Về "quê" Chí Phèo

Về "quê" Chí Phèo
Hóa ra Chí Phèo và Thị Nở thật ngoài đời lại chẳng có liên quan tới nhau, và chẳng gắn bó với nhau khăng khít nơi miếu bỏ hoang. Hai nhân vật đó sống động hơn nhiều.

Chí Phèo không yêu... Thị Nở!

Về "quê" Chí Phèo ảnh 1
Chí Phèo - Thị Nở nơi vườn chuối. Tranh: Thành Chương

Làng Vũ Đại ngoài đời (thôn Nhân Hậu, Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam) thật khuất nẻo, cách thị xã Phủ Lý khoảng hơn 40 km, đường xá lại gồ ghề.

Cái tên Vũ Đại trong tác phẩm của Nam Cao bắt nguồn từ chữ đại trong Đại Hoàng (tên cũ của làng Nhân Hậu). Đại Hoàng có nghề dệt vải lâu đời, có giống chuối ngự tiến vua nổi tiếng và giống hồng đặc sản.

Người Đại Hoàng hầu hết, nếu không phải là tất cả, đều mang họ Trần (mẹ và vợ của nhà văn Nam Cao cũng họ Trần). Họ hiền lành, chân chất và ít va chạm với bên ngoài.

Theo lời kể, nguyên mẫu của nhân vật Chí Phèo là một người ngụ cư, từ nơi khác dạt về, ở một thời gian rồi lại đi đâu đó không ai rõ. Ngoài đời đó là một gã đàn ông cục cằn có "tên gốc" là Chí trú trong điếm chợ, ai thuê gì thì làm nấy.

Anh ta hay chớt nhả với đàn bà con gái. Mỗi lần xin được tiền các bà giàu có trong làng, hoặc được trả tiền công thì đều uống rượu say khướt rồi về điếm nằm phèo. Cũng có người nói anh ta hay được thuê mổ lợn, có tài làm món phèo nên người ta mới gọi là Chí Phèo.

Nhưng Chí không rạch mặt ăn vạ, không gây gổ khi say tuy mặt anh ta nom dữ tợn và hay bị người ta đem dọa trẻ con.

Tính cách ghê gớm của Chí trong truyện là được lấy từ  5 - 7 gã nát rượu nổi tiếng trong làng, mỗi gã "góp" một tý. Chí ở ngoài đời không tư thông với bà Ba, không đâm chết Bá Kiến, không rạch bụng tự tử. Và điều quan trọng nhất là anh ta không hề "giao lưu" tình cảm với... người đàn bà có tên Thị Nở.

Thị Nở cũng là một nhân vật có thật. Chị ta chính là mợ của... Nam Cao! Cậu của nhà văn vì nhà nghèo, vì mối lái hay vì lý do nào đó mà chấp nhận kết duyên với cô thôn nữ quá xấu xí và không thật tính.

Thị Nở (đúng là tên như vậy) ngay cả một bữa cơm bình thường cũng không biết nấu cho chồng ăn. Lại hay cười... vô nghĩa.

Nhưng chị ta không tơ tưởng đến gã đàn ông nát rượu. Không chửa hoang mà rất chính chuyên. Thị Nở ngoài đời sinh được một cậu con trai bình thường (người này chết bệnh khi còn trẻ). Đó là tất cả về người đã cho nhân vật của Nam Cao "mượn" tên và tính cách.

Chân dung "người yêu Chí Phèo"

Đó là một người đàn bà sống ở một làng mà ngày nay người ta gọi là thôn Nhân Tiến. Chị ta có chồng, có con. Không hề xấu, không hề vô duyên.

"Kết" với Chí Phèo vì hàng ngày chị ta đi cất trứng ở bên kia sông về qua điếm chợ rất sớm, hay bị gã này chòng ghẹo. Có thể cuộc hôn nhân của chị ta vốn cũng chẳng hạnh phúc gì.

Khi Chí bỏ làng Đại Hoàng đi biệt tăm thì chị này cũng mất tích một thời gian rồi lại trở về với chồng con. Nay thì các con của "chị" cũng đã "trăm tuổi", chỉ còn cháu chắt.

Về nhân vật Bá Kiến ngoài đời

Theo lời kể lại, Bá Kiến ngoài đợi gọi là Bá Bính giàu có, mua được chức nghị viên. Ông ta thâm hiểm khét tiếng, bề ngoài rất mềm mỏng.

Truyện của Nam Cao xuất bản được ít lâu thì tiếng tăm dội về làng. Bá Bính gặp thân phụ của nhà văn, ngọt nhạt: "Ông có phúc đẻ thằng con viết sách chửi cả làng".

Ngoài đời, Bá Bính ốm chết mấy năm sau Cách mạng tháng Tám. Thời Nam Cao làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến ở xã, Bá Bính hễ gặp Nam Cao là lên tiếng chào từ xa, dù ông ta là người hơn tuổi.

Con của ông ta nhiều người tham gia Cách mạng, có cả một vị lên đến chức Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bá Bính có người vợ ba tên là Y., bà ta cũng được gọi là bà Ba như trong truyện. Cũng phốp pháp, nõn nà và đa tình. Quả thật bà ta tư thông với một gã trai là kẻ ăn người ở trong nhà, nhưng không phải Chí Phèo. (Anh Chí ngoài đời chẳng liên quan gì tới nhà Bá Bính).

Bà này chẳng đến nỗi cay nghiệt với người làng. Con cái của bà cũng chẳng đến nỗi nào. Tuy nhiên, năm 1954, do nghe những lời đồn đại về sự trừng phạt đối với cường hào ác bá mà bà ta hoảng loạn, treo cổ trên cành nhãn.

Theo Trần Quang Vinh
Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG