Vài kỷ niệm về thầy

Vài kỷ niệm về thầy
Sáng qua (8 tháng 8 năm 2005, tức 4 tháng 7 năm ất Dậu), vào khoảng gần 6 giờ, anh Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gọi điện báo: “Thầy Vượng mất rồi. Mất vào lúc 3 giờ sáng”....
Vài kỷ niệm về thầy ảnh 1
Giáo sư Trần Quốc Vượng trong nhà một người dân ở xóm Gà, Cổ Loa, Hà Nội dịp Lễ hội Cổ Loa, mồng 6 Tết năm 2000

Chỉ mới tối qua thôi, khi vào thăm thầy, thấy thầy vẫn còn đương tỉnh, ai vào cũng nhận ra tuy thầy không còn nói được.

Ai cũng nghĩ, thầy có thể sống thêm vài tháng nữa để học trò của thầy có dịp báo đáp công ơn dạy dỗ, khuyên bảo. Nhưng thầy đã ra đi. Là học trò của thầy, chúng tôi không bất ngờ lắm trước tin dữ này, bởi nhiều tháng qua, thầy đã lâm bệnh nặng và có thể nói hàng chục, hàng trăm học trò trong Nam ngoài Bắc và cả người thân đều đã đến chăm sóc, thăm hỏi thầy.

Mỗi lần như vậy, mặc dù trong người rất mệt nhưng thầy vẫn nhận ra cô này là ai, cậu kia là ai, thậm chí còn hỏi cả chuyện con cái, công việc. Nhưng với những ai được trực tiếp nghe thầy giảng, được thầy cho đi điền dã và cả được hầu chuyện thầy khi trà dư tửu hậu thì mới thấy rằng, sự ra đi của thầy đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho học trò, người thân và sự mất mát lớn trong làng Sử nước nhà.

Chỉ cách đây hơn một tháng, thầy đến dự Đại hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trông lúc này thầy đã gầy đi rất nhiều, sức khỏe cũng đã giảm sút. Khi thầy đến, ai cũng ngạc nhiên và quây quần bên thầy hỏi chuyện. Thầy xua tay và bảo rằng, mình còn khỏe, đừng làm thế mà người ta cười cho.

Tôi ngồi gần lại thầy, hỏi: “Thưa thầy, người thầy còn mệt như thế còn đến làm gì? Có gì bọn em thưa lại với thầy”. Im lặng một lúc, thầy bảo: “Tối hôm qua, anh Lê (GS Phan Huy Lê) gọi điện cho tôi và nói, Vượng có đến dự đại hội được không? Tôi trả lời, có gì mà không đến. Đại hội của Hội ta mà tôi không đến thì còn ra gì. Nhưng tôi đến nghe anh đọc báo cáo đại hội xong rồi tôi sẽ về”. Thầy nói là thầy làm. Sáng hôm sau anh Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đến đón thầy đi dự đại hội.

Mặc dù thầy ngồi không còn vững, chỗ của thầy còn phải quấn thêm chăn kẻo thầy lạnh nhưng thầy vẫn ngồi nghe báo cáo chăm chú. Khi đó ai cũng biết, có lẽ đây là kỳ đại hội Hội Khoa học Lịch sử VN cuối cùng của thầy. Nghe đến đoạn phương hướng của nhiệm kỳ đại hội, thầy kéo tôi sát người và nói: “Thế là cũng được rồi. Cậu đưa tôi về”. Trên đường xuống cầu thang, thầy còn nói thêm: “Tôi về giữa buổi như thế này có ai trách không nhỉ. ừ, nếu có trách thì ai trách ông già phải không cậu”.

Cũng cách đây chưa lâu lắm, khi lúc báo chí phản ánh khá dày đặc về việc xây dựng khách sạn ở đồi Vọng Cảnh, sáng sớm thầy gọi điện đến bảo tôi lên nhà. Thời điểm này chúng tôi biết thầy đã lâm bệnh. Mới bước vào phòng, thầy yêu cầu tôi báo cáo về chuyến đi công tác trong Huế và tình hình hiện nay như thế nào.

Tôi thưa lại với thầy, trong ấy người ta kiên quyết xây dựng khách sạn. Lặng đi giây lát rồi thầy đứng dậy vào trong buồng lấy ra vài tờ giấy rồi nói: “Cậu viết đi”. Tôi hỏi: “Dạ viết cái gì ạ?”. Thầy nói: “Tôi đọc cậu viết. Tôi sẽ viết thư ngỏ gửi ông Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về chuyện Vọng Cảnh”.

Nói xong, thầy đọc, thỉnh thoảng hỏi lại có nên sử dụng từ này, hay vấn đề kia không. Đến gần cuối lá thư ngỏ, thầy đọc: “Cúi xin…”. Tôi thưa lại với thầy: “Không nên dùng từ “cúi xin” thầy ạ”. Thầy gắt giọng: “Báo chí viết đến như thế rồi mà người ta không dừng thì tôi phải cúi xin”.

Trong lời tự bạch về mình, thầy viết: “Tôi được sinh ra vào hồi 9 giờ kém 10 phút tối, ngày 12 tháng 12 năm 1934, tức là vào giờ con Chó (Tuất) ngày mồng 6, tháng mười một (11), năm Giáp Tuất (cũng là năm con Chó), trong một “nhà thương” (gọi “văn vẻ” như hiện nay là “bệnh viện”) ở lưng chừng núi phủ lỵ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (quê gốc ở miền sông Châu núi Đọi, xứ Nam-NV).

Như vậy, theo khoa Tử vi học Đông Phương cổ truyền, số phận của tôi là “ngọn lửa đầu non” (Sơn đầu hỏa) và thân phận của tôi là “dịch chuyển” (Thân cư thiên di)”. Đoạn sau thầy viết: “Tôi có nhiều người yêu thích, nhất là giới trẻ. Tôi cũng có nhiều người không ưa, cạnh tranh và đố kỵ.  Biết làm sao được! Such is life như người Anh thường nói. Cho dù tôi phải Struggle for life (đấu tranh để sống). Song, cái tôi thích và gắng phấn đấu suốt đời mình vẫn là: Green Peace (Hòa Bình-Xanh-Sạch-Đẹp).

Và muốn vậy, tôi cố gắng theo triết lý cuộc sống mà tổ tiên tôi đã dựng lập từ thế kỷ X-XIII-XIV là Khoan hòa-Khoan nhượng-Khoan dung (Tolerance).

Gắng vậy…. song: Được đến đâu, là còn tùy trên, tùy trời…. ”.

Những dòng tự bạch này thầy viết vào ngày 2 tháng 2 năm 2000, tức 27 tháng Giêng, Canh Thìn. Là học trò lại được theo thầy hơn 10 năm nay, tôi thấy những lời tự bạch trên đã nói hết về con người của thầy.

Phận học trò, chúng tôi không dám đưa ra những lời nhận xét về tài năng, đức độ của thầy mà chỉ kể ra đây một vài kỷ niệm nhỏ trên như một nén nhang thơm viếng vong linh người thầy khả kính.

MỚI - NÓNG