PGS, TS Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội:

'Văn mạch' Nguyễn Du vẫn được duy trì

TP - Trả lời phỏng vấn của Tiền Phong, PGS, TS Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội bày tỏ sự nuối tiếc khi “mất” Trường Viết văn Nguyễn Du. Theo ông, đây là ngôi trường danh tiếng, là một “thương hiệu” bậc nhất.

'Văn mạch' Nguyễn Du vẫn được duy trì ảnh 1 Một hội thảo khoa học tại khoa Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội)

Được biết nhiều năm trước đây, ông đi du học ở Nga (Liên Xô cũ). Khi đó ông có được biết về Trường Viết văn Nguyễn Du (VVND) ở trong nước không? Khi ông về công tác tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì sao?

Trước khi đi du học tôi đã biết về ngôi trường này. Tôi biết ngay từ những khóa đầu, đã có nhiều sinh viên là những nhà văn, nhà thơ khá thành danh từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở về giảng đường để học tập.

Đặc biệt, ngôi trường này đã quy tụ được những người thầy nổi tiếng là các GS, TS: Huỳnh Khái Vinh, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khắc Viện, Từ Chi, Hồ Ngọc Đại…; một số nhà văn, nhà thơ lừng danh như: Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… và rất nhiều người khác. Lúc đó một số sinh viên của trường danh tiếng đã nổi như cồn như nhà thơ Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Lâm Thị Mỹ Dạ; các nhà văn Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường… Ngày ấy, tôi rất kính nể ngôi trường này. 

Khi tôi về công tác, trường Viết văn Nguyễn Du đã trực thuộc trường Đại học Văn hóa Hà Nội. GS.TSKH Huỳnh Khái Vinh là hiệu trưởng cả hai trường. Sau đó thì trường Viết văn Nguyễn Du “tái cơ cấu” để trở thành Khoa Sáng tác và Lý luận, Phê bình văn học và sau này trở thành Khoa Viết văn- Báo chí. Công việc đào tạo vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên cũng có ít nhiều xáo trộn. Cho đến bây giờ Khoa Viết văn- Báo chí đã rất ổn định và không ngừng phát triển.

Năm 2004, Trường VVND rút gọn lại thành Khoa Sáng tác và LL-PBVH trực thuộc Trường Đại học văn hóa Hà Nội. Đã có dư luận cho rằng để mất ngôi trường Viết văn danh tiếng ấy là điều đáng tiếc. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đúng là có ý kiến cho rằng thật đáng tiếc khi trường Đại học Văn hóa Hà Nội để mất ngôi trường danh tiếng này, đó là một “thương hiệu” bậc nhất. Nhưng cũng có ý kiến rằng theo quy luật của sự phát triển thì việc thay đổi/biến đổi là điều tất yếu và đó là điều bình thường. Cái chính ai cũng nhận thấy là danh tiếng của Trường Viết văn Nguyễn Du không mất đi, mà nó vẫn hiện diện rõ nét ở mọi mặt hoạt động đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giao lưu quốc tế... Cái đặc biệt hơn là cái truyền thống, cái “văn mạch Nguyễn Du” vẫn được duy trì. Bằng chứng là chất lượng đào tạo không giảm, mà “công nghệ đào tạo” ngày càng bài bản hoàn thiện hơn.

Chương trình đào tạo, đề cương chi tiết các môn học, bài giảng được xây dựng rất công phu. Nhiều giáo trình cho sáng tác văn học đã được biên soạn. Điều trước đây chưa từng có. Thật sự, phải có sự kế thừa và kết tinh từ lịch sử của trường Viết văn Nguyễn Du mới có thể viết và biên soạn ra các bài giảng, giáo trình như vậy. Khoa vẫn quy tụ được nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của đất nước đến giảng dạy và giao lưu với sinh viên của khoa.

