Văn Công Hùng - Người giang hồ ở Tây Nguyên

Văn Công Hùng - Người giang hồ ở Tây Nguyên
TP - Văn Công Hùng thích cải tiến thơ ca với trí thông minh năng nổ sẵn có, dễ khiến người khác có ấn tượng liều mạng, nhưng lại thấy ông vô cùng duyên và đáng yêu.

Ông đủ phức tạp gợi sự liên tưởng ngọn hoả diệm sơn bị bazan Tây Nguyên phủ kín, đang kiên trì đợi cơn địa chấn để dòng dung nham phún xuất, vọt lên…

Thi sĩ có khuôn mặt dân buôn

Trời ạ, tôi không tin vào mắt mình nữa, trong blog của nhà thơ Văn Công Hùng tự vơ về mình cái danh hiệu mà bất cứ người cầm bút nào cũng rụng rời khi nghĩ đến: ĐẠI BỒI BÚT.

Click tiếp, thấy khủng hơn nữa: ĐẠI SIÊU BỒI BÚT. Thế này thì tôi botay.com. Không biết Văn tiên sinh có ốm đau hay lỡ tán tỉnh nhan sắc nào đó rồi chạy làng nên đã mắc bùa ngải tình ái của chị em Tây Nguyên nên sinh ra lẩn thẩn?

Đường đường quan chức văn nghệ của Gia Lai, viết báo, nghiên cứu văn hoá dân gian “có số” bỗng dưng sinh sự thế thì không là chuyện nhỏ…

Dù sao thì tôi cũng phải kiên gan mà tìm hiểu thực hư. Văn Công Hùng vốn đạo mạo, nghiêm túc, thích nghiên cứu, tìm tòi. Không đừng được, tôi bấm số gọi thẳng Tây Nguyên. Đen đủi, không thể kết nối với Văn Công Hùng. Ông anh chủ động tắt máy, hay bị bắt tắt máy hoặc đang đi thực tế vùng lõm sóng…

Mọi lần buôn chuyện à ơi chỉ cần nháy máy, thì Văn Công Hùng đã rổn rảng lên tiếng. Lúc thì tớ đang cày biên tập tập thơ văn Quà của phố, kỷ niệm 80 năm thành lập Pleiku. Tớ đang bên Campuchia. Đang cùng cụ Nguyên Ngọc về Kông Hoa. Ôi đang vướng cái nạn làm phim… bị kẹt dưới huyện mưa không về nổi, không chắc bữa chiều có cơm ăn…

Hoặc hinh hích những khoái trá, trêu ngươi: Dẫn mấy em chân dài đi chụp ảnh dã quỳ… rồi đi tắm hồ T’nưng, lát nữa về nhậu thịt nướng, canh cà đắng, rau dớn xào, rượu Ama Kông…

Văn Công Hùng nấu ăn giỏi. Đi chợ cũng giỏi. Uống rượu cũng giỏi một thời… Giờ hễ nhìn thấy vật thể dạng chai rượu là ôm mặt hu hu. Số điện thoại lúc nào cũng quảng cáo như số nhà khách, cho tiện bề bạn bè a lô mỗi khi có dịp vào  Tây Nguyên “hành hạ”...

Nhớ lại mấy năm trước Văn huynh tỏ bày tâm nguyện cùng tôi đi viếng Đền Hùng và đến ngồi bên bờ sông Thao, sông Lô sau nữa là ra ngã ba Hạc để đọc phú của Nguyễn Bá Lân. Tôi gượng gạo tháp tùng Văn Công Hùng. Vì quí văn nhân phương xa mà phải đi, thực lòng cũng ngán ngẩm, y như mấy ông bạn Hà Nội bị tôi rủ ra Bờ Hồ hóng mát và ăn kem Tràng Tiền danh tiếng.

Dừng xe trước khách sạn đợi chưa đầy mươi phút đã thấy Văn Công Hùng đóng hộp bệ vệ dẫn... ra. Áo vét mỏng xám nhạt, giày nháng như thoa mỡ, túi đeo bụng, máy ảnh, kính mát giọng vàng. Vầng trán cao sang lướt mãi buột về phía sau gáy mà không gặp trở ngại nào gọi là... tóc.

