Vắng mặt, Bob Dylan vẫn gây ấn tượng

Ca sỹ Patti Smith trình diễn ca khúc nổi tiếng của Bob Dylan trong khi ông vắng mặt ở lễ trao giải Nobel 2016.
Ca sỹ Patti Smith trình diễn ca khúc nổi tiếng của Bob Dylan trong khi ông vắng mặt ở lễ trao giải Nobel 2016.
TP - Ca sỹ, nhạc sỹ Bob Dylan không tới dự lễ trao giải Nobel 2016 do Viện Hàn lâm Thụy Điển tổ chức hôm 10/12, dẫu vậy Nobel văn chương 2016 này vẫn để lại ấn tượng riêng biệt.

Bob Dylan không phải trường hợp Nobel văn chương đầu tiên không đến Stockholm nhận giải thưởng từ tay nhà vua Thụy Điển, tuy nhiên ông là người duy nhất được biện minh cho sự vắng mặt này. Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, ông nói vu vơ rằng nếu sắp xếp được sẽ đến lễ trao giải, ông vẫn tỏ ra cảm kích trước giải thưởng. Sự lửng lơ này khiến ông vẹn đôi đường, vẫn giữ phong cách lạnh vốn có, lại không quá mất lòng Viện Hàn lâm vinh danh ông.

Sự vắng mặt của Bob Dylan dù khiến lễ trao giải không trọn vẹn, nhưng mọi người vẫn có cảm giác ông ở đó. Điều này nhờ ca sỹ, nhạc sỹ người Mỹ Patti Smith trình diễn ca khúc A hard rain’s a gonna fall do Bob Dylan sáng tác năm 1962. Ca sỹ phải ngừng lại xin lỗi khán thính giả vì quá xúc động, người nghe sau đó cũng dành hàng tràng vỗ tay dài, nước mắt đẫm trên gương mặt nhiều người có mặt tại khán phòng. Chủ nhân Nobel văn học 2016 dẫu vậy cũng gửi lời cảm ơn tới Viện Hàn lâm, lá thư được Đại sứ Mỹ tại Thụy Điển đọc tại bữa tiệc chiêu đãi sau đó. Trong thông điệp gửi tới Viện Hàn lâm, ông diễn tả sự ngạc nhiên bởi được ghi danh vào danh sách bên cạnh các tên tuổi như Thomas Mann, Albert Camus, Ernest Hemingway, chẳng khác nào “bước đi trên mặt trăng”. “Chính những ca khúc của tôi là trung tâm và quan trọng hơn tất cả những gì tôi làm”, Bob Dylan viết.

Viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển Horace Engdahl cũng cho rằng đây là sự lựa chọn táo bạo, và mạnh miệng: “Nếu ai đó gầm gừ, hãy nhắc họ rằng các vị thần không viết mà họ ca hát và nhảy múa”. Viện sỹ Per Wastberg cũng nhấn mạnh “di chúc của Alfred Nobel cũng không phân rõ các thể loại”, cũng chẳng loại trừ một tác giả sách thiếu nhi có thể nhận giải nếu tác phẩm ấy có chất lượng và gây dấu ấn ở thời đại ấy. Một vị khác nhắc lại diễn văn của Winston Churchill năm 1953 được hoan nghênh: “Chúng ta có thể giới hạn giải Nobel khi nghĩ rằng chỉ dành cho thơ và văn xuôi, trong khi Viện Hàn lâm lại luôn đưa ra quan niệm rộng hơn nhiều”. Bob Dylan cuối cùng vẫn giành trọn số tiền thưởng 850 nghìn euro, cùng sự ghi danh muôn thuở.

MỚI - NÓNG