Văn xứ Hàn, người xứ Hàn...

Văn xứ Hàn, người xứ Hàn...
TP - Seoul đón chúng tôi bằng cơn mưa tuyết từ lúc nửa đêm. Trên đường từ sân bay về trung tâm thành phố, tuyết lấm tấm trắng khắp nơi, như có ai vừa đem hàng thúng muối ra đổ.

Sương giăng mù mịt trên mặt sông Hàn, những hàng cây mùa đông khô khốc và héo úa. Bỗng mặt trời nhô lên, cảnh vật dần sáng rõ, và hiện ra một thành phố hiện đại hai bên bờ Hàn giang.

Chúng tôi sẽ gặp gỡ, giao lưu với 5 nhà văn do Viện dịch thuật văn học, thuộc Bộ Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc sắp xếp.

Họ đều là thành viên của Hiệp hội những nhà văn trẻ muốn tìm hiểu Việt Nam. Những nhà văn này đầu tháng 12 sẽ sang Hà Nội trong khuôn khổ chương trình trao đổi văn hóa kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn.

Trước khi lên đường, tôi có gửi lịch làm việc cho một người bạn cũ, nhà thơ Lee Mansik - giáo sư văn học Anh tại trường Đại học Kyungwon ở thủ đô Seoul. Mansik xuýt xoa: "Hầu hết trong số họ là những nhà văn hàng đầu của chúng tôi bây giờ đấy!".

Bạn đọc Hàn Quốc bắt đầu "nghiện" văn học Việt Nam

Văn xứ Hàn, người xứ Hàn... ảnh 1
Jeon Seong Tae

Jeon Seong Tae hẹn gặp chúng tôi trong một quán cafe Pháp. Seoul lạnh dưới 0oC nhưng Jeon chỉ phong phanh chiếc áo khoác màu kem, đầu để trần. Chúng tôi được giới thiệu anh thuộc số những nhà văn trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi dưới 40, sớm tạo được  bản sắc riêng.

Đề tài sáng tác của Jeon rất đa dạng, nhưng có thể nhận ra mối quan tâm chính của anh tập trung vào các "cá nhân bị cô lập" trước dòng chảy thời đại. Anh kiên trì lối viết hiện thực, dụng công mài dũa tác phẩm, không a dua theo mốt "thời thượng" của dòng văn học giải trí đang thịnh hành ở Hàn Quốc.

Tôi đã đọc truyện ngắn "Vượt qua biên giới" của Jeon Seong Tae với nhiều thiện cảm. Ngắn, nhưng ta vẫn nhận ra sự ám ảnh về một bán đảo Triều Tiên còn chia cắt và mặc cảm quá khứ đau thương không dễ nguôi quên dưới sự thống trị của quân Nhật.

Bên trong quán ấm sực mùi cà phê. Một không gian cổ kính và trang nhã theo phong cách Pháp. Khác với hình dung ban đầu của chúng tôi về một nhà văn trẻ sớm thành đạt có thể sẽ rất chảnh, Jeon thật cởi mở và thành thực.

Jeon cho biết, đã đến Việt Nam hai lần. Anh rất thích cà phê Trung Nguyên và có thể ngồi lì hàng giờ nhâm nhi, ngắm phố phường Hà Nội. Anh bảo, hiện nay có nhiều bạn đọc Hàn Quốc "nghiện" văn học Việt Nam và anh là một "con nghiện" tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh".

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hơn 30 năm, nhưng nhiều người, đặc biệt là thanh niên Hàn Quốc vẫn còn hiểu rất lơ mơ về cuộc chiến tranh này. Thậm chí họ vẫn còn băn khoăn trước câu hỏi: ai đúng, ai sai?

Trước kia, những người lính Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam được coi là những người hùng. Chỉ đến khi "Nỗi buồn chiến tranh" được dịch ra tiếng Hàn, nhà văn Bảo Ninh đã làm choáng váng độc giả Hàn Quốc. Ông mở toang sự thật tàn khốc của chiến tranh, làm thay đổi nhận thức của họ.

Tiếp theo là tiểu thuyết "Nếu anh còn được sống" của Văn Lê, thơ viết về chiến tranh của Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Chim Trắng... và gần đây nhất là "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư cũng gây ấn tượng mạnh với người đọc Hàn Quốc.

Quả thật văn học Việt Nam có mặt ở Hàn Quốc chưa lâu và chưa nhiều, nhưng đã có những độc giả tri kỷ.

Nhà văn lão thành Lee Mun-ku rất nổi tiếng ở Hàn Quốc, hội viên Hiệp hội tác giả (một tổ chức tương tự như Hội nhà văn của ta) khi ấy đã đặt câu hỏi: Liệu văn học đương đại Hàn Quốc có tác phẩm nào sánh được với "Nỗi buồn chiến tranh" chưa? Và ông đã tự trả lời, như một lời khẳng định: chưa có.

Jeon thán phục nói thêm: Với chúng tôi, trước kia chỉ có "Sông Đông êm đềm" là tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh, bây giờ đã có thêm cả "Nỗi buồn chiến tranh" nữa! Một sự so sánh ưu ái quá chăng, nhưng đã được Jeon nói rất chân thành.

Chúng tôi nói, quả thực đây là những quyển sách hay nhưng văn học Việt Nam không chỉ có thế. Nếu muốn thấy một diện mạo hoàn chỉnh, thì dòng văn học về đề tài chiến tranh chưa thể đại diện hết được...

Văn xứ Hàn, người xứ Hàn... ảnh 2
Bang Hyun Suk

Chuyện đang vui thì "dế" của "em Lee" - cô phiên dịch tiếng Việt, rung bần bật. Bang Hyun Suk gọi.

Anh là tác giả "Thời gian ăn tôm hùm" - tiểu thuyết hay nhất năm 2003 tại Hàn Quốc, được dịch sang tiếng Việt năm 2005.

Qua tác phẩm này, Bang muốn soi rọi cả quá khứ, hiện tại và tương lai của Hàn Quốc và Việt Nam - đất nước mà từ lâu anh đã dành mối quan tâm đặc biệt.

Bang cũng là một nhà văn chọn lối viết hiện thực, anh quan niệm “trong bất cứ trường hợp nào, văn học cũng không thể là những thứ ngoài cuộc sống".

Cuốn sách được viết với bút pháp tiểu thuyết vững vàng, thể hiện sự am hiểu một cách đáng ngạc nhiên của một nhà văn ngoại quốc về đời sống, phong tục, sinh hoạt của người Việt Nam.

Điều tôi không thích duy nhất là Bang đã sử dụng kết cấu tiểu thuyết đậm chất phương Tây trong khi người đọc lại chờ đợi một phong cách đặc trưng riêng của văn học Hàn.

Phòng làm việc của Bang Huyn Suk tại NXB Asia khá chật chội, bàn ghế và những giá sách kê sít sịt. Riêng chỗ rộng rãi nhất cạnh cửa sổ đặt một tấm bảng, trên đó dán kín các bài báo bằng tiếng Anh và tiếng Hàn viết về nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư.

"Cánh đồng bất tận" do NXB Asia ấn hành đã gây tiếng vang lớn trong văn giới Hàn Quốc, là niềm tự hào của những người tổ chức bản thảo.

Năm nay 46 tuổi, đã sang Việt Nam khoảng 30 lần, từng học tiếng Việt khoảng 2 năm, có thể nói Bang là một trong những nhà văn Hàn Quốc gắn bó nhiều nhất với Việt Nam. Anh từng là chủ tịch "Hiệp hội những nhà văn trẻ muốn tìm hiểu Việt Nam" trong nhiều năm.

Thế nhưng khi gặp chúng tôi, Bang lại tỏ ra khá kiệm lời. Đằng sau mỗi câu nói ngắn gọn của anh là sự khiêm tốn, dí dủm. Hỏi: "Anh sẽ nói gì, nếu chúng tôi bảo khó mà tìm thấy một cuốn Thời gian ăn tôm hùm ở Hà Nội?". Đáp: "Chắc tại tôi viết không hay". "Ý chúng tôi muốn nói đến việc phát hành..." - "Tôi không phải là Murakami". "Dự định của anh trong thời gian tới?" - "Viết. Đó là công việc hàng ngày của nhà văn".

Câu chuyện có nguy cơ ỉu xìu bỗng vui hẳn lên khi chúng tôi chuyển sang đề tài ẩm thực. "Thịt chó mà không có mắm tôm ư?" - Bang giãy nảy khi nghe nói đến dịch tiêu chảy cấp. Chúng tôi ngỏ ý muốn thưởng thức món "mộc tồn" vốn cũng là đặc sản nối tiếng của Hàn Quốc, Bang đứng phắt dậy: "Gần đây có một quán, chưa phải ngon nhất thành phố, nhưng cũng là nhất khu vực này rồi. Tôi đãi nhé."

