Vạn Lại & Cao Bằng, kinh đô thời loạn

Vạn Lại & Cao Bằng, kinh đô thời loạn
TP - Cuộc chiến chống Mạc, phục hưng Nhà Lê khởi đầu quy mô từ Nguyễn Kim và phát triển với vai trò xuất sắc của Thái sư Trịnh Kiểm đã dẫn đến một cục diện Nam - Bắc triều và sự tồn tại của hai kinh đô, một ở Vạn Lại - Thanh Hóa (Nhà Lê) và một ở Cao Bằng (Nhà Mạc).

>> Tây Đô một thuở

Vạn Lại & Cao Bằng, kinh đô thời loạn ảnh 1
Voi đá còn sót lại ở Vạn Lại - Ảnh: Hà Đình Đức

Vạn Lại của Nhà Lê Trung hưng

Mạc Đăng Dung lật đổ Nhà Lê vào năm Đinh Hợi (1527). Nguyễn Kim chạy sang Lào lập căn cứ, chiêu mộ binh mã, tìm con cháu Nhà Lê lập vua Lê Trang Tông (1533), tiến quân về Thanh Hóa, tiến đánh Ninh Bình...

Sau khi Nguyễn Kim mất, tháng 8, Ất Tỵ (1545), Trịnh Kiểm lên thay, cho đón vua Lê Trang Tông từ Ai Lao về nước.

Vua thì phải ở kinh đô! Khi đó từ Thanh Hoa trở ra Nhà Mạc chiếm cứ trong đó có kinh thành Thăng Long. Trịnh Kiểm đã chọn sách Vạn Lại thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lập hành điện.

Đất ở đây hiểm yếu về quân sự, công thủ, tiến thoái đều thuận lợi. “Việt sử thông giám cương mục” (NXB Giáo dục, 1998) viết: “Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bàn sai đào hào đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó” (tập II, tr.124).

Bên vệ cỏ trên bãi hoang thuở lăng lắc ấy là hành cung Vạn Lại của xã Xuân Châu có một cặp linh thú được coi là lớn nhất thời Lê Trung hưng còn sót lại ở Việt Nam. Đó là đôi voi đá, ngựa đá bằng đá xanh tạc nguyên khối.

Voi dài 2,6 m, cao 1,4 m, ngựa dài 1,4 m, cao 0,95 m. Khoảng cách giữa voi và ngựa chầu vào nhau là 9 m. Độ dài ấy cho phép hậu sinh hình dung được độ rộng của thềm điện kinh đô Vạn Lại dẫu tạm thời cũng khá là hoành tráng!

Giở sử cũ, bồi hồi thêm nếu không có hành cung Vạn Lại cùng những chính sách trải thảm đỏ đón nhân tài của Trịnh Kiểm thì những nho sinh hoặc kẻ sĩ đang thất cơ lỡ vận như Phùng Khắc Khoan, Lương Đắc Bằng... khó mà kiếm được nơi nương náu! Nước Nam ta chắc sẽ khuyết đi một trạng nguyên có tài lương đống như Phùng Khắc Khoan và ông thầy dạy Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Lương tiên sinh!

Từ Vạn Lại, một triều đình có đầy đủ văn quan, võ tướng uy nghi được thiết lập. Các kỳ thi Hội, thi Đình được mở ra tuyển chọn nhân tài cho đất nước.  Trong suốt chiều dài lịch sử khoa cử phong kiến, chỉ có ba địa điểm thi tuyển tiến sĩ cho cả nước: Thăng Long, Vạn Lại và sau này là Huế.

Trong thời gian 47 năm (1546 - 1593), ở Vạn Lại đã tổ chức 7 khóa thi đã có nhiều hiền tài có công với đất nước vào những năm cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Đó là các tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú...

Trong số 45 người đỗ tiến sĩ ở Vạn Lại có hơn 30 người trở thành thượng thư, nhiều người được nhà vua cử đi sứ.  Bảy trong số 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu ghi danh các tiến sĩ đỗ các khoa thi ở Vạn Lại.

Thế lực Nam triều ngày càng lớn mạnh, đến năm Quý Tỵ (1593) quân Nam triều đã đánh Nhà Mạc chạy lên biên giới phía Bắc,  vua tôi Nhà Lê ca khúc khải hoàn trở về Thăng Long.

Bãi bể nương dâu, mấy trăm năm gió mài, mưa xối, ở Xuân Châu nay hầu như không còn vết tích gì của điện dài, cung đình cũ. Chỉ còn vài linh thú như đã nói ở trên.

Cao Bằng của Nhà Mạc

Vạn Lại & Cao Bằng, kinh đô thời loạn ảnh 2
Vết tích thành Nhà Mạc ở Lạng Sơn - Ảnh: Vũ Kiên Cường

Truyền tụng rằng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có rỉ tai một ông vua Mạc đại ý nhỡ khi có biến sự xấu nhất xảy ra thì đất Cao Bằng cũng dung thân được mấy đời!

Từ khi vua Mạc Thái Tổ tức Mạc Đăng Dung lên ngôi năm 1527 đến khi Mạc Mậu Hợp bị đại binh của tiết chế Trịnh Tùng đánh cho tan tác (1593) thì tổng cộng được 66 năm!

Nhưng không phải triều đại lẫn sự kháng cự nhà Mạc đến đó chấm dứt. Đúng như nhà sấm ký Trạng Trình đã tiên liệu, các tôn thất Nhà Mạc như Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ không chỉ dựa vào đất Cao Bằng để tồn tại mà còn mở rộng thủ đô kháng cự, đào hào đắp lũy xây thành sang tận Lạng Sơn, Tuyên Quang.

Sách Toàn thư chép cho đến đầu thế kỷ XVII  thì các vùng như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng vẫn thuộc quyền quản lý của thân thuộc nhà Mạc. Tại các khu vực này chiến trận vẫn tiếp diễn trong nhiều năm.

Vạn Lại & Cao Bằng, kinh đô thời loạn ảnh 3
Đoạn tường thành Nhà Mạc ở Cao Bằng 

Nhà Minh, vì muốn duy trì thế chia cắt Nam Bắc Triều loạn lạc ở  Đại Việt có lợi cho họ nên đã can thiệp để họ Mạc được cát cứ ở Cao Bằng. Mãi đến khi nhà Minh mất hẳn (1662) về tay nhà Thanh, họ Trịnh mới có cơ hội ra tay dẹp họ Mạc. Tới năm 1677, việc trấn giữ Cao Bằng của họ Mạc mới chấm dứt.

Đằng đẵng dằng dặc tận 85 năm.

Sấm ký mưu lược thế nào không rõ, nhưng đã sừng sững đến bây giờ vết tích hệ thống thủ đô kháng chiến của một vương triều! Thành Nhà Mạc Lạng Sơn hiện nằm trong khu vực phường Tam Thanh,  Lạng Sơn. Dấu tích còn lại gồm 2 đoạn tường xây bằng đá giữa hẻm núi.

Thành nhà Mạc nằm ở trung tâm thị xã Tuyên Quang được xây vào năm 1592, và được sửa chữa vào thời đầu nhà Nguyễn.

Thành nhà Mạc ở Cao Bằng còn gọi là thành Nà Lữ. Khi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng (1594-1677), trong 83 năm, ba đời vua Mạc đóng đô ở Cao Bình đã cho tu sửa, xây thành cao lên, có cổng thành kiên cố để phòng thủ.

Vật đổi, sao dời, vết tích kinh đô Nhà Mạc ở Cao Bằng nay còn rất ít.

MỚI - NÓNG