Vật thể lạ thành vật thường dùng

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn
TP - Chữ không bất biến, mà được nuôi dưỡng và phát triển thường xuyên. Chữ lại có một đặc điểm: Cái sai nếu được sử dụng nhiều, sử dụng mãi thì được chấp nhận. Sai không hóa thành đúng, nhưng sai được đám đông chấp nhận. Rất nhiều từ sai đã được từ điển chấp nhận, chẳng biết là từ điển thực lòng hay miễn cưỡng, nhưng đã phải chấp nhận. Chữ hương hồn đã có lần nêu là một ví dụ.

Chữ điệu nghệ là một ví dụ khác. Nó vốn là chữ diệu nghệ. 


Một nghề một việc được thực hiện một cách tuyệt diệu, kỳ diệu. Tuyệt diệu về nghề. Diệu nghệ. Nhưng rồi cả đám đông cứ đồng thanh hô lên là điệu nghệ. Rốt cuộc, từ điển đã phải chấp nhận theo đám đông. 

Tôi thường từ chối sử dụng những ngôn từ mang tính thời trang thời thượng. Cái gì được đám đông truyền tụng tấm tắc đều tiềm ẩn trong nó sự a dua đáng ngờ. Số đông không thường xuyên nắm giữ chân lý. Tôi tránh dùng những từ như điệu nghệ. Một khi văn cảnh đẩy đến chỗ phải lựa chọn, thì dùng chữ thiện nghệ. Thiện theo cái nghĩa trong chữ thiện chiến, thiện xạ. 

Nhà văn cũng nên tránh những ngôn từ bị đại chúng hóa, dùng ra rả trên phương tiện thông tin đại chúng, dùng đến mòn rách như xơ mướp, như thẻ bị quẹt mòn mã vạch. Vĩ mô, vi mô. Kích cầu. Một thời lan tràn thành mốt, rồi cũng xẹp xuống, bóng bay xì hơi. Từ khoảng năm 2010 trở đi, tôi từ chối dùng những từ như đồng hành cùng, cặp đôi. Đồng hành là đi cùng. Đồng hành cùng có nghĩa là đi cùng cùng. Thừa một chữ cùng. Thế mà cứ theo nhau nói nói nói. Theo nhau viết viết viết. Đã cặp lại còn đôi. Cặp là hai, đôi cũng là hai. Một cặp đôi chắc phải hiểu thành bốn. Trở thành luôn thành ngữ trên cửa miệng bình dân: Cặp đôi hoàn hảo. Rồi chữ cặp đôi này sau cũng có lúc được đưa vào từ điển tiếng Việt, không biết chừng.

Hiểu không cần lý

Nói thành quen, viết thành quen, cái quen dần nghe xuôi tai, nhìn thuận mắt. Thực ra rất nhiều cái quen ấy chứa đầy mâu thuẫn.

Khi nói “trên khắp toàn cầu” là hàm ý trên toàn bộ tinh cầu này, vậy “trên toàn cầu” là đã đủ, hoặc “trên khắp hành tinh” là đã ổn. Đã khắp lại còn toàn, chẳng biết là quy mô còn bao phủ đến tận đâu. 

Rồi cũng lại nói: Từ khắp mọi miền đất nước. Đã khắp lại còn mọi. Từ mọi miền đất nước. Từ khắp miền đất nước. Chắc thế đã đủ ý và gọn.

Cũng vậy: Tất cả mọi người có mặt đều vui. Đã tất cả lại còn mọi. Tất cả những người có mặt đều vui. Mọi người có mặt đều vui. Đủ chưa nhỉ?

Cái biển cảnh báo đặt trước chợ ghi rõ ràng: Cấm không được mang xe vào chợ. Cấm mang xe vào chợ. Đã đủ. Không được mang xe vào chợ. Đã đủ. Nhưng ghép hai từ hàm nghĩa nhấn mạnh hơn. Cấm không được đã thành câu đầu lưỡi, đã thành cụm từ không muốn tách rời. Bẻ chữ bẻ nghĩa thì người ta cấm cái chuyện không được mang xe vào, tức là được mang xe vào chợ. Nhưng người Việt vẫn rất hiểu nghĩa của cái cụm từ cấm không được. 

Chẻ chữ chẻ nghĩa ra thì câu này cũng mang nghĩa ngược: Đó là một hành động mà anh đã tránh không thực hiện. 

Có ngoại ngữ, một ngôn ngữ phương Tây chẳng hạn, người ta có điều kiện đối chiếu ngữ pháp. Mới học tiếng Anh, người ta có thể thấy ngay sự bất hợp lý của mẫu câu tiếng Việt: Mặc dù trời mưa nhưng nó vẫn đi học. Đã mặc dù, lại còn nhưng. Tiếng Anh đã Although, đã Though, thì thôi But. Mặc dù trời mưa, nó vẫn đi học. Nghe vẫn xuôi. 

Nhưng những nhà ngôn ngữ học như Cao Xuân Hạo thì bảo thế mới là tiếng Việt. Đừng có lấy một ngôn ngữ khác mà làm chuẩn. Đừng có dĩ Âu vi trung, đừng có lấy châu Âu làm trung tâm. Lấy quy định chủ ngữ vị ngữ mà soi vào tiếng Việt thì không giải thích nổi và làm hỏng tiếng Việt. Tiếng Việt vẫn cứ “mặc dù… nhưng” đấy. Tiếng Việt vẫn cứ “cấm không được” đấy. Hãy cố hiểu nó chứ đừng cố bắt bẻ hoạnh họe nó.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.