Văn Chinh - đa tình, đa tính

Văn Chinh - đa tình, đa tính
TP - Chân dung Văn Chinh viết chưa xong, nhưng tôi dự cảm phản ứng nhiều chiều một khi nó xuất hiện. Thoáng chùn ngại, nhưng cũng dội lên kích thích. Tại sao không, Văn Chinh?!

Trầm tư mà sôi sục. Bảo hoàng và cấp tiến. Lại còn… sở hữu những mối tình si động giời.

Người ta bảo xuôi, thì Văn Chinh sẽ nói ngược

Văn Chinh - đa tình, đa tính ảnh 1
Văn Chinh (trái) với nhà thơ Trương Nam Hương - Ảnh: Nguyễn Đình Toán  

Bức tranh đa phong cách với những gam màu gốc đối nhau trong cuộc đời một nhà văn tòng sự nghề báo. Sách in tính trang đã mấy nghìn. Cuốn nào cũng có những vấn đề đặt ra dưới góc nhìn kiểu Văn Chinh. Văn phong đẹp. Tranh biện học thuật đình đám văn đàn mấy phen.

Chưa cầm sổ hưu bên báo Nông Nghiệp Việt Nam, ông đã nhận việc Thư ký Toà soạn VANVN.NET của Hội Nhà văn Việt Nam. Trang VANVN.NET ra được mấy bữa đã om sòm nhiều chuyện...

Ngày ngày, người ta vẫn thấy Văn Chinh nghênh nghênh đeo chiếc laptop Đài Loan đến số 9 Nguyễn Đình Chiểu để cập nhật bài vở post lên VANVN.NET. Bạn bè hoặc ai đó cứ nhìn ông phấp phỏng, không biết hôm nay có chuyện gì để tranh biện không đây ?! Bởi Văn Chinh từng nổi tiếng “cãi thầy” chung quanh HỮU và VÔ kia mà.

Tôi biết Văn Chinh gần ba mươi năm trước là do bị nhỡ xe khách ở phố Vàng, huyện lỵ Thanh Sơn heo hút thuộc tỉnh Vĩnh Phú, nay là Phú Thọ.

Hội diễn công nông binh ở vùng sâu vùng xa thời ấy đến giờ vẫn vậy. Đông đặc trẻ em người già ôm chiếu, cắp ghế, xếp gạch. Diễn viên son phấn rực rỡ quây vỏ chăn vải hoa sau sân khấu dựng cọc tre chạy ra chạy vào.

Và trên sân khấu ấy, người đàn ông cao lớn, như được vạc đẽo từ những vết rìu quyết liệt, ngăm đen, ria mép dài cợp, gò má cao, mắt rừng rực, áo vét dạ đen, khăn len màu huyết dụ, quần bộ đội ghi xám cấp tá, đôi giày da lính Liên Xô sần sùi bên buộc dây bên không, tự tin bước ra giữa lồng lộng phông màn đỏ, xanh, nõn chuối bay phần phật, cúi chào quá ư duyên dáng, quá ư mềm mại với vóc dáng rắn chắc.

Anh ta có vẻ đẹp của người đàn ông la-tinh, bặm trợn, toan tính, nhưng thô mộc, dịu dàng. Và đặc biệt là bài diễn từ anh đọc, thì cũng khác thường. Nó phá vỡ mặc qui đã tồn tại trong mọi cuộc hội diễn công nông binh cho đến ngày nay.

Mào đầu, anh cao giọng: Thưa các quý ông, thưa các quý bà… tuyệt nhiên không có kính này kính kia, không có không khí tưng bừng hân hoan phấn khởi…

Và sau đó, anh nhả ra khoảng 2.000 từ về ý nghĩa, mục đích của văn nghệ đối với đời sống người lao động. Những điều anh đang thao thao diễn giải thì chỉ có thể tìm thấy trong tạp chí nghiên cứu nghệ thuật. Thi thoảng, anh lại kẹp tờ giấy vào lòng tay vỗ vỗ, tức thì đám đông người già và trẻ con và mấy chức sắc cũng vỗ tay ran ran.

