Về “cuốn sách thế kỷ” của người Pháp

Về “cuốn sách thế kỷ” của người Pháp
TPCN - Hoàng tử nhỏ hiện là tác phẩm văn chương được đọc nhiều nhất hành tinh với 80 triệu bản sách đã tiêu thụ được qua 150 ngôn ngữ loài người. Nó đã trở thành một huyền thoại.
Về “cuốn sách thế kỷ” của người Pháp ảnh 1

“Chuyện cổ tích trong đời thường”, quả thật không mấy áng văn thơ kiệt xuất đạt được tầm cỡ này.

Huyền thoại đó lại không tĩnh lặng và cố định vào một hình thức như nhiều huyền thoại khác mà mỗi ngày một nảy nở tốt tươi như chính đời sống muôn phương.

Một mặt của huyền thoại đang được nhắc tới nhiều là nó ra mắt bằng tiếng Anh ngày 6 tháng ba năm 1943 ở New York, Hoa Kỳ (The Little Prince, Nhà xuất bản Reynal & Hitchcock). Gần đồng thời, Nhà xuất bản này cũng công bố bản tiếng Pháp của Antoine de Saint - Exupéry.

Ba năm sau, Hoàng tử nhỏ mới chào đời ở CH Pháp, Tổ quốc tác giả.

Chuyện hi hữu cứ như sự dàn xếp định mệnh vô hình trung đưa ra một ý nguyện chung vẫn rất thời sự. Ấy là bao dung và hòa hợp giữa đông và Tây, giữa phát triển và lạc hậu, giữa giầu và nghèo. Trong công cuộc hòa dịu đó, văn hóa nói chung và văn chương nói riêng là cầu nối hữu hiệu nhất.

Được nhân dân Pháp bầu chọn là “cuốn sách của thế kỷ”, bài thơ ngụ ngôn bí hiểm này hóa thành một kiểu “kinh thánh thế tục” cho hàng triệu người khắp hành tinh. Nó là linh hồn của một thần kỳ ở xứ sở Hoa anh đào.

Năm 1953, Hoàng tử nhỏ được dịch sang tiếng Nhật. Khoảng sáu triệu bản đã bán được ở đây. Bây giờ, mỗi năm, độc giả mua thêm không dưới 150.000 bản.

Đa phần người đọc Hoàng tử nhỏ ở đất nước mặt trời mọc là trẻ em vị thành niên. Rất nhiều người đọc lại tác phẩm ở tuổi trưởng thành. Thông điệp của cuốn sách Pháp được yêu thích nhất ở đây - chủ yếu về tình bạn và tình yêu qua những biểu tượng phần lớn bí ẩn - rất gần gũi với bản tính Nhật Bản.

Một trong những biểu hiện của thần kỳ Hoàng tử nhỏ ở xứ sở hoa anh đào là Bảo tàng Antoine de Saint - Exupéry ở chân núi Fuji (Phú Sỹ) tại Hakone.

Khởi xướng và tìm cách xây dựng bằng được Bảo tàng là bà Akiko Toru, một trong hàng triệu độc giả Nhật. Ở tuổi lên chín, bà phát hiện cuốn sách nhỏ khi đang nằm điều trị trong một bệnh viện. Từ đó, nó là kinh thánh của bà, và song hành cùng bà cho đến nay.

Năm 1987, bà được giao trọng trách quản lý và làm sống động tất cả những sản phẩm in dấu ấn của Hoàng tử nhỏ ở đất nước mặt trời mọc.

Tức thì, bà nảy ý tạo ra một địa chỉ làm sống lại tinh thần của cậu bé mà hầu ai cũng tôn thờ. Nhưng ước mơ của bà mười một năm sau mới được thực hiện, nhờ sự trợ giúp của đông đảo bạn đọc Nhật Bản và của những người thừa kế Saint - Exupéry.

Đó là bảo tàng mang tên nhà văn, mà trung tâm là “bản sao” lâu đài tuổi thơ của ông ở Saint-Maurice-de Réme, gần Lyon, tiếp đó là các phòng làm việc của ông ở Buénos - Aires, Mũi Juby (Maroc), New York.

Nhiều kỷ vật của nhà văn được lưu giữ ở đây. Xung quanh bảo tàng là những con đường núi uốn lượn mà mỗi chặng được đánh dấu bằng một hình tượng xây cao của Hoàng tử nhỏ.

Bước đến đầu đường, du khách đã sống một thế giới khác, khi lần theo từng chặng đi của cậu bé thân thương. Khánh thành tháng sáu năm 1999, Bảo tàng duy nhất dành cho Antoine de Saint - Exupéry ở ngoài Tổ quốc ông hàng năm đón tiếp không dưới nửa triệu người.

Cuốn sách nhỏ ẩn giấu nhiều bí mật cần khám phá, tương tự một trò chơi ú tim luôn phong phú mãi lên và càng chơi càng bị lôi cuốn. Cái chết của Saint - Exupéry ngày 31 tháng bảy 1944 trong chuyến bay trinh thám ở vùng biển Địa Trung Hải là một bí mật lớn vẫn đang được tiếp tục “chọc thủng” trong kính phục, tiếc thương và buồn phiền.

Ngay cả các nhà nghiên cứu cũng sửng sốt trước một bất ngờ thi vị. Mãi gần đây, người ta mới vỡ lẽ ra rằng trước khi bắt tay vào viết Hoàng tử nhỏ vào mùa thu 1942 ở Hoa Kỳ, hình ảnh cậu bé hoàng tử được Antoine de Saint - Exupéry vẽ không biết bao nhiêu lần trong nhiều năm ròng ở nhiều nơi, trên bất cứ thứ gì, khăn trải bàn, bên lề trang sách, cuối các bức thư...

