Những chuyện lạ về Ngày Tình yêu (14/2) trên thế giới:

Valentin Roquemaure - Chuyện cổ tích thời số hóa

Valentin Roquemaure - Chuyện cổ tích thời số hóa
TP - Từ lâu, Lễ thánh Valentin đã là của toàn cầu nhưng đặc sắc nhất hẳn là Lễ Tình yêu ở thị trấn nhỏ Roquemaure, tổng Gard, huyện Nimes, giữa vùng trồng nho miền Nam nước Pháp.
Valentin Roquemaure - Chuyện cổ tích thời số hóa ảnh 1
Thần tình yêu ở Roquemaure

Thị trấn là một làng chưa đến 5.000 dân, được gọi là “Sườn dốc của sông Rhône” bên trên Avignon, nổi tiếng vì rượu vang và đặc biệt vì Lễ thánh Valentin.

Với một lịch sử kỳ lạ đã hơn thế kỷ, Lễ Valentin Roquemaure trở thành chuyện cổ tích của Ngày hội tình yêu, không tổ chức đúng 14 tháng Hai mà vào kỳ nghỉ cuối tuần (thường là 3 ngày) gần ngày này nhất. Ví như năm nay, các hoạt động trải từ ngày 10 đến hết 12 tháng Hai.

Lễ thánh Valentin nơi đây dường như được cử hành quanh năm với sự tham gia của những tục lệ, truyền thuyết, giai thoại liên quan. Lưu truyền qua bao đời nay là tục Nùi rơm. Đêm trước Lễ Valentin, trai trẻ trong làng đẩy một xe ba gác đến cửa từng nhà, xin cô gái nhà ấy một nùi rơm. Khi đã đủ, cánh trai đẩy xe ra ngoài làng và đốt đống nùi rơm lên. Dân làng túa ra, nhảy múa xung quanh.

Valentin Roquemaure - Chuyện cổ tích thời số hóa ảnh 2
Một góc hội hôn

Sau kinh Đức Bà, lửa tắt, các chàng trai cô gái lần lượt nhảy qua đống than hồng. Cậu cô nào quần áo không xém lửa sẽ nên vợ nên chồng. Sau đó, họ đi vào các đồng nho, đốt lên những bùi nhùi rơm và huơ huơ quanh các cây nho, ấy là để bảo vệ cây nho trước mọi bệnh tật. Ngọn lửa “bảo hộ” ấy, nguồn sức nóng và phồn thịnh, làm cho nho tốt tươi và đất đai mầu mỡ.

Một tục lễ nữa là Saudéc. 14 tháng Hai, nhóm con trai lên danh sách các bạn giỏi lấy lòng phụ nữ, trước mỗi tên này đều ghi tên cô gái có thể thành hôn thê. Thỉnh thoảng, một cô gái được nhiều chàng lựa chọn. Trường hợp ấy, các cậu này phải tự biện minh trước một toà án nhân dân. Cuộc “đố vui” kéo dài một năm trời.

Không ít cô gái dùng chiếc mùi xoa thêu ren để gợi ý người mà cô thích. Cô làm như vô ý đánh rơi chiếc khăn-  chữ “ren” trong tiếng La tinh (laqueare) có nghĩa là “Hãy đuổi tóm lấy”. “Sứ giả chim” cũng do nhiều nguyên nhân mà được trọng vọng.

Valentin Roquemaure - Chuyện cổ tích thời số hóa ảnh 3
Hội đàn ống cổ

Ngày Valentin, các cô gái thử đoán người chồng tương lai bằng việc nhìn chim trên trời. Một con hồng tước hứa hẹn anh chồng tỷ phú. Một con cổ đỏ báo trước người chồng vận đồng phục (quân nhân, thủy thủ...). Một chú chim sẻ bảo đảm hôn nhân hạnh phúc, nhưng với kẻ trai nghèo.