Tôi hích vai bạn hỏi, thì nhận được câu trả lời.

- Đấy là nhà văn trẻ Văn Chinh, tác giả truyện ngắn Dòng sông mùa lũ qua. Học trò yêu của nhà văn Sao Mai…

Lúc ấy thì tôi choáng. Với Sao Mai thì đã đành, văn tài đương nhiên, nhưng ông có học trò tài năng ở Thanh Sơn thì không thể tin được. Thanh Sơn tưởng chỉ có người mê văn như tôi thôi, lại có cả người tài năng văn chương còn trẻ thì lạ thật?!

Kết thúc diễn từ, anh ta cúi chào lịch lãm cảm ơn quý ông, cảm ơn quý bà bước dịch ngang sân khấu trong tiếng vỗ tay đàn ca sáo nhị. Rồi Văn Chinh đi xuống chỗ tôi đang ngồi với một anh bạn họa sĩ.

Chọc chọc tờ giấy cuộn tròn vào tôi, Văn Chinh hất hàm.

- Ông bộ đội này chui ở đâu ra?

Họa sỹ trịnh trọng, nhưng cũng lúng túng ít phút giới thiệu tôi như là một văn tài nhưng ở dạng tiềm ẩn.

- Thanh Sơn nhà ta à ? Ừ tốt. Ăn uống gì chưa mà tiều tụy thế.

Thế là tôi biết Văn Chinh. Kể từ đó gặp nhau bao giờ thì ông cũng kết thúc câu chuyện bằng hỏi no đói thế nào. Ngay cả lúc tôi biểu hiện trà dư, tửu hậu.

Hè năm 1980 Hội VHNT Vĩnh Phú mở trại sáng tác, đang quân ngũ, nhưng tôi may được tham dự.

Văn Chinh - đa tình, đa tính ảnh 2
Lúc nào cũng kè kè laptop - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Văn Chinh đến trại bằng chiếc xe đạp Liên Xô xanh nhợt, vốn dĩ dành cho các nông trang viên. Vành sống trâu, lốp to bè, phanh bằng moay-ơ sau, yên da bò cứng như sắt. Và ngồi lên thì cũng lênh khênh ngang tầm lưng trâu. Nên người ta gọi là xe đạp trâu.

Chiếc túi đen kaki thêu một bông hoa cúc tí xíu, đựng bản thảo ngoắc ghi-đông. Ba lô quần áo cũng buộc luôn đó. Áo sơ mi cộc tay, mỏng như xô màn, đóng không hết khuy để lộ ra mảng ngực nâu căng. Ánh mắt nhanh, mạnh, nhìn đâu là đóng đinh ở đó…

Trại viết đang yên bình như lớp học của ông đồ bỗng  hoạt náo khi Văn Chinh đến trại. Mọi quy củ, giờ giấc sinh hoạt của tổ Văn cứ xoay quanh Văn Chinh. Đã đi ăn muộn nhưng lại hoạnh họe nhà bếp phục vụ chưa cao. Mở vung xoong, úp nồi loảng xoảng, nếm món này thử món kia. Kêu ca. Chỉ bảo. Lắc đầu.

- Các người nấu kiểu gì mà không bằng thức ăn của trại chăn nuôi lợn.

Mấy bà phục vụ cứ rúm ró, tưởng Văn Chinh là ông nào to lắm.

Khi ăn thì chọn ngay mâm chính giữa, ngồi vị trí trang trọng, cầm đũa huơ lên cười bên này, ngóng bên kia; lúc ấy Văn Chinh mới bàn chuyện văn chương. Mà bàn thì toàn bàn những chuyện không giống ai. Bao giờ cũng bắt đầu một câu quen thuộc, trịnh trọng nhuốm gây sự:

- Xin được hỏi ông (bà)… đây là nghị quyết hay là bản báo cáo tình hình sản xuất. Nếu là văn chương thì con người đâu? Tôi chẳng thấy ai ở đây cả, ngoài các sự kiện kể lể…

Người ta bảo xuôi, thì Văn Chinh sẽ nói ngược. Mà nói ngược có lý, có lẽ, có cớ nên chẳng mấy ai trả lời ngay được. Nhưng khi mọi người đọc quyển mời góp ý thì Văn Chinh ngồi bó gối một góc ngáp vắn, ngáp dài. Chỉ đến bữa ăn Văn Chinh mới vụt nhớ ra tất cả những gì tưởng chẳng thể lọt tai.

Bảo hoàng kiểu Văn Chinh

Cái thân thể kềnh càng xuất hiện ở đâu, thì nhân sự  khu vực ấy, không ai bảo ai đều tự nguyện điều chỉnh nhường một không gian cho ông.

Văn Chinh quê Thái Bình, từng nhiều năm học hành và công tác ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khoá II.

Sau rẽ sang làm ở báo Nông nghiệp Việt Nam từ năm 1990. Đã xuất bản: Đá mưa (1984), Lần đối thoại thứ hai (1987), Nửa đời tìm nhau (1989), Góa chồng một thế kỷ (1990, tái bản năm 2005)) Hoa hồng cát (1997), Ký sự chọn lọc (2003)...

Từng nhận nhiều giải thưởng bút ký, truyện ngắn trong các cuộc thi của các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Lao động, Lao động xã hội, Hà Nội mới… Hiện đã nghỉ hưu, làm (thêm) Thư ký toà soạn website Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.net)

Tưởng to lớn thế thì Văn Chinh phải ăn thùng uống chậu, nhưng trước đại tiệc hay cơm rau thì ông cũng chỉ nhẩn nha gắp gắp, gẩy gẩy sốt ruột y yểu điệu thục nữ. Và miếng cơm, nhai nhai bỗng đần ra nghĩ. Gắp cọng rau cũng nhấp nhứ. Rồi nghĩ.

Thế nhưng, lúc nào đó gặp Văn Chinh giữa đường công vụ, ngàu bụi đường ngồi trên chiếc xe máy muôn thuở cũ cũ, tưng tửng, thậm chí sấn sổ, đóng luôn một cái ách.

- Hôm nay cho tôi ăn trưa ở nhà ông. Thật ngon. Rượu ngoại. Cá lăng nướng.

Dậm dọa thế, nhưng bày biện long trọng hay dưa muối, thì cũng ông ngồi ăn nhậm nhoặm lấy vì. Vừa ăn vừa lôi một thứ gì đó trong chiếc cặp số bóng loáng hay chiếc túi vải điệu đà để đọc. Một cuốn sách mới. Một tập bản thảo mới lôi trên mạng về.

Quần dài, cởi trần, kính lão trễ mũi, chân co lên bộ ván, ném sấp giấy xuống, ông than dài.

- Không ổn. Hồi ký này có vấn đề…

- Vì sao ạ?

- Thiếu khách quan. Làm sao tin được cả mấy trăm trang, kể lể điều gì thì tôi cũng tốt mà người ta cũng kém, cũng xấu… Làm gì có ngươi tiên thánh như vậy.

- Bịa tạc ạ…

- Có thể có những phần không bịa. Quan trọng là tâm thế của người kể chuyện…

- Thì cũng có người nói Văn Chinh bảo hoàng hơn cả vua… Lúc nào cũng sống chết vì vua.

Đang ngồi, chọc ngón tay trỏ vào giữa hàm trên. Mỗi lúc rơi vào băn khoăn hay buồn, ông thường có động tác chẳng có mấy ai bắt chước được ấy. Trừ trẻ con. Bỗng ông cười hì.

- Đúng là có những ông vua không đáng để ta bảo hoàng. Đối chiếu và so sánh trong những ông vua đã có và sắp có, thì tôi sẽ phải bảo vệ ông vua nào biết hy sinh vì số đông. Tôi chọn ông vua biết hành xử vì chính ông ấy và biết nhẫn nhịn vì đồng loại.

Hơn nữa, vua tốt với tôi thì không thể xấu với vua. Chúng ta đang sống trong không gian chằng chịt những mối quan hệ tay đôi cụ thể. Vua là vua. Nhưng vua cũng không phải là tiên thánh. Bảo hoàng như vậy là phù hợp với đạo đức cá nhân tôi. Nếu ở chỗ của tôi, ông làm thế nào?

- Vâng! Còn bao nhiêu vụ va chạm “côm cốp “ như thiên hạ đã nói về Văn Chinh. Mà toàn là những điểm nóng cả. Có phải bao giờ Văn Chinh cũng đúng ?

- Sao mà đúng hết mọi sự được. Nhưng việc tôi xông ra “côm cốp” thì là một việc chắc chắn hữu ích.

- Nhưng mà tả xung hữu đột thì chuốc thêm lắm tai vạ và sự kẻ thù…

- Hi, dẫu không làm gì ai, thì ai cũng sẽ làm gì ông. Không có vinh quang đi tắt và cũng không có hoà bình đến tắt ông ạ. Đã trả giá, nên tôi biết.

Vâng, Văn Chinh đã bầm dập không ít trong đời. Chính bằng sự kiểm chứng, đối chiếu, và sự tự thấm văn hóa, ông hiểu sâu đời sống người nông dân Việt từ thời hợp tác xã đến khoán quản, rồi đô thị hóa, thấu tỏ đời sống thị thành cổ điển đến chủ nghĩa xã hội và bùng nổ khi hội nhập quốc tế.

Đa phong cách... đa nhân cách

Ngoài bén duyên văn, hình như Văn Chinh cũng đào hoa không kém. Và một khi đã lỡ yêu một ai thì Văn Chinh chỉ còn cách sống chết với người ta, bất chấp đàm tiếu, bất chấp hình dung tương lai tạo dựng một bến đỗ mới...

Có thể nói Văn Chinh là người đa phong cách, thậm chí như là đa nhân cách. Sau này, tôi bắt gặp sự đối chọi bên trong và bên ngoài ấy, ở một văn nhân tài hoa khác là Nguyễn Lương Ngọc. Cả hai đều thích và thu nhặt những vật dụng be bé tinh tế, tỷ như bộ ấm trà lạ kiểu, chiếc bình gốm bằng ngón tay cái, đặt góc bàn cắm mấy chiếc hoa cỏ, cúc dại li ti.

Đôi khi gặp sự buồn thế thái, cũng ngồi như tượng nhà mồ, ôm đầu, nước mắt ướt vòng quanh.

Chữ viết cả hai giống nhau. Kiểu thầy đồ làm thơ. Văn Chinh cũng đã làm ông giáo cấp I. Chữ nối chữ niêm cẩn, gọn đẹp như những hạt gạo nếp hoa vàng nối nhau, nhưng vẫn đủ sự bay bướm của những chữ có nét hất ngược. Chữ nào bỏ thì chỉ gạch chéo một vạch.

Tôi cứ ngạc nhiên với sự đối chọi ở nét chữ, ở bông hoa cúc thêu tinh tế bên sườn chiếc túi vải và vóc dáng cao lớn, mộc mộc, nhưng quai quái trong đôi mắt chăm chú đến ngây ngô rồi cười khì của họ, cứ như một sự không thỏa đáng nào đó.

Văn Chinh - đa tình, đa tính ảnh 3
Văn Chinh

Và cả hai cũng sẵn sàng chặc lưỡi, trong một lần tôi đến chơi nơi ở trọ của họ, tất nhiên trong thời điểm và không gian khác nhau khi có nhu cầu tìm nhà vệ sinh, đã chẳng ngại ngần, bắt tôi quay mặt vào góc nhà... tạm vào chiếc ống bơ.