Hình ảnh cậu bé thân thiết với vợ ông đến nỗi, trong một bức thư gửi một họa sỹ năm 1939, vợ ông Consuelo vẽ ở mặt sau trang giấy một hoàng tử nhỏ giống hệt bà.

Mùa hè 1942 ở New York, ban đêm ông thường đọc chuyện cổ Andersen. Rồi trong một bữa ăn trưa cùng vợ chồng ông chủ nhà xuất bản vẫn in sách của ông bấy giờ lưu vong ở Mỹ, Saint - Exupéry theo thói quen lại vẽ hoàng tử nhỏ lên khăn trải bàn.

Về “cuốn sách thế kỷ” của người Pháp ảnh 2

Nhà văn phi công Antoine de Saint-Exupéry

Ông chủ xuất bản thích thú nhìn và đề nghị nhà văn viết một câu chuyện về chú bé ngộ nghĩnh. Thế là Saint - Exupéry dứt khoát bắt tay vào tập truyện về sau trở nên một kiệt tác của văn học toàn cầu.

Antoine de Saint - Exupéry dòng dõi quý tộc, sinh ngày 26 tháng sáu 1900 ở Lyon, trong một gia đình có năm con. Mẹ ông là một phụ nữ mẫu mực, hết mực thương con, am tường âm nhạc và văn học.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ I, bà làm y tá phục vụ mặt trận. Bà là một nguồn quan trọng hun đúc nên phẩm cách của Saint - Exupéry. Hai em ông chết bệnh khi còn trẻ.

Ông luôn luôn gắn bó với mẹ và các em, có điều kiện thì giúp đỡ hết lòng chị em ruột thịt. Học không tốt chương trình trung học phổ thông, ông thi hai lần vào đại học Hàng hải, nhưng không đỗ.

Ông vừa học đại học Mỹ thuật, vừa học lái máy bay. Sau đó, ông tình nguyện gia nhập không quân năm 1926. Rồi ông vào làm cho các hãng hàng không dân dụng chuyên vận chuyển thư tín giữa Pháp và các vùng đất xa xôi.

Công việc này thời ấy yêu cầu tính kỷ luật cao, lòng dũng cảm lớn và sự quên mình. Antoine de Saint - Exupéry phải nỗ lực rất nhiều để từ bỏ những nhược điểm và tật xấu của bản thân, nhằm thích ứng với công việc vất vả nhưng rất hữu ích này.

Không ít lần, các phi công phải đỗ xuống giữa đường, ở sa mạc châu Phi, đối đầu với bão tố, lụt lội, cướp bóc... Song hạnh phúc được đền bù là vô bờ. Đem thật nhanh tin tức, sự quan tâm của con người đến con người, niềm vui ấy không cho phép các phi công nản lòng hay chùn bước. Có người đã mất mạng trong khi bay. Có người gặp tai nạn tưởng đành phó mặc, song nhất quyết phải sống để trở về.

Người lãnh đạo phải sắt đá. Người lao động không được phép yếu mềm. Đạo lý mà nền tảng là tình yêu thương là kim chỉ nam cho tất cả. Môi trường này thôi thúc Antoine de Saint - Exupéry thổ lộ những tâm sự của ông, xuất phát từ những công việc ông làm và từ những người chung quanh.

Văn chương đúng nghĩa đến với ông như một tất yếu. Văn ông tuồng như lạc lõng giữa bao nhiêu tìm tòi của văn đàn đương thời. Nó không khác những chuyện mà dân thường vẫn kể hay nói với nhau khi gặp gỡ, cùng lao động hay vui chơi. Những chuyện ấy bao giờ cũng hàm ý một chút gì. Điều này giải thích rõ nhất sức hấp dẫn của các tác phẩm của Antoine de Saint - Exupéry, đặc biệt là Hoàng tử nhỏ.

Gần đây, các chuyên gia phát hiện được cội nguồn sâu xa của niềm đam mê “bay” của ông. Cha ông mất khi anh em ông còn nhỏ. Mẹ ít nói về đau khổ này. Ông tưởng tượng cha biến thành núi non quê ông. Muốn tìm hiểu cặn kẽ núi non ấy, nhất thiết phải biết bay lên trên núi như chim...

Khi nội chiến Tây Ban Nha nổ ra năm 1936, ông bỏ hết để sang đó viết phóng sự lý giải và bày tỏ thái độ. Đại chiến II, ông lên án các tội ác và phi lý của bom đạn.

Do bị tai nạn máy bay từ trước, ông sang Hoa Kỳ “ tạm lánh” năm 1940, rồi viết Hoàng tử nhỏ. Giữa 1943, dù sức khỏe kém, tuổi quá hạn nhập ngũ, ông vẫn xin về phục vụ trong không quân.

Cuối năm ấy, nguyện vọng của ông được chấp nhận. Ông lái máy bay trinh sát nhiều lần cho đến khi mất tích ngày 31 tháng bảy 1944. Bí mật này cũng như một tiền định không thể tách rời những con người ưu tú và những sự nghiệp lẫy lừng. “Cái đẹp là sự giản dị”. Câu nói bất hủ của Léon Tolstoi vĩ đại thật nghiệm với văn chương của Antoine de Saint - Exupéry vậy...  

Phú Khê
Tổng hợp

MỚI - NÓNG