Trông Văn thi sỹ chẳng khác một Tổng giám đốc ăn nên làm ra hoặc chủ một đồn điền cà phê ngút ngàn tầm mắt mới trúng mánh giao dịch nông sản trên sàn Luân Đôn trở về. Ngay cả cách mở cửa xe, khom người ghé ngồi, đóng cửa xe chuyên nghiệp cứ như từ bé đã lên xe xuống ngựa. Tôi chặc lưỡi thầm nhủ: Trông phát tướng phát tài thế kia mà lại làm thơ được nhỉ? Mà lại là thơ hay mới sợ.

Như nỗi buồn lang thang vào
bóng tối
em thổi thảo nguyên về những
phía quỳ vàng

(Gió dã quỳ)

Ta ngồi chơi cuộc tình cờ
Nhặt lên một trĩu nặng bờ
nhân gian

(Ta ngồi chơi cuộc tình cờ)

Nghe nói nhiều nhan sắc, hễ gặp Văn Công Hùng là sa nước mắt khi nghĩ đến câu thơ nào đấy, nghĩ rằng mình đã được thi sỹ trích máu ra làm mực viết tặng riêng.

Rào chắn, người gác cổng yêu cầu xuất trình giấy tờ và làm thủ tục mua vé viếng thăm Đền Hùng. Tôi cho  người bảo vệ hay rằng đây là nhà văn, nhà báo tận Tây Nguyên lên làm việc với Ban quản lý, đỡ mất công lên xuống xe, chứ thực tình chẳng ngại tốn mấy đồng còm.

Bỗng Văn Công Hùng giơ tay lên, hơi gắt.

- Không được ông ơi, tôi về với Tổ tiên ai lại chui rào để vào nhà thờ Tổ.

Ông phắt xuống mua vé vào cửa, mua luôn cả vé đỗ xe, thừa tiền mua luôn cả nắm vé dúi vào tay đám trẻ  dắt xe đạp đang ngẩn ngơ trước rào chắn. Lên cổng đền chân núi, Văn Công Hùng vẫy bà già và trẻ em bán hương và dịch vụ đổi tiền lẻ quây vòng quanh mình. Người được mua hương thì không đổi được tiền lẻ. Tất cả những người làm dịch vụ theo danh tiếng vua Hùng bỗng nhiên có lộc của Văn Công Hùng.

Tin có ông Việt kiều giàu có về “tán lộc” cầu may cho những người khó khăn cơ nhỡ loang ra như gió luồn khắp núi. Người nhao nhao kéo đến. May, Văn Công Hùng đã kịp giả bộ đóng vai người Hàn Quốc, không thì chưa biết cơ sự sẽ diễn ra thế nào với đám đông trong cơn khát lộc rơi lộc vãi.

Bạn ở khắp nước

Văn Công Hùng - Người giang hồ ở Tây Nguyên ảnh 1
Với nhà văn Nguyên Ngọc

Thi sỹ chạy lên tụt xuống, những bậc đá lát dốc đứng, nghiêng ngó tạo dáng chụp xuôi chụp ngược, sắc mặt không đổi, mồ hôi hơi rịn ướt lưng áo và lấm tấm chân tóc.

Chạm đền Hạ tôi đã hò nghỉ chân, trước khi vào thắp hương. Văn Công Hùng tròn mắt:

- Trời đất, văn nghệ các ông ngoài này oải như mỳ luộc thế. Tôi ở Gia Lai đi thực tế lội bộ cả tuần liền, đôi khi ôm bụng đói nằm ngủ khan mà làm thơ viết ký nữa kia.

Tôi liếc xéo, ông nhậu rượu Ama Kong, rau rừng, con thịt sạch, khí hậu trong lành, café xịn tại gốc làm chi mà không khỏe.

Trong lúc hai chúng tôi nhen lửa thắp hương, trong  đông đúc nhao ra một nhan sắc mặn mà, giọng lạc đi.

- Ôi, Văn Công Hùng kìa! Sao anh lại ở đây? Tận Đền Hùng này?

Ôi, Em, sao lại ở đây? Tận Đền Hùng này?

Tôi ý tứ lảng đi cho hai người nói chuyện. Thì ra đó là một cô giáo dạy văn ở Quảng Ngãi, là bạn đọc hâm mộ Văn Công Hùng. Ríu ran thăm hỏi. Ríu ran chia tay hẹn gặp.

- Thì ra ông anh nổi tiếng thật. Xa nhà cả ngàn cây số mà vẫn đụng hàng rát mặt. Mà anh quan niệm thế nào là sự nổi tiếng nhỉ?

Nụ cười tinh quái.

- Hè, tôi kính trọng sự nổi tiếng, nhưng sự nổi tiếng không thuộc về tôi.

