Vẫn thiếu nguồn lực cho du lịch

TP - Nhà quản lý và chuyên gia mổ xẻ khúc mắc của ngành du lịch tại tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, sáng 9/6 tại Hà Nội.

Có thể tăng 30%

Mục tiêu của ngành du lịch năm nay đón 13 triệu lượt khách quốc tế, chưa phải quá lớn nhưng không dễ dàng. Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng hoàn toàn có thể tăng trưởng 30% hoặc hơn nếu có nguồn lực đủ mạnh.

“Tiếc rằng chúng ta lại chưa đủ nguồn lực. Ngay miễn visa là một trong những động lực hút khách quốc tế nhưng ta vẫn dè dặt, chỉ cho kéo thêm một năm”, ông Bình nói. Cấp visa điện tử cũng được xem là bước cải tiến để khách quốc tế đỡ ngại thủ tục rườm rà, tuy nhiên sau bốn tháng mới thu hút khoảng 22 nghìn lượt.

Một trong những giải pháp các đại biểu nhắc tới là thúc đẩy Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sớm hoạt động. Tương tự Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Quỹ du lịch đang bế tắc vì chưa xác định được nguồn kinh phí. Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô nói, nên sớm triển khai Quỹ nhờ tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trong khu vực.

Ông Phạm Mạnh Cương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam dẫn chứng: Tại Mỹ, công dân đến từ hơn 30 quốc gia nằm trong diện miễn thị thực nộp lệ phí xét 14 USD thông qua hệ thống điện tử, trong đó 10 USD tái đầu tư cho xúc tiến du lịch. Nhiều nước châu Âu đồng loạt áp dụng thuế lưu trú đối với khách du lịch từ đầu năm 2016.

Theo đó mức thu dựa vào số đêm lưu trú, hạng khách sạn do mỗi quốc gia quy định. Ví dụ, Áo thu 0,15-2,18 euro/người/đêm, Pháp tối đa 4 euro/ đêm. Đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nói Quỹ này để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra thế giới. Kinh phí quảng bá xúc tiến của ta khoảng 2 triệu USD, bằng gần 3% so với Thái Lan và 2,5% của Singapore. Vì lẽ đó các đại biểu cũng đề xuất bổ sung nguồn thu từ khách du lịch trong mục nguồn hình thành Quỹ ở dự thảo Luật Du lịch sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Tranh cãi xếp hạng sao

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, dự thảo Luật Du lịch không nên bắt buộc đăng ký xếp hạng sao bởi khách hàng có quyền quyết định chứ không phải ông chủ khách sạn hoặc nhà nước. Ông Đinh Mạnh Thắng nêu ví dụ, nhiều khách sạn đủ tiêu chuẩn 5 sao nhưng chỉ đăng ký 4 sao vì muốn hút khách-một chiến lược kinh doanh cần được tôn trọng. Ở Thuỵ Sĩ, có những khách sạn 0 sao nhưng công suất luôn đạt 80%...

Nâng hạng sao đồng nghĩa khách cân nhắc vì chi phí phòng và dịch vụ tăng theo. Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty APT Travel đồng tình để các cơ sở lưu trú tự nguyện đăng ký xếp hạng. “Tuy nhiên cần ghi rõ trong Luật rằng, khi không đăng ký xếp hạng thì không được tự ý phong sao, tránh lợi dụng để quảng cáo sai sự thật, lừa khách hàng”. Cho rằng đăng ký tự nguyện là văn minh, ông Hoàng Văn Tuyên (Hiệp hội Du lịch Lào Cai) e ngại: trong điều kiện hiện nay nên bắt buộc đăng ký xếp hạng sao để bảo vệ quyền lợi du khách.

Về dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, ông Vũ Thế Bình đánh giá: nội dung ngắn gọn, rõ ràng và khả thi. Dự thảo Luật gồm 9 chương và 82 điều, cơ bản giữ những nội dung của Luật Du lịch 2005, bổ sung nội dung mới phù hợp, nhất là tiếp thu chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.