Vài tật xấu nhỏ

Vài tật xấu nhỏ
TP - Mấy tật xấu dưới đây có nguồn gốc xa xưa từ một nước nghèo, lạc hậu, đời sống khó khăn kéo dài; cho đến nay, mặc dù đã qua 20 năm đổi mới, tình hình đã có những biến chuyển căn bản.

Tuy nhiên, xem ra vẫn đang còn rất thịnh hành và có lẽ còn lâu nữa nhiều người trong chúng ta mới giật mình nhận ra đó là tật xấu để sửa chữa.

1/ Huếnh: Từ này mới hình thành trong đời sống mấy chục năm nay, chưa kịp có trong Từ điển Tiếng Việt, ít gặp trong văn viết, nhưng văn nói thì nhiều và nghe thì hiểu ngay.

Huếnh chính là tự cao, tự đại nhưng không hẳn là và không chỉ là tự cao, tự đại. Huếnh là huênh hoang, khoác lác nhưng không hẳn là và không chỉ là huếnh hoang, khoác lác. Huếnh là khoe mẽ nhưng không hẳn là và không chỉ là khoe mẽ.

Chính vì không có từ nào trong các từ kể trên ôm gọn được tính đa nghĩa của từ này nên nó hoàn toàn có khả năng đứng độc lập để hình thành một từ mới, chỉ một tật xấu ở đâu cũng có thể gặp.

Trong bàn dân thiên hạ, ở đâu mà chẳng gặp những người kể về mình, về nhà mình, về họ tộc mình với cái giọng kẻ cả một chút, cao đạo một chút, khoác lác một chút, khoe mẽ một chút…

Một công chức vừa được đề bạt, bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó (thường là chức nhỏ thôi) lập tức đi in ngay một loạt danh thiếp với các chức danh vừa to, vừa đậm và gặp ai cũng trao, trao trong bất cứ trường hợp nào miễn là giới thiệu được mình với thiên hạ. Người này rất giống với một kẻ bán rao danh vọng.

Một quan chức, hoặc là đang nói chuyện với bạn bè, hoặc là đang nói chuyện điện thoại với ai đó mà có nhiều người xung quanh cùng nghe, thường lên giọng: “Tưởng chuyện gì chứ chuyện đó thì yên tâm đi, để tôi bảo bọn đàn em nó lo. Chuyện vặt!”.

Người này cùng một lúc muốn đối thoại với nhiều người và muốn mọi người biết cái uy của mình. Anh ta như đang sắm vai một đại ca xã hội đen.

2/Bo bo: Bo bo là cá nhân chủ nghĩa nhưng không hẳn là và không chỉ là cá nhân chủ nghĩa. Bo bo là ích kỷ nhưng không hẳn và không chỉ là ích kỷ.

Bo bo là chỉ biết có mình (tức là không cần biết đến mọi người), chỉ lo cho mình (tức là bỏ qua quyền lợi của nhiều người khác), chỉ biết được việc của mình (tức là mặc kệ việc của người khác).

Ngày xưa thiếu tàu, thiếu xe mới phải chen lấn, xô đẩy, giành giật; bây giờ xe buýt 5 phút một chuyến, tàu lửa đúng giờ và có số ghế hẳn hoi, máy bay thì sang trọng đến như vậy, nhưng đã bước chân lên các phương tiện này thì cứ phải chen lấn lên trước mọi người, mặc dù không đông.

Đi trên phố, muốn sang đường, là sang, không cần đúng chỗ, không cần chờ tín hiệu giao thông.

Trong cơ quan, biết mình không đủ tiêu chuẩn nâng lương nhưng cứ phải đề nghị; biết mình không đạt tiêu chuẩn thi đua nhưng cứ phải tự đề cử và đấu tranh giành danh hiệu này, danh hiệu nọ; gây biết bao phiền phức cho tập thể, cho lãnh đạo.

3/ Sắm nhầm vai: Thực chất đó là những người không biết mình là ai,  đang ở vị thế nào và đang đối diện với ai để có cách hành xử cho đúng.

Ra đường, vi phạm luật giao thông nhưng cứ cãi phăng với cảnh sát giao thông; lỡ va quệt làm người ta ngã ra đường, không biết xin lỗi và đỡ người ta dậy, lại to tiếng quát nạt, xỉ vả.

Trong cơ quan thì chỉ là công chức thường, nhưng chuyên lên giọng với cấp trên, kể cả với thủ trưởng; không hoàn thành nhiệm vụ thì viện đủ lý do, đủ thứ đường lối, chính sách, chế độ để chống chế, vặn lại theo kiểu dạy đời.

Chỉ là quan chức cấp vụ, nhưng xuống đơn vị, về địa phương thì lên giọng của Bộ, lớn tiếng chê bai điều này, điều nọ; hứa quàng, hứa xiên những việc không thuộc thẩm quyền của mình.

Những tật xấu này không phải là bản chất, chỉ là những tập tính của một thời, nó là khả biến chứ không phải bất biến và ai cũng có thể mắc phải nếu thiếu sự rèn luyện. Chỉ cần nhận ra, chỉ cần biết nó là xấu và để ý khắc phục, thì sửa được thôi. Nhưng chắc chắn đó không phải là việc dễ.

MỚI - NÓNG