Văn chương đô thị chưa có một Nguyễn Ngọc Tư

Các đại biểu đang chụp hình với nhà văn lão thành Nguyễn Quang Sáng (áo đen) tại Hội nghị
Các đại biểu đang chụp hình với nhà văn lão thành Nguyễn Quang Sáng (áo đen) tại Hội nghị
TP - Một ngày hội thảo, hai ngày đi thực tế cùng một trại viết được mở ra, Hội nghị viết văn trẻ TPHCM lần thứ 3 khai mạc chiều 27-5 đã thổi một luồng gió mới vào những người viết trẻ TPHCM.
Các đại biểu đang chụp hình với nhà văn lão thành Nguyễn Quang Sáng (áo đen) tại Hội nghị
Các đại biểu đang chụp hình với nhà văn lão thành Nguyễn Quang Sáng (áo đen) tại Hội nghị.

Sài Gòn là nơi trưởng thành cho rất nhiều cây viết trẻ. Những cuộc thi, những trang báo, tạp chí và gần đây nhất là những diễn đàn online đã tạo cơ hội cho những cây viết này trưởng thành. Dù mỗi người làm một nghề khác nhau nhưng sự trăn trở, khát khao cầm bút đã giúp cho từng tay viết có cơ hội để thể hiện mình.

Theo nhà thơ Phan Hoàng, dự định ban đầu Hội nghị sẽ mở rộng cho các tay viết trẻ thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ cùng dự, nhưng sau đó do khó khăn về kinh phí nên kế hoạch đó đã phải dừng lại. Và lượng khách mời của Hội nghị chỉ khoảng 70 người. “Tuy vậy chúng tôi đảm bảo những tay viết trẻ tiêu biểu nhất của TP được tham gia hội nghị. Đây là sự cố gắng lớn của chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn vì kinh phí hiện nay”.

Đáng chú ý tại Hội thảo, BTC đã mạnh dạn đề nghị các diễn giả đăng ký tham luận mà không gửi trước cho BTC. Các diễn giả tự chịu tránh nhiệm về những phát biểu của mình. Chính bầu không khí dân chủ naỳ đã khích lệ rất nhiều cho các đại biểu đăng ký tham gia.

Nhà phê bình Trần Hoài Anh với tham luận Đội ngũ viết văn trẻ TPHCM- Tiềm năng và triển vọng đã khẳng định: “Đội ngũ nhà văn trẻ TP không những góp phần làm thay đổi đời sống văn học TP mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo văn học đương đại của dân tộc bởi tác phẩm của họ không chỉ lưu hành tại địa phương mà còn lan rộng ra cả nước, ra nước ngoài”.

Bìa cuốn “Tuyển tập thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh 2006-2011”
Bìa cuốn “Tuyển tập thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh 2006-2011”.

Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi trong Hiện thực đời sống trong văn học thì thẳng thắn cho rằng “Tính hiện thực trong văn học trẻ của TP tuy có sự phát triển nhưng vẫn còn thiếu nhịp đập chung so với sự năng động, phát triển của cuộc sống tại TP sôi động nhất cả nước này và cần phải có một cái nhìn mới, đổi mới trong cảm xúc, tự hoàn thiện phong cách trong sáng tác”.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi đặt vấn đề Quảng bá văn học qua tác phẩm dịch và cho rằng: “Văn học Việt Nam chưa có lộ trình dài hơi, chuyên nghiệp trong việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài. Một vài cuốn được dịch chỉ mang tính chất đơn lẻ, do những mối quan hệ cá nhân và mang tính thử nghiệm. chính điều này đã làm cho các nhà văn chịu thiệt thòi, độc giả nước ngoài cũng không có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận với văn chương Việt”.

Đặc biệt nhà văn Nguyễn Thu Phương đã phân tích khá kỹ trong tham luận Đằng sau sự gây sốc ảo của văn chương trên mạng với những số liệu khá kỹ lưỡng về văn chương online. Nhà văn cho rằng có những màn gây sốc để đánh bóng bản thân của một vài cây viết trẻ nhưng sau màn gây sốc đó là gì?

Bạn đọc chỉ nhớ tới tác phẩm hay, có chiều sâu và những màn gây sốc sẽ bị quên đi nhanh chóng. Và để có chỗ đứng trong lòng bạn đọc thì tác giả hãy trải nghiệm, hãy sống và hãy viết trước khi là “nhà” mua bán văn chương.

Còn Lê Thiếu Nhơn thì trăn trở “Tại sao chúng ta chưa có một Nguyễn Ngọc Tư của văn chương đô thị?” khi nêu bật những thực tế của văn chương tại Sài Gòn hiện nay chưa xứng đáng với tầm vóc của một đô thị lớn...

Nhà thơ Phan Hoàng cho biết: “Thực tế các tay viết trẻ tại TP HCM tuy cùng sống trong một địa phương nhưng cơ hội gặp nhau quá ít vì mỗi người đều có công việc riêng của mình. Vì thế thông qua Hội nghị này chúng tôi mong muốn trong tương lai, họ sẽ có cơ hội gần nhau nhiều hơn.

Cụ thể chúng tôi đã xây dựng diễn đàn online để mọi người cùng tham gia, tạo một sân chơi riêng cho những người viết trẻ. Cũng qua đó, Ban chấp hành Hội nhà văn TPHCM cũng sẽ có những đề xuất với lãnh đạo TP trong việc hỗ trợ những trại sáng tác, hỗ trợ in ấn xuất bản các tác phẩm của các tay viết trẻ”.

Nhà phê bình Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM nói: “Hội nghị là dịp để mọi người cùng xem lại lực lượng viết trẻ trẻ đang ở đâu? Đã làm được gì và chưa được gì? Theo đánh giá của chúng tôi, trong thời gian 5 năm vừa qua, lực lượng viết trẻ đã có sự trưởng thành rất nhanh chóng. Khi xuất bản cuốn “Tuyển tập thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh 2006 - 2011”, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn vì có rất nhiều cây bút trẻ xứng đáng. Và cuối cùng phải lựa chọn 67 tác giả trẻ tiêu biểu nhất”.

Trại sáng tác dành cho 12 cây bút trẻ được mở tại Cần Giờ và những cái tên đang được chú ý trong làng văn như Tiến Đạt, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trương Anh Quốc... sẽ truyền thêm nhiệt huyết cho trại viết.

Một hội nghị dù lâu lắm mới tổ chức nhưng cũng khó ôm đồm được nhiều việc. Tuy nhiên ông Lê Quang Trang khẳng định: “Điều quan trọng nhất thông qua Hội nghị là sự quan tâm của cấp hội, của chính quyền với những người viết trẻ. Họ sẽ có thêm niềm tin để tiếp tục viết, tiếp tục tìm tòi cái mới. Và chúng tôi hy vọng sẽ có một đội ngũ cây viết trẻ ngày một lớn mạnh cùng những tác phẩm xứng đáng”.

Hội nghị Những người viết trẻ TPHCM diễn ra từ ngày 27-5 - 29-5. Đại biểu chính thức của hội nghị gồm 55 cây bút trẻ, trong đó có 25 người viết văn xuôi, 25 cây bút thơ, 3 tác giả lý luận phê bình và 2 dịch giả trẻ.

Chiếm phần lớn trong danh sách này là những tác giả dưới 35 tuổi, trẻ nhất 19 tuổi và một số cây bút còn đang ngồi trên ghế trường đại học. Ngoài ra, còn có 15 khách mời là những nhà văn trẻ ở độ tuổi trên dưới 40 từng dự hai hội nghị lần trước cùng 4 nhà văn lão thành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG