Vẫn tranh cãi về Nghị định lễ hội

Các nhà khoa học lưu ý nội dung liên quan tới lễ hội có yếu tố bạo lực. Ảnh: Như Ý.
Các nhà khoa học lưu ý nội dung liên quan tới lễ hội có yếu tố bạo lực. Ảnh: Như Ý.
TP - Nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn xung quanh một số điều trong dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, tại buổi lấy ý kiến do Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 24/11.

Sau cuộc lấy ý kiến các nhà quản lý địa phương tại Hải Phòng tháng 10, Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VHTT&DL tiếp tục lấy ý kiến một số nhà khoa học, cơ quan về dự thảo Nghị định lễ hội. Nhiều đại biểu cho rằng Nghị định này cần thiết do thực trạng ở một số lễ hội thời gian qua. Tình trạng thương mại hoá lễ hội, bạo lực phản cảm và những biến tướng lệch lạc khác có xu hướng gia tăng nhưng khó xử lý, theo các chuyên gia do thiếu hành lang pháp lý. Nghị định này ra đời với kỳ vọng chấn chỉnh việc tổ chức, quản lý lễ hội thời gian tới.

GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng cần cân nhắc Điều 4 của dự thảo Nghị định lễ hội. Nội dung liên quan “loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc Việt Nam”, theo ông cần làm rõ, tránh để người dân hiểu nhầm là cấm đoán, áp đặt gây phản ứng trong cộng đồng. Ông Lý dẫn lại ví dụ khi lãnh đạo Bộ đối thoại với dân Ném Thượng và dân cầu trâu Phú Thọ theo lối áp đặt khiến họ không đồng tình. Tuy nhiên, khi nhà khoa học về phân tích họ vui vẻ chấp thuận.

Cho rằng cần có nghị định trong xu thế nâng cao vai trò quản lý đảm bảo cho đời sống văn hóa được phát huy, TS Lê Thị Minh Lý góp ý cần phân định rõ các loại hình lễ hội mới phục hồi hay lễ hội mới xuất hiện vì không thể đánh đồng các loại. Với những lễ hội dân gian ở cộng đồng, theo TS Lý, Nhà nước không thể quản lý hết được. Bà cũng góp ý trong văn bản quy phạm pháp luật nên tránh sự can thiệp quá sâu vào hoạt động của cộng đồng. Về việc Nghị định quy định chi tiết quá, TS Lý cho rằng nên xây dựng khung pháp lý để linh hoạt và mềm dẻo áp dụng tùy từng đối tượng, mức độ, phạm vi cụ thể nhất là trong quản lý văn hóa và lễ hội.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở trong vai trò chủ trì nhắc đến khó khăn trong quá trình xây dựng văn bản, nhất là sự thống nhất ở một số khái niệm về lễ hội. Bà cũng nhắc tới xu hướng xây dựng luật thời gian gần đây theo hướng chi tiết hoá để có thể áp dụng ngay, không cần chờ thông tư hướng dẫn.  TS Nguyễn Thị Hường, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Quản lý Nhà nước về xã hội Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, Bộ VHTT&DL với vai trò tham mưu cần làm rõ một số khái niệm, giải thích từ ngữ rõ ràng để tránh hiểu nhầm. Về khía cạnh thương mại hoá trong lễ hội, bà Hường đề xuất nên có thêm điều chỉnh về tổ chức dịch vụ trong lễ hội. Thực tế nhiều lễ hội hiện nay phần hội lấn át phần lễ, nhiều BTC vì không có kinh phí nên xã hội hoá và chấp nhận chiều theo nhà tài trợ.

Sau các cuộc lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý và bộ ngành liên quan và ý kiến người dân khi đăng tải trên website của Bộ VHTT&DL, Bộ sẽ tổng hợp và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý, tổ chức lễ hội và trình Chính phủ ban hành trong quý 1 năm 2018.

MỚI - NÓNG