Cô Lee phiên dịch cho biết, truyện "Hình thức của sự tồn tại" trong "Thời gian ăn tôm hùm" đã đoạt giải thưởng trị giá 50 nghìn đôla và anh Bang rất muốn được chia vui cùng các bạn Việt Nam.

Sau khi cùng nhau cưa đến chai rượu Soju thứ hai (loại rượu mà trong phim truyền hình Hàn Quốc, thanh niên thường nhậu say xỉn mỗi khi thất tình), Bang hiện ra là một người giản dị, thân thiện và cởi mở.

Anh bảo, văn học Việt Nam xuất hiện ở nước anh chưa nhiều, nhưng làm được một việc quan trọng: người dân Hàn Quốc hiểu về đất nước Việt Nam, nhận ra những mối tương đồng về lịch sử, văn hóa, vượt qua những mặc cảm quá khứ, thấy trách nhiệm của mình với tương lai. Đó là sức mạnh của văn học.

Làm phụ nữ viết văn ở Hàn Quốc không dễ!

Văn xứ Hàn, người xứ Hàn... ảnh 3
Oh Jung Hee

"Các bạn đã đi xem tuyết chưa?" - Sau khi nghiêng người chào một cách lịch sự và duyên dáng theo phong cách đặc trưng của phụ nữ Hàn Quốc, bà bất ngờ hỏi chúng tôi.

Bà mặc chiếc áo khoác dạ màu sáng, trên ngực cài một bông hoa. Tóc cắt ngắn, tay cầm chiếc xắc nhỏ, dáng đi nhanh nhẹn, dứt khoát, trông bà chẳng khác gì một phụ nữ hiện đại.

"Tôi hỏi vì biết nhiều người Việt Nam thích ngắm tuyết" - Bà mỉm cười giải thích. Chúng tôi trả lời, chỉ có một số ít nơi thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam, vào một số ít ngày trong năm may ra mới có tuyết rơi. Với nhiều người chúng tôi thì tuyết là cả một kỳ quan. Chúng tôi sẵn sàng vượt hàng trăm cây số đến Sapa, Mẫu Sơn chỉ để ngắm tuyết trong giây lát.

"Ồ, vậy thì các bạn gặp may, vì được đón tuyết đầu mùa ở đây. Thời gian này hàng năm, Seoul chưa có tuyết đâu".

Tối hôm qua, chúng tôi đã tranh thủ đọc tập truyện "Ván bài lúc hoàng hôn" của bà qua bản dịch tiếng Việt để chuẩn bị cho buổi gặp gỡ này. Bà là Oh Jung Hee, 60 tuổi, được coi là một trong những nhà văn nữ quan trọng nhất của Hàn Quốc hiện nay.

"Với sự tách biệt lạnh lùng, phong cách sâu sắc và giọng văn trữ tình, bà đã lột tả sự hỗn loạn, nỗi lo sợ thường xuyên trong tâm hồn của người phụ nữ ẩn dưới vẻ bề ngoài trầm lặng". Bà đã giành được nhiều giải thưởng uy tín ở trong nước và quốc tế.

Chúng tôi hỏi: "Ở Hàn Quốc, phụ nữ viết văn có gì khác với một phụ nữ bình thường?". Oh Jung Hee cho biết: Trước đây, nam giới mang nặng đầu óc phong kiến. Có thể nói họ không muốn và không chấp nhận tài năng của người phụ nữ. Như mọi phụ nữ truyền thống, sau khi lấy chồng, tôi ở nhà làm công việc nội trợ, nuôi con. Gánh nặng gia đình là hạn chế lớn nhất với thế hệ chúng tôi.

"Vậy bà đã làm thế nào để chồng bà đồng ý cho bà theo đuổi nghiệp văn?". Oh Jung Hee mỉm cười, đưa ra một câu hỏi thông minh: "Trước khi trả lời, tôi muốn hỏi lại các bạn: Bạn sẽ cư xử thế nào, nếu vợ bạn viết văn?". Chúng tôi nói vui, nếu có vợ là một nhà văn nổi tiếng (như bà) thì chẳng dại gì đặt ra câu hỏi như vậy.

Oh Jung Hee nói: "Điều quan trọng nhất với người nghệ sĩ hoặc nhà văn là họ cần một không gian cô đơn để sáng tạo. Nó mâu thuẫn với cuộc sống chung trong một gia đình truyền thống của chúng tôi.

