Văn học trẻ bị phê bình có đau không

Văn học trẻ bị phê bình có đau không
TP - Cái tít này nhằm hưởng ứng tới hội nghị của những người viết trẻ đang được tổ chức tại Hội An (11 -15/5/2006), nó ngô ngọng vụng dại dựa vào ý một công án của nhà Phật.

Khi đang giảng thuyết rồi bình đẳng tranh luận về Phật tính, một khái niệm cốt tủy của giáo lý nhà chùa, Đại sư Huệ Năng (638 – 713) đã cho đệ tử cưng của mình là Thần Hội ăn một roi.

Đánh xong, Đại sư hỏi: “Có đau không”. Thần Hội, người về sau sẽ trở thành một hoà thượng kiệt hiệt, nhăn nhó ngộ tính trả lời: “Vừa đau vừa không đau”. Huệ Năng mỉm cười đắc đạo hỏi tiếp. Thần Hội diễn giải: “Mông đít thì đau còn roi thì không đau”.

Văn học tạm gọi là trẻ vài năm gần đây hình như cũng bị ăn roi. Những người thường ăn đòn (không hiểu sao đa phần đều là các nữ sĩ) khi được báo chí hỏi thì hồn nhiên hầu hết trả lời theo kiểu phảng phất công án Thiền “Có đau lại không có đau”.

Thật là một câu đáp rất nhân hậu và thâm hậu. Từ lắc lơ xa xưa, nghe đồn rằng, nếu có phải miễn cưỡng đánh phụ nữ thì người ta cũng chỉ dịu dàng dùng đến cánh hoa hồng. Tất cả các phương tiện khác như roi, như đòn gánh, như cùi tay, như quản bút đều vĩnh viễn bị coi là đồ của bọn vũ phu.

Văn học thì tất nhiên không phải là phụ nữ, lại càng không phải cái chỗ mà như Đại sư Thần Hội thoát tục thanh nhã ví dụ. Nhưng nó cũng đại loại là chỗ vừa nhậy cảm, vừa gợi cảm, vừa mềm mại vào loại nhất trong toàn bộ kiếp con người.

Khi bị một vật gì vừa cứng vừa rắn đập vào đấy thì đương nhiên sẽ dễ dàng đau. Phê bình ở văn đàn Việt đã hơn một lần chính danh tự nhận mình là roi. Vậy thì hỡi ơi, có khi nào đang đánh, roi tự thấy nhưng nhức đau không.

Cũng từ công án trên, nhiều Thiền sư và Thiền giả đã rách việc bình luận mở rộng. Nếu mông đau mà roi không đau thì là chuyện hiển nhiên. Nhưng nếu mông không đau mà roi lại đau thì là chuyện vừa thú vị vừa lạ vừa độc đáo.

Mà văn nhân thì vốn thích sự độc đáo và sự lạ. Họ sâu xa khoan khoái chìa khoe sự ăn đòn. Được ăn đòn là được dư luận. Bởi thông thường dư luận hay nhân văn nhân bản rưng rưng chia sẻ với những thứ đang bị đánh, bất chấp cái việc đó là oan ức đánh hay là bị nhố nhăng đánh. Thế là nhan nhản người ta tranh nhau xung phong “đứng về phe nước mắt”.

Hơn nữa, mông có đau đâu. Thỉnh thoảng có vài cái mông gồ ghề những vết roi thật giả được nông nổi trân trọng phong thánh.

Có phải từ đó nên đã có nhiều người viết bệnh tật tự viết bài chửi mình. Các nhà tâm lý học thích chữ nghĩa gọi tên bệnh ấy là masochism. Những người viết trót mắc bệnh ấy thực ra cũng rất đáng yêu. Họ khát khao muốn mông đau vừa vừa mà roi cũng đau vừa vừa.

Văn học trẻ, nói cho cùng, dù muốn thoát nhưng không hiểu sao vẫn bị nằm trong vòng bàn bạc kiềm toả của dư luận. Nhưng không có nghĩa là dư luận sẽ quyết định được nó.

Những người viết trẻ của ngày hôm nay hình như biết được điều đó. Thậm chí, họ hình như biết độc giả bây giờ đang có vấn đề. Khi bị ăn roi, những người viết trẻ không cần can đảm lắm cũng mang đầy vẻ bình tĩnh.

Một sự bình tĩnh nếu hơi quá sẽ thành vô cảm. Nếu thật có điều này thì quả đáng buồn. Roi đã không đau mà mông lại cũng không đau nốt thì phải chăng chỉ có văn chương tử tế là đau.

Nhiều người viết trong trắng vẫn mệt mỏi nghĩ rằng, đau đớn một cách tự nhiên chân thành, đó chính là văn học.

MỚI - NÓNG