Các cô sợ nhất phải thấy một con sóc, dấu hiệu lấy một gã keo kiệt...Thời trung cổ, những người không biết chữ phải ký các văn bản liên quan đến mình bằng hình một cây thánh giá X. Việc ký tiến hành trước người làm chứng, người ký phải làm động tác như đặt một cái hôn lên “chữ” X để chứng tỏ sự thành thực.

Cái hôn có giá như lời thề. Từ đó, thư tình gửi đi trong Valentin đôi khi được ký bằng dấu X, tượng trưng cho cái hôn. Đấy là nguồn gốc cái hôn trong tình yêu.

Với người dân Roquemaure, chim câu tượng trưng cho tình yêu lãng mạn. Thiên nga: cao thượng và trung thực. Còn truyền thống tặng hoa có từ cuối thế kỷ XVI. “Nửa đêm Thiên Chúa” là bản tình ca riêng của Roquemaure.

Trong ba chuyện kể do Cha Durieu viết cho Lễ Tình yêu ở Roquemaure, có chuyện Thánh Valentin sống ở thế kỷ thứ III, người bị xử chém vì đã bí mật làm lễ kết hôn cho bao cặp nam nữ, trái lệnh cấm của Hoàng đế La mã Claudius II (ông này muốn trai tráng không vướng vợ con, để dốc toàn tâm cho chiến trận), từng đến Roquemaure và để lại đấy một túi “những cái hôn”, do đó Ngày thánh Valentin ở thị trấn này có “hội hôn” nức tiếng.

Bên cạnh ông tổ Valentin, mà số phận chứng tỏ chiến thắng của ái tình, còn có gốc gác của từ “tháng Hai” - từ này có nghĩa là “thanh lọc” - tháng của mùa sám hối của người La mã cổ đại vì những báng bổ đối với các thần, tháng khởi đầu của mùa xuân, của sinh sôi nảy nở.

Valentin Roquemaure - Chuyện cổ tích thời số hóa ảnh 4
Hội xén tỉa nho

Lễ thần sói (Lupercalia) có thể coi như chủ nghĩa phồn thực phương Tây. Bốn chương trình chính của Valentin Roquemaure là hội hôn, hội xén tỉa nho, hội nghề xưa và hội đàn ống cổ.

Đàn ống là một nhạc cụ dân gian,  “hoạt động” ngoài đường phố, từng là phương tiện kiếm sống của những người ăn mày. Hẳn vì nó đã một thời rất phổ biến ở miền Nam nước Pháp, ngày hôm nay “Hội đàn ống” (có tay quay) ở Roquemaure thu hút  nhạc công từ Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, tạo nên một chân dung âm nhạc riêng, hấp dẫn vô cùng.

“Hội nghề xưa” thì đúng là Hội kiến thức dân gian, với đủ nghề như làm thuốc, làm tóc giả, làm đò sắt, mài dao, độn ghế, đóng thùng phuy, đan mây... tất cả được phục hồi cổ kính, cũ kỹ, từ đồ nghề, vật  liệu, cho đến người thợ.

Xén tỉa nho là công việc quan trọng nhất, bởi chất lượng rượu vang phụ thuộc chủ yếu vào việc ấy. Trong ngày Valentin, 7 xe ba gác chở đầy cành nho thuộc bảy giống nho chính trang trọng đi sau đám rước Thánh tích Valentin qua các phố của Roquemaure.

Năm nay, người ta tổ chức cuộc thi viết thư Valentin dành cho mọi người trong và ngoài nước Pháp. Đối tượng nhận thư không chỉ là bạn tình, mà còn là con cái, trẻ thơ, bố mẹ, ông bà, người lớn tuổi, bạn bè, hàng xóm, các nhân vật hay nghệ sỹ mà người viết tôn sùng...Với Roquemaure, Ngày Thánh Valentin là sự ngợi ca Tình yêu rộng lớn chứ không chỉ tình yêu lứa đôi...

MỚI - NÓNG