Ở Hàn Quốc, tỉ lệ li hôn giữa các cặp vợ chồng văn nghệ sĩ khá cao. Tôi may mắn vì bắt đầu sáng tác từ năm 21 tuổi, khi còn là sinh viên và chưa lập gia đình. Lúc gặp ông nhà tôi thì ông ấy đã biết tôi viết văn rồi và chấp nhận.

Tôi thường nói vui là, những người vợ viết văn ngày nay đang mạnh hơn chồng. Bởi vì người đàn ông Hàn Quốc có vị trí rất cao trong nhà. Được chồng tôn trọng và cư xử bình đẳng, có nghĩa là chúng tôi đã mạnh hơn họ".

"Ở Hàn Quốc đang xuất hiện một thế hệ nhà văn nữ tài năng ở tuổi dưới 35 như Chơn Koo Young, Kim Ane Lan, Yoon Sung Hee, Kang Young Sook... Họ không còn bị ràng buộc nhiều bởi những nghĩa vụ sau hôn nhân như chúng tôi. Thậm chí có thể hoãn kết hôn để theo đuổi sự nghiệp".

Chúng tôi hỏi: "Một số tác giả nữ thuộc thế hệ 8x của chúng tôi viết về sex rất bạo. Ở Hàn Quốc thì thế nào?".

"Cũng có nhiều tác phẩm viết về đề tài đồng tính. Nó không bị phản đối hoặc ngăn cấm, trừ phi mang mục đích thương mại, câu khách".

Chúng tôi hỏi tiếp: "Có hay không cái gọi là "âm thịnh dương suy" từng xảy ra trong văn học Việt Nam mươi năm gần đây?". 

Oh Jung Hee tỏ thái độ cân nhắc: Quả thực văn học của chúng tôi đang dần dần nữ hóa. Tác giả nữ xuất hiện nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng, nữ hay nam không thật quan trọng. Nghệ thuật cần phải sòng phẳng. Hãy để tác phẩm cạnh tranh với tác phẩm.

Tôi đã sống qua thời kỳ chiến tranh Nam - Bắc (Triều Tiên), đã được tận mắt chứng kiến những gì ác liệt nhất. Nhà văn chỉ nên viết về lĩnh vực mình biết rõ. Trong xã hội Hàn Quốc, phụ nữ ít lợi thế so với nam giới. Nhưng tôi muốn chứng minh rằng, chúng tôi cũng có thể làm được những điều kỳ diệu không thua kém gì họ.

Khám phá bản chất của người phụ nữ là đề tài chủ đạo mà tôi sẽ còn tiếp tục theo đuổi. Từ giờ cho đến lúc cuối đời, tôi chỉ muốn làm người sáng tác...

Khi chia tay, bà mỉm cười nhắc chúng tôi thêm một lần nữa: "Nhớ đi xem nhé! Tuyết đầu mùa rất đẹp".

Từng đi tù 2 năm, trở thành nhà văn nổi tiếng

Văn xứ Hàn, người xứ Hàn... ảnh 4
Kim Young Huyn

Một ngày trước khi lên đường về nước, chúng tôi mới gặp được tác giả truyện ngắn "Sông sâu chảy xa", đã được dịch ra tiếng Việt năm 2007. Thoạt nhìn chỉ thấy ông thân mật, dễ gần. Không ai nghĩ ông đang là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Hàn Quốc hiện nay.

Ông mặc áo len cổ lọ bên trong áo complê, đầu đội mũ dạ, trông giống một trí thức Hà Nội thời bao cấp. Điểm đặc biệt của ông nằm ở đôi bàn tay, to, xù xì, những đầu ngón tay gồ lên một cách khác thường. Sợ chạm đến bí mật cá nhân nào đó, chúng tôi chỉ kín đáo quan sát mà không dám hỏi.

"Sông sâu chảy xa" là tác phẩm đầu tay của Kim Young Huyn, viết từ năm 1984. Đó là một truyện ngắn lạ lùng, buồn và tăm tối, khắc họa bi kịch của xã hội Hàn Quốc vẫn còn đọng lại nỗi đau chiến tranh và chia cắt đất nước một cách ngắn gọn và sâu sắc, "thấm đẫm những đau khổ mang tính thời đại mà đất nước Hàn Quốc phải trải qua".

Bản thân Kim Young Hyun cũng có những trải nghiệm xương máu trong thời kỳ chính quyền độc tài những năm của thập kỷ 70 - 80. Ông đã từng bị đi tù 2 năm vì liên quan đến phong trào đấu tranh của sinh viên (1977), sau khi ra tù lập tức phải đăng lính.

Những năm tiếp theo, kinh tế Hàn Quốc phát triển với tốc độ chóng mặt. Đời sống được nâng cao thì cũng là lúc người ta đặt ra những câu hỏi nghiêm túc như: thành công là gì? thế nào là hạnh phúc.

Văn học của ông chứng ngôn cho những con người đang phải chịu đau khổ trong hiện thực lịch sử và là lời an ủi gửi tới những người từ chối thỏa hiệp với hiện thực. Bởi ông tin, những gì ông viết ra xuất phát từ trong lòng hiện thực, hay được thực tiễn hóa từ hiện thực.

Chỉ văn học như vậy mới có thể an ủi được những linh hồn đau khổ một cách chân chính nhất. Những tác phẩm như tập truyện “Sông sâu chảy xa”, “Đường tới Hải Nam”, tiểu thuyết “Mối tình trẻ”, “Bão tuyết” đã ghi danh Kim Young Huyn vào số những nhà văn hàng đầu của Hàn Quốc.

Thuộc thế hệ trưởng thành sau chiến tranh Nam - Bắc Triều, ông tự xếp mình vào dòng văn học phản kháng, đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa xã hội ở Hàn Quốc, phản đối chế độ độc tài.

"Nhưng thanh niên bây giờ không quan tâm đến đề tài này nữa. Họ chỉ thích những tác phẩm văn học giải trí, nhẹ nhàng, đọc một lần rồi bỏ đi. Các nhà văn trẻ vì thế cũng chỉ tập trung đổi mới hình thức, nên giá trị tác phẩm của họ chỉ dừng lại ở đấy.

Một nhà phê bình Nhật Bản nói rằng: "Văn học cận đại Nhật đã xong. Văn học tinh thần cũng đã xong. Bây giờ là thời của văn học thương mại và giải trí". Ông im lặng một lúc rồi mới nói tiếp, ít nhiều cay đắng: "Ở Hàn Quốc cũng như vậy. Vào tuổi ngoài 50, tôi đã là một nhà văn... già rồi".

Với chuyên môn chính là triết học, ông vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến tính tư tưởng của tác phẩm. Ông tin rằng những tác phẩm này dù kén độc giả, thì nó vẫn mang trong mình những giá trị trường tồn.

Kim Young Huyn bộc bạch: Ông thích tìm hiểu lịch sử Việt Nam để so sánh những nét tương đồng giữa hai dân tộc. Ông nhờ chúng tôi giới thiệu các tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam cho NXB Thực tiễn, nơi ông làm giám đốc. NXB này đang cho ra đời một seri sách danh nhân thế giới, trong đó Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước khi chia tay, ông cứ áy náy mãi vì đã không mời được chúng tôi cùng ăn một bữa cơm, bởi vì chương trình buổi chiều đã kín. Nhưng chúng tôi đã làm ông bật cười khi bập bẹ những câu tiếng Hàn mới học được: Kamsahapniđa! An young hi kye se yo! (Xin cảm ơn! Hẹn gặp lại!). Bàn tay gồ ghề của ông siết chặt và truyền hơi ấm sang chúng tôi.

Bên ngoài, tuyết đã ngừng rơi.

11/2007

GS Ko Myeong Chel - Nhà phê bình văn học, chủ tịch Hiệp hội những nhà văn trẻ Hàn Quốc muốn tìm hiểu về Việt Nam: Hiệp hội chúng tôi thành lập đã được 13 năm. Không phân biệt tuổi tác, kể cả những người không viết văn nhưng quan tâm đến Việt Nam đều có thể trở thành hội viên.

Về chiến tranh ở Việt Nam, Chính phủ Hàn Quốc đã xin lỗi nhân dân Việt Nam rồi. Nhưng các nhà văn Hàn Quốc muốn xin lỗi người dân Việt Nam thông qua văn học.

Chúng tôi đã tham gia đưa văn học Việt Nam đến Hàn Quốc và ngược lại. Chính văn học đã góp phần không nhỏ làm thay đổi nhận thức của nhiều người Hàn Quốc về đất nước Việt Nam. Năm sau chúng tôi dự định sẽ tổ chức một cuộc giao lưu lớn cho thanh niên Hàn Quốc với các nhà văn trẻ của các bạn.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.