- Thế còn tình yêu… Văn Công Hùng yêu ra sao nhỉ? Chứ vụ ríu ran vừa rồi thì chưa nói lên điều gì gọi là sâu sắc…

Ngỡ mình đã làm khó được ông anh, nhưng tôi đã bé cái nhầm.

- Hãy đọc thơ Văn Công Hùng. Và Văn Công Hùng… yêu chắc cũng giống… mọi người…

- Tình bạn ?

- Bạn tôi ở khắp nước. Nguyên tắc chơi với bạn là chơi với phần tốt, phần mình hợp của bạn, cái gì mình không thích không hợp thì lơ đi. Và chiều bạn, quý bạn, không làm phiền bạn, chịu đựng bạn, và ngược lại, bạn cũng... chịu đựng tôi. Được chưa ?

Tới đền Trung thấy bộ bàn ghế đá bày dưới gốc đại cổ lão tương truyền các Lạc hầu, Lạc tướng quây quần bên Vua Hùng nghị bàn việc công. Ông níu tôi ngồi chụp ảnh lưu niệm, và rủ rỉ nửa đùa nửa không.

- Mình phải ngồi vào cái ghế vĩ đại nhất, cổ xưa nhất của 18 triều Hùng Vương để lắng nghe cảm giác công bộc xem có ngân nga lên ở trong con người công dân làm thơ như mình không?!

Giữa dòng người trảy hội, Văn Công Hùng nhắm mắt tĩnh tâm hồi lâu. Có điều gì đấy như là sự bí hiểm, trong không gian linh thiêng khi người ta thành tâm cầu khấn. Một sự giao thoa siêu hình, như ta vẫn thường hy vọng được thấu hiểu và chia sẻ.

Lên Đền Thượng, tôi cũng không dám hỏi cái cảm giác ngồi ghế đá vua Hùng của ông.

Văn Công Hùng lặng lẽ vào thắp hương cầu khấn một mình. Tôi ra sau điện ngồi đợi dưới tán cây rừng, nhớ lại câu chuyện thoáng qua lúc leo dốc.

- Với Văn chương…

thì anh…

- A, nó là nghiệp chướng. Nó cho tác giả nhiều hạnh phúc, nhưng trước khi hạnh phúc, nó ban trước cho sự cay đắng. Đôi lúc mình là tay sai nó. Và cũng có lúc vai trò đảo ngược…

- Viết về Văn Công Hùng, các cây bút ở khu vực Trung trung bộ Tây Nguyên có cả gần trăm trang A4. Anh thích bài nào nhất.

- He, bài nào cũng thích. Người ta ca ngợi mình thì mình không thích họa có mà điên. Mong ca ngợi mãi mãi ấy chứ…

Và tôi đọc lỗ mỗ một đoạn trích vu vơ: ”Dưới những cơn mưa chiều Tây Nguyên tưởng như không bao giờ dứt, có một người lầm lũi đi, lưng đeo túi xách, trong đó đầy những bản thảo thơ của mình, và của bạn bè, miệng nghêu ngao những câu thơ như âm thanh từ tiềm thức vọng về. Thỉnh thoảng lại chen vào những câu hát từ bài hát cũ bằng cái giọng Huế pha Thanh Hóa”.

Tức thì Văn tiên sinh chớp mắt, đỏ mặt:

- Nguyễn Phước Hương Giang, người gọi mình là kẻ hát rong lang thang. Ngày ấy mình trẻ…

Nhưng rồi Văn Công Hùng cũng lễ bái xong, lúc bấy giờ mới dám cởi áo khoác ngả lưng trên ghế đá. Nhìn vân đá xanh, ông bỗng chỉ đâu là đá Thanh Hóa, đâu là đá Ninh Bình. Tôi hỏi tại sao thì cười:

- Đá Ninh Bình đánh bóng thì lỳ mặt, đanh, mịn, đá Thanh Hóa thì xốp hơn, không mát tay bằng. Mẹ tôi người Ninh Bình, tôi lớn lên ở Thanh Hóa mà…

Không, với tôi đá xanh nào cũng là đá xanh nào. Có lẽ phải có trực giác của một nhà thơ thì mới phân biệt rành rẽ sự mù mờ từ những vân đá. Nhìn những trái đồi đất trung du tươi sắc gan gà, đôi mắt Văn Công Hùng gợn lên bóng dáng Tây Nguyên.