Một điều chung cuối cùng là cả hai thường lọ mọ tìm đến những thần tượng học thuật, ngoài tầm đạo, nhưng qua đó muốn kiểm chứng những điều tự thâu nhận được. Nếu cần thì cả hai cũng sẵn sàng “cãi” ngay với thầy…

Nhưng với Văn Chinh thì nhà văn Sao Mai còn hơn cả một người thầy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu phải nhắc đến ông, thì Văn Chinh bao giờ cũng thành kính mà rằng:

- Đó là con Hổ kiêu sa (Sao Mai tuổi Bính Dần) đứng trong cũi trên đỉnh núi cao và nhìn xuống thiên hạ cười nhạt.

Và Sao Mai mất ông trở khăn trắng phục bên bài vị.

Sao Mai từng kể: Một tối mùa đông có một chàng trai cao lêu đêu, xương xẩu, đen đúa, ướt lướt thướt vì bơi qua sông, mắt nhìn như khoan vào da thịt người ta, đến gõ cửa. Sao Mai giật mình nhìn bộ dạng người thanh niên, nghi là trấn cướp, nhưng vẫn bình tĩnh mời vào nhà ngồi sưởi lửa và húp bát cháo gà nóng.

Hồi tỉnh anh ta cho hay mình dạy học bên kia sông, xin phép lôi ra trong chiếc túi thổ cẩm tập bản thảo, đọc ngấu nghiến chờ đợi sự phán xét. Chàng trai đó tên là Đinh Văn Chinh. Ông đã lặng mừng, trang viết đầu tay của chàng trai là nỗi buồn vui cõi người chứ không là chuyện minh họa chăn nuôi, trồng cấy…

Qua “kênh” Sao Mai, Văn Chinh đã may mắn ngay từ đầu được tiếp xúc với dòng chảy chìm, trầm sâu của văn học với những quan niệm chính thống; đồng thời cũng từ đó Văn Chinh đã biết đến Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Khánh, Vân Long, Nguyễn Mỹ… thường lại qua miền đất Thanh Sơn thăm Sao Mai.

Một ngày trại viết mùa hè 1980 ấy, bỗng xuất hiện thiếu phụ dắt một bé trai chừng 5 tuổi đến trại nhờ nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đọc bản thảo. Thiếu phụ đẹp, quí phái, con dâu một vị bộ trưởng. Không hiểu sao chị rời Hà Nội mang con lên dựng tạm ngôi nhà tranh trên quả đồi sau nhà máy dệt.

Thiếu phụ và đứa trẻ chuyển dịch đến đâu thì tiếng động lặng ngắt, chỉ có ánh mắt dõi theo ngưỡng mộ.

Hai ngày sau, Nguyễn Hữu Nhàn kéo tôi mang trả bản thảo cho thiếu phụ thì đã thấy Văn Chinh đang đứng ở giữa sân nhà người đẹp.

Sau chiếc xe đạp màu xanh lợt là bó củi bờ rào, cây sắn khô, cọc tre, cọc gỗ mục thu gom đâu đó quanh nương đồi chằng buộc lộn xộn. Dĩ nhiên là có chiếc túi vải đựng bản thảo ngoắc ghi-đông và lủng liểng miếng thịt thời bao cấp lẽo nhẽo gân da, xiên lạt tre và mấy nhánh hành hoa héo.

Ai cũng mong muốn làm nên sự nghiệp cho riêng mình, nhưng với Văn Chinh thì điều này mãnh liệt hơn bao giờ, hình như mọi cơ hội đến trong tầm tay thì ông đều không bỏ lỡ, quý trọng từng khoảng khác vụt sáng của số phận để biến nó thành thành quả cụ thể.

Những gì Văn Chinh đạt được, đều không chỉ đơn giản là ngẫu nhiên, ông có niềm tin vào bản thân đến mức trung thành. Nhưng xu hướng bảo thủ nên ông không mấy tin vào những điều nghe, nói xa xôi. Ông thiên về cảm giác và trải nghiệm tự thân.

