Về làng 'chém lợn' ngày giáp Tết

Chờ nghi lễ chém lợn tại sân đình (ảnh tư liệu).
Chờ nghi lễ chém lợn tại sân đình (ảnh tư liệu).
TP - Tục chém lợn cúng thành hoàng làng Ném Thượng đang bị “soi” triệt để. Báo chí nói nhiều, phóng viên xuống nhiều khiến những người dân của ngôi làng mới lên phố này trở nên e dè. Đả động chuyện chém lợn, có thể thấy rõ sự bức xúc lo ngại tục chém lợn sẽ bị cấm.

“Không chém lợn thì mất lễ

Ném Thượng xưa là làng, dân làng hay gọi tắt là làng Thượng, thuộc xã Khắc Niệm. Nay lên phố, gọi là khu phố Thượng, thuộc phường Khắc Niệm.

Về Ném Thượng sát ngày ông Công ông Táo,  thấy không khí trầm lắng dù thỉnh thoảng có người chở trên xe máy vài món đồ xanh xanh đỏ đỏ. Vừa định hỏi hai phụ nữ thì nghe hỏi ngược lại: “Chú là phóng viên à?”. Nhớ lời ông Nguyễn Đình Lợi, thuộc Mặt trận Tổ quốc khu phố, phó Ban tổ chức lễ hội Ném Thượng: “Phóng viên về đây tôi tiếp mười lăm, mười sáu đoàn rồi”.

Hỏi chuyện chém lợn, hai phụ nữ nói thẳng: “Chém lợn là hồn cốt của lễ hội, bỏ sao được”. Hỏi tên, họ không đáp. Nghe ông Lợi kể, trong buổi làm việc giữa các bậc bô lão trong làng với đại diện phường Khắc Niệm, đó cũng là ý kiến của nhiều người.

Cuối buổi làm việc đó, chỉ còn người làng với nhau, dăm cụ nán lại gặng bằng được: Năm nay có được khai đao chính giữa sân đình hay không. Và cho rằng đưa “ông ỉ” qua mé tây đình làm cỗ ngọc lễ thành thì chẳng còn ý nghĩa gì hết.

Tóm được một thanh niên đang vội vã, anh này nói luôn: “Bọn em nhìn quen rồi nhưng bỏ cũng được anh ạ”.

Ông Lợi dẫn tôi tới nhà ông Vũ Quang Tự từng nhiều năm giữ vai chủ tế. Vào bữa cơm lại nói chuyện chém lợn không hay nên ông Tự đứng luôn ở sân trao đổi.  “Chúng tôi không đẻ ra tục mà chỉ học theo đức thánh có công lập ra làng này. Đức thánh ngày xưa chém lợn (rừng) khao quân thì chúng tôi cũng làm như thế để lễ thánh”.

Theo ông Tự thì để duy trì cuộc sống, con người phải làm thịt vật nuôi: “Làng này xưa nay vẫn thế. Nói chém lợn của chúng tôi là dã man thế đấm bốc vỡ mày vỡ mặt, chết người thì sao?”. Và: “Đức thánh bảo vệ làng nên con cháu phải lễ tế đúng tục lệ truyền thống. Con lợn cúng tế được suy tôn là “ông”, được nuôi dưỡng cẩn thận sạch sẽ”.

“Người ta có câu “đầu xuôi đuôi lọt”. Năm mới cố gắng bỏ hết những vướng mắc trong năm, mong cho nhau điều tốt đẹp nhất. Lễ hội khu phố Thượng là tốt đẹp giúp cộng đồng dân cư xích lại gần nhau hơn. Riêng tục chém lợn thì nên thay đổi nhưng cần sự đồng thuận của người dân”. 

Đại diện chính quyền phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh

Ông Tự cũng giải thích việc người Ném Thượng phần đông vẫn ủng hộ tục chém lợn: “Làng Thượng ngày xưa vắng người, cuộc sống khó khăn. Những năm gần đây kinh tế phát triển, đám thanh niên học hành đỗ đạt nhiều nên người dân tin tưởng vào âm đức, sự phù hộ độ trì của thành hoàng làng”. Cho nên người dân lo rằng nếu bỏ lễ chém lợn sẽ dẫn tới điều không hay. “Không phải hủ tục mà là lễ hội truyền thống”, ông Tự khẳng định, “Không có chém lợn thì mất lễ”.    

Chia tay ông Tự, theo chỉ dẫn của ông, tôi nhờ anh xe ôm lần theo con đường rước lợn xuất phát từ cửa đông đình làng vòng quanh chân hai ngọn núi rồi quay trở lại cửa tây đình làng. Gần ba cây số, mất khoảng ba tiếng chứng tỏ đám rước rình rang, long trọng đến mức nào.

Ông Lợi cho biết: “Hội làng Thượng không chỉ có chém lợn mà còn nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, thả chim, đánh cờ tướng tới hiện đại như đu quay, nhà hơi”. Dĩ nhiên dân Kinh Bắc đâu thể thiếu quan họ. Hát giao duyên dưới thuyền rồng, hát đối trên bờ, “vui như trảy hội”. Nhưng hát hò gì thì khi đám rước về cũng dừng ngay lại để chờ nghi lễ khai đao.

Không chấp nhận đổi thành “Lễ rước lợn”

Qua trao đổi với đại diện chính quyền phường Khắc Niệm và tìm hiểu thông tin từ Sở VH-TT&DL Bắc Ninh thì cho đến giờ phút này, đang ở tâm điểm của dư luận, dân Ném Thượng không chấp nhận đổi tên lễ hội của họ thành “rước lợn” như gợi ý của chính quyền.

“Chúng tôi đang định hướng để cộng đồng dân cư tổ chức hoạt động cho hài hòa, phù hợp với xã hội đương đại”, đại diện phường sở tại cho biết, “Về chuyện bỏ chém lợn chắc năm nay chưa làm được. Sang năm dự kiến chúng tôi mời một số nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước về lễ hội về trao đổi để có giải pháp tối ưu”.

Hai năm nay, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh phối hợp chính quyền phường vận động người dân dịch địa điểm khai đao sang mé tây đình. Năm nay cũng thế.

Trước, khách tới dự lễ, công đức nhận được tờ chứng nhận đề hai chữ “chém lợn”. Nay không có nữa.

Việc dùng tiền nhúng máu lợn vẫn được nhiều người dân nơi đây coi là may mắn, có người còn đặt lên bàn thờ để cầu tài lộc, sức khỏe. Mà khách thập phương cũng không thiếu người cố gắng có được đồng tiền như thế.

“Mé tây đình ba mặt tường ngăn, mặt nam che bạt ngăn tầm mắt, dựng hàng rào, không phận sự miễn vào”, đại diện ban tổ chức kể về lễ khai đao năm ngoái, “Vậy mà người ta vẫn xô đổ hàng rào, trèo tường xông vào. Có người còn trèo cây xà cừ, gẫy cành, ngã trên cao xuống, may không việc gì”.

Theo ông thì đám hỗn quân hỗn quan đó, dân địa phương ít (vì đã được tuyên truyền vận động), khách thập phương nhiều. Cho nên dân làng Thượng đang cậy nhờ phía phường, thành phố hỗ trợ về mặt an ninh vì lo rằng năm nay còn đông hơn năm ngoái.

Một cụ cao niên tôi gặp trước khi rời làng: “Rước thì lúc nào chả rước. Chém lợn mới là truyền thống của dân làng này!”.

MỚI - NÓNG