vai đó thú vị. Có lẽ tại mọi người không quen tôi vào dạng vai khác đi như thế. Ngay cả vai Chín Tâm trong Đứng trước biển của tôi cũng vừa nhận được cả lời khen lẫn tiếng chê.

Người ta nhắc nhiều đến vai chị Tư Hậu của cô, nhưng thực sự thì cô thích nhân vật nào mình từng thể hiện nhất?

(trầm ngâm) Vai diễn mơ ước nhất, tâm đắc nhất đối với tôi chưa có. Tôi có thể diễn những vai mạnh mẽ, dữ dội về nội tâm. Những nhân vật tôi đã đóng chủ yếu là hiền lành, tất nhiên có những vai đó cũng là rất may mắn và hạnh phúc rồi. Nhưng tôi cũng thích vào vai dữ dội, phức tạp hơn.

"Vai diễn mơ ước nhất chưa đến với tôi" ảnh 4

Rất quý Hồng Ánh và thích vẻ tự nhiên của Ngô Thanh Vân

Trong các gương mặt nữ diễn viên đáng chú ý của điện ảnh hôm nay, cô thấy Hồng Ánh thế nào?

Tôi quý Hồng Ánh cả trên phim lẫn trên kịch. Rõ ràng con người này là dành cho nghệ thuật, có đam mê và may cho Ánh là vừa qua nhận được những vai diễn tốt.

2 năm liền cô ấy nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc tại các kỳ LHP theo tôi là đáng nể phục lắm. Không dễ gì Ban giám khảo lại trao giải 2 kỳ liền cho một diễn viên như thế. Khoảng cách giữa 2 lần nhận giải của tôi là 10 năm cơ đấy.

Còn nữ diễn viên nào khiến cô chú ý  nữa không?

Ngô Thanh Vân cũng là gương mặt triển vọng. Tôi thích Vân vì cách diễn rất điện ảnh, vào vai tự nhiên, điều đó cần lắm. Quan trọng là cô ấy cũng có đam mê, chất của cô ấy khác Hồng Ánh nhưng cũng là người say nghề.

"Vai diễn mơ ước nhất chưa đến với tôi" ảnh 5

Vẻ đẹp của Hoa hậu cũng là sự chân thực

Cô đã làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu VN từ năm 1992 đến nay, cảm xúc của cô trước những vẻ đẹp thay đổi theo từng năm có khác đi không?

Lần nào tiếp xúc với thí sinh tôi cũng hồi hộp. Nỗi lo của tôi cũng chẳng kém thí sinh đâu bởi nếu không chọn được người đẹp xứng đáng thì lo lắm chứ. Một nỗi lo nữa là về phần ứng xử. Cách chọn duy nhất của tôi vẫn là: công tâm với tất cả thí sinh.

Có những lúc tôi nghĩ mình đã già rồi, anh Dương Kỳ Anh - Tổng biên tập báo Tiền phong sẽ không mời chấm Hoa hậu nữa, nhưng anh ấy vẫn mời, có lẽ vì anh ấy tin tưởng vào sự công tâm của tôi.

Thí sinh bây giờ  ngày càng hiện đại hơn cho nên nhiều cô gái cũng biết… diễn hơn trong phong cách cư xử. Là một diễn viên kỳ cựu, chắc chắn hành động “diễn” không lọt qua được mắt cô?

Ai diễn thì biết ngay ấy mà. Tôi sợ nhất là sự không chân thực.

Cuộc thi Hoa hậu VN 2008 lại sắp diễn ra, nhìn lại gương mặt đăng quang năm 2006 - Hoa hậu Mai Phương Thúy có phải là nhan sắc hợp gu của cô không?

Tôi cũng cho điểm Mai Phương Thúy cao đấy. Ở ngoài đời thường vẻ đẹp của Lưu Bảo Anh dễ đập vào mắt hơn nhưng lên sân khấu Mai Phương Thúy lại ăn hình, trẻ trung. Mỗi người một vẻ song điều gây chú ý nhất với tôi là sự chân thực, hồn nhiên, đương nhiên trước tiên cô ấy phải đẹp rồi.

Xin cảm ơn cô và chúc cô luôn mạnh khỏe.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.