Về “cuộc chiến” ở HVN Nam Định: Nói lại với Đặng Hồng Nam

Về “cuộc chiến” ở HVN Nam Định: Nói lại với Đặng Hồng Nam
TPCN - Báo Tiền phong Chủ nhật số 28, ra ngày 9/7/2006, ở trang 8 tiếp sang trang 15 đăng bài “Cuộc chiến ở Hội Văn nghệ Nam Định trong mắt một hội viên”. Tác giả bài viết là Đặng Hồng Nam.

Với tư cách một hội viên lâu năm, một trong những cán bộ đương nhiệm của Hội Văn nghệ Nam Định, bằng giọng văn hơi khinh bạc thường có, Đặng Hồng Nam đã viết tương đối khách quan, từ nguyên nhân sâu xa là sự yếu kém, trì độn trong công tác tổ chức cán bộ ở tỉnh Nam Định mà dẫn đến những mâu thuẫn căng thẳng, diễn ra những “cuộc chiến” kéo dài triền miên từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ kia ở Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh, Nam Hà, rồi Nam Định.

Đương nhiên, đứng đầu các chiến tuyến, phe phái không ai khác, chính là những người lãnh đạo chủ chốt của Hội.

Lần lượt các “cặp” lãnh đạo qua các thời kỳ đã được tác giả lôi ra bình luận, dẫn chứng: Nhà văn Chu Văn chủ tịch; cựu đại tá Lê Văn Chương, phó chủ tịch; đạo diễn Lê Huệ chủ tịch; nhà văn Lê Hoài Nam phó chủ tịch (thời Hà Nam Ninh, Nam Hà) đạo diễn Trịnh Quang Khanh chủ tịch; nhà văn Lê Hoài Nam phó chủ tịch (thời Nam Định) và một số người đương nhiệm hiện nay.

Đặng Hồng Nam viết về những người khác, tôi xin không bình luận vì đa số họ vẫn còn đang sống ở Nam Định; đúng sai gì họ sẽ trao đổi với tác giả vì chính họ sẽ biết về họ rõ hơn ai hết.

Riêng những điều Đặng Hồng Nam viết về tôi, về cơ bản tôi đồng tình với anh. Tuy nhiên, có vài ba điều, dù không lớn, nhưng để tránh hiểu nhầm, tôi xin trao đổi, làm rõ thêm cùng tác giả.

1/Đặng Hồng Nam viết: “Nam cãi cọ và xỉ vả nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền, vác ghế định đánh nhà thơ Vũ Quốc Ái, những người cả tuổi đời và tuổi nghề hơn Nam đến hai, ba chục năm…”.

Quả thật là lần đầu tiên tôi nghe thấy chuyện này. Thủa mới về Hội, tôi với anh Vũ Quốc Ái có thời gian ngắn cùng làm xuất bản, đôi khi có sự không thống nhất cao trong công việc biên tập, nhưng không hề có chuyện “võ biền” như Đặng Hồng Nam viết.

Còn anh Nguyễn Văn Huyền với tôi thì lại rất quý nhau. Bởi thế mà khi về hưu, anh Huyền đã chỉ đạo chi bộ bầu tôi làm bí thư thay anh. Tôi và anh Huyền không hề có chuyện “cãi cọ xỉ vả” như Đặng Hồng Nam viết.

Anh Vũ Quốc Ái hơn tôi 14 tuổi; anh Nguyễn Văn Huyền hơn tôi 25 tuổi, nhưng nghề viết văn của các anh không thể nói hơn tôi tới ngần ấy năm! Đặng Hồng Nam biết quá rõ.

2/Đặng Hồng Nam viết: “Cuối cùng thì Trịnh Quang Khanh phải liên kết với Lê Hoài Nam, tìm cách xóa án kỷ luật của Lê Hoài Nam...”.

Việc tôi bị kỷ luật rồi đến kỳ được mãn hạn là theo quy định của Điều lệ Đảng và Luật viên chức của Nhà nước, chứ ông Trịnh Quang Khanh chưa bao giờ và không bao giờ tốt với tôi đến thế.

Tôi làm lãnh đạo Hội Văn nghệ trước ông Trịnh Quang Khanh tới 10 năm. Tôi làm phó chủ tịch Hội từ năm 1989; ông Trịnh Quang Khanh năm 1999 mới từ Sở Văn hóa – Thông tin sang làm chủ tịch.

Khi Trịnh Quang Khanh sang làm chủ tịch gặp không ít khó khăn vì phe Trần Đắc Trung “đánh” rất dữ, như Đặng Hồng Nam đã viết trong bài.

Khi đó Trịnh Quang Khanh chưa đủ uy tín đến độ có thể ban phát cho người này, người khác ở Hội. Vả lại tôi cũng không phải là tuýp người để ai đó xoa đầu hay ban ơn!

