Về Phan Thiết ăn đặc sản bình dân

Về Phan Thiết ăn đặc sản bình dân
TP - Một ngày nắng, gió Phan Thiết như đem theo cái khô rang của cát nóng làm ngột ngạt mãi cho đến khi chúng tôi nhìn thấy biển.
Về Phan Thiết ăn đặc sản bình dân ảnh 1
Du khách có thể thưởng thức đặc sản ngay sát bờ biển

Từ Phú Hải chạy xuống, biển xanh ngăn ngắt như một tấm gương khổng lồ, anh bạn đi chung đoàn nói: “Trời càng nắng, biển càng xanh, thả chiếc nhẫn hột xoàn xuống dòm biết mấy ly”.

Nghe mắc cười nhưng chẳng ai cãi lại vì các cô chung đoàn không dám thả thử chiếc nhẫn mình đang đeo xuống biển. Dọc đường Phan Thiết – Mũi Né là hàng loạt resort và bar đẹp tuyệt vời, dừa xanh, cát trắng, thảm cỏ xanh rì tạo nên một cảm giác mát mẻ và thư thái thật sự.

Chỉ nhìn sơ qua cũng biết khu này khách nước ngoài ở rất nhiều vì đến tên nhà thờ cũng bằng hai thứ tiếng “Rang Church” – Nhà thờ Rạng.

Dù đến nơi cũng khá trễ nhưng chúng tôi cũng tranh thủ ra biển. Trước mặt tôi, người dân địa phương đang cào lưới. Họ lội ra khoảng mấy chục mét rồi thả lưới xuống biển. Khi kéo đến gần bờ thì trời đã nhá nhem tối.

Có ba bốn người cho một tấm lưới dài khoảng 20m. Khi lưới đã được kéo lên, một người đàn ông vội cầm đèn ra soi cho những người còn lại gỡ lưới.

Họ đang tìm cá mú con để bán cho những người thả cá giống, bán tại chỗ 4-5000đ một con, tôi nghe họ kể về mẻ lưới buổi trưa, kéo lên được đến 23 con. Chỉ hơn một trăm ngàn cho mấy công làm việc nhưng niềm vui lấp lánh trên từng ánh mắt khi một người xa lạ là tôi – chia sẻ niềm vui với họ.

Trong lưới là lổn nhổn những con sứa, vài con cua cúm, mớ ghẹ nhỏ bằng bàn tay và dăm con cá đối. Có cả mấy chú bạch tuộc bò lổm ngổm trên cát bằng tất cả các đôi râu của mình.

Thật sự đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con bạch tuộc còn sống, lại bò như cua mới lạ chứ! Mặc kệ ánh mắt ngạc nhiên của tôi, anh chàng ngư dân túm lấy mớ bạch tuộc, thả vô thau nước gần đó. Trong thau có sẵn mấy con ốc mỡ đang bơi, xòe ra, cụp vô như những chiếc dù nhỏ.

Chúng tôi lái xe chầm chậm đi ngược theo biển, ra quán “Cây bàng”. Đây là quán ăn nổi tiếng về đặc sản biển với giá bình dân. Quán nằm sát biển, ngồi nơi đây nghe được tiếng sóng vỗ vào bờ ngay dưới chân, xa xa là một nhóm bạn trẻ ra biển ngồi chơi trên những mỏm đá.

Về Phan Thiết ăn đặc sản bình dân ảnh 2
Chợ hải sản sáng sớm

Biển bình yên và tâm hồn con người cũng bình yên. Theo lời giới thiệu, chúng tôi dùng thử món gỏi cá đục. Cá rất tươi được bóp chung với gừng, riềng, chanh và ớt ăn kèm với rất nhiều loại rau thơm.

Có thể xúc cá với bánh đa nướng, bánh đa gạo nướng giòn ăn kèm với cá vừa thơm vừa dẻo, cứ một miếng cá lại thêm mấy cọng rau thơm. Rau răm cay cay, húng quế nồng nàn, dấp cá hơi tanh nhưng hợp nhất vẫn là rau húng lủi và lá đinh lăng đã góp phần làm hương vị miếng cá đục tươi lên hàng tuyệt tác.

Nếu chọn cách cuốn cá với bánh tráng dẻo thì món nước chấm là cả một bí quyết thật sự gây ấn tượng. Không hiểu bằng cách nào mà người đầu bếp lại chế ra thứ nước chấm vừa thơm bơ lại béo vị đậu phộng?

Món nước chấm này làm cho anh bạn đi cùng cứ thừ người ra thưởng thức mà chỉ nói được một tiếng “Ngon!”. Món thứ hai là tôm vỗ nướng. Bạn có biết loại tôm chỉ có một màu nâu từ râu đến đuôi? Con tôm có vỏ dày, xoè ra bằng bàn tay và bơi bằng cách búng ngược người.

Tôi chưa bao giờ thấy những con tôm vỗ lớn như những con được dọn ra bàn. Người phục vụ giúp chúng tôi dùng kẹp kẹp vỡ vỏ tôm, thịt tôm trắng tinh, phần đầu đầy gạch béo ngậy, mùi vỏ nướng cháy thơm quyện vào vị mằn mặn của gió biển làm khung cảnh vừa lãng mạn vừa trần tục.

Buổi tối, chúng tôi trở ra khu phố Tây, nơi có hàng loạt quán bar với những điệu nhạc dìu dặt. Chọn một chỗ ngồi nơi có những hàng dừa cao lộng gió, nhâm nhi ly Bailey, cùng lắng nghe điệu Flamengo, thấy cuộc sống này còn quá nhiều điều tuyệt vời.

MỚI - NÓNG