- Lạ nhỉ, sắc vẻ đất đai Đất Tổ chẳng khác sắc vẻ đất Tây Nguyên là bao. Đỏ tươi, với đỏ vàng. Lần sau về viếng Tổ, nhất định mình sẽ mang hạt giống dã quỳ gieo bên lối mòn phía xa kia. Hoa dã quỳ nở trên núi Nghĩa Lĩnh, ông tưởng tượng xem… Nôn nao và miên man lắm.

Đúng lúc ông từ bê khay hoa quả  đến mời.

- Tôi thấy vãn khách phúc hậu, may vừa vãn tuần hương, mời hai ông hưởng chút lộc Vua.

Nhà thơ bỗng run bắn nhận trái bưởi Đoan Hùng. Trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh tôi đã chỉ cho ông đâu Ba Vì, đâu Tam Đảo linh thiêng cao dựng, đâu dấu vết sông Thao, sông Lô, sông Đà tụ khí về Bạch Hạc.

Làm trai phải giang hồ

Văn Công Hùng - Người giang hồ ở Tây Nguyên ảnh 2
Văn Công Hùng

Giọng trầm trầm âm hưởng của các già làng Tây Nguyên kể Khan, Văn Công Hùng nhìn đường chân trời.

- Hồi chuẩn bị tốt nghiệp khoa văn đại học Tổng hợp Huế khóa 1, tớ và anh bạn thân, cùng ở Huế, bảo rằng làm trai phải giang hồ. Thế là quyết định cùng nhau viết đơn xung phong lên Tây Nguyên. Nhưng Tây Nguyên là ở đâu thì... chưa biết. Mở bản đồ… rồi quyết định chọn Gia Lai Kon Tum vì nó... gần Huế (Hồi ấy từ Huế lên Pleiku phải đi đến 3 ngày qua ba chặng xe). Nhưng khi mua vé xe rồi, khóc sụt sịt chia tay gia đình rồi thì anh bạn kia...  quay đầu, buông tay.

Tớ đeo ba lô lên Pleiku trong bời bời hoang mang. Nhưng chỉ một tháng, sau chuyến công tác đầu tiên về làng S’tơ, tức làng Kông Hoa trong Đất nước đứng lên. Tớ gặp anh hùng Núp trong một buổi chiều ông đang cõng cháu trước nhà, bộ râu hung hung trắng, đôi mắt voi ngơ ngác hiền từ. Quanh năm khoác chiếc áo vét cũ. Màu đất bazan ngấm trong kẽ da hằn sâu của người già như mạng nhện. Mùi rượu rẻ tiền găn gắt qua hơi thở ông lão. À và ờ. Gật và gật.

Tớ bỗng hiểu rằng mình đã thuộc về Tây Nguyên. Dù thời ấy, người người nuôi heo nhà nhà trồng su su, mà tớ lại khư khư quyển sách và làm thơ. Người ta không ghét mới là lạ..

Lựa lúc Văn Công Hùng yên lặng, tôi mới kể anh hay mấy năm trước trong một chuyến du Nam, ghé qua Tây Nguyên, tôi đứng trước cửa nhà anh, ngôi nhà la đà những hoa phong lan ngát hương mà không dám gọi cửa. Vì lúc đó đã 4 giờ sáng, mà 5 giờ theo lịch trình tôi sẽ lại rời PleiKu. Nhưng mà tôi đã quyết nêu những câu hỏi trực diện. Và test thêm “ông anh Tây Nguyên”.

- Văn Công Hùng đánh giá về mình như thế nào? Tài năng, sự nổi tiếng, tác phẩm để lại cho mai hậu.

- Tớ không khoái đánh giá về mình lắm. Cũng có lúc nằm nghĩ thấy mình chả là gì cả, cát thôi. Nhưng nhiều lúc lại thấy: Ba chục năm ở Tây Nguyên của mình đến giờ cũng đáng giá. Sách tám tập, báo dăm ba trăm bài với một vốn sống về Tây Nguyên đủ để nghe ai nói không đúng về Tây Nguyên thì có thể cãi lại. 

- Chuyện nào đáng nhớ nhất trong đời văn, và công việc biên tập. Chuyện vui, chuyện buồn….

Nghe chừng oải, Văn Công Hùng vuốt vuốt mãi cái đầu không tóc.