3/Đặng Hồng Nam viết: “Thực ra Lê Hoài Nam cũng có một chút tài năng. Anh chịu khó viết, có mấy truyện ngắn được in trên báo Văn nghệ, một số bài báo, mấy cuốn tiểu thuyết, được kết nạp vào Hội Nhà văn từ khá sớm…”.

Đặng Hồng Nam viết tôi có mấy cuốn tiểu thuyết thì đúng, chứ anh bảo tôi chỉ có mấy truyện ngắn in báo Văn nghệ là sai.

Nếu Đặng Hồng Nam chịu khó dở lại báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1980-1995 và Tạp chí Văn nghệ quân đội từ năm 1980-1985 khắc sẽ thấy vài chục truyện ngắn  của Lê Hoài Nam đăng trang trọng; ấy là chưa kể hàng loạt truyện ngắn khác in ở Tạp chí Tác phẩm mới, báo Người Hà Nội, báo Tiền phong, Tạp chí Cửa biển

Tính đến nay, Lê Hoài Nam đã in khoảng 50 truyện ngắn. Còn bút ký, tùy bút, tiểu luận phê bình Lê Hoài Nam đã in khoảng 60 tác phẩm. Kịch bản phim truyện Lê Hoài Nam có 5 tác phẩm; trong đó 2 tác phẩm Lê Hoài Nam cùng với một số nhà văn chuyển thể từ truyện ngắn của mình; còn 3 tác phẩm Lê Hoài Nam tự viết, được các hãng phim dựng và đã phát trên Truyền hình Việt Nam, được in thành tập và tập này được ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao thưởng cao nhất của thể loại năm 2002.

Đặng Hồng Nam bình rằng tôi “có một chút tài năng” hay thậm chí anh bình tôi bất tài cũng không sao, đó là quyền ở người viết. Nhưng đã nói đến số liệu dẫn chứng thì lại phải chuẩn xác, đó chính là đạo đức của người cầm bút.

4/ Đặng Hồng Nam viết: “Đại hội văn nghệ đã được ấn định. Trong cuộc họp của bộ môn Văn xuôi đề cử người tham gia ban chấp hành khóa mới, Lê Hoài Nam không thấy có tên mình trong danh sách, anh ta liền nổi đóa lên…”.

Tôi phải nói ngay rằng cái đoạn này Đặng Hồng Nam đã “sáng tác” rất tài. Sự thật như sau: Khi tiến hành họp bộ môn giới thiệu nhân sự, mặc dù khi ấy Lê Hoài Nam đã bị phe Trịnh Quang Khanh và Trần Đắc Trung dùng đủ mọi thủ đoạn hạ uy tín, nhưng bộ môn Thơ vẫn giới thiệu đề cử Lê Hoài Nam với số phiếu tín nhiệm cao nhất.

Sau đó mấy hôm, bộ môn Văn xuôi họp, anh em hội viên phát biểu bộc lộ sự tín nhiệm Lê Hoài Nam vẫn chiếm đa số, người ta vội vàng cho hoãn cuộc bỏ phiếu.

Sau đó họ khai trừ Lê Hoài Nam xong mới cho họp lại. Trong cuộc họp sau ấy Lê Hoài Nam không được mời nên nó diễn biến thế nào, Lê Hoài Nam không được biết. Đặng Hồng Nam nghe thấy Lê Hoài Nam  “nổi đóa” khi nào vậy?

Đặng Hồng Nam về Hội Văn nghệ năm 1983, tôi về năm 1987; nghĩa là tôi và Đặng Hồng Nam sống với nhau khá lâu, tuổi chỉ chênh nhau hai năm. Không tri tâm, tri kỷ, cũng không hề sơ khoáng.

Có thể coi bạn bè, đồng nghiệp của nhau. Đặng Hồng Nam viết tôi “ăn nói văng mạng” và anh coi đó là nhược điểm lớn nhất của tôi, quả có thế thật, nhưng đó là thời tôi 35-40 tuổi.

Người làm văn tuổi ấy sẽ không ai không có chút “bồng bột nghệ sĩ”. Nhưng từ khi bước sang tuổi tri thiên mệnh, vốn sống dầy lên, vốn văn hóa cũng dầy lên thì tôi đã biết thế nào là nỗi sợ.

Sợ nhân tình thế thái. Sợ linh khí của trời đất. Sợ tiền oan nghiệp chướng. Muốn nói điều gì dễ gây tổn thương người khác phải uốn lưỡi ba lần mới dám phát âm. Vì thấm nhuần lời dạy của tiền nhân: Lời nói đọi máu, Đặng Hồng Nam ạ.

MỚI - NÓNG