Văn Chinh có thể cần từ  từng cái kim sợi chỉ vun vén cho gia đình, nhưng cũng sẵn sàng dốc hầu bao đãi đằng bạn bè những của ngon vật lạ nơi đô thành.

Hoặc là ông long trọng mời ta về nhà riêng của thời điểm hiện tại xảy ra lời mời. Bát đũa lách cách, mỡ réo èo èo. Hành đập phang phang. Ngồi khoanh chân bệ vệ, ông sai bảo người nhà điều chỉnh các món nhắm, trong khi cầm đũa lấy vì, lặng lẽ hút thuốc, chăm sóc hỏi han khách và cười hì hà.

Với Văn Chinh lúc nào cũng tiềm ẩn sự bất ngờ rồi lại không bất ngờ. Về bến đỗ mới nhất của ông chẳng hạn. Tôi cũng đã hơn cả bất ngờ, người ấy còn trẻ hơn cả tôi. Lúng túng tôi cứ ậm ừ chào. Văn Chinh phẩy tay:

- Đề nghị mọi người chiểu theo trật tự tuổi tác mà xưng hô cho tiện dụng nhé.

Nhẹ cả người.

Lạ mà chẳng lạ Văn Chinh.  Có thể có khoảng nào đó mà người đời thấy không ổn, là đôi khi vì sự trực ngôn quá khích của Văn Chinh chứ không vì sự thù hằn ác ý. Tôi luôn muốn nghĩ là thế.

Cho đến bây giờ, tôi chẳng hiểu Văn Chinh lấy đâu sức lực, trí tuệ để có thể dàn trải khắp ba bốn bến đỗ, tạo dựng cơ ngơi lo toan cho các con nghề nghiệp và được học hành tử tế. Vậy mà vẫn một tay Văn một tay Báo chưa ngơi.

- Những cuộc tranh biện từ trước đến nay, có mang lại lợi lộc gì không ạ ? Tôi đã hỏi ông trong Hội nghị Nhà văn và Doanh nhân ở Vĩnh Phúc gần đây.

Mân mê cái cằm râu lởm chởm, nửa ngây nửa tỉnh, vẻ mặt của thùng thuốc súng niêm phong, có dây cháy chậm nối dài nơi góc khuất:

- Hì, thời bao cấp tao từng đi buôn củi, buôn chè để kiếm thặng dư đi học và nuôi con. Nhưng để tranh biện về nghề chữ thì tao phải bỏ thêm thặng dư ra để bồi bổ sức khoẻ. Nếu xét về cái lợi theo kiểu doanh nhân thì tao được lợi toàn thể. Lợi biết thêm về người, biết thêm về mình, biết thêm về nghề. Và thêm được vô khối bạn…

Tôi biết ối bạn ở đây của ông là cả những người đã từng ông tranh biện căng thẳng. Văn Chinh là thế, khi “đấu” thì rất quá khích, nhưng gặp ngoài đời lại khác.

Sau nữa, vụ HỮU và VÔ của trò Văn Chinh với thầy Hoàng Ngọc Hiến, tôi nghĩ xét cho cùng cũng chỉ là một cách trò tôn thầy lên cao thêm. Và thầy thì đương nhiên là cũng kiếm cớ khen trò ngoan giỏi.

Đang trước ngã tư đèn đỏ, lối rẽ sẽ dẫn sang bờ bên sông Hồng, chẳng biết có quan sát hay không mà Văn Chinh cứ thúc vào lưng tôi.

- Nào tiến lên chứ. Sao cứ đứng ỳ ra thế. Ăn vạ ai ở đây…

Không, tôi là người bình thường.

Nhìn thấy đèn đỏ tôi sợ, nhưng Văn Chinh thì khác, nếu như cần thiết phải vượt đèn đỏ để cấp cứu một ai đó thì cũng không từ. Bỗng áo tôi bị giật níu, ông trầm giọng nhưng hổn hển:

- Quay, quay lại siêu thị đi mày, tao quên chưa mua quà cho cháu ngoại.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.