Chúng tôi cũng tự hào nhận thấy nhiều sinh viên của khoa khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã tích cực tham gia vào đời sống văn học và được ghi nhận như các nhà văn, nhà thơ trẻ đầy triển vọng. Tôi có một ví dụ, trong 2 năm liên tiếp 2012- 2013, 10 truyện ngắn hay của năm do báo Văn nghệ bình chọn thì 2/10 truyện ngắn là tác phẩm của sinh viên của khoa; sau đó là sinh viên của khoa lại đoạt 2 giải của cuộc thi truyện ngắn 2012-2013 do báo Văn nghệ tổ chức (1 nhì, 1 khuyến khích). Rõ ràng danh tiếng trường Viết văn Nguyễn Du không mất đi, mà nó càng rực rỡ.

Nghe nói, có lần Bộ trưởng Bộ VH,TT và DL về thăm trường có nêu ý kiến rằng nhà trường nên khôi phục lại Trường VVND , hoặc nếu không thì nên xây dựng mô hình ở dạng Trung tâm đào tạo Viết văn, hoặc Viện Viết văn Nguyễn Du thế nào đó?

Tôi hơi bất ngờ khi thấy ông Bộ trưởng lại biết rất rõ và rất quan tâm đến ngôi trường này, hiện là Khoa Viết văn - Báo chí (VV-BC). Bộ trưởng nói: nhà trường cứ nghiên cứu, nếu thấy khả thi,

nên làm đề án, chúng ta có thể khôi phục lại trường, hoặc nâng cấp thành Trung tâm, Viện gì đó. Chúng tôi sẽ có dịp bàn bạc sâu về việc này. Hiện nay Khoa VV-BC đang làm rất tốt công việc đào tạo và các hoạt động khác. Nếu có thay đổi cũng cần rất thận trọng và phải có lộ trình với các bước đi thích hợp.

Việc đào tạo chuyên ngành viết văn vốn rất đặc thù, liên quan tới năng khiếu và chăm sóc nhân tài. Lâu nay và trong những năm tiếp theo, ông có chủ trương ưu tiên như thế nào đối với hệ đào tạo này?

Chúng tôi nhận thức rất sâu sắc rằng sáng tạo VHNT và đào tạo năng khiếu, tài năng cho sáng tạo VHNT là hoạt động đặc thù và phải có những ứng xử đặc thù đối với nó. Đối với nhà trường luôn coi công tác đào tạo của khoa cần có những ưu tiên về cơ sở vật chất, về việc mời giảng viên thỉnh giảng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa chuyên đề, dã ngoại, in ấn tuyển tập tác phẩm… Trong điều kiện còn hạn hẹp của nhà trường, chúng tôi cố gắng không từ chối những đề nghị từ Khoa đưa lên. 

Hiện nay Bộ VH,TT và DL đang soạn thảo đề án ưu tiên cho các ngành nghệ thuật ở khối các Trường văn hóa nghệ thuật. Chúng tôi rất mong chủ trương này sớm thành hiện thực. Khi đó đào tạo Viết văn sẽ có nhiều chế độ ưu tiên (cùng với một số chuyên ngành ở trường tôi như Âm nhạc, Mỹ thuật).

Hiện giờ, Khoa Sáng tác và LL-PBVH đã đổi tên thành Khoa Viết văn - Báo chí (2012), chắc với ý tưởng mở rộng và phát triển đào tạo chuyên ngành báo chí, thưa ông?

Chúng tôi đã tạo điều kiện để Khoa VV-BC mở thêm chuyên ngành đào tạo báo chí. Hiện đã có 4 khóa đang theo học báo chí tại trường. Chúng tôi đang thực hiện tuyển sinh đào tạo báo chí liên tục hằng năm, riêng tuyển sinh hệ Viết văn thì 3 năm chúng tôi mới mở một khóa.

Hiện nay, ông đã đầu tư cụ thể những gì cho việc đào tạo chuyên ngành báo chí - một ngành học đòi hỏi khá nhiều đội ngũ giáo viên có năng lực và các trang thiết bị học tập khá đắt tiền như máy ảnh, camera, phòng Studio…?

Chúng tôi đang đầu tư một cách mạnh mẽ và có hệ thống cho việc đào tạo báo chí như trang bị các thiết bị máy ảnh, camera để các em sinh viên học nghề. Chúng tôi cũng đã hoàn thành Phòng học chức năng. Tiến tới chúng tôi cho xây dựng Phòng studio để các em sinh viên thực hành sáng tạo sản phẩm báo chí tại chỗ. Tuy kinh phí nhà trường eo hẹp, nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng hết mức trong khả năng có thể để đầu tư cho hoạt động đào tạo VV-BC.

Nhìn lại, Khoa Viết văn-Báo chí đã tuyển sinh chuyên ngành báo chí cho đến nay được 4 khóa. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động đào tạo báo chí ở đây? Và ông kỳ vọng những gì?

Tôi nhận thấy các em sinh viên báo chí khá năng động. Những hoạt động viết tin bài cho trang wesite hoặc Bản tin nội bộ của trường có sự tham gia chủ yếu của sinh viên VV-BC. Về phía đội ngũ giáo viên, chúng tôi cho rằng khoa có một đội ngũ giáo viên năng động, yêu nghề, có năng lực tham gia sâu vào nền văn chương và báo chí của đất nước. Chúng tôi lại có một đội ngũ những giáo viên thỉnh giảng hết sức nhiệt tình đến từ các cơ sở đào tạo và các cơ quan báo chí, văn nghệ khác giúp đỡ trong công việc truyền nghề. Tôi tin tưởng rằng, từ nơi đây, chúng tôi đã có một nguồn nhân lực những người làm báo, viết văn có chất lượng đóng góp vào nguồn nhân lực cho đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Trường VVND/Khoa VV-BC, ông có những quyết sách gì nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hai chuyên ngành Viết văn và Báo chí?

Sắp tới đây chúng tôi tuyển dụng thêm một số giảng viên báo chí với điều kiện trẻ trung, yêu nghề, giỏi tay nghề, giỏi ngoại ngữ, năng động để về dạy nghề báo chí. Chúng tôi cũng bắt đầu khởi động để đào tạo ngành báo chí thay vì chuyên ngành như hiện nay. Bởi vì nếu là ngành đào tạo sẽ có chương trình riêng, cách thức đào tạo cũng sẽ hệ thống và chuyên nghiệp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông. 

Trường Viết văn Nguyễn Du thành lập năm 1979. Ngay từ những khóa đầu, đã có nhiều sinh viên là những nhà văn, nhà thơ khá thành danh về giảng đường để học tập. Ngôi trường này đã quy tụ được những người thầy nổi tiếng là các GS, TS đầu ngành và một số nhà văn, nhà thơ lừng danh tới giảng dạy. Qua nhiều mô hình chuyển đổi, Trường Viết văn Nguyễn Du trở về trực thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trở thành Khoa Sáng tác và Lý luận, Phê bình văn học và sau này trở thành Khoa Viết văn- Báo chí. Nhân dịp thành lập ngôi trường đặc biệt này, 35 năm một chặng đường, Tiền Phong Chủ nhật trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn PGS, TS Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa Hà Nội và một số sáng tác tiêu biểu của sinh viên các khóa gần đây. 

Lễ kỉ niệm 35 năm Trường Viết văn Nguyễn Du - Khoa Viết văn, Báo chí (1979-2014) và đón nhận Bằng khen của Bộ VH-TT-DL sẽ diễn ra tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vào sáng 15/11/2014. Trước đó, vào tối ngày 14/11/2014, chương trình giao lưu nghệ thuật "Ngôi nhà viết văn, 35 năm - một chặng đường" được Trường ĐHVH tổ chức như một lời tri ân gửi đến các thầy cô giáo, các nhà văn, nhà thơ đã và đang góp phần khởi dựng, phát triển văn mạch Nguyễn Du suốt hơn ba thập niên qua.

Bản thân Khoa Viết văn - Báo chí đã có nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng lễ kỉ niệm: Tọa đàm "Thơ Tân hình thức Việt - diện mạo và triển vọng"; Xuất bản các ấn phẩm: Giáo trình Sáng tác truyện ngắn; Củi lửa bén nhau; Triển khai đề tài nghiên cứu "Cảm thức biển đảo trong văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay"… Cũng nhân dịp này, tượng chân dung nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến (nguyên Hiệu trưởng nhà trường) được khánh thành và đặt trong khuôn viên Khoa.

MỚI - NÓNG