- He hè tớ từng tơi tả vì nghề văn. Bị cả kẻ dốt đánh và kẻ ganh cũng đánh, dù tớ chả có gì để họ có thể ganh ghét cả. Từng bị kiện đến tận ông... Nguyễn Khoa Điềm, họ vu cho tội  phản động, thơ thiếu tính Đảng. Có lần tờ tạp chí tớ phụ trách in sai mo-rát câu lời thác thành lời bác của một vị, thế là ông ta nổi trận lôi đình lên mạng chửi tớ.

Rồi nữa, tớ làm hồ sơ đi thi chuyên viên chính, ông cán bộ sở Nội vụ bảo tớ thiếu công trình khoa học. Tớ bảo tôi có 8 đầu sách, hàng trăm bài báo về văn hóa Tây Nguyên, có hai tập sách (in chung) được giải của Hội Văn nghệ dân gian VN, thơ được giải của UBTQLHVHNTVN...

Ông này bảo: Anh làm thơ cũng như tôi làm quyết định nâng lương cho anh thôi, còn công trình khoa học phải do anh đăng ký với sở Khoa học Công nghệ làm đề tài. Mà tớ thì quá hiểu người ta làm gì và làm như thế nào với cái gọi là đề tài khoa học và số tiền (rất nhiều) ấy.

Lòng tự trọng khiến tớ không thể đăng ký để lấy mấy trăm triệu làm “đề tài” xong rồi xếp vào tủ, dù nếu đăng ký thì chắc chắn đề tài của tớ sẽ được duyệt.

Mấy chục năm ở Tây Nguyên, lương của tớ vẫn  chuyên viên, chừng ba triệu mấy một tháng. Trong khi ở Gia Lai… Nhưng thôi, trời công bằng, chả cho không ai cái gì, và cũng chả hại không ai điều gì...

- Ờ thì cứ để vụ chuyên viên chính chuyên viên phụ đó cho cấp trên. Chẳng hay Văn tiên sinh đã tuyệt vọng bao giờ? Trong nghề Văn?

- Thú thật là trong nghề tớ chưa bao giờ hy vọng mình sẽ là cái gì, lạ lắm, cứ nghĩ mình là muỗi thôi, thế là thanh thản, và nhờ thế mà không tuyệt vọng. Tớ không hoắng, không nghĩ rằng mình sẽ chết vì văn chương, và vì thế mà cân bằng, mà vẫn cặm cụi viết cho đến bây giờ.

Quả chò khô nơi Tây Nguyên có thiếu gì, nhưng tôi thấy ông lặng lẽ nhặt những trái chò khô trên núi Nghĩa Lĩnh, mang về làm quà cho con gái. Nhặt một góc viên gạch vỡ từ bức tường đang trùng tu trên Đền Thượng làm chiếc chèn giấy trên chiếc bàn có chồng bản thảo thơ. Ông đã vào cầu duyên cho vợ mãi mãi yêu mình. Cầu bình an và tốt lành cho các con. Và…

Có những tháng ngày Văn Công Hùng đã từng xao động suýt rời Tây Nguyên. Nhiều nơi sẵn sàng mở vòng tay nghênh đón. Vậy mà ông đã ở lại Tây Nguyên, thành người Tây Nguyên ba mươi năm nay. Trước thắc mắc ấy, người thi sỹ có phong vẻ doanh nhân ấy mỉm cười, nụ cười vốn rất thoải mái mọi lần, bỗng nhuốm vị liêu trai.

- Không phải niềm vui hay hạnh phúc mới có sức níu giữ con người đâu. Sự gian khó, vất vả, nó cũng gắn kết con người. Mà số tôi- Văn Công Hùng - hình như sướng quá không chịu được thì phải. Sướng quá mất tự tin, như đa phần người Việt…

Cùng say tít cung mây
Cùng cười như chợ vỡ
Suốt một đời mang nợ
Thơ đa mang nỗi buồn.

Vâng, chúng ta ai cũng mang nợ. Không nợ đời thì đời nợ. Không cách này thì kiểu kia. Chẳng thoát. Nhưng tại làm sao chứ, Văn Công Hùng, sao mà ông lại tự xưng mình là “bồi bút” chứ. Hay đây chỉ là trò đùa với bản thân ông và bạn bè gần xa ?

Tôi những mong “bồi bút“ được như ông, phải chăng đây là biến hóa của sự khiêm tốn ở một công dân Tây Nguyên- Gia Lai- Pleiku?

Nhưng lúc này thì tôi tin, ông muôn thuở vẫn là - kẻ - thi- nhân - ưa - ú - tim - hài - hước tử tế ở mọi phương diện công dân lẫn quán nhậu vỉa hè.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.