Văn hóa lờ

Văn hóa lờ
TPCN - Ấy là tôi cũng học theo cách nói của nhiều người - có văn hóa ẩm thực, văn hóa tranh luận, văn hóa từ chức, văn hóa xếp hàng..., hàng trăm thứ được gắn với văn hóa như thế - thì cũng xin mạnh dạn góp thêm một thứ gọi là văn hóa lờ.

Tảng lờ, lờ tít, lờ lớ lơ..., biết là có đấy, nhưng vẻ ngoài cứ làm như không biết không nghe không thấy. Lờ theo nghĩa đen hẳn hoi, chứ không bóng gió xiên xẹo sang chuyện khác.

Trong cuộc sống, hẳn nhiều người trong số bạn đọc đã từng im lặng khi nghe một câu đùa vô duyên, hoặc phải nhìn đi chỗ khác trước một sự hớ hênh vô ý.

Bác vay tôi tiền, đến hẹn không thấy bác trả, tôi vẫn có thể làm ngơ vì nếu có hỏi, chưa chắc đã lấy được tiền mà không khéo còn chạm vào nỗi đau của bác...

Những chuyện nho nhỏ vặt vãnh tương tự có thể kể ra rất nhiều. Lờ được coi như một thái độ, cung cách cư xử. Biết lờ trong những trường hợp ấy là lịch sự, tế nhị, và hơn thế, đôi khi còn là biểu hiện của tấm lòng độ lượng, bao dung.

Nhưng cũng có những chuyện hoàn toàn ngược lại, tức là không nên lờ, không thể lờ. Nhất là trong thời buổi bây giờ, quyền dân chủ, quyền được thông tin được đề cao, và công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin cũng phát triển đến mức có cố bưng bít cũng không bưng bít nổi.

Vì thế, nhiều trường hợp lờ gây ra sự khó hiểu, khó chịu, bị coi thường, thậm chí coi khinh. Lờ như thế thì không thể coi là có văn hóa. Gần đây ở tỉnh nọ, có một công trình xây dựng vừa khởi công đã bị dư luận phản đối quá trời.

Không những dân ở địa phương, mà các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, các nhà bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên... cùng lúc lên tiếng.

Mấy tờ báo lớn liên tục đăng những ý kiến phát biểu của họ. Phân tích điều hơn lẽ thiệt, đề nghị giải pháp, đưa ra những thắc mắc dành cho các nhà lãnh đạo ở địa phương - những người có quyền quyết định cho xây dựng công trình trên, tức là cũng có trách nhiệm phải giải đáp, trả lời những câu hỏi đó.

Một tuần, một tháng, vài tháng, rồi cả năm qua đi. Báo nói báo nghe, dân nói dân nghe, tịnh không có một hồi âm của những người có trách nhiệm. ấy thế nhưng ở địa phương người ta lại hùng hồn phát biểu trong các hội nghị (chỉ phát biểu miệng trong các hội nghị thôi), rằng đó vẫn là chủ trương đúng đắn của tỉnh nhà, rằng chỉ có cái chuyện cỏn con vậy mà sao báo chí cứ chọc ngoáy, làm hoắng huýt lên.

Sự thật hai năm rõ mười: Người ta có đọc báo, có nghe, có biết, nhưng cứ coi như không nghe không biết, nhắm mắt bịt tai. Rồi chẳng mấy chốc công trình hết vốn đầu tư, đắp chiếu nằm... Báo độc thoại mãi cũng mỏi mồm, phải chuyển sang nhiều chuyện đáng quan tâm khác!

Lờ trong xây dựng, trong sản xuất kinh doanh, người ta còn sẵn sàng lờ trong cả những việc có liên quan tới tình cảm, danh dự của con người. Nói đâu xa, ngay như chuyện khai trừ ông nhà văn ở tỉnh nọ mà báo “Tiền Phong chủ nhật”, rồi một vài tờ báo khác đã lên tiếng mới đây.

Vụ việc được đưa ra. Công chúng dỏng tai chờ nghe tiếng nói của những người, những tổ chức, cơ quan có trách nhiệm. Mấy tuần trôi qua rồi. Không khéo bạn đọc lại thêm một phen dài cổ vì chờ đợi.

Thế mới biết ngày hôm nay vẫn còn không ít người có quyền có chức lại tự dành cho mình một cái quyền rất to nữa là quyền được lờ - được bất chấp công luận, hành xử mọi việc theo ý mình trong im lặng.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.