Vắng khách vì đâu

Lều thơ đầu tư sơ sài. Ảnh: T.N.A
Lều thơ đầu tư sơ sài. Ảnh: T.N.A
TP - Một câu hỏi tưởng thừa: Ngày thơ để tôn vinh nhà thơ, người yêu thơ hay để báo công? Sinh hoạt chính trị xã hội?

> Lảnh lót tiếng thơ trong Văn Miếu

Lều thơ đầu tư sơ sài. Ảnh: T.N.A
Lều thơ đầu tư sơ sài. Ảnh: T.N.A .
 

Địa điểm không hợp

Một câu hỏi tưởng thừa: Ngày thơ để tôn vinh nhà thơ, người yêu thơ hay để báo công? Sinh hoạt chính trị xã hội? Sự lúng túng trong tổ chức thể hiện ở việc 10 năm làm ngày thơ phải trải qua 5 địa điểm: Cung văn hóa Lao động, Bảo tàng Lịch sử (Thảo cầm viên), công viên Bách Tùng Diệp, Nhà hát thành phố và ngày thơ năm nay, cũng như năm ngoái, diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM.

Chị Cúc Vàng 57 tuổi, Phó chủ nhiệm CLB Thơ của Cung văn hóa Lao Động cho biết anh chị em muốn tổ chức nơi khác cho mát mẻ, nhưng BTC buộc làm ở bảo tàng. “4 giờ sáng chúng tôi đã phải dậy để đi trang trí, chở đồ đến bảo tàng. Làm đến sáng, vừa xong. 22 giờ phải tháo đi hết”- chị nói. Các hội viên của CLB thơ lớn nhất TPHCM này phần lớn đều là người về hưu cả. Họ phải căng sức ra để theo kịp yêu cầu tổ chức.

Từ sáng đến trưa, sân thơ tổ chức trên sân bê tông không bóng cây nên nóng ran, rất vắng người dự. Bảo tàng không được thiết kế để cho các sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt cho ngày thơ.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn có thơ bày bán tại lều thơ trẻ, tỏ ra nóng ruột khi chưa bán được cuốn nào. Anh nói: “Những năm trước tổ chức ở công viên trung tâm, mát mẻ và nhiều người qua lại hơn. Nắng quá, người ta vào dạo một vòng rồi bỏ về hết cả”.

Đến trưa, nhà thơ Tú Lệ đại diện Hội Nhà văn thành phố tập trung các lều thơ phổ biến: “Hội Nhà văn đang xin phép căng dù, chưa biết có được đồng ý hay không. Thời điểm chơi thơ dời từ 15h xuống 16h, do nắng quá. Căng dù hay không thì nắng vẫn hắt lên rất nóng, tránh để anh em ngồi trong lều quán không ra ngoài sân nghe đọc thơ” (!).

Buổi chiều, một chiếc dù được căng lên, nhưng trời nắng gắt nên người dự vẫn ít. Nhìn cái nắng gay gắt, nghệ sĩ ca Huế Ngọc Lan, tham dự phần đọc thơ nói: “Nắng như vầy, ngâm thơ sao đây!”.

Từ nhà thơ đến lều thơ

Ngày thơ của TPHCM năm nay có 11 CLB thơ quận huyện, 2 đơn vị thơ của NVH Thanh niên và Cung Văn hóa Lao động + CLB thơ ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn. Bên cạnh đó còn có các trang web thơ vanthoviet.com, lucbat.com và gian thơ thư pháp của Chùa Lá.

Các lều thơ được dựng theo nghĩa đen, lợp từ tranh tre, lợp ni lông. Tại lều thơ của trang vanthoviet.com có tên “quán thơ Chim Trắng”, chị Trần Mai Hường, Phó chủ nhiệm trang web cho biết: “Nhà thơ Chim Trắng nguyên là chủ tịch hội đồng thơ thành phố. Bác ấy mất mấy tháng mà chưa thấy thành phố có chương trình tưởng niệm gì. Chúng tôi quyết định làm quán này để tưởng nhớ bác ấy”.

CLB thơ Cung văn hóa Lao Động dựng bằng khung sắt, theo kiểu trại hè thiếu nhi, do diện tích hạn hẹp nên không trưng bày được nhiều nội dung. Các thành viên cho biết: “Kinh phí làm gian thơ hơn 3 triệu đồng, được cấp 1 triệu”. CLB thơ ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng được cấp 1 triệu đồng làm lều thơ. Bạn Uyên Phương cho biết họ quyết định làm mô hình quán nước. Trong đó để một ấm trà, một gánh sen. “Tiền thuê trang phục cho một người mặc áo tứ thân 120.000 đồng. Mua hoa sen mất 300 ngàn đồng”.

Văn chương trẻ của thành phố cũng được tổ chức trong một cái lều lợp tranh bề ngang hơn 2m. Trong đó, bày cái bàn với chai rượu và vài chiếc ly. Sách bày ngổn ngang dưới đất. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói: “Ngày thơ tổ chức thiếu ý tưởng. Lễ hội phải có người xem, còn nếu chỉ anh em làm thơ với nhau thì không cần đến những lễ hội kiểu như thế này mà là một không gian khác”. Nhà thơ Vũ Trọng Quang nói: “Tổ chức quá luộm thuộm. Làm như trẻ con vậy”.

TPHCM có lượng người làm thơ rất lớn, các CLB và hội viên rất đông. Ngày thơ hàng năm được trông đợi. Tuy nhiên, việc thay đổi địa điểm nhiều lần cộng với tổ chức khá nhếch nhác, không có gì mới mẻ đã làm cho lượng người đến dự ngày thơ năm nay tiếp tục giảm sút.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG