Văn học Việt - một cái nhìn từ ngoài vào

Văn học Việt - một cái nhìn từ ngoài vào
TP - Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài năm 2010 đã kết thúc nhưng dư âm của nó còn dài. Một cái nhìn từ ngoài vào là cần thiết.
Văn học Việt - một cái nhìn từ ngoài vào ảnh 1
Dịch giả Anna Gustafsson Chen

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các đại biểu là nhà văn và dịch giả nước ngoài: Nhà văn Carlos Benchetrit (Argentina), Nhà thơ Martha Collins (Mỹ), Nhà thơ Hilary Watts (Mỹ), Dịch giả Anna Gustafsson Chen (Thụy Điển) và dịch giả Gunter Giesenfeld (Đức).

Quý vị đánh giá thế nào về văn học Việt Nam?

Anna Gustafsson Chen: Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam, nhưng thông qua văn học Việt, tôi có thể đến thăm nhiều nơi và gặp nhiều người ở đất nước các bạn, có thể hiểu được người Việt Nam nghĩ gì và cảm thấy gì. Đọc được một cuốn sách hay luôn là điều tuyệt vời nhất.

Martha Collins: Tôi yêu văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ, lĩnh vực mà tôi am hiểu nhất. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với thơ Việt là vào năm 1993, khi Nguyễn Quang Thiều tham gia buổi hội thảo về dịch thuật mà tôi giảng dạy tại trung tâm William Joiner, nơi hỗ trợ nghiên cứu chiến tranh và hậu chiến ở Boston.

Tôi đã đề nghị anh dịch ba bài thơ sang tiếng Anh. Mặc dù đã từng đọc nhiều về đất nước các bạn trong quãng thời gian tôi tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam, ba bài thơ này đã mang lại cho tôi một cảm nhận sâu xa về văn hóa Việt Nam hơn là những gì đã từng đọc trước đó.

Những năm sau này, tôi đã học tiếng Việt để hiểu về ngôn ngữ Việt và đã cộng tác với Nguyễn Quang Thiều để cho ra đời tuyển tập thơ của anh, Những người đàn bà gánh nước sông, vào năm 1997.

Năm 2005, tôi và nhà văn Thúy Đinh đã cộng tác để dịch và xuất bản một tập thơ nữa của Lâm Thị Mỹ Dạ (Cốm non), và giờ thì tôi đang cộng tác với Ngô Tự Lập để dịch thơ của anh. Trước khi tiếp cận với thơ Việt thì tôi đã dịch khá nhiều thơ từ tiếng Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Italia.

Gunter Giesenfeld: Văn học Việt Nam xứng đáng được cả thế giới biết đến và tìm đọc.

Carlos Benchetrit: Tôi mới chỉ đọc vài cuốn được dịch sang tiếng Tây Ban Nha như cuốn về đại tướng Võ Nguyên Giáp, thơ Hồ Chí Minh được dịch sang tiếng Anh và phát hành ở Tây Ban Nha. Rất hay.

Hilary Watts: Tôi thấy những tác phẩm văn học Việt mà tôi đã đọc hay biên tập rất hay, thú vị, đôi khi đầy ám ảnh và rất nhiều thông tin. Việt Nam có một bề dày lịch sử và những gì đã xảy ra vẫn là một hồi ức sống động. Tôi đọc thấy các cuộc đấu tranh giành độc lập, cuộc chiến với Mỹ và sự thay đổi chóng mặt của Việt Nam.

Văn học Việt - một cái nhìn từ ngoài vào ảnh 2
Dịch giả Gunter Giesenfeld

Hiện nay sách Việt có vị trí thế nào trên thị trường văn học ở đất nước các vị?

Anna Gustafsson Chen: Thanh niên Thụy Điển ngày nay thích xem ti vi và chơi game hơn là đọc sách. Nhưng cũng vẫn còn những người yêu thích văn học. Người yêu văn hóa đọc có thể gặp nhau trên mạng để thảo luận về những cuốn sách.

Tôi không biết ở Việt Nam có thế hay không? Tôi để ý thấy ở Việt Nam có rất nhiều nhà thơ. Mà thanh niên Thụy Điển cũng rất thích thơ. Tuy nhiên thể loại họ yêu thích nhất vẫn là các tác phẩm trinh thám.

Martha Collins: Hồi năm 1995, tôi đã sang Việt Nam. Tôi đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra rằng thơ được đánh giá cao và coi trọng đến thế nào ở đất nước các bạn. Được coi trọng hơn ở Mỹ rất nhiều. Nước tôi người ta thích tiểu thuyết hơn thơ.

Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng thơ Việt sẽ được đón nhận ở Mỹ. Những cuốn sách mà tôi cộng tác dịch đã nhận được rất nhiều lời bình luận thiện chí từ các tạp chí và báo Mỹ.

Sách của Nguyễn Quang Thiều đã giành được giải thưởng, cả hai cuốn đều được đem giảng dạy tại trường trung học và đại học trong cả nước. Tôi phát hiện ra rằng sinh viên của tôi thích thơ Việt khi tôi giảng cho họ và kết quả là đôi khi họ quan tâm đến thơ hơn cả trước kia. 

