'Vào chợ' anh Lực

'Vào chợ' anh Lực
TP - Những gì đang diễn ra tại một “chợ nghệ thuật” họp ở Hà Nội (tại Việt Art 42 Yết Kiêu từ 1 đến 5/11) thì chợ búa và nghệ thuật đang tương tác rất ổn. Họa sĩ và khán giả cùng làm nghệ thuật như... đi chợ.
'Vào chợ' anh Lực ảnh 1
Toàn cảnh "chợ"

Họa sĩ Ngô Văn Lực cất công từ TP.HCM ra để tổ chức hội chợ, chính xác là dự án nghệ thuật Vào chợ. Có cả thảy 18 “doanh nhân” hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác tham dự.

Kinh doanh vốn tự có là chính, vẫn là tranh nhưng treo trên mắc áo hoặc cắt nhỏ ra để bán lẻ, bán hạ giá... Có một số họa sĩ đơn giản làm sắp đặt rồi bày vào gian hàng của mình - không thấy đề giá cả.

Gian hàng trung tâm trang hoàng theo ý tưởng một tác phẩm của Ngô Văn Lực đã tham gia Festival Mỹ thuật Đương đại toàn quốc tại Hà Nội vừa qua. Hàng loạt bản sao của các bức tranh nổi tiếng thế giới được treo lên cho người xem “xử” - bút đấy màu đấy, thỏa sức bôi lên.

Mới đầu có vẻ như người xem đang tham gia vào sáng tạo nghệ thuật. Nhưng càng về sau, việc làm này càng mang sắc thái phủ định những giá trị Tây phương từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh cho các hoạ sĩ và cả công chúng phương Đông... Nhiều bức qua một đêm chỉ còn là một mảng màu xám ngoét. “Nếu ai xin chúng đem về nhà treo thì tôi rất vui mừng cho ngay”, họa sĩ Ngô Văn Lực cho hay.

Tất nhiên, không ai đi gọi các “thành quả” đó là tác phẩm nghệ thuật! Nghệ thuật chính là những hành vi, cảm xúc, bức xúc... của người xem từ khi bước vào trong chợ này.

Người xem càng hăng hái bôi trát thì những người tổ chức hội chợ có vẻ càng thành công. Tất cả quá trình mang tính performance này sẽ được lưu ký bằng video.

Chợ nghệ thuật của Ngô Văn Lực chính là chỗ để ai cũng có thể vào “làm nghệ thuật” mà không phải chịu một sức ép gì. Nghệ thuật là để cho vui. Là để giao lưu.

“Nghệ thuật khi đã khó hiểu coi như không còn giao tiếp được với công chúng. Tinh thần của dự án này nhằm phục hồi bản chất giao tiếp (communication) của nghệ thuật”, họa sĩ Như Huy - đang tổ chức dự án ART Marathon 2007 ở TP.HCM cũng chạy ra thăm chợ - nói.

“Bấy lâu nay, các hoạ sĩ của ta và trong vùng Đông Nam Á nói chung bị áp đặt bởi cách nhìn phương Tây, tìm cách để được phương Tây chấp nhận, dần dần đánh mất niềm vui trong nghệ thuật” - Như Huy nhìn nhận. "Làm nghệ thuật chỉ quan tâm đến cách tân và cách tân thì câu chuyện sẽ rất chán”.

Buổi sáng đầu tiên của hội chợ, Hoàng Văn Luận đến rõ sớm, ngồi cần mẫn chép tranh của chính mình. Một bức tranh hoa sen rất tầm thường (mô phỏng loại tranh mỹ nghệ phổ biến ở các vùng nông thôn) nhưng dù sao cũng chính do Luận sáng tác và chả ai cấm anh chép đi chép lại nó cả đời.

Việc chép tranh của chính mình “là một thực tế mà tôi đã làm và nhiều họa sĩ cũng đã và đang làm” - Luận đặt vấn đề. “Điều đó tốt hay xấu? Bạn nghĩ sao? Những tranh chép lại sau đó có còn là tác phẩm?” .“Này, nhưng mà chép lại vì yêu thích việc làm đó khác với chép lại để bán đấy”, Lực tham gia.

Còn người xem nghĩ sao không biết - nhưng ngay trong buổi khai mạc, Luận đã bán được 3 bản với giá đồng loạt 10USD/bản.

Ở một gian hàng khác là hàng loạt các tranh chép danh họa nước ngoài, cùng kích cỡ, giá đổ đồng 300 nghìn/bức. Không khác các cửa hàng tranh chép nhan nhản trên phố cổ gần đó là mấy. Lại có người kinh doanh âm nhạc và gọi nó là “chiều không gian thứ 4” để dễ bề trà trộn vào hội chợ của thị giác. Khách vào ngồi trong gian này sẽ được nghe Giao hưởng số 5 của Beethoven chán thì thôi.

Gian hàng sạch sẽ và giàu tiềm năng nhất là của Vũ Đức Toàn. Trong đó có duy nhất một loạt tờ rơi, trên đó họa sĩ viết: “Trong khu chợ nghệ thuật, hiện còn duy nhất quầy hàng của tôi không có ý tưởng kinh doanh và chưa xúc tiến bất kỳ hoạt động kinh doanh nào... Liên hệ ngay với tôi để có được quyền sở hữu gian hàng này...”. Phía dưới là số điện thoại.

“10 năm nay, nghệ thuật đương đại VN dậm chân tại chỗ. Hình thức thay đổi xoành xoạch nội dung và tư thế phát ngôn thì không”, Như Huy nói.

Cái được của dự án Vào chợ, theo Như Huy, là người nghệ sĩ đã tìm được tư thế phát ngôn để kể câu chuyện của mình cho công chúng của mình, chứ không phải để khoe với phương Tây rằng ta cũng đương đại hậu hiện đại như ai.

“Tất cả những gì tôi đang làm là đương đại” - Ngô Văn Lực nói. Anh còn đi xa hơn, cho rằng cuộc sống của mình là nghệ thuật, dù mình làm gì hay không làm gì cũng là nghệ thuật. Vậy khán giả bước qua cổng chợ của Lực cũng nên xác định rằng mình đang thực hành một nghệ thuật. 

N.M.Hà

MỚI - NÓNG