Về cuốn sách đầu tiên đạt Giải thưởng sách Vàng

Về cuốn sách đầu tiên đạt Giải thưởng sách Vàng
Nếu bạn đã có "Hà Nội băm sáu phố phường" và "Thương nhớ Mười hai” thì chưa phải là bạn đã biết đủ về Hà Nội. Bởi vì còn có một Hà Nội lãng đãng và thân thiết trong “Chuyện cũ Hà Nội'' của Tô Hoài.
Về cuốn sách đầu tiên đạt Giải thưởng sách Vàng ảnh 1

Nhà văn Băng Sơn ngay sau khi đọc “Chuyện cũ Hà Nội'' của Tô Hoài đã vội vã thốt lên: “Thế hệ trẻ trên dưới 40 tuổi sẽ không biết gì về Hà Nội nếu không đọc bộ sách này''.

Băng Sơn là người gười hàng chục năm nay vẫn được tôn vinh là một trong vài nhà văn viết hay nhất, sâu lắng nhất về Hà Nội. Đánh giá của ông là tinh tường vì  bộ sách “Chuyện cũ Hà Nội'' của Nhà văn Tô Hoài đã vượt lên hơn 110 cuốn sách lọt vào vòng chung kết để nhận Giải Vàng sách hay.

Phát biểu với chúng tôi ngay trước khi diễn ra lễ trao Giải thưởng sách Việt Nam lần đầu tiên, một vị lãnh đạo đầu ngành của Thủ đô đã nói: "Mình thuộc diện rất mê tìm hiểu lịch sử mảnh đất Thăng Long này, vậy mà khi đọc bộ sách tưởng như viết về những điều đã cũ này lại không thể dứt ra được. Toàn là những kiến thức rất mới về Hà Nội xưa chưa từng được viết lại. Đọc xong lại thấy rất phục sự uyên thâm và cả cái duyên kể chuyện lôi cuốn của Tô Hoài''.

Bộ sách gồm 2 cuốn dày gần 1.000 trang viết về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX: đủ lớp người, đủ cảnh, đủ tình, lời ăn tiếng nói, khuôn mặt, dáng điệu, cảnh lao động, cảnh chơi bời,... Tất cả hiện lên như một cuốn phim quay chậm về Hà Nội năm sáu mươi năm trước.

Những câu chuyện tưởng như không đâu vào đâu, không đầu không cuối, không chương mục như một bộ lịch sử, không hư cấu như một tác phẩm văn học mà toàn cảnh thật - việc thật - người thật. Như là hồi ức, lại như lời tâm sự.

Cứ thế những mẩu chuyện của Tô Hoài hé lộ những bí mật về một Hà Nội thanh lịch, phồn hoa và lam lũ, một Hà Nội đã chìm khuất, đã thay đổi dữ đội, có nhiều hình ảnh đã hoàn toàn mất hẳn.

Nếu không đọc bộ sách này thì không biết được tại sao phố Thuỵ Khê lại

Về cuốn sách đầu tiên đạt Giải thưởng sách Vàng ảnh 2
Nhà văn Tô Hoài

có con dốc với ngã ba gọi là dốc “Tam đa''. Đó là vì có xưởng sản xuất đặt bộ tượng Tam Đa trên nóc cổng.

Đọc sách, nhiều người mới biết ngay phố Hàng Da, phố Thợ Nhuộm thời đó còn hoang vu, còn nhiều bãi cỏ mênh mông. Phố Bà Triệu còn gọi là phố Hàng Kèn, hồ ao chưa lấp hết.

Hoặc chuyện bờ Hồ Gươm có cây đa, rễ bò quanh nổi hằn lên mặt cỏ, gốc già xù sì trông giống hình chữ “N' viết hoa. Cây đa mới bị bão quật đổ cách đây gần hai chục năm, nó đã đi vào thơ của Nguyễn Hà;...

Hay lối sống kẻ chợ hiển hiện qua chuyện nhà cô Ba Tý ở Hàng Bạc ra sao, cảnh các nhà hát ả đào ở Hàng Giấy, Vạn Thái, Khâm Thiên dập dìu như thế nào; Cảnh các Ấn kiều mở cửa hàng san sát bán vải ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào chiều khách ra sao;...

Không bình luận gì nhiều, không khoe chữ, không dùng đến kỹ thuật nghề nghiệp của một nhà văn lão thành để khơi gợi người đọc nhưng Tô Hoài vẫn tạo được những ấn tượng rất sâu đậm qua mỗi câu chuyện.

Đáng quý hơn cả là đằng sau những câu chuyện rất thật ấy, người đọc bị mê hoặc bởi cái tình của ông, bởi cách cảm thụ cuộc sống sâu sắc của ông. Ông tiếc thương từng gốc cây, nhớ từng vết sứt sẹo trên mỗi đoạn đường, nhớ cả thói quen nhìn tiện phở để biết giờ giấc về đêm,....

Phần viết về ngoại thành, quê ngoại của ông có đôi chút nặng hơn phần nội ô, được ông ưu ái dành ngòi bút tài hoa và cẩn trọng nắn nót gợi lên bao kỷ niệm, bao phong tục quý báu của Hà Nội.

Viết về những cái đã qua, những điều đã chìm khuất theo thời gian chính là để khẳng định không gian ấy, tập quán ấy, nét văn hoá ấy đáng gìn giữ lắm, đáng coi là di sản văn hoá cho muôn đời sau.

Nếu bạn đã có trong tay “Hà Nội băm sáu phố phường'' đáng để nhìn ngắm của Thạch Lam hoặc Hà Nội đầy hoài niệm trong “Thương nhớ Mười hai” của Vũ Bằng'' thì chưa phải là bạn đã biết đủ về Hà Nội. Bởi vì còn có một Hà Nội lãng đãng và thân thiết trong “Chuyện cũ Hà Nội'' của Tô Hoài.

Hoàng Hoa

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.