"Văn hoá" phục vụ kiểu Hà Nội

"Văn hoá" phục vụ kiểu Hà Nội
Chỉ có ở Hà Nội, người ta mới hào hứng đi ăn cháo chửi. Chỉ có ở Hà Nội, người ta mới xếp hàng chờ đến lượt chan tô phở. Chỉ có ở Hà Nội, người ta mới chịu cứng thái độ tiền có trao thì cháo tao mới múc…

Đấy mới chỉ là một trong rất nhiều những thói quen khó hiểu đầy sự chịu đựng của người Hà Nội. Nhưng đã đến lúc bắt buộc phải nhìn lại văn hoá phục vụ tại Hà Nội.

Nhìn cảnh người ăn phở tay giơ cao tiền mặt, đứng kiên nhẫn xếp hàng ăn phở trên phố Bát Đàn, Nhà Chung mới thấy thật thương. Cô “mậu dịch viên” áo blouse trắng, mặt hoa da phấn mà lạnh như tiền, không tiếc câu chuyện phiếm với nhau cứ nhìn tiền khách mà làm phở.

Người ăn ngoan ngoãn tự bưng phần ăn của mình tìm chỗ ngồi. Nếu ăn chua muốn xin thêm một phần tư miếng chanh là y như rằng bị mắng cho xơi xơi vào mặt - ăn gì mà chua thế, vắt gì mà dối thế…

Cũng ăn phở trên Lò Đúc còn khối chuyện bi hài. Nếu không biết ngồi yên một chỗ, gọi phục vụ một tô phở là y rằng bị mấy cô cậu mặt non choẹt mắng vào mặt. Ăn phở tái lăn ở đây không trình tiền ra trước là đừng hòng có phở mà ăn. Nhiều khách muốn có miếng chanh tươi ăn kèm ư, đừng hòng, ở đây chỉ có giấm thôi nhé...

Ở Hà Nội nó vậy, phở nhà này ngon có tiếng, ăn không ăn thì biến. Có khối người bởi thế mà cứ cắm đầu mà ăn, không “dám” ngo ngoe thêm tiếng nào.

Chuyện truyền tai ở Hà Nội rằng, cũng đã có ông tướng tay điện thoại cho “ông nhớn”, tay kia cầm một viên gạch lề đường thả tõm vào nồi nước lèo hàng bánh đa nổi tiếng: ngon, đông khách, cô chủ chửi như hát hay và tính tiền điêu như thói quen. Nghe đâu, cô hàng đanh đá hôm đó đau tái mặt, miệng như bị khâu vì gặp phải ông tướng con coi trời bằng vung…

Dân tình nghe đến sướng, mấy hàng cháo chửi, bún chửi, bánh đa chửi cứ phải gặp mấy tướng con này. Để bớt đi cái “tự hào” phát gớm, miệng phun cả thúng từ ngữ vỉa hè xó chợ, đầu cứ đinh ninh miếng ăn ngon thì ai thèm ắt phải chịu…

Cái trò vui ăn hàng hành xác hành tai này đã đến lúc tàn dư là vừa. Hà Nội ngày càng thay đổi. Có quá nhiều những thay đổi dần dần trong văn hoá phục vụ mà nếu không để ý thì cũng khó nhận ra.

Quán cà phê Paloma ở ngã tư đẹp bậc nhất Hàng Bài - Lý Thường Kiệt thuở nào “lừng danh” vì cung cách phục vụ rất bao cấp là không nói năng - không cười - không tiễn khách, nay đã bị cạnh tranh bằng cả con phố Lý Thường Kiệt hàng chục cà phê kiểu mới.

Paloma nay đã bị thay thế bằng một quán khác, chẳng cần cải tiến gì nhiều chỉ cần thay đổi thái độ phục vụ thực khách là có thể tìm vị trí xứng đáng…

Bây giờ không thể kể một lúc là hết những quán cà phê, nhà hàng kiểu mới. Các thương hiệu quán xá Bắc Nam cũng phổ biến toàn thành. Phở truyền thống Hà Nội cũng bị cạnh tranh sát sườn với chuỗi nhà hàng Phở 24, phở Vuông sáng choang sạch sẽ…

Một nhà hàng, cà phê mới nào mở ra, việc đầu tiên của ông chủ là đào tạo nhân viên phục vụ. Thay đổi nhiều rồi. Thay đổi để nhân viên nào cũng biết mỉm cười, biết đứng xa im lặng khi khách hàng trò chuyện, biết cảm ơn khi khách rút ví trả tiền, biết mở cửa đỡ đồ giùm phụ nữ…

Xã hội hiện đại dù giữ truyền thống nhiều đến đâu, cũng chả cần thiết phải giữ những bà chủ sẵn sàng chống nạnh phun vào mặt thực khách những lời khó nghe…

Còn những người lưu luyến thú vui vỉa hè, liệu đã thay đổi hay chưa?

Theo Lũng Yên
Sài Gòn Giải Phóng

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.