Gunter Giesenfeld: Ở Đức, văn học Việt hầu như chưa được biết đến. Vì thế nó không thể nổi tiếng và có những cuốn sách best seller được. Chúng tôi sẽ phải quảng bá thêm nữa cho văn học Việt và đây là công việc vô cùng khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục.

Cũng có vài cuốn sách được dịch ra tiếng Đức nhưng hầu hết là những tác giả mà người ta gọi là "phản động" đang sống ở hải ngoại. Gần đây tôi đã dịch ba cuốn: Thơ Chế Lan Viên, Thơ Nguyễn Đình Thi, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Và bên cạnh đó chúng tôi có dịch và ấn hành truyện ngắn trên tạp chí Vietnam Kurier. Ấn phẩm tháng hai này sẽ dịch một tác phẩm của nhà văn Di Li.

Carlos Benchetrit: Chỉ có vài cuốn được dịch và phát hành ở Argentina nhưng thậm chí chúng tôi còn không nhận ra sự tồn tại của chúng nữa.

Hilary Watts: Mặc dù các tác phẩm Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh và phát hành tại Mỹ nhưng tôi chưa nhìn thấy người bạn nào của mình đọc văn học Việt.

Tôi hy vọng hội nghị lần này sẽ tạo đà cho văn học Việt tiến thêm một bước trong thị trường văn học Mỹ. Internet là một công cụ rất quan trọng. Nếu các tác giả post tác phẩm lên website của họ thì ở bất kỳ đâu trên thế giới người ta cũng có thể đọc được chúng.

Tôi cũng cho rằng các bạn nên bắt đầu bằng những cuốn sách giới thiệu các tác giả tiêu biểu và đường link trang web của họ. Văn học Việt rất thú vị và giờ thì điều mà công chúng muốn biết là làm cách nào để đọc và đọc ở đâu mà thôi.

Văn học Việt - một cái nhìn từ ngoài vào ảnh 3
Nhà thơ Hilary Watts

Quý vị thấy rằng Hội nghị văn học quốc tế lần này đã mang lại được những gì cho người tham dự và văn học Việt?

Anna Gustafsson Chen: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong cuộc hội nghị này là các bạn đã được tiếp xúc với rất nhiều người và tạo nên những mối liên hệ để tiếp tục làm việc sau này. Điều này cũng rất tốt cho tôi nữa.

Martha Collins: Hội nghị lần này trên nhiều phương diện đã thúc đẩy văn học Việt. Nhưng có hai điều rất quan trọng đối với tôi. Thứ nhất là hội nghị cho phép các nhà văn, nhà xuất bản trên khắp thế giới gặp gỡ các nhà văn và nhà xuất bản Việt Nam. Thứ hai là chúng tôi đã phát hiện ra những quan điểm chung về nền văn học tuyệt vời của Việt Nam.

Carlos Benchetrit: Sẽ có thêm nhiều cuốn sách được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, nhưng các bạn vẫn phải đẩy mạnh thêm nữa các phương tiện truyền thông bởi vì hiện nay công chúng đang không chú ý đến sự tồn tại của văn học Việt.

Hilary Watts: Hội nghị có rất nhiều người tham dự và tôi nhận được nhiều thông tin thú vị và hữu ích.

Và những hạn chế, thưa quý vị?

Anna Gustafsson Chen: Các tài liệu không được dịch sang tiếng Anh và trong Hội nghị chúng ta không có đủ thời gian để thảo luận về các đề tài.

Martha Collins: Tôi ước gì có nhiều thời gian hơn nữa cho việc trao đổi, chia sẻ ý tưởng và các bài thơ, được gặp gỡ với những tác giả mà chúng tôi định sẽ cộng tác trong tương lai. Tôi hy vọng rằng sẽ có một cơ hội khác cho những cuộc trao đổi này. Nhưng đây rõ ràng là một sự khởi đầu quan trọng: Tôi rất biết ơn Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức ra Hội nghị lần này.

Văn học Việt - một cái nhìn từ ngoài vào ảnh 4
Nhà thơ Martha Collins

Gunter Giesenfeld: Tôi đã nhận được chương trình hội thảo bằng tiếng Anh từ trước. Nhưng trong Hội nghị tôi thấy chương trình cứ thay đổi liên tục. Những cái thay đổi lại bằng tiếng Việt chứ không có bản tiếng Anh. Hội nghị nhiều báo cáo và diễn văn quá.

Carlos Benchetrit: Những cuộc hội thảo chuyên đề nên phổ biến rộng rãi hơn nữa, ví dụ như các cuộc trao đổi giữa những chuyên gia và công chúng chẳng hạn.

Hilary Watts: Tôi mong rằng sẽ có những cuộc trao đổi tương tác hơn. Cuộc gặp gỡ các nhà văn trẻ chủ yếu chỉ là phát tài liệu tham luận chứ không có những chủ đề để tranh luận. Nếu được như vậy, các ý tưởng và chiến lược quảng bá văn học Việt ra thế giới sẽ hữu ích hơn. Tôi cũng tiếc vì có ít cơ hội để nghe đọc thơ văn, vì trước lúc đến hội nghị, tôi được biết rất ít về văn học Việt. 

Di Li
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.