Về một thời ông Vợi “có vấn đề”

Về một thời ông Vợi “có vấn đề”
TPO - Tôi là học trò của thầy Nguyễn Bùi Vợi từ năm 1966. Theo sự hiểu của tôi cũng như các thầy, các bạn tôi (những người quen biết Nguyễn Bùi Vợi) từ khi đó đến nay thì Thầy là một trong những mẫu mực cần cù, ham học hỏi; tính bộc trực; hết mình vì công việc, trọn đời theo Bác Hồ.

Nhưng ai nấy rỉ tai nhau (mà không ai dám hỏi vì sợ Thầy buồn) rằng ông này bị "phốt chính trị" gì đó từ những năm 50 (thế kỷ trước) nên đường công danh nhiều lận đận.

Tôi quen nhà giáo Đỗ Thị Từ, người bạn đời của Thầy - đã hơn 20 năm, cũng chưa dám hỏi. Nay tôi thấy, mình "chưa dám hỏi" nghĩa là mình có lỗi. 

- Thưa cô, chúng em vẫn nghe qua hãng tin "vỉa hè" rằng Thầy Vợi  một thời bị coi là "có vấn đề" ghê lắm về chính trị, suýt đi tù. Sự thật đó ra sao, thưa cô.

- Theo tôi biết thì ông Vợi bị chụp ba "tội".

Tội thứ nhất, "lập trường tư tưởng đã không vững vàng lại hay cãi ngang".

Năm 1956, đang học sư phạm ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), nhận được thư bạn cùng xóm ở quê gửi sang báo tin cha bị quy "Quốc dân đảng" trong cải cách ruộng đất, Đoàn viên (Thanh niên Lao động Việt Nam) Nguyễn Bùi Vợi đã báo cáo tổ chức. Thế là phải nghỉ học một tuần để viết kiểm điểm, kể "tội ác" của cha.

Trong bản kiểm điểm đã không kể được tội ác gì, vẫn gọi là "cha tôi", không gọi là "thằng phản động" nên bị đánh giá là không vững lập trường công nông, bị đề nghị không cho thi tốt nghiệp. May được giáo sư Hoàng Như Mai (lúc ấy là hiệu trưởng) can thiệp, vẫn cho học, dự thi ra trường như bình thường. Bắt đầu bị "lườm nguýt" từ đó.

Tội thứ hai: "Kiêu căng, coi thường cấp trên, coi thường quần chúng".

Học xong, về nước, dạy trường Sư phạm Cầu Giấy Hà Nội (Khóa sơ cấp một năm 1956 - 1957), dám "cãi"ông Vụ trưởng Sư phạm của Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) khi ông này đến trường kiểm tra giờ.

Tội thứ ba, cũng tày trời khi đó: Yêu học trò (là tôi).

Từ đó về sau (lên dạy trên Vĩnh Phú), mặc nhiên bị người ta xì xào. Từ lãnh đạo đến quần chúng đều nhìn ông Vợi trong cái rọ "nhân văn giai phẩm". Mặc dù ông Vợi chẳng có chữ nào viết cho các tờ Nhân văn, Đất mới.

Suốt 20 năm, trong môi trường tỉnh nhỏ, bị…hấm hứ, bị hành lên hành xuống - giao những việc khó khăn, cực nhọc nhất, nhưng hầu hết lúc đạt kết quả tốt lại không được ghi nhận xứng đáng. Có vài ba người nhìn thấy, nhưng… vẫn không được công nhận.

Đến nỗi, năm 1973, được giao làm Ủy viên thư ký Ban vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú, ông Vợi lăn lộn ngày đêm, tận tâm tận lực gây dựng phong trào văn nghệ, đến Đại hội thành lập Hội, lãnh đạo địa phương chỉ đạo giới thiệu 21 đại biểu để bầu BCH gồm 21 vị, không có tên Nguyễn Bùi Vợi. Đại hội đòi bổ sung, không được.

Ông Vợi cũng được gợi ý "xin" rút. Căng đến nỗi tất cả các đoàn đại biểu Văn nghệ Trung ương và các tỉnh phía Nam (Bấy giờ chưa thống nhất đất nước nhưng trong Nam đã có nhiều tỉnh cử người ra Bắc học tập, dưỡng bệnh, đợi đi nước ngoài…) đều bỏ dở Đại hội, ra về trước lúc bầu BCH, theo ý bất bình của ông Bảo Định Giang (Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam).

Ông Bảo Định Giang đã đề nghị một cán bộ cấp cao hơn nữa có ý kiến, thu xếp cho Nguyễn Bùi Vợi về một cơ quan văn nghệ nào đó ở Trung ương. Vì Bảo Định Giang là quân cũ của Đài TNVN nên mới đưa được Nguyễn Bùi Vợi về đây